Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nỗi niềm câu hát nam ai nam bằng

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Angry [:@] Posted: 11-01-2007 1:30
 
 

Nhiều du khách lên thuyền trong trạng thái sặc sụa men rượu bia, họ không nghe ca Huế, không hiểu gì về ca Huế, với số du khách này họ tưởng lên thuyền để tìm gái nên việc đụng chân đụng tay đã xảy ra. Có khách còn trâng tráo đòi ôm hôn diễn viên, đòi ôm chụp ảnh...

Viết về ca Huế sông Hương - đây không phải là lần đầu chúng tôi đề cập. Sau một thời gian hoạt động được các ban, ngành liên quan ở Huế bắt tay chấn chỉnh, ca Huế trên sông Hương trở thành món ăn đặc sản tinh thần dành cho hầu hết du khách đến thăm viếng cố đô.

Nhưng chỉ được một thời gian, hiện nay ca Huế trên sông Hương đang mang trong mình những vấn nạn cần loại bỏ: Nạn tranh giành khách giữa các chủ thuyền; an ninh trên thuyền bị bỏ quên; ca sĩ, diễn viên biểu diễn trên thuyền bị xúc phạm nhân phẩm... Làm gì để giữ lại câu hát nam ai, nam bằng trên sông Hương?

Không chỉ có ca Huế

Hiện nay, trên sông Hương có hơn 100 thuyền du lịch làm dịch vụ ca Huế với 351 diễn viên, nhạc công thuộc 6 câu lạc bộ (Đoàn ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế, Đoàn Nghệ thuật cung đình, Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, Nhà văn hóa Huế, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh).

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương

Theo như Quy định số 1830/2002/QĐ-UB ngày 11/7/2002 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về hoạt động biểu diễn ca Huế thì: "Ca Huế nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống Huế, phục vụ nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa, góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh của mọi tầng lớp nhân dân...". Song, tình trạng bát nháo trong hoạt động ca Huế đang xảy ra một cách khó kiểm soát.

Đi nghe một buổi ca Huế, điều đầu tiên làm khổ du khách xảy ra ngay tại bến Tòa Khâm (nơi thuyền đậu đón khách). Hàng chục con thuyền du lịch chen chúc nhau tại một bến đỗ chỉ có 70m2, bến chật thuyền đông nên các chủ thuyền tranh nhau đậu, thuyền sau giành thuyền trước.

Do tranh giành chỗ đậu của các thuyền nên có khách du lịch đã bị rơi xuống sông. Cuộc giành giật chỗ đậu thuyền xem ra chưa có hồi kết khi UBND TP Huế không chịu giao thêm đất để mở rộng bến thuyền. Tình trạng ăn xin đeo bám du khách, cộng với việc giành giật phạm vi hoạt động chụp ảnh của tổ dịch vụ chụp ảnh gây cho du khách cảm giác khó chịu.

Đặt chân lên thuyền, thoát ra được khỏi bến Tòa Khâm, chúng tôi tưởng được bước vào một thế giới khác; ngắm bóng đèn hoa đăng lững lờ trôi trên sông, phía trên cầu Tràng Tiền nhộn nhịp người qua lại dưới ánh đèn màu. Tâm hồn lãng mạn của du khách cũng chỉ trải ra được có chừng 10 phút khi thuyền đã dừng neo giữa dòng Hương.

Đợi cho du khách ngồi yên chỗ, chủ thuyền cầm một bó hoa to mời du khách mua để tặng diễn viên. Điều đáng nói giá mỗi bông hoa đắt gấp hàng chục lần so với mua trên bờ. Anh bạn người Canada ngồi cạnh tôi lắc đầu không hiểu.

Xong tiết mục tặng hoa là tiết mục chủ thuyền mời du khách mua băng đĩa nhạc ca Huế, theo tìm hiểu của chúng tôi một băng đĩa ngoài thị trường có giá 7-8 ngàn đồng nhưng lên thuyền ca Huế chủ thuyền bán với giá 20-30 ngàn đồng. Tình trạng bán hoa, bán băng đĩa trên thuyền Sở VHTT đã có chỉ thị ngăn cấm, song vẫn diễn ra.

Theo quy định, nội dung chương trình biểu diễn ca Huế trên thuyền phải có ít nhất 3 trong các loại nhạc cụ chính: đàn tỳ bà, đàn thập lục, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu. Sở VHTT còng cấm đem các thiết bị âm thanh điện tử lên thuyền vì sợ làm hỏng ca Huế. Quy định là vậy song hệ thống âm thanh điện tử vẫn mặc nhiên tồn tại trên một số thuyền bởi giản đơn: ngoài vài ba bài hát đúng ca Huế thì các diễn viên vẫn hát nhạc rốc, ráp, nhạc trẻ, nhạc vàng...

Số đông diễn viên biểu diễn ca Huế còn rất trẻ, nhiều người hát yếu về ca Huế nên hát nhạc trẻ để lấp giọng. Có diễn viên chỉ thuộc đúng 2 bài ca Huế nên khi du khách yêu cầu hát bài thứ ba thì đành hát nhạc trẻ, nhạc vàng.

Nỗi niềm kiếp cầm ca

Theo như diễn viên T.H. - một người có thâm niên hát gần một thập kỷ ca Huế: "Ca Huế là loại hình nghệ thuật sang trọng, độc đáo nhưng hiện nay ca Huế đang chết dần, ca Huế bây giờ rẻ quá, ai làm cũng được, ai hát cũng được...".

Một lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: "Về phía Sở VHTT muốn điều chỉnh ca Huế, không muốn đưa phần hát mới vào chương trình biểu diễn ca Huế nhưng cấm thì không được bởi có không ít du khách lên thuyền là yêu cầu hát nhạc trẻ, nhạc vàng".

Với một số du khách, nhạc đỏ nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc gì cũng được miễn sao diễn viên hát để họ hát theo, rồi reo hò nhảy múa để ra bớt hơi men khi đã ngà say. Những du khách nặng lòng với ca Huế đành chấp nhận thở dài: một lần đi cho biết.

Sau một đêm đi hát là những giọt nước mắt lăn đầy gò má, đó là tâm sự của không ít diễn viên ca Huế.

Theo quy định mỗi thuyền đơn chở 15 người trong đó có 8 khách và 7 diễn viên, thuyền chật ngồi quay vòng trong lúc nhiều du khách lên thuyền trong trạng thái sặc sụa men rượu bia, họ không nghe ca Huế, không hiểu gì về ca Huế, với số du khách này họ tưởng lên thuyền để tìm gái nên việc đụng chân đụng tay đã xảy ra. Có khách còn trâng tráo đòi ôm hôn diễn viên, đòi ôm chụp ảnh... không ít diễn viên đã kháng cự.

Việc khách du lịch xúc phạm nhân phẩm diễn viên không hề có một cơ quan nào đứng ra can thiệp. Khách đến rồi đi còn với diễn viên ca Huế trên sông đó là nghề, là miếng cơm manh áo.

Chúng tôi thật bất ngờ khi được biết, trung bình một đêm biểu diễn, mỗi ca sĩ, diễn viên chỉ nhận được 30 - 50 ngàn đồng tiền thù lao trong lúc họ phải tự lo áo quần, son phấn, phương tiện đi lại. Đã hàng chục năm nay, hàng trăm ca sĩ, diễn viên ca Huế trên sông không hề có bảo hiểm, hợp đồng hay biên chế gì cả.

Nhiều diễn viên ca Huế cho biết: Sở dĩ diễn viên chỉ có được 30 - 50 ngàn đồng cho một suất diễn là do cò lấy hết. Chưa đâu nhiều cò như ca Huế; cò thuyền, cò xích lô, cò khách sạn... đến cò bầu sô.

Mà bầu sô ca Huế kể ra cũng nực cười; hầu hết bầu sô ca Huế là chủ thuyền, học vấn thấp, từ thuyền đánh cá, khai thác cát sạn đóng thêm đuôi rồng là thành thuyền du lịch. Chính vì vậy có bầu sô (chủ thuyền) khi lên ký lệnh xuất bến chỉ biết điểm chỉ.

Để ca Huế sông Hương trở thành một đặc sản du lịch đối với du khách khi đến Huế, xem ra còn nhiều việc mà các cấp, ngành liên quan nơi đây phải làm.

Dương Sông Lam (CAND)

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Bởi vậy, ngoài học nhạc thì nên học thêm võ nữa.
Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems