Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Người "lấn chiếm" chiếu xẩm Hà Thành

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Star [*] Posted: 12-04-2007 1:38

Tối thứ bảy, trời Hà Nội se lạnh, cái lạnh của tiết trời đầu đông làm tâm hồn con người sảng khoái, và trở nên gần gũi. Khu phố cổ Hà Nội rực rỡ đèn màu, đầy hàng hóa và người đi lại. Không khí đông đúc và nhộn nhịp. Người Hà Nội hôm nay đến với chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân để thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc, để mua hàng, để ngắm phố phường… và quan trọng nhất, đến với Chiếu xẩm Hà Thành do Nghệ sĩ Thanh Ngoan khởi xướng.

 


Chiếu xẩm Hà Thành - Ảnh: TTO


Năm 2006, khi Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội thành lập tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân, nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan đang công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam và sinh hoạt trong Câu lạc bộ Sắc Việt ở số 75 Hàng Bồ cùng một số nghệ sĩ khác chuyên biểu diễn chèo cổ, ca trù, chầu văn. Các nghệ sĩ trong câu lạc bộ đã trình bày ý tưởng của mình với Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội để đưa Chiếu xẩm vào hoạt động tại chợ đêm.

Ban đầu Ban Quản Lý họ có ý không muốn, nhưng rồi những anh chị em kiên trì thuyết phục và được làm thử, nếu không có khách tự khắc sẽ rút lui. Cuối cùng họ cũng đồng ý. Phải mất ba tháng đầu, anh chị em biểu diễn không công. Đến nay khi lượng khán giả đến xem đã nhiều và thường xuyên, họ mới đồng ý trích quỹ ra để trả cho anh em trong đoàn.
 
Nhưng cái quan trọng nhất là vượt qua được mặc cảm của chính mình. Ai lại toàn những nghệ sĩ tên tuổi trong nghề như Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Thanh Ngoan... mà lại hát xẩm giữa đường giữa chợ. Lúc đầu cũng ngại lắm chứ, nhưng cứ nghĩ nếu không ai chịu hát thì xẩm chắc chắn sẽ bị thất truyền nên họ động viên nhau cố gắng. Giờ đây khán giả đường phố đón nhận loại hình nghệ thuật này nồng nhiệt lắm. Xem nhiều đâm ra nghiện. Nhiều người bảo hôm nào chiếu xẩm nghỉ diễn là họ thấy nhớ ra trò.

Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, gọi là chiếu xẩm thôi nhưng thực ra ở đó các chị hát đủ các loại hình sân khấu, từ chèo, chầu văn, ca trù, thậm chí cả nhạc cách mạng… nhưng không tối nào thiếu được hát xẩm. Với những lời lẽ dung dị, mộc mạc, nghệ thuật xẩm bình dân vốn đã có từ lâu và dễ đi vào lòng người. "Cậy em em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn mẹ già em thương/ Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa"… cái giai điệu da diết của xẩm tàu điện đã làm cho người nghe, người xem mủi lòng, mê đắm.

Đáng tiếc là hôm chúng tôi đến, các nghệ sĩ biểu diễn được một lúc thì trời đổ mưa to. Vì vậy chương trình đành phải hoãn lại. Nhưng khán giả thì vẫn chưa chịu về. Họ đứng tập trung hết trên vỉa hè con phố Hàng Đào chờ trời ngớt mưa để tiếp tục được nghe hát xẩm. Những nam thanh nữ tú của Hà thành, rồi du khách từ khắp nơi nghe tin có chiếu xẩm Hàng Đào cũng đổ về đây… Có một đoàn khách không biết từ đâu đến, đi bằng ôtô, họ chờ mãi nhưng trời không ngớt mưa mới chịu kéo nhau ra về đầy tiếc nuối. Nhưng cũng may, chính vì thế chúng tôi mới có điều kiện được ngồi với nghệ sĩ Thanh Ngoan.

 


Thanh Ngoan và Mai Tuyết Hoa

Khoác trên người chiếc áo bà ba nâu, yếm lụa đỏ, tóc vấn đuôi gà, mắt lá răm lúng la lúng liếng, chị giản dị, trẻ trung và gần gũi hơn những gì tôi tưởng tượng. Ngắm "dung nhan" ấy, nhiều người sẽ tưởng Thanh Ngoan là một cô đào yểu điệu, mềm mại, thướt tha. Nhưng không, cô gái đến từ vùng quê lúa Thái Bình lại có cả cái mạnh mẽ, như tính cách chung của những người vùng biển.

Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, có thể nói Thanh Ngoan được Trời cho cái duyên sân khấu bẩm sinh, cô hát được chèo, chầu văn, ca trù và… xẩm. Năm 13 tuổi, Thanh Ngoan đã được tuyển thẳng vào Nhà hát Chèo Hà Nội. 28 năm trong nghề, những kinh nghiệm cùng những cố gắng không mệt mỏi đã làm nên một Thanh Ngoan đầy bản sắc như ngày hôm nay.

Chị tâm sự: “Lúc nào Thanh Ngoan cũng biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì để phát triển sự nghiệp”. Chị không bao giờ chịu ngồi một chỗ chờ vận may đến, mà chủ động đi tìm cơ hội cho mình. Có lẽ cái tuổi của chị phải thế, con gái Bính Ngọ, tuổi Ngựa mà. Chính vì vậy mà chị vẫn sống được bằng nghề và còn rất đam mê nghề nữa.

Tôi hỏi Nghệ sĩ Thanh Ngoan: “Giả sử một ngày nào đó, người ta đi qua và tất cả đều làm ngơ như không hề biết sự xuất hiện chiếu xẩm của chị, chị sẽ nghĩ thế nào? Thanh Ngoan cười mà rằng: Mọi cái đều có thể xảy ra. Đừng cho rằng vấn đề nó to tát quá. Bởi mình cũng chỉ là hạt cát trong cái sa mạc mênh mông này thôi. Vì vậy việc mọi người đi qua mà không để ý cũng nên xem là chuyện thường tình. Nhưng sẽ thật sự buồn khi người ta đã nghe mình hát, một lần, hai lần rồi mà vẫn làm ngơ thì lúc đó cần xem lại.

Cái day dứt của người nghệ sĩ này là sự thất truyền loại hình nghệ thuật dân tộc. Ý tưởng mở ra một chiếu xẩm giữa lòng Hà Nội cũng xuất phát từ nỗi lo ấy. Chị muốn đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, và dường như chị đã làm được điều này. Khán giả đến với chiếu xẩm của chị ngày một đông hơn. Khán giả mới cũng nhiều, mà khán giả cũ thì chẳng bị vơi đi chút nào. Chẳng hiểu tự khi nào mà những người dân quanh tụ điểm biểu diễn của chị lại lấy việc dọn dẹp, phụ giúp đoàn như một công việc của chính mình.

Xúc động nhất là có một đoàn nghệ thuật trống đồng từ miền Nam ra đúng vào ngày mồng 2 tháng 9, khi ấy chiếu xẩm của chị nghỉ biểu diễn. Vậy mà họ nhất định nán lại ở đây thêm một tuần nữa để xem bằng được chị và các đồng nghiệp biểu diễn. Họ nói thế mới đỡ uổng công từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội xem Thanh Ngoan hát xẩm. Cũng có một anh làm công tác đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh ra, bị mê mẩn trước sự quyến rũ của loại hình nghệ thuật này nên đã nảy sinh ý định sẽ đem mô hình này vào phố cổ của miền Nam. Anh ấy nói tại sao Hà Nội có được mà Sài Gòn lại không? Đấy cũng là những nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với người say nghệ thuật dân tộc như chị.

Nhưng Thanh Ngoan không dừng lại ở đó. Chị mơ ước có một ngày, xẩm - với tư cách là một lối hát bình dân_ sẽ thực sự trở thành một loại hình sân khấu. Và chị đang phần đấu để biến mơ ước đó thành hiện thực.
 
Giờ đây Thanh Ngoan cùng các đồng nghiệp của chị một mặt vẫn biểu diễn xẩm như một cách khẳng định đây là một loại hình sân khấu đáng được trân trọng, một mặt các chị đang cố gắng hoàn thành nốt phần hồ sơ chuẩn bị hội thảo cho loại hình nghệ thuật này, dự định sẽ được tổ chức vào năm 2008. Hy vọng những cố gắng của Thanh Ngoan sẽ thành công, vì có thể nói đó là "duyên nợ" chị phải trả...

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan khẳng định: Có rất nhiều người yêu nghệ thuật dân tộc mà không có cơ hội được tiếp cận. Chị cũng biết chiếu xẩm ở các địa phương vẫn có, chỉ có điều mình phải làm gì để không những duy trì mà còn phát triển được các chiếu xẩm ấy. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào sức lực nhỏ nhoi của mình và những người yêu nghệ thuật dân tộc khác thì không thể vực dậy được cả một nền nghệ thuật truyền thống đang dần dần bị thất truyền.

Chính vì thế điều cốt yếu nhất vẫn là sự quan tâm cần thiết của Nhà nước đối với loại hình nghệ thuật này. Quan tâm đồng nghĩa với việc tạo ra một chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm nghề, để họ có thể sống được bằng nghề.
 
Hy vọng đến một ngày không xa những trăn trở, mong ước của chị nói riêng và những người yêu nghệ thuật dân tộc như chị nói chung sẽ được đền bù xứng đáng. Chúc cho chiếu xẩm của các nghệ sĩ sẽ có chỗ đứng bền vững trong lòng công chúng yêu nghệ thuật dân tộc...

Ngọc Anh

http://www.vietimes.com.vn 

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Cách làm thật đáng tôn vinh. Như vậy mới gọi là  nghệ sĩ chứ Yes
Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems