Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Nghệ nhân Tám Nhứt - kho nhạc lễ sống
Nỗi niềm nhạc lễ Nam bộ
Lễ Nhạc:
Lễ: -Cách bày tỏ kính ý bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, -cuộc lễ có nghi tiết. Nhạc: âm nhạc.
Lễ Nhạc là Lễ nghi và Âm nhạc
LỄ và NHẠC
I. LỄ:
Chữ Lễ, trước tiên dùng với ý nghĩa là các hình thức cúng tế, cầu Thần linh ban phước và cúng tế Tổ Tiên. Sau đó, chữ Lễ được dùng rộng ra bao gồm những phép tắc phù hạp với phong tục và tạp quán của dân chúng trong việc quan, hôn, tang, tế. Sau nữa, chữ Lễ có nghĩa thật rộng, gồm cả quyền bính của vua và cách tiết chế các hành vi của dân chúng cho thích hợp lẽ tự nhiên của Trời Đất.
Cho nên, Kinh Lễ của Nho giáo viết rằng: "Lễ giả, Thiên chi tự." Nghĩa là: Lễ là cái trật tự của Trời. Do đó, Nho giáo rất chú trọng về Lễ và dùng Lễ vào 4 mục đích sau đây:
1. Dùng Lễ để hàm dưỡng tánh tình.
Dùng Lễ để tạo thành một không khí đạo đức trang nghiêm, dần dần biến thành một tạp quán tốt, khiến người ta làm điều phải một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ.
Vào nơi đền chùa, thấy khung cảnh cúng bái trang nghiêm, tự nhiên sanh lòng tôn kính. Vào chỗ đám tang, thấy cái không khí ảm đạm thê lương, tự nhiên sanh lòng bi ai.
Vậy nhờ Lễ mà con người được khơi dậy những tình cảm tốt đẹp cao thượng.
2. Dùng Lễ để giữ tình cảm thích hợp đạo Trung dung.
Dùng Lễ để giữ tình cảm của mình không cho thái quá mà cũng không cho bất cập, theo đúng đạo Trung Dung. Nhờ vậy, thể xác và tinh thần của con người được quân bình, hành động lúc nào cũng được sáng suốt và chừng mực.
Đức Khổng Tử bảo Nhan Uyên là người đã hiểu rõ đạo Nhân hơn người là do Lễ: "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động." Nghĩa là: không phải lễ chớ nhìn, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ làm.
3. Dùng Lễ để định rõ lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới phân minh.
Nhờ Lễ mà ta phân biệt được kẻ thân người sơ, kẻ nhỏ người lớn, vì Lễ qui định sự đối xử khác nhau rõ rệt. Do đó không còn chỗ hiềm nghi, định rõ lẽ phải trái.
Nhờ Lễ mà định được Chính danh, có Chánh danh mới định phận cho thích hợp. Do đó có tôn ti trật tự, phép tắc luân lý từ gia đình đến xã hội, tạo nên một xã hội trật tự thái bình.
4. Dùng Lễ để tiết chế lòng dục.
Dục vọng của con người thì không cùng và lúc nào nó cũng đòi hỏi phải làm cho nó thỏa mãn. Nếu không dùng Lễ để chế giảm, tất dục vọng sẽ làm con người hư hỏng. Dùng Lễ để chế giảm mà còn hướng dẫn dục vọng vào chỗ cao thượng nữa.
Lễ và Pháp luật đều có mục đích ngăn chận sự hư hỏng và tội lỗi của con người. Nhưng Lễ có ưu điểm là nó có thể ngăn cản những việc lầm lỗi chưa xảy ra, còn dùng pháp luật là để trừng trị những việc tội lỗi đã xảy ra rồi. Do đó, Thánh nhân trọng Lễ hơn trọng hình phạt. Pháp luật tuy phải đặt ra, nhưng dùng sự giáo hóa về Lễ mà ngăn chận trước sự phạm tội mới là ưu việt.
Tóm lại, chữ Lễ trong nghĩa rộng có bao hàm tính chất pháp luật. Nhưng Lễ chú trọng về mặt giáo hóa và ngăn ngừa sự hư hỏng, phạm tội; còn Luật pháp thì chú trọng trừng phạt những điều hư hỏng và phạm tội đã xảy ra.
Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm điều gì, và tại sao như thế. Còn Luật pháp thì cấm không cho làm việc nầy làm việc nọ, hễ vi phạm thì bị trừng phạt.
Người làm trái Lễ thì bị chê cười, có tính cách trừng phạt về mặt tinh thần, người làm trái pháp luật thì bị trừng phạt về thể xác.
II. NHẠC:
Nhạc là sự hòa hợp của các thứ âm thanh mà tạo thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng trước ngoại vật, hay nói khác đi, chính sự rung cảm trong lòng người mới tạo thành tiếng Nhạc.
Khi người buồn thì tiếng nhạc có âm điệu bi ai; khi người vui vẻ phấn chấn trong lòng thì tiếng nhạc nhanh, dồn dập, vui tươi; khi ngoại cảnh sanh lòng yêu mến thì tiếng nhạc hòa nhã dịu dàng. Ngược lại, tiếng nhạc có thể cảm hóa lòng người, khiến người nghe rung động theo nó, như khi nghe nhạc réo rắc thanh tao thì người nghe có ý nghĩ cao thượng, khi nghe nhạc giựt gân dâm ô thì người nghe có ý nghĩ thấp hèn.
Nhạc có thế lực rất quan trọng như thế nên bực đế vương thời xưa như vua Thuấn dùng nhạc để hóa dân, khiến dân trở nên lương thiện.
Sách Nhạc Ký có viết: Nhạc là cái vui của Thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và làm cho phong tục dời đổi được.
Cho nên Tiên Vương mới đặt ra việc dạy Nhạc.
Nhạc cũng phải giữ lấy đạo Trung dung, dẫu vui cách mấy cũng không làm mất cái chánh, dẫu buồn cách mấy cũng không làm mất cái hòa. Như thế Nhạc mới điều hòa tánh tình của con người.
III. SỰ PHỐI HỢP NHẠC và LỄ:
Nhạc và Lễ đều có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm tánh con người cho ngay chánh, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu. Nhưng mỗi bên có cách thức riêng biệt.
Lễ cốt ở sự cung kính để giữ cho trật tự phân minh, Nhạc cốt ở sự điều hòa khiến cho tâm tánh được tao nhã.
Do đó, Lễ và Nhạc cần phải phối hợp với nhau thì mới thành tựu mục đích tốt đẹp. Nếu có Lễ mà không có Nhạc, tức là có Kính mà không có Hòa, thì nhơn quần ở với nhau có sự phân biệt thái quá, nên chia rẽ xa cách. Nếu có Nhạc mà không có Lễ, tức là có Hòa mà không có Kính, thì thành ra dễ dãi khinh lờn.
Vậy nên, có Lễ phải có Nhạc, có Nhạc phải có Lễ, để cho cái nầy bổ khuyết cái kia thì mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và một trật tự ổn định trong xã hội.
Lễ và Nhạc có ý nghĩa rất sâu xa và có tác dụng mạnh mẽ về đường đạo đức, vì một đàng khiến cho tâm tánh ở bên trong và một đàng khiến cho sự hành động ở bên ngoài, cốt cho trong ngoài hòa thuận. Trong hòa là làm cho tâm tánh được điều hòa, ngoài thuận là làm cho hành vi cử chỉ thuận theo đạo lý, hợp lòng người. Trong và ngoài được như thế thì cái tà tâm và dục vọng không có cơ hội phát triển và dần dần sẽ biến mất, nhường chỗ cho Thánh tâm và những dục vọng thanh cao.
Nhưng Đức Khổng Tử lại nói: "Nhơn nhi bất nhơn như lễ hà? Nhơn như bất nhơn như nhạc hà?" nghĩa là:
Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Lễ được?Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Nhạc được?
Ý của Đức Khổng Tử nói rằng: Dầu Lễ và Nhạc có hay đến bực nào đi nữa mà người dùng Lễ và Nhạc không có lòng nhơn đức thì cũng không có hiệu quả gì. Có nhơn đức tức là có tình cảm dồi dào, có trực giác mẫn huệ, rồi lấy Lễ Nhạc mà khiến thì công dụng của Lễ Nhạc rất hay; còn nếu không có nhơn đức mà đem dùng Lễ Nhạc thì chỉ là cái hư văn kiểu cách trống rỗng mà thôi, không có tác dụng gì.
Đức Khổng Tử chủ trương Lễ Nhạc cũng phải trung dung, không nghiêng hẳn về bên Lễ, cũng không nghiêng hẳn về bên Nhạc, vì: "Nhạc thắng hóa bừa bãi, Lễ thắng hóa chia lìa. Khiến thích hợp tánh tình, phục sức và dung mạo là công việc của Lễ Nhạc."
Lễ Nhạc còn có địa vị trọng yếu trong phép trị nước, và được đặt ngang hàng với Hành chánh và Hình pháp.
"Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm, Hành chánh để thống nhứt hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ Nhạc, Hành chánh, Hình pháp có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhứt lòng dân để thực hiện nền thạnh trị."
Ý của Đức Khổng Tử và các bậc Thánh xưa dùng Lễ Nhạc cao siêu như thế, nhưng lần lần, từ đời nọ qua đời kia, Nhạc và Lễ biến đổi theo tình đời và trở nên sái hết cả.
Lễ thì biến ra thêm phiền toái mà không giữ được sự Kính làm gốc, Nhạc thì biến ra đủ thứ đủ loại mà không giữ được sự Hòa làm gốc. Con người không được Nhạc Lễ hướng dẫn và kềm chế nên đã bị dục vọng vật chất lôi cuốn đến chỗ thấp hèn, đang tiến vào hố sâu vực thẳm.
Theo Cao Đài Từ Điển
phap:Xin cho hỏi bạn Nguyễn Tuân vài lời. Tại sao bạn lại biết quyển sách Cao Đài Từ Điển? Và bạn có biết gì khác về Đạo Cao Đài không cho mình biết với?
Khi tìm nhạc trên mạng bằng công cụ google, vô tình tôi thấy các định nghĩa và giải thích trong trang Cao Đài Từ Điển.
Tôi có biết chút ít về Đạo Cao Đài, nhưng không đủ kiến thức để chia xẻ với bạn. Bạn có thể tìm người khác. Vả lại trang này chỉ nên bàn luận về nhạc thôi bạn ạ. Không nên đem cái quá riêng vào đây, nhất là những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị,...
Ở trên tôi phải ghi rõ nguồn khi trích, theo quy định của diễn đàn. Bạn đừng hiểu khác.Mong bạn thông cảm.
Bạn đừng hiểu nhầm bạn Nguyen Tuan ơi. Mình không bạn luận gì về vấn đề tôn giáo đâu. Mà thật sự là nhạc và lễ của Cao Đài có chính thống từ Nam Bộ của chúng ta đây. Nhạc của Cao Đài dùng chỉ toàn là những bài nhạc cổ truyền của cải lương và tài tử thôi, ví như các bài Ngũ Đối Hạ, Ngũ Đối Thượng, Tiểu Khúc, Nam Ai, Nam Xuân.... Nhưng lại kết hợp thêm Lễ của Nhã nhạc cung đình Việt Nam xưa, thật tài tình đúng không.
Nếu tìm hiểu về nhạc dân tộc Việt Nam mà bỏ qua Lễ kết hợp với Nhạc của Cao Đài thì mình thấy có lỗi với tiền nhân lắm bạn ơi. Nó là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các Nhịp điệu trong bài nhạc với các bước đi trong lễ, theo một trật tự nhất định.
Bạn hãy xem lại nhạc lễ cung đình Huế, những buổi tế tự ở Đình làng và Nhạc cổ truyền Việt Nam để kiểm chứng lời nói của mình.
Nếu có gì vi phạm nội qui diễn đàn xin các bạn bỏ qua.