Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đi tìm miếng chèo độc nhất vô nhị

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Huh? [:^)] Posted: 03-24-2009 4:55
(TT&VH Cuối tuần) - Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, người cả đời đi sưu tầm nghiên cứu âm nhạc và múa dân gian, từng tiết lộ rằng, chèo Khuốc có 2 miếng chèo độc nhất vô nhị mà chỉ làng chèo này mới có, rất lãng mạn, đánh nhạc hay và múa cũng rất tuyệt. Chúng tôi vội về làng Khuốc...

Nằm bên con sông Tuộc trong xanh, cách thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) chừng 5 cây số, từ vài thế kỷ trước, làng Cổ Khúc - tên nôm gọi làng Khuốc, đã nức tiếng xứ Đông xứ Đoài, là một trong bảy nôi chèo của đất Việt. Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có xem chèo Khuốc với anh thì về chính là đất này. Theo sử sách ghi lại, có lúc trong làng có đến 14, 15 gánh hát. Hiện xã có cả thảy bốn CLB chèo, chia đều cho 4 thôn (Khuốc Đông, Khuốc Tây, Khuốc Bắc, Cổ Xá). Tất cả đều được tổ chức lớp lang, quy củ, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy vốn, chất chèo cổ của ông cha để lại. Có điều lạ là tất cả những ai biết hát chèo Khuốc trong xã này đều có thể hát được chèo nơi khác, song họ lại chỉ hát 12 làn điệu chèo cổ của chính làng Khuốc như Tình thư Hà Vi, Đường trường thư công, Vẫn non mai, Tuyết dạt sông Thương, Hề đơm đó, Vỡ nước... Đặc biệt trong số này, có hai miếng chèo độc, Múa Trái và Tắm Tiên trong vở Từ Thức.

Của gia bảo, truyền là truyền thế nào!

Làng Khuốc hiện chỉ còn ông Ngạn là nghệ nhân hát chèo cao tuổi nhất, theo cụ Cao Kim Trạch từ năm 11 tuổi. Trong số những người học chèo với cụ Trạch thời đó, ông Ngạn là người “chạy Trái” (tên gọi khác của mảng Múa Trái) và “Tắm Tiên” được cụ Trạch ưng ý nhất. Tuy vậy, vì các cụ xưa rất coi trọng vốn chèo cổ của ông cha, rất sợ sau khi học xong, học trò mang điệu chèo Khuốc đi cho thiên hạ nên ông Ngạn cũng rất ít khi được cụ Trạch cho “Tắm Tiên”. Sau này, ông Ngạn vào bộ đội, làm lái xe, thi thoảng vẫn “Tắm Tiên” cho anh em đồng đội và các cô thanh niên xung phong xem. Lúc đó, ông bảo diễn cho bà con dân bản, anh em cánh lái xe và các cô thanh niên xung phong, không ai biết hát chèo nên chẳng sợ bị chôm chỉa. Ông “bỏ nhỏ”: “Với lại nói thật nhé, nếu ngày đó ai chôm được mà đi khoe mảng Tắm Tiên tôi diễn ấy là mảng chèo độc của làng Khuốc thì có mà... nhầm to. Có chăng chỉ được cái tên thôi, còn cái chất mới chỉ đạt chuẩn 2/3. May đấy...”.
 
Ông Ngạn người làng Khuốc

Sau khi giải ngũ, ông Ngạn về làng, nhuần nhuyễn 12 điệu chèo cổ, thuần thục trống phách, theo cụ Trạch đi diễn đây đó. Mỗi khi thầy Múa Trái hay Tắm Tiên trên sân khấu, ông thường nghển cổ bên cánh gà học mót, được bao nhiêu giữ kín, không cho ai biết. Ông kể: “Năm 1993, tôi và cụ Trạch tham gia Liên hoan chèo Thái Bình. Hôm đang nằm nghỉ cùng thầy, bỗng đâu nghe giọng Xuân Hinh: Ai là cụ Ngạn làng Khuốc ấy nhỉ? Tôi nhổm người: Tao đây. Cụ đâu mà cụ! Xuân Hinh cười hề hà nói tưởng tôi già lắm nên mới gọi là cụ, rồi chuyển qua gọi anh. Nói lậy vong linh hồn thầy tôi, cụ nhà mình ngày xưa “âm lịch” lắm. Thấy Xuân Hinh kéo tôi ra quán bia bảo “anh cho em xin bài” liền giữ vạt áo dằn giọng sát tai: Truyền gì, dạy gì, hát gì thì cũng phải... giữ nghề nghe chửa! Chèo làng Khuốc, mất hoặc bị phá cách là tôi “thịt”... Biết ý cụ nên ra quán bia tôi chỉ dám hát cho Xuân Hinh nghe làn điệu Hề đơm đó. Mà, nói thật, khi đó sợ thầy, tôi cũng hát trật lất chứ không được nguyên chất chèo Khuốc đâu. Giữ nghề mà”.

Càng giữ chặt càng... chết?

Hỏi vậy chứ từ đó tới giờ ông có truyền nghề cho ai không, ông Ngạn bảo: “Cả huyện Đông Hưng này, chỉ còn 2 xã tôi chưa đến dạy chèo thôi. Nếu là nhạc trẻ, “chạy sô” kiểu ấy tiền để đâu cho hết. Chèo Khuốc có phải là vàng thỏi, tậu được nhà lầu, sắm được xe hơi, vợ chồng con cái vi vu như bậc đại gia thành thị đâu mà giữ. Đằng này, bà nhà tôi vẫn phải quần quật chợ búa, đồng ruộng, lợn gà. Chèo Khuốc là báu vật của làng thật đấy, nhưng nếu càng giữ cho riêng mình thì càng “nghèo”, rồi thì “chết hẳn” nếu không tìm người kế cận ấy chứ...”.

Vậy là miếng chèo độc xưa chỉ đôi người biết, nay cả làng Khuốc biết, lo gì mất mát? Đáp lại suy luận của chúng tôi, ông Ngạn nửa phấn khởi nửa buồn bã: “Cháu cứ chồng đô (tiền) mời đi, cả làng Khuốc sẽ về Hà Nội Múa Trái cho bàn dân thiên hạ xem. Còn Tắm Tiên thì... (ông ngập ngừng) thì chưa. Trước đây người múa Tắm Tiên chuẩn nhất là vợ cụ nghệ nhân Cao Kim Điền. Nhưng cụ khuất núi rồi, mang luôn cả điệu múa khó nhất ấy theo, chả kịp truyền cho ai”.

Trong một không gian sân khấu không rõ được đâu là cõi tiên, đâu là trần thế, thì Múa Trái trong Từ Thức thực sự đưa người xem đến một không gian kỳ ảo khác với không gian mà Từ Thức đang sống ở dưới trần gian. Còn Tắm Tiên thì rất thú vị: Trên sân khấu, diễn viên mặc áo hở yếm thực hiện tất cả các động tác mà qua đó người xem có thể hình dung ra cảnh nàng tiên đang tắm táp thỏa thuê. Đặt trong bối cảnh thời phong kiến, khi mọi thứ đều phải “kín đáo” thì việc trình diễn cảnh tắm táp chứng tỏ ra sự tự do phóng khoáng, và thể hiện ước ao được phô bày cái đẹp cơ thể của con người. Đấy là cái quý giá nhất. Và Tắm Tiên cũng cho ta thấy sự khác lạ giữa Tiên và đời. Tôi chưa thấy một nhân vật nào đóng trong cảnh đời thực trên sân khấu chèo mà có cảnh “tắm táp”, chỉ có cảnh gội đầu thôi. Và cho đến bây giờ thì hầu như trong sân khấu chèo cũng chưa có miếng tắm nào. Cho nên Tắm Tiên trở thành một miếng tắm cực kỳ quý giá trong chèo từ cổ đến ngày nay” (Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan).

Vậy làng Khuốc giờ có bao nhiêu người biết múa Tắm Tiên? Ông Ngạn khẽ cười: “Một người rưỡi! Tôi và chú em trong dòng họ Hà. Nói một người rưỡi là vì chú ấy mới chỉ giỏi trống phách, hát lời, chứ múa chưa bằng tôi được. À, mà xin đính chính là ngay cá nhân tôi thì cũng mới chỉ đạt chuẩn 2/3 thôi, còn 1/3 nữa dẫu rằng múa đẹp hơn các cụ xưa nhưng phải thừa nhận rằng chưa phải là cổ hẳn đâu. Thế nên, tôi rất mong tìm được một nghệ nhân biết về điệu múa Tắm Tiên, mà phải là “cổ điển” cơ, cho xin học lại để hoàn thiện rồi mới dám công bố. Còn giờ, giữ được, truyền được cho bao nhiêu người thì cố gắng hết sức mình vậy thôi”.

Cũng chỉ vì mới phục dựng được 2/3 điệu Tắm Tiên nên trong lần diễn nhân dịp khánh thành nhà thờ Tổ chèo làng Khuốc, ông Ngạn bị GS Tô Ngọc Thanh hỏi cho ra nhẽ. Xem vở Từ Thức, thấy ông Ngạn bỏ qua đoạn đoán tiên, ông Thanh bảo: “Bác diễn thế là chưa đủ. Tôi chưa thấy đoạn đoán tiên đâu cả”, rồi “kiểm tra”: “Trong cái kiềng là cái gì?”. Ông Ngạn trả lời: “Là cái yếm tiên”, “Trong cái yếm tiên là cái gì?”, trả lời: “Trong cái yếm tiên là cái nhũ tiên. Cái “tế nhị” ấy dân chúng em gọi là cái bàn bốc”. Ông Thanh cười bảo, không biết nhời nhẽ các cụ xưa thế nào, nhưng nghe anh (ông Ngạn) nói thì dám khẳng định đây chính là đất chèo có một không hai rồi...
 
Mới đây, nghệ sĩ Tự Long và một nghệ sĩ nước ngoài tìm về tận nhà ông Ngạn, thỉnh in vài đường múa. Ông chỉ dạy cặn kẽ cho từng người về cách cuộn tay, nâng gót sao cho đúng, nhưng tuyệt nhiên không hề đụng đến Múa Trái và Tắm Tiên. Ông giải thích: “Muốn Múa Trái hay múa Tắm Tiên trước hết phải biết múa, biết trống, biết phách và hát chuẩn 12 làn điệu chèo cổ làng Khuốc trước đã. Nhuần nhuyễn chèo Khuốc, hiểu được cách ra tay, nâng gót như thế nào cho đúng với vốn cổ rồi thì ăn nhập nó mới nhanh, mới chắc. Cứ ngoặng xị múa như Tự Long thì hỏng chèo Khuốc mất. Với lại làm sao có thể một đêm đã mong chạy Múa Trái và Tắm Tiên hoàn hảo được!”.

Giấu nghề?

Ông Ngạn cho biết, hàng ngày vẫn cùng với người em là ông Hà Quang Hoạch luyện Tắm Tiên và thay nhau đi tìm nghệ nhân biết múa hai mảng chèo độc này để xin học lại nhưng vẫn chưa đạt được tâm nguyện. Tôi hỏi ông: “Các bác đi điền dã làm gì! Múa Trái và Tắm Tiên đã là báu vật rồi thì chắc hẳn phải có người khai thác, sưu tầm rồi chứ. Gặp những người như vậy có phải nhàn và đầy đủ hơn không?!” - Ông Ngạn ngúc ngắc đầu, khẽ cười: “Nói thật nhé! Mày là người đầu tiên về đây hỏi bác cặn kẽ về Múa Trái và Tắm Tiên đấy con ạ. Nếu có người sưu tầm, khai thác thì bác mày đã không bạc đầu vì hai mảng chèo độc ấy của làng Khuốc đâu!”.

Chạng vạng tối, chúng tôi ra về. Anh con trai ông Ngạn “y lệnh bố” chở chúng tôi bằng xe máy ra tận bến xe Thái Bình. Chia tay ở cửa xe, anh Hà Quang Mạnh (con trai ông Ngạn) tiết lộ một điều làm chúng tôi nửa tin nửa ngờ, rằng cái 1/3 bố anh nói đang còn thiếu trong điệu Tắm Tiên thực ra là cụ giấu đấy thôi, chính anh đã chứng kiến bố múa hoàn hảo điệu này mấy lần trong buồng nhà rồi.

Cảm ơn anh Mạnh. Chúng tôi cũng hy vọng vậy!

Từ Thức lên tiên khi trở về trần gian, thì người xưa cảnh cũ còn đâu nữa. Nếu không giữ gìn sớm thì miếng chèo độc Tắm Tiên cũng sẽ biến đi như giấc mộng tiên của Từ Thức mà thôi.
 
Yên Khương - Huy Thông
www.thethaovanhoa.vn
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems