Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Mai này có còn Nhạc lễ Nam bộ?

rated by 0 users
This post has 4 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Indifferent [:|] Posted: 03-24-2009 4:52
(TT&VH Cuối tuần) - Ở giữa cái thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này mà tìm về những giá trị cổ truyền vốn bị không ít bạn trẻ hiện nay cho là “cổ lổ sĩ” đúng là quá khó. Trong khi lân la hỏi han các bậc “tiền bối” của bộ môn đờn ca tài tử - “nhạc thính phòng Việt Nam”, chúng tôi may mắn được biết thêm một di sản quý báu khác của vùng đất phương Nam: nhạc lễ Nam bộ (NLNB). Một thực tế đáng buồn là từ lâu, rất nhiều người (trong đó có chúng tôi) vì thiếu hiểu biết đã xem nhạc lễ chỉ là nhạc… đám ma.

Nghệ nhân Tám Nhứt - kho nhạc lễ sống

Vòng vèo một hồi lâu, chúng tôi cũng đến được nhà nghệ nhân Tám Nhứt, người được xem là một “kho nhạc lễ sống”, tại Gò Vấp, TP.HCM. Nhà đang sửa, bộn bề công việc nhưng khi biết có phóng viên đến tìm hiểu về NLNB, ông già liền lật đật thay áo, đeo máy trợ thính (vật bất ly thân từ nhiều năm nay) tiếp khách ngay. Thế nhưng cuộc trao đổi của chúng tôi với cụ Tám lại không dễ dàng chút nào (tuy đã được các con cụ “báo động” từ trước). Mặc dù đã nói như hét và chiếc máy trợ thính của ông cụ cũng làm việc hết công suất nhưng dường như cụ cũng không nghe được gì. Cuối cùng chúng tôi phải sử dụng đến phương pháp rất cổ điển là “bút đàm”: ghi câu hỏi ra để cụ trả lời. “Tui già quá rồi, quên trước quên sau. Mà nói về nhạc lễ thì nó vô biên, nói không biết bao giờ cho hết mà cũng không biết nói từ đâu bây giờ. Thôi thì nhớ gì nói nấy nhe”, như sợ chúng tôi khó hiểu, cụ Nhứt nói dò.
 
Nghệ nhân Tám Nhứt biểu diễn trống đồng
 
Nghệ nhân Tám Nhứt tên thật là Phan Văn Nhứt, sinh năm 1924 tại Cần Đước, Long An. Năm 14 tuổi, cậu Nhứt theo nghệ nhân Chín Láo (học trò của ông Nguyễn Quang Đại, người được xem là “hậu tổ” của NLNB và đờn ca tài tử) học nghề. Lúc đầu chỉ tập đánh mõ rồi dần học đến các nhạc cụ khác: trống lễ, trống bồng, trống cơm, kèn trung, kèn tiểu... Năm 1942, khi thầy qua đời, chàng trai Tám Nhứt lên Gò Vấp tự lập “giạ nhạc” riêng cùng gia đình (đến anh là đời thứ ba theo nghề nhạc lễ). Tại đây, anh Tám tham gia kháng chiến và gầy dựng tên tuổi của mình trong ngành nhạc lễ. Đến nay đã bước vào năm thứ 71 cụ Tám gắn bó cùng nhạc lễ.
 
Vốn liếng của cụ sau 71 năm là khả năng sử dụng nhuần nhuyễn hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc lễ, có thể chơi hầu hết các bài nhạc mà còn giải thích rõ nguồn gốc ra đời cũng như nghi thức tương thích với nhạc. Mà người có thể “cạnh tranh” với cụ về khoản ấy chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả đời “gõ trống”, cụ nhận không biết bao nhiêu bằng khen, giải thưởng đủ các cấp trong đó có danh hiệu Nghệ nhân dân gian được Nhà nước phong tặng vào năm 2006. Cụ cũng không nhớ được mình đã truyền dạy nhạc lễ cho bao nhiêu người, chỉ nhớ là chỗ nào cần biết nhạc lễ là cụ có mặt để chỉ dẫn, truyền dạy những tinh túy của nghề.
 
Theo lời cụ Nhứt thì NLNB là sự giao thoa giữa Nhã nhạc cung đình Huế, theo chân những người khai phá đất phương Nam vào vùng đất mới, với nền văn hóa bản địa, hình thành nên một thể loại âm nhạc đặc trưng Nam bộ. Thật vậy, nhìn vào dàn nhạc lễ, ta có thể thấy rõ đặc trưng văn hóa của vùng đất phương Nam. Nếu Nhã nhạc cung đình Huế sử dụng chính là ba cây kèn mộc đại - trung - tiểu (với loa kèn bằng cây) thì đến đất Nam bộ chỉ còn lưu lại kèn trung, kèn tiểu và du nhập thêm kèn thau (với loa kèn bằng thau) từ văn hóa của người Hoa, trống cơm từ văn hóa Ấn Độ - Khmer, hai dân tộc rất phổ biến ở miền đất phương Nam này. Đặc biệt cây “đờn cò” là sự sáng tạo tuyệt vời của người dân đồng bằng Nam bộ khi cải biến loại nhạc cụ có hai dây (mà người Bắc, Trung gọi là “đàn nhị”) theo hình tượng con cò thành loại nhạc cụ có âm vực cao mà các nhạc sĩ đã ví là “thân em như cổ con cò, mỏ em như mỏ con cò, tiếng kêu em lảnh lót như tiếng cò”.
 
Biểu diễn nhạc lễ ở Nhà hát giao hưởng Torino, Italia năm 2007
 
“Người Nam thường sử dụng nhạc lễ trong các nghi thức quan - hôn - tang - tế. Bất cứ lễ nghi nào cũng cần phải có nhạc, không có nhạc sẽ không thành lễ. Nền âm nhạc dân gian của Nam bộ là nhạc ngũ âm hò - xự - xang - xê - cống tương ứng với ngũ hành mang triết lý phương Đông sâu sắc. Dàn nhạc lễ cũng vậy gồm: kim (bạc, đẫu, thanh la), mộc (cặp trống lễ), thủy (kèn), hỏa (đờn cò), thổ (trống bồng). Khi hòa điệu cùng nhau trong nghi thức thì nhạc lễ thể hiện vai trò “hòa Trời - hòa Đất - hòa Con Người ”. Nhạc lễ là phương tiện để con người bày tỏ lòng thành kính của mình với trời đất, thánh thần - trong các lễ tế ở đình chùa, miếu mạo; với tổ tiên, những bậc bề trên - trong lễ tang, giỗ chạp. Nó thuộc về tín ngưỡng, về “phần hồn” nên thiêng liêng lắm”, cụ Nhứt cho biết.
 
Ngày nay, lễ quan đã không còn, hôn lễ cũng chuộng nhạc tài tử, cải lương và bây giờ là nhạc trẻ, nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái tế lễ ở đình chùa và trong đám tang. Thành thử người dân ngày càng xa lạ với NLNB, nghĩ đơn thuần nhạc lễ là nhạc đám ma hay tệ hơn không hề biết đến sự tồn tại của dòng nhạc dân gian đặc sắc có vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Nam bộ.

Nỗi niềm nhạc lễ Nam bộ

“Mà thiệt tình bây giờ nhạc lễ đã bị lai hết rồi. 90% là đã mất căn bản. Bây giờ mà đánh đúng bài bản nhạc lễ thì ai mà nghe nữa. Người giữ gốc nhạc lễ không sống được phải bươn chải theo thời cuộc, theo thị hiếu người dân. Bây giờ tui cũng đã ở tuổi “gần đất xa trời” rồi lại điếc nặng, thần trí cũng không minh mẫn như xưa, có muốn truyền dạy cũng hạn chế mà sợ còn không có người theo học”, cụ Nhứt chia sẻ về sự “biến dạng” của NLNB những năm gần đây. Gia đình cụ Nhứt đang quản lý một nhóm đông những anh em đến thọ giáo cụ và sống bằng nghề nhạc lễ.
 
“Ổng thì đâu biết gì nhạc của bây giờ mà dạy. Ổng chỉ dạy những cái gốc nhạc lễ của ổng từ xưa thôi. Tụi nhỏ ở đây biết hết, đánh hết được đó. Nhưng lại không xài được. Đến nhà người ta phục vụ, người ta kêu đánh cái gì phải đánh cái đó chứ. Bây giờ ai mà kêu đánh nhạc lễ gốc nữa. Muốn kiếm sống thì phải theo thời thế thôi”, chị Mỹ Kim, con gái thứ tư của cụ Nhứt nói.
 
Vốn rất nghiêm khắc, cụ Nhứt không chấp nhận việc đi đánh nhạc lễ mà mặc áo thun, quần jeans. “Phải mặc sơ mi, áo có cổ ổng mới chịu. Mấy đứa nhỏ bây giờ thích mặc gì thì mặc, bị ông chửi hoài hà. Nhưng tụi nó cũng có nghe đâu”, chị Tư đế thêm. Cụ cũng khó chấp nhận sự có mặt của những nhạc cụ điện (hạ uy di, guitare điện, organ...) trong dàn nhạc lễ nhưng bây giờ nhiều khi chỉ cần một cây organ điện là đã thay thế được nguyên dàn nhạc lễ.
 
Từ hồi bị bệnh nặng rồi lãng tai, cụ hầu như không đi đâu xa cũng ít khi có dịp biểu diễn tài đánh trống bồng trứ danh của mình (được bằng khen trong Liên hoan âm nhạc Việt Nam - Campuchia năm 1981). Đã lâu rồi cụ cũng không chơi nhạc vì “tai không nghe được” nhưng cụ đã chủ động gợi ý: “Muốn nghe thử một điệu nhạc lễ không?”. Làm sao chúng tôi có thể bỏ qua một dịp may hiếm có như vậy. Cụ với lấy cây đờn cò trên vách, so dây rồi bắt đầu kéo. “Nghe vui không? Đây là điệu Xuân thường dùng trong những dịp vui cưới hỏi, cúng tế ở lễ hội. Còn hơi Ai nè, buồn, sử dụng trong đám ma”, vừa nói cụ vừa “chuyển hơi” đờn làm tiếng đờn đang réo rắt vui tươi bỗng chậm rãi buồn da diết.
 
Tuổi già, lại còn lãng tai hầu như cụ chỉ tìm vui với những nhạc cụ, những tài liệu nhạc lễ mà cụ xem như báu vật và giữ rất kỹ. Lâu lâu người bạn tri âm của cụ là GS Trần Văn Khê đến thăm và câu chuyện của họ chủ yếu chỉ xoay quanh những tinh túy của nhạc lễ, về những suy tư trăn trở làm thế nào để bảo tồn một loại hình âm nhạc đặc sắc của chính vùng đất Nam bộ. Mà xem ra, những cuộc đàm đạo như thế cũng có vẻ không còn kéo dài được bao lâu vì cả hai ông đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
 
“Làm nghề đã lâu năm, dạy cũng nhiều học trò nhưng điều tui cảm thấy hạnh phúc nhất đó là truyền dạy những phần cơ bản của ngành nhạc lễ cho con tôi là nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, hiện là giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Vốn liếng của tui đều dồn vào nó đó”, trong cuộc trao đổi, cụ Tám thường xuyên nhắc đến người con trai thứ ba của mình với tất cả niềm tự hào của một người cha cũng như sự kỳ vọng vào người sẽ kế thừa sự nghiệp của mình. “Tui thuộc về thời xưa cũ rồi. Có muốn níu kéo cũng không được. Tui hy vọng nhiều vào Nhứt Dũng và mấy đứa nhỏ sau này làm sao có thể giữ gìn NLNB. Cô cậu nên gặp nó để hiểu thêm...”.
 
(Đón xem tiếp kỳ sau: Tiếp sức cho Nhạc lễ Nam bộ)
 
Ninh Lộc - Anh Đức
www.thethaovanhoa.vn

             
 
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3
Nguyen Tan replied on 05-27-2009 2:18

Lễ Nhạc:

Lễ: -Cách bày tỏ kính ý bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, -cuộc lễ có nghi tiết. Nhạc: âm nhạc.

Lễ Nhạc là Lễ nghi và Âm nhạc

LỄ và NHẠC

  1. LỄ
    1. Dùng Lễ để hàm dưỡng tánh tình
    2. Dùng Lễ để giữ tình cảm thích hợp đạo Trung dung
    3. Dùng Lễ để định rõ lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới phân minh
    4. Dùng Lễ để tiết chế lòng dục
  2. NHẠC
  3. SỰ PHỐI HỢP NHẠC và LỄ

I. LỄ:

Chữ Lễ, trước tiên dùng với ý nghĩa là các hình thức cúng tế, cầu Thần linh ban phước và cúng tế Tổ Tiên. Sau đó, chữ Lễ được dùng rộng ra bao gồm những phép tắc phù hạp với phong tục và tạp quán của dân chúng trong việc quan, hôn, tang, tế. Sau nữa, chữ Lễ có nghĩa thật rộng, gồm cả quyền bính của vua và cách tiết chế các hành vi của dân chúng cho thích hợp lẽ tự nhiên của Trời Đất.

Cho nên, Kinh Lễ của Nho giáo viết rằng: "Lễ giả, Thiên chi tự." Nghĩa là: Lễ là cái trật tự của Trời. Do đó, Nho giáo rất chú trọng về Lễ và dùng Lễ vào 4 mục đích sau đây:

1. Dùng Lễ để hàm dưỡng tánh tình.

Dùng Lễ để tạo thành một không khí đạo đức trang nghiêm, dần dần biến thành một tạp quán tốt, khiến người ta làm điều phải một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ.

Vào nơi đền chùa, thấy khung cảnh cúng bái trang nghiêm, tự nhiên sanh lòng tôn kính. Vào chỗ đám tang, thấy cái không khí ảm đạm thê lương, tự nhiên sanh lòng bi ai.

Vậy nhờ Lễ mà con người được khơi dậy những tình cảm tốt đẹp cao thượng.

2. Dùng Lễ để giữ tình cảm thích hợp đạo Trung dung.

Dùng Lễ để giữ tình cảm của mình không cho thái quá mà cũng không cho bất cập, theo đúng đạo Trung Dung. Nhờ vậy, thể xác và tinh thần của con người được quân bình, hành động lúc nào cũng được sáng suốt và chừng mực.

Đức Khổng Tử bảo Nhan Uyên là người đã hiểu rõ đạo Nhân hơn người là do Lễ: "Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động." Nghĩa là: không phải lễ chớ nhìn, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ làm.

3. Dùng Lễ để định rõ lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trên dưới phân minh.

Nhờ Lễ mà ta phân biệt được kẻ thân người sơ, kẻ nhỏ người lớn, vì Lễ qui định sự đối xử khác nhau rõ rệt. Do đó không còn chỗ hiềm nghi, định rõ lẽ phải trái.

Nhờ Lễ mà định được Chính danh, có Chánh danh mới định phận cho thích hợp. Do đó có tôn ti trật tự, phép tắc luân lý từ gia đình đến xã hội, tạo nên một xã hội trật tự thái bình.

4. Dùng Lễ để tiết chế lòng dục.

Dục vọng của con người thì không cùng và lúc nào nó cũng đòi hỏi phải làm cho nó thỏa mãn. Nếu không dùng Lễ để chế giảm, tất dục vọng sẽ làm con người hư hỏng. Dùng Lễ để chế giảm mà còn hướng dẫn dục vọng vào chỗ cao thượng nữa.

Lễ và Pháp luật đều có mục đích ngăn chận sự hư hỏng và tội lỗi của con người. Nhưng Lễ có ưu điểm là nó có thể ngăn cản những việc lầm lỗi chưa xảy ra, còn dùng pháp luật là để trừng trị những việc tội lỗi đã xảy ra rồi. Do đó, Thánh nhân trọng Lễ hơn trọng hình phạt. Pháp luật tuy phải đặt ra, nhưng dùng sự giáo hóa về Lễ mà ngăn chận trước sự phạm tội mới là ưu việt.

Tóm lại, chữ Lễ trong nghĩa rộng có bao hàm tính chất pháp luật. Nhưng Lễ chú trọng về mặt giáo hóa và ngăn ngừa sự hư hỏng, phạm tội; còn Luật pháp thì chú trọng trừng phạt những điều hư hỏng và phạm tội đã xảy ra.

Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì, không nên làm điều gì, và tại sao như thế. Còn Luật pháp thì cấm không cho làm việc nầy làm việc nọ, hễ vi phạm thì bị trừng phạt.

Người làm trái Lễ thì bị chê cười, có tính cách trừng phạt về mặt tinh thần, người làm trái pháp luật thì bị trừng phạt về thể xác.

II. NHẠC:

Nhạc là sự hòa hợp của các thứ âm thanh mà tạo thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng trước ngoại vật, hay nói khác đi, chính sự rung cảm trong lòng người mới tạo thành tiếng Nhạc.

Khi người buồn thì tiếng nhạc có âm điệu bi ai; khi người vui vẻ phấn chấn trong lòng thì tiếng nhạc nhanh, dồn dập, vui tươi; khi ngoại cảnh sanh lòng yêu mến thì tiếng nhạc hòa nhã dịu dàng. Ngược lại, tiếng nhạc có thể cảm hóa lòng người, khiến người nghe rung động theo nó, như khi nghe nhạc réo rắc thanh tao thì người nghe có ý nghĩ cao thượng, khi nghe nhạc giựt gân dâm ô thì người nghe có ý nghĩ thấp hèn.

Nhạc có thế lực rất quan trọng như thế nên bực đế vương thời xưa như vua Thuấn dùng nhạc để hóa dân, khiến dân trở nên lương thiện.

Sách Nhạc Ký có viết: Nhạc là cái vui của Thánh nhân, mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và làm cho phong tục dời đổi được.

Cho nên Tiên Vương mới đặt ra việc dạy Nhạc.

Nhạc cũng phải giữ lấy đạo Trung dung, dẫu vui cách mấy cũng không làm mất cái chánh, dẫu buồn cách mấy cũng không làm mất cái hòa. Như thế Nhạc mới điều hòa tánh tình của con người.

III. SỰ PHỐI HỢP NHẠC và LỄ:

Nhạc và Lễ đều có cái chủ đích chung là sửa đổi tâm tánh con người cho ngay chánh, bồi dưỡng tình cảm cho thuần hậu. Nhưng mỗi bên có cách thức riêng biệt.

Lễ cốt ở sự cung kính để giữ cho trật tự phân minh, Nhạc cốt ở sự điều hòa khiến cho tâm tánh được tao nhã.

Do đó, Lễ và Nhạc cần phải phối hợp với nhau thì mới thành tựu mục đích tốt đẹp. Nếu có Lễ mà không có Nhạc, tức là có Kính mà không có Hòa, thì nhơn quần ở với nhau có sự phân biệt thái quá, nên chia rẽ xa cách. Nếu có Nhạc mà không có Lễ, tức là có Hòa mà không có Kính, thì thành ra dễ dãi khinh lờn.

Vậy nên, có Lễ phải có Nhạc, có Nhạc phải có Lễ, để cho cái nầy bổ khuyết cái kia thì mới tạo được sự điều hòa tốt đẹp và một trật tự ổn định trong xã hội.

Lễ và Nhạc có ý nghĩa rất sâu xa và có tác dụng mạnh mẽ về đường đạo đức, vì một đàng khiến cho tâm tánh ở bên trong và một đàng khiến cho sự hành động ở bên ngoài, cốt cho trong ngoài hòa thuận. Trong hòa là làm cho tâm tánh được điều hòa, ngoài thuận là làm cho hành vi cử chỉ thuận theo đạo lý, hợp lòng người. Trong và ngoài được như thế thì cái tà tâm và dục vọng không có cơ hội phát triển và dần dần sẽ biến mất, nhường chỗ cho Thánh tâm và những dục vọng thanh cao.

Nhưng Đức Khổng Tử lại nói: "Nhơn nhi bất nhơn như lễ hà? Nhơn như bất nhơn như nhạc hà?" nghĩa là:

Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Lễ được?
Người mà không nhơn đức thì làm sao dùng Nhạc được?

Ý của Đức Khổng Tử nói rằng: Dầu Lễ và Nhạc có hay đến bực nào đi nữa mà người dùng Lễ và Nhạc không có lòng nhơn đức thì cũng không có hiệu quả gì. Có nhơn đức tức là có tình cảm dồi dào, có trực giác mẫn huệ, rồi lấy Lễ Nhạc mà khiến thì công dụng của Lễ Nhạc rất hay; còn nếu không có nhơn đức mà đem dùng Lễ Nhạc thì chỉ là cái hư văn kiểu cách trống rỗng mà thôi, không có tác dụng gì.

Đức Khổng Tử chủ trương Lễ Nhạc cũng phải trung dung, không nghiêng hẳn về bên Lễ, cũng không nghiêng hẳn về bên Nhạc, vì: "Nhạc thắng hóa bừa bãi, Lễ thắng hóa chia lìa. Khiến thích hợp tánh tình, phục sức và dung mạo là công việc của Lễ Nhạc."

Lễ Nhạc còn có địa vị trọng yếu trong phép trị nước, và được đặt ngang hàng với Hành chánh và Hình pháp.

"Lễ để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm, Hành chánh để thống nhứt hành động, Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ Nhạc, Hành chánh, Hình pháp có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhứt lòng dân để thực hiện nền thạnh trị."

Ý của Đức Khổng Tử và các bậc Thánh xưa dùng Lễ Nhạc cao siêu như thế, nhưng lần lần, từ đời nọ qua đời kia, Nhạc và Lễ biến đổi theo tình đời và trở nên sái hết cả.

Lễ thì biến ra thêm phiền toái mà không giữ được sự Kính làm gốc, Nhạc thì biến ra đủ thứ đủ loại mà không giữ được sự Hòa làm gốc. Con người không được Nhạc Lễ hướng dẫn và kềm chế nên đã bị dục vọng vật chất lôi cuốn đến chỗ thấp hèn, đang tiến vào hố sâu vực thẳm.

Theo Cao Đài Từ Điển

Not Ranked
tiểu cầm thủ
Xin cho hỏi bạn Nguyễn Tuân vài lời. Tại sao bạn lại biết quyển sách Cao Đài Từ Điển? Và bạn có biết gì khác về Đạo Cao Đài không cho mình biết với?
phap***
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3

phap:
Xin cho hỏi bạn Nguyễn Tuân vài lời. Tại sao bạn lại biết quyển sách Cao Đài Từ Điển? Và bạn có biết gì khác về Đạo Cao Đài không cho mình biết với?

Khi tìm nhạc trên mạng bằng công cụ google, vô tình tôi thấy các định nghĩa và giải thích trong trang Cao Đài Từ Điển.

Tôi có biết chút ít về Đạo Cao Đài, nhưng không đủ kiến thức để chia xẻ với bạn. Bạn có thể tìm người khác. Vả lại trang này chỉ nên bàn luận về nhạc thôi bạn ạ. Không nên đem cái quá riêng vào đây, nhất là những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, chính trị,...

Ở trên tôi phải ghi rõ nguồn khi trích, theo quy định của diễn đàn. Bạn đừng hiểu khác.Mong bạn thông cảm.

Not Ranked
tiểu cầm thủ

Bạn đừng hiểu nhầm bạn Nguyen Tuan ơi. Mình không bạn luận gì về vấn đề tôn giáo đâu. Mà thật sự là nhạc và lễ của Cao Đài có chính thống từ Nam Bộ của chúng ta đây. Nhạc của Cao Đài dùng chỉ toàn là những bài nhạc cổ truyền của cải lương và tài tử thôi, ví như các bài Ngũ Đối Hạ, Ngũ Đối Thượng, Tiểu Khúc, Nam Ai, Nam Xuân.... Nhưng lại kết hợp thêm Lễ của Nhã nhạc cung đình Việt Nam xưa, thật tài tình đúng không.

Nếu tìm hiểu về nhạc dân tộc Việt Nam mà bỏ qua Lễ kết hợp với Nhạc của Cao Đài thì mình thấy có lỗi với tiền nhân lắm bạn ơi. Nó là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các Nhịp điệu trong bài nhạc với các bước đi trong lễ, theo một trật tự nhất định.

Bạn hãy xem lại nhạc lễ cung đình Huế, những buổi tế tự ở Đình làng và Nhạc cổ truyền Việt Nam để kiểm chứng lời nói của mình.

Nếu có gì vi phạm nội qui diễn đàn xin các bạn bỏ qua.

phap***
Page 1 of 1 (5 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems