Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
(TT&VH Cuối tuần) - Làng Triều Khúc có tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ. Tên gọi “Đơ Thao” thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, Thượng Hà Tây cũ (nay là xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Làng nổi tiếng bởi những dấu ấn văn hóa cổ như các đạo sắc phong, câu đối, tục múa rồng, nói trạng... và lễ rước Bố Cái đại vương Phùng Hưng (thế kỷ XVII). Đặc biệt, Triều Khúc chính là nơi sinh ra nghệ thuật múa trống bồng, điệu múa chỉ được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong dịp hội làng đầu xuân.
Gọi là làng cho “quê” chứ thật ra Triều Khúc chẳng thua kém trung tâm Hà Nội là bao nhiêu. Trong cái ồn ào tấp nập của người, xe qua lại là sự đằm lặng của những dấu tích cổ xưa đã nhá nhem vết cày xới của thời gian và cả sự vô lối của chính con người. Dừng chân bên đình Sắc, trốn chút gió lạnh đầu đông châm trích thịt da, chúng tôi men theo đường cổ lát gạch tìm đến nhà cụ Bùi Văn Tốt, lòng cứ thắc thỏm một mong cầu, rằng cụ vẫn mạnh khỏe, vẫn còn đưa chân, khoát tay, vỗ gió vào mặt trống, lả lơi điệu “đĩ đánh bồng” (tên gọi khác của điệu múa trống bồng) đường hoàng như thuở đương trai...
Quá trưa, chúng tôi có mặt tại nhà cụ Tốt. Căn nhà hai tầng khang trang nằm khuất sâu trong một con ngõ hẹp chỉ đủ hai người đi. Cháu ngoại cụ nghe có người gọi tên ông dẫu đang say chơi ô ăn quan cùng lũ bạn cũng nhanh nhẹn chạy ra mở cổng mời chúng tôi vào. Cụ Tốt đang ngồi sắp bằng trên phản, hai tay đặt ngửa trên đùi giống như một vị tu hành đang ngồi thiền. Cụ bị nhãng tai nên phải “chào như thét vào tai” cụ mới mấp máy môi: “Lại đến rủ rê ra đình chọi cờ phỏng? Tôi mệt, để hôm khác đi”. (Cụ tưởng mấy người già đến rủ ra đình đánh cờ tướng). Cháu gái cụ đang chơi ô ăn quan cùng các bạn dõng dạc nói thay lời chúng tôi: “Không ạ. Ông ơi! Chú cô, ở đâu ý, đến muốn xem ông múa gì á”. Nghe cháu gái nói vậy cụ Tốt “phá thiền” nhanh nhẹn hẳn. Cụ tháo kính, nheo mắt nhìn khách lạ rồi chào bằng một vòng cuộn tay trước ngực, cua một vòng chân, miệng nhại tiếng trống bồng: “Bông... bông... bồng... bông...”.
Cụ Bùi Văn Tốt sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân nghèo, người gốc làng Triều Khúc. Vợ chồng cụ Tốt có cả thảy 5 người con, 2 trai, 3 gái. Vào những năm 1945 của thế kỷ trước, hai người con trai của cụ đã chết vì đói, chỉ còn lại ba người con gái. Ở làng, cụ Tốt thuộc vào người có phúc nhất bởi không ai, thậm chí ngay cả bản thân cụ cũng không thống kê nổi cụ có bao nhiêu cháu, chắt và cả chút nữa. Cụ quên hết thảy mọi thứ, quên tuổi mình, quên cả khuôn mặt cha mẹ, anh chị em mình vì ngày cha mẹ mất cụ còn nhỏ quá, anh em thì lưu lạc mỗi người một nơi. Cái duy nhất cụ Tốt nhớ được đó không gì khác chính là điệu múa bồng. Nói như con gái ông thì múa bồng là một phần hồn vía trong con người ông rồi. Nếu các con, các cháu muốn nghe chuyện cũ của làng, chỉ cần khơi mào bằng chuyện múa bồng, thể nào ông cũng phát tay vào đùi kể liền mạch không dứt. Cụ Tốt kể: “Ngày nhỏ, cha mẹ cho tôi đi học nhưng vì thấy nhà nghèo nên xin được ở nhà phụ giúp công việc cùng mọi người. Với lại ngày nhỏ ngại đi học lắm vì “cái chữ nó không biết mình là ai”, hình ảnh ông giáo ngày ấy giống như một ông quan làng đầy quyền uy nên rất sợ. Bù lại, với điệu múa bồng truyền thống của làng thì tôi lại quên ăn quên ngủ vì nó. Tôi học nhiều nhưng không với ai cả mà tự mình luyện cho mình. Tôi vốn là tay đánh thanh la phục vụ hội múa bồng chứ nào đâu dám mơ đến việc có chân trong cặp múa. Vì rằng, những người nam giới được chọn để giả gái cho múa bồng phải là con nhà có văn hóa ,có học trong làng mới được chọn vào. Thế nhưng, không được vào cặp múa cũng có cái hay khi hầu như tất cả những điệu bộ, đường đi của tay, bỏ bộ của chân và điệu “lẳng lơ như đĩ” tôi đều ghi vào trong trí nhớ, mỗi khi hứng thú chả kể là giữa chợ hay ngoài đồng lại “xuống thế” múa bồng như một võ sinh đang đi những đường quyền uyển chuyển không sai lấy một ly, được nhiều rất nhiều người khen ngợi”.
Huy Thông - Yên Khương
www.thethaovanhoa.vn
Rời nhà cụ Bùi Văn Tốt khi trời đã chạng vạng mặt người. Định ra về nhưng vì quá tò mò với 2 câu thơ cụ Tốt đọc khen “cậu học trò đã sắp nên lão” Triệu Đình Hồng rằng: Thân giai làm “đĩ đánh bồng”/Làng này còn mỗi tay Hồng ấy thôi.., chúng tôi quyết định tìm đến ông, xin tá túc lại một đêm, nhờ ông kể về quãng thời gian 30 năm “ăn cơm nhà vác tù và cho… con đĩ đánh bồng” của làng Triều Khúc.
Ông Hồng và ông Tốt đang biểu diễn điệu múa bồngRẽ ngang, rẽ dọc qua không biết bao nhiêu con ngõ hẹp loạng quạng bóng người, chúng tôi chạm bãi tha ma Triều Khúc. Rẽ trái một đoạn về góc an nghỉ của những người quá cố, đụng một ngôi mộ to như vừa mới kết thì thấy cổng nhà ông Triệu Đình Hồng. Đó là ngôi nhà cấp bốn, đơn sơ với lối thiết kế nội thất theo kiểu cổ nằm ngay cạnh xưởng nhuộm sợi ngày đêm đỏ lửa của con trai ông.
Chúng tôi hỏi ông Hồng, ngoài việc “cấp đạn” cho các diễn viên có khi nào bất đắc dĩ ông phải “làm lính” múa bồng? Ông Hồng chỉ tay lên tấm ảnh treo trên tường: "Bằng chứng đấy. Rất nhiều lần rồi tôi phải môi son má hồng “vào cuộc” chỉ vì một trong hai diễn viên hoặc có việc đột xuất, hoặc vì việc hiếu, hỷ, kiêng cữ không tham gia được. Múa với người trẻ rất khó. Khó nhất là đoạn vung tay xoay người tỳ lưng vào nhau. Lúc ấy cái tôi lo nhất là mình già rồi, khi thực hiện động tác tỳ lưng mà người múa cặp không định lượng được sức mình làm quá mạnh là mình chổng kềnh ngay".
30 năm rồi, để cứu múa bồng khỏi sự quên lãng, ông Hồng đã đổ nhiều mồ hôi, tâm lực, trí lực lẫn vật lực cho múa bồng. Quãng năm 1978 - 1979, khi còn là một tay tiêm lợn nghiệp dư, sau này là “tay trống” trong phường bát âm kiêm nghề bốc mả ông vẫn tận tụy với múa bồng. Kiếm được bao nhiêu tiền từ những công việc được xem là hạng bét đó ông đều nhờ con dâu hoặc vợ giữ dùm. Đáng trân trọng hơn là số tiền ấy ông không tiêu vào việc gì nếu đó không phải là phục vụ cho múa bồng. Ở làng Triều Khúc, người dân vẫn mách nhau rằng gia đình ông Hồng là “gia đình đại văn hóa” vì chẳng một ai trong nhà nghiện ngập một thứ gì cho dù trong nhà luôn đầy rượu, chè khô và thuốc lá. Tất thảy những thứ ấy ông chỉ dành cho một việc: Tiếp khách!
Đêm dần về khuya. Con trai ông Hồng đang ngồi chuốt sợi ngoài hè cắt ngang mạch chuyện giữa khách và cha mình: “Ba tôi chung thủy với múa bồng hơn là chung thủy với mẹ tôi nữa. Ông lúc nào cũng tất bật với chuyện đó. Hàng ngày, ăn cơm nhà xong, quanh đi quẩn lại, lại đóng bộ lạch cạch xe đạp đầu làng cuối xóm tìm chân múa bồng. Tôi cũng thích múa bồng lắm nhưng tay chân cứ cứng còng còng như thanh củi nên ba tôi không dạy nổi. Tôi biết ông buồn lắm. Ba tôi hệt như hòn than âm ỷ nóng nhưng chưa đủ sức để bật lên thành lửa vì đám trai làng nhiều như mồi nhen thật đấy nhưng đâu phải đám mồi nào cũng bắt lửa”. Tay thợ luộc sợi ngồi trên miệng lò đang bốc hơi nghi ngút, vừa đảo sợi vừa cất cao câu hát: “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương”. Chả biết vô tình hay cố ý nhưng khi nghe câu hát này mà chúng tôi thấy khóe mắt ông Hồng ngân ngấn nước. Ông nhìn tay thợ, lạ thay lại nở một nụ cười. Ông cuộn tay trước ngực làm động tác múa bồng: “Này nhá, thằng kia nhá. Ngựa hồng đã mỏi vó á? Mỏi thì đã làm sao? Này nhá, đừng mơ ông quỵ gối. Mỏi thì mỏi ông cũng sẽ phi nước đại cho mà coi…”
Ai người đệ nhất múa bồng?
(TT&VH Cuối tuần) - Thanh niên trai tráng làng Triều Khúc từng tham gia múa bồng không ít. Thế nhưng không phải người nào cũng “chung thủy một lòng” với “con đĩ đánh bồng”. Căn nguyên để họ “ly thân” với múa bồng không phần vì không mang lại lợi lộc gì về vật chất, phần vì không được quan tâm chu đáo từ chính quyền xã… May thay, trong đám trai làng Triều Khúc bây giờ, còn một người tương lai sẽ “kế nhiệm” ông Hồng. Anh là Bùi Văn Đạt, cháu gọi cụ Bùi Văn Tốt bằng ông bác và là học trò cưng của ông Triệu Đình Hồng.
“Con đĩ đánh bồng” hai lần thi trượt trường múa
Mẹ Đạt kể: “5 tuổi Đạt đã múa thanh đề rồi. Mỗi khi hội làng diễn ra, Đạt thường lén nhìn đội múa sênh tiền, múa bồng rồi về nhà bắt chước. Lâu dần thành quen. Nhiều lần Đạt đứng trước bố mẹ bắt xì tiền thưởng để múa cho xem. Và, quả thật Đạt làm không chỉ vợ chồng hai bác rất thích thú, cảm động mà với cả làng Triều Khúc này, ai ai cũng yêu quý nó. Tuy nhiên, vì Đạt còn “chưa đủ tuổi” vào đội múa bồng nên mãi đến năm 18 tuổi mới chính thức được thày Hồng đến “cầu tài”.
Đầu năm nay, Đạt cưới vợ. Sự kiện này làm ông Hồng “sướng phát điên” vì: “Có vợ rồi, cu Đạt sẽ bị trói ở nhà. Không giống như những đứa thanh niên khác, bỏ làng đi làm ăn xa hết cả, đến hội bới tung làng lên tìm người cho múa bồng cứ như mò kim đáy bể. Đạt ở nhà, đến hội, “ăn cặp” với tôi thì hết chê...”.
Múa bồng có tiếng từ nhỏ là vậy, nhưng trong cả hai lần dự thi vào trường múa Việt Nam, Đạt đều trượt vỏ chuối. Giờ yên bề gia thất, Đạt quay sang làm nghề bốc thuốc nhuộm cho một xưởng dệt sợi tư nhân trong làng... Đôi phút giải lao, nhớ lời thày dặn, thi thoảng phải múa bồng cho tay chân không bị cứng, Đạt lại cuộn tay, khum gối trước sự ngạc nhiên của đám nữ công nhân làm cùng xưởng.
Tận mục tay bốc thuốc nhuộm làng Triều Khúc múa bồng
Đến xưởng làm sợi gặp Đạt, phần nào chúng tôi thấy được cái tài nhìn người của ông Hồng. Đạt cao ráo, đẹp trai và có đôi mắt hút hồn, nói như ông Hồng nói vui là “đĩ có đuôi”. Anh khiêm nhường và từ tốn, thật thà và giản dị, đôi khi e dè như “gái về nhà chồng”. Đạt bảo : “Múa bồng không dễ mà cũng chẳng khó. Múa được hay không là ở cái tâm của mình. Nếu mình thực tâm coi trọng lễ nghi, yêu quý và năng gìn giữ điệu múa truyền thống của làng thì thể nào cũng múa dẻo, múa đẹp”.
Anh Bùi Văn Đạt, xóm Cầu, làng Triều Khúc, Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội): “Nếu ở làng khác sử dụng từ 4 diễn viên (2 cặp) đến 6 diễn viên (3 cặp) toàn là nữ múa bồng thì Triều Khúc chỉ duy nhất sử dụng một cặp múa còn một cặp dự bị. Múa bồng Triều Khúc phải là trai giả gái. Yếu tố làm cho múa bồng Triều Khúc “ăn đứt” nơi khác chính là ở đôi mắt chứ không phải ở đôi tay hay đôi chân. Khi múa, đôi mắt phải thể hiện được vẻ đẹp trong sáng của đạo đức con người, tinh thần hoan hỷ, lạc quan và toát lên được sự mãn nguyện khi được phục vụ thần thánh, làm cho người xem có được cảm giác như chính mình đang múa, đang rất mãn nguyện với chính bản thân mình...”.
Như để chứng minh cho chúng tôi thấy Đạt là “báu vật của điệu múa bồng”, chính ông Hồng “khích tướng” Đạt khi buông một câu: “Mày làm thế này thì rồi sẽ quên hết múa bồng thôi con ạ”. Đạt dừng tay, không nói năng gì mà đứng dậy, cởi bỏ đôi găng tay cao su rồi đi thẳng ra ngõ cổng đứng nghiêm. Sau câu nói: “Quên sao được mà quên. Bác và anh chị xem đây...”. Nói rồi Đạt khẽ khum gối chân phải, thẳng lè chân trái, tay phải đưa lên thanh thoát, tay trái nâng lên cuộn hình trôn ốc một vòng trước ngực rồi nhẹ nhàng áp chuyển xuống hông. Mấy tay luộc sợi dừng khò, mấy em chuốt sợi tròn mắt, quên cả suốt, đầy sợi tràn rối cả ra ngoài, miệng tấm tắc: “Dồi ôi! Sao con trai gì mà tay chân dẻo quẹo vậy hả trời!”. Riêng ông Hồng thì quay đi... khóc.
Và con tim có vui trở lại?
Chúng tôi hỏi Đạt điều mà ông Hồng lo lắng: Anh múa bồng giỏi, múa bồng dẻo và rất thích thú với điệu múa dân gian này nhưng sao lại bỏ nó đi làm nghề bốc thuốc nhuộm? Đạt né cái nhìn sắc như dao của ông Hồng xoáy vào mình, lặng im hồi lâu mới nói: “Em giờ đã là người có gia đình, nên phải kiếm cái nghề cho ổn định. Múa bồng nó không phải là một cái nghề, càng không phải nghề chuyên nghiệp, chỉ đến hội mới múa. Nếu chỉ vì ba ngày diễn hội mà phải cả năm thậm chí cả đời chạy long lên ngoài đường làm hết việc này đến việc khác như bác Hồng để “nuôi” bồng thì không kham nổi, bác Hồng làm được là vì bác có một hậu phương vững chắc, con cái trong nhà có của ăn của để, ủng hộ bác hết mình nên bác chú tâm làm được... Còn em, trăm thứ bà rằn phải lo cho một gia đình mới chắc theo được mấy nổi mà hứa”.
Trước khi ra về, ông Hồng thất vọng đá liền hai “cước” vào ổ líp xe đạp bị trượt cá, nói bâng quơ: “700 ngày nữa là đến đại lễ 1000 năm Thăng Long - Đông Đô Hà Nội. Múa bồng làng mình phải vào nội đô múa dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Ôi giời! Không biết 700 ngày nữa có kiếm được “con đĩ” nào không đây”. Tiếng Đạt từ trong kho thuốc nhuộm nói vọng ra: “Sao bác nản sớm quá vậy? Bác không làm cháu cũng sẽ tìm cách làm cho bằng được. Không thể để thất truyền điệu múa bồng làng mình được. Chỉ có điều làm như thế nào mà thôi. Phấn son quần áo, vợ cháu nó giữ kỹ cho cháu rồi”.
Sau khi TT&VH Cuối tuần khôi phục Chuyên mục Báo động từ vốn di sản (xem TT&VH Cuối tuần từ số 45, ra ngày 7/11/2008), kênh VTC9 - Let’ Việt đã quyết định phối hợp với TT&VH Cuối tuần thực hiện phim phóng sự theo loạt đề tài đăng tải trên Chuyên mục. Theo Biên bản ghi nhớ giữa TT&VH và kênh VTC9 - Let’ Việt, bản quyền các phim phóng sự này thuộc về VTC9, TT&VH có quyền sử dụng những phim này trong mục đích tuyên truyền, phi lợi nhuận. Các phim phóng sự sẽ bắt đầu phát sóng trên kênh VTC9 vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Ông Hồng hối chúng tôi ra về, quên cả chào và cảm ơn chủ xưởng nhuộm với đám thợ một câu. Ra khỏi cổng, nghoẹo sang một con ngõ bắt ra đường làng, chợt ông dừng xe, loay hoay nhặt một viên gạch bên lề đường ấn vào chỗ viên gạch cổ lát đường vừa bị xới tung. Ông bảo: “Múa bồng cũng sẽ bị nát băm như con đường gạch cổ này nếu như nó còn nằm ngoài ý thức của con người nơi đây. Vừa nãy thằng Đạt nó nói làm tôi sướng muốn đá mông nó quá. Nó là viên gạch quý sẽ chẹn vào lỗ hổng thế hệ chúng tôi chưa làm được.”
Sau khi TT&VH Cuối tuần khôi phục Chuyên mục Báo động từ vốn di sản (xem TT&VH Cuối tuần từ số 45, ra ngày 7/11/2008), kênh VTC9 - Let’ Việt đã quyết định phối hợp với TT&VH Cuối tuần thực hiện phim phóng sự theo loạt đề tài đăng tải trên Chuyên mục. Theo Biên bản ghi nhớ giữa TT&VH và kênh VTC9 - Let’ Việt, bản quyền các phim phóng sự này thuộc về VTC9, TT&VH có quyền sử dụng những phim này trong mục đích tuyên truyền, phi lợi nhuận. Các phim phóng sự sẽ bắt đầu phát sóng trên kênh VTC9 vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.
Trên đường về, chúng tôi phải đi qua nhà cụ Bùi Văn Tốt. Chẳng hiểu có chuyện gì mà vừa khi ngoặt vào lối rẽ, đã thấy cụ “đón lõng” từ bao giờ. Cụ cầm tay ông Hồng hồ hởi: “Tốt rồi Hồng ạ. Ông vừa dụ được thằng cháu ngoại nữa vào múa bồng đấy, sướng không. Thằng này cặp với “đĩ Đạt” rồi thì còn gì bằng...”. Nói rồi cụ Tốt chẳng cần để ý gì đến chúng tôi, lôi tuốt ông Hồng vào nhà, leo luôn lên phản nhờ ông Hồng “ôn bài” cho cụ để “phòng khi mày bận việc, tao sẽ dạy thay”.
Ông Hồng cảm động, chỉ biết đáp “vâng” rồi “xuống thế ôn bài” cho ông thày một thuở vang danh làng xã. Ngắm nhìn hai cụ huơ tay, múa chân quấn quýt lấy nhau, uyển chuyển trong điệu múa bồng, hổn hển tiếng thở, lã chã mồ hôi trong khi tiết trời đã lạnh, thể hiện “thực tâm” với “khúc ruột văn hóa của cha ông” để lại cho làng Triều Khúc này, chúng tôi thấy vui.