Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Em xin bạo gan mở topic nói về Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa . Mong các bác đừng chê trách bài quá sơ sót nhé :
(Thy Nga) - Tối thứ Bảy 20-3 vừa qua tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bạn hữu của nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Đình Nghĩa đã tổ chức một chương trình nhạc thính phòng để góp tiền trợ giúp ông đang lâm trọng bệnh. Buổi trình diễn đặc biệt này có sự góp mặt đầy tình nghệ sĩ của nữ danh ca Ý Lan và nhạc sĩ Hoàng Thi Thi nổi tiếng về ngón dương cầm.Trong tiết trời còn lạnh dù đã bước vào Xuân, đồng hương trong vùng và những người hằng yêu mến tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa kéo đến tham dự rất đông. Quý vị cao niên và trung niên hẳn chưa quên hồi còn ở trong nước, đã bao lần lặng nghe tiếng sáo trầm bổng của Nguyễn Đình Nghĩa trong những chương trình thi ca. Tiếng sáo đượm tình dân tộc, đặc biệt là với những bản mang âm điệu núi rừng. Tiếng sáo có khi nghe đứt cả ruột gan như trong bài “Đoạn trường khúc”, có lúc mượt mà lướt thướt, có lúc thì như mưa rào, nhưng có lúc lại dữ dội như giông bão. Tiếng sáo mà nhạc sĩ Phạm Duy gọi là “tiếng sáo thần”.Nguyễn Đình Nghĩa sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Từ nhỏ đã thích sáo nên tự học. Năm 20 tuổi, đã sáng tác một số nhạc bản. Bước vào sinh hoạt âm nhạc là tại phòng trà Anh Vũ. Kế đến, cộng tác với đài phát thanh trong các chương trình thi ca. Sau đó, vào Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và bắt đầu đi trình diễn trên khắp bốn vùng chiến thuật. Cũng được đi các nước như Thái Lan, Mã Lai, Philippin, Pháp trình diễn trong các nhóm nghệ sĩ đại diện quốc gia.Nguyễn Đình Nghĩa còn xuất bản cuốn dạy thổi sáo, tái bản cả chục lần. Dịch hai quyển "Tự học Harmonica” của Pháp ra tiếng Việt. Đến năm gần 30 tuổi thì đóng phim "Đời võ sĩ" và phim "Đời phóng viên". Rồi phát hành băng nhạc, sản xuất sáo trúc, …Vào các năm đầu thập niên 1970 thì dạy Quốc Nhạc tại Đại Học Vạn Hạnh. Sau đây, mời quý vị nghe Nguyễn Đình Nghĩa độc tấu sáo trúc trong bài “Lý qua đèo”. Tiêu sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cũng dùng những nốt láy luyến để thể hiện tiếng chim Bongkle, loài chim trong vùng thượng du Việt Nam.Trong những chuyến lên vùng cao nguyên trình diễn, tiếng đàn T’rưng của sắc dân thiểu số đã lôi cuốn người nhạc sĩ này. Để tâm nghiên cứu, Nguyễn Đình Nghĩa sáng tác ra một số nhạc bản với âm điệu miền núi rừng như bài “Ngày hội lập buôn” sau đây do hai con gái của ông là Đoan Trang và Nam Phương song tấu đàn T’rưng. Sau mười năm nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã biến chiếc đàn T’rưng thô sơ của dân cao nguyên, thành cây đàn T’rưng với 52 ống tre, tức là có âm vực lớn, với những nốt trầm có khả năng trình bày nhạc cổ điển tây phương.Ông cũng cải tiến cây sáo 6 lỗ thành 11 hay 16 lỗ, có thể thổi được các bản nhạc cổ điển phương tây. Mời quý vị nghe bản “Serenade” của Schubert do Nguyễn Đình Nghĩa độc tấu đàn T’rưng.Nguyễn Đình Nghĩa cũng tìm tòi trong kho âm nhạc xứ Nhật và biến chế cây sáo Insen của họ cho gọn nhỏ lại. Sau đây là bản “Sakura” do Nguyễn Đình Nghĩa trình bày, một tay thổi sáo Insen, tay kia đánh đàn T’rưng.Sau biến cố năm 1975, Nguyễn Đình Nghĩa quay sang nghiên cứu về nhạc cụ. Tới tháng 7 năm 1984 thì ông cùng vợ con sang Hoa Kỳ, định cư tại tiểu bang Maryland. Đàn con 5 đứa đã khôn lớn và theo gót cha để trở nên các nhạc sĩ tài hoa. Ban nhạc gia đình Nguyễn đình Nghĩa từng trình diễn tại các viện âm nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, các trường đại học, trung tâm giáo dục, các cộng đồng, hội chợ quốc tế, và tại hàng trăm hí viện ở Mỹ và Canada. Tới đâu, lối trình tấu đặc thù của gia đình nghệ sĩ này cũng gây sự thích thú lẫn thán phục, và được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.Nguyễn đình Nghĩa từng được giới chức bang Maryland trao tặng giải thưởng về trình tấu nhạc cụ dân tộc, vào các năm 1994, 1998, 2000 và 2002.Ngoài sáo và đàn T’rưng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa còn sử dụng đàn bầu, đàn tranh, và trống ta. Về sau này thì Nguyễn Đình Nghĩa sáng tác nhạc thiền và đã phát hành một cuốn CD trong đó có bản “Cầu vòng và thác nước”. Vào ngày 11 tháng 5 năm ngoái, trong khi trình diễn tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Hoa Kỳ ở New York, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa bị đột quỵ rồi hôn mê suốt mấy tháng trời. Vợ ông phải nghỉ làm để túc trực bên giường bệnh. Nay, ông có các lúc tỉnh nhưng vẫn yếu lắm. Có lẽ không thể tiếp tục được các việc đang làm dở dang là cuốn CD thứ hai về Thiền, cây đàn T’rưng cộng hưởng, và cái đàn đá. Nói chi đến thực hiện điều mà ông hằng ấp ủ là tạo chiếc đàn lửa tuy nhiên, các con ông sẽ không bỏ dở con đường âm nhạc mà ba chúng đã dẫn trước. Đến đây, chúng ta phải ghi nhận rằng nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã có công cải tiến nhạc cụ Việt Nam, phát huy nhạc dân tộc, nhất là nhạc cao nguyên, và đem ra giới thiệu với khán thính giả nước ngoài. Trở lại với buổi trình diễn vừa qua, vào cuối chương trình, hai con trai thứ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa lên tiếng thay cho toàn thể gia đình, cám ơn lòng uu ái của quý vị khán giả, cám ơn thiện ý của ban tổ chức và các nghệ sĩ. Mọi người ra về trong sự thương cảm, và thầm cầu mong người nhạc sĩ tài hoa chóng phục hồi sức khỏe để tiếng sáo ấy còn cất lên bên các con, cho người vợ hiền được nghe lại như hằng ước nguyện.
Đào Hoa Ảnh Lạc Mai Thần Kiếm Bích Hải Triều Sinh Táng Ngọc Tiêu
(LÊN MẠNG Thứ năm 25, Tháng Ba 2004)
(Virginia - Tuyết Mai -VB) Một nhóm thân hữu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, Huỳnh Thái Bình, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Phán đã tổ chức một đêm dạ tiệc, dạ vũ "Đêm Ý Lan" với chủ đề "Tình Nghệ Sĩ" để gây quỹ giúp nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, vào lúc 7:30 chiều ngày 20 tháng 3, 2004 tại nhà hàng Saigon House, Falls Church, VA.
Thật là một bất ngờ thích thú, vé được bán hết ngay sau khi báo đăng quảng cáo tiền thu được trong đêm dạ vũ này sau khi trừ mọi chi phí, sẽ được gởi đến tặng Gia Đình Nguyễn Đình Nghĩa.
Nhà hàng không còn một chỗ trống, không khí rất nhộn nhịp, đông vui và cũng rất cảm động vì hầu hết quan khách đến tham dự buổi dạ tiệc này ngoài thưởng thức giọng ca Ý Lan, còn có ý muốn đóng góp để chia sẻ phần nào những khó khăn hiện tại của gia đình Nguyễn Đình Nghĩa, người nghệ sĩ tài hoa, đóng góp rất nhiều cho âm nhạc thuần túy VN.
Mở đầu Ông Nguyễn Đức Nam đại diện cho Ban Tổ Chức có lời chào mừng quan khách. Ông nói BTC đặt chủ đề đêm nay là "Tình Nghệ Sĩ" vì phần lớn người trong BTC và Ý Lan đều là văn sĩ, ca sĩ , nhạc sĩ, cùng thực hiện chương trình này nhằm mục đích tương thân tương trợ. Sau đó nhạc sĩ Huỳnh Thái Bình cho biết tiền thu được sau khi trừ chi phí sẽ tặng cho gia đình Nguyễn Đình Nghĩa. Ông nói, thật ra với cơn bịnh hiểm nghèo hiện tại của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, về vật chất số tiền này chẳng giúp đỡ được bao nhiêu, nhưng về tinh thần đây là một nguồn an ủi, niềm khích lệ lớn lao đối với một người bạn, một người nghệ sĩ tài hoa, suốt đời đem hết tim óc mình ra phụng sự cho âm nhạc VN.
Trong đêm gây quỹ này, một bức tranh tuyệt đẹp do họa sĩ Đinh Cường vẽ tặng, được BTC bán đấu giá.
Bác sĩ Tôn Thất Chiểu mua bức tranh này với giá cao nhất, một ngàn mỹ kim.
Chương trình được tiếp nối với các ca sĩ địa phương, Bảo Kim, Hiếu Thuận, Phương Vi.
Nói đến Nguyễn Đình Nghĩa, người VN không nhiều thì ít đều biết Ông là một nghệ sĩ tài danh về thổi sáo, có một không hai ở VN, từ mấy chục năm qua. Ông trình diễn trong các chương trình Cổ Kim Hòa Điệu của Châu Kỳ, Thi Văn Tao Đàn của Đinh Hùng. Tiếng sáo của Ông được mệnh danh là "Tiếng sáo thần".
Ông và Gia đình sang định cư ở Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ vào năm 1984. Để thích ứng với hoàn cảnh mới ở xứ người, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã nghiên cứu một loại nhạc cụ mà dân miền Thượng Du đã có từ lâu, là đàn "T’rưng", làm bằng những ống tre. Ông đã hoàn chỉnh loại đàn này để có thể tấu lên những bản nhạc Tây Phương. Chính nhờ nét đặc thù này mà nhiều nghệ sĩ ngoại quốc để ý đến tài nghệ của Ông và thường mời Ông cùng gia đình trình diễn trong những dịp đặc biệt, nhiều nơi trên nước Mỹ.
Các con Ông, Đoan Trang chuyên đàn T’rưng, đàn tam thập lục, Nam Phương đàn tranh, đàn bầu. Các con trai Nguyễn đình Nghị đàn guitar, Chiến và Hòa đánh trống Tây Phương và Bass. Cả gia đình Ông thường được mời đi trình diễn ở những hí viện lớn như Kennedy Center (Washington, DC), Wolf Trap (VA), Smithsonian Institution, Library of Congress (Washington, DC)... được khán giả ngoại quốc tán thưởng nhiệt liệt. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình có công đem nhạc thuần túy VN ra giới thiệu với người Mỹ và Canada, làm hãnh diện, vẻ vang cho dân tộc Việt.
Chị Diệu Tân, hiền thê của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cho biết, vào ngày 11 tháng 5, 2003 trong lúc gia đình Ông đang trình diễn tại New York, trên sân khấu của American History of Nature Museum thì nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa bị té xỉu trong phòng nghỉ của nghệ sĩ vì tai biến mạch máu não. Buổi trình diễn bị hủy bỏ. Ông được đưa vào bịnh viện Lenoxill ở New York để cấp cứu và nằm đó suốt chín tuần lễ. Sau đó Ông được đưa về "Nursing home" ở Maryland. Hiện nay Ông vẫn còn biết nhưng không cử động được, không nói được. Khi có bạn bè đến thăm thì ông biết và những giọt nước mắt tràn tuôn.
Trước hoàn cảnh khó khăn này một số anh em, bạn bè quyết định tổ chức những buổi ca nhạc gây quỹ ở Cali, Texas, Virginia.. để giúp đỡ, chia sẻ phần nào với gia đình Ông.
Trở lại chương trình "Đêm Ý Lan: Tình Nghệ Sĩ", với vóc dáng thon nhỏ, dịu dàng trong chiếc áo dài đen, Ý Lan bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt của khán giả Thủ Đô. Khi Ý Lan cất tiếng hát cả hội trường lặng yên như tờ, khán giả như ngừng thở để lắng nghe. Tiếng hát ngọt ngào, truyền cảm của Cô đã chinh phục, chế ngự lòng người. Với nhạc trữ tình "Nửa Hồn Thương Đau", "Chị Tôi", tiếng hát của Ý Lan như thổn thức, dạt dào yêu thương. Với nhạc sống động, dồn dập như "Quỳnh Hương" tiếng hát Ý Lan thật mạnh, tròn đầy, vui tươi. Là người miền Bắc mà Ý Lan hò miền Nam cũng rất "mùi". Ở thể điệu nào Ý Lan cũng làm say mê người nghe. Ý Lan hát liên tục hằng chục bản nhạc không biết mệt và khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt. Cô thật xứng đáng với danh hiệu, ca sĩ hàng đầu của âm nhạc VN ở hải ngoại.
Sang phần khiêu vũ Ý Lan thay y phục Tây phương, màu sắc rực rỡ, trẻ trung. Cô vừa hát vừa nhún nhẩy trong những bản nhạc ngoại quốc rất hấp dẫn, vui tươi. Trong thời gian ba giờ đồng hồ, ca sĩ địa phương chỉ hát có năm sáu bản, thì giờ còn lại là Ý Lan "thầu" hết chương trình. Cô hát liên tục, hết bản này đến bản khác, từ slow đến rumba, đến twist... khán giả nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng. Người thích khiêu vũ, người ngồi yên thưởng thức giọng hát, tất cả đều rất hài lòng với "Đêm Ý Lan: Tình Nghệ Sĩ".
Đúng một giờ sáng, chương trình phải chấm dứt, đèn bật sáng mà khán giả còn luyến tiếc. Mọi người lần lượt ra về, nét mặt hiện rõ niềm vui, vừa thưởng thức một chương trình ca nhạc, dạ vũ thật xuất sắc, vừa góp phần chia sẻ với gia đình Nguyễn Đình Nghĩa, một nghệ sĩ tài danh, đem lại niềm hãnh diện cho âm nhạc thuần túy VN.
Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa Gác Sáo Thần, Từ Trần[24/12/2005 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]VB, Westminster, 24.12.2005.Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, người được nhiều người phong tặng danh hiệu Sáo Thần, đã từ trần vào lúc 16:00 giờ (giờ Miền Đông Hoa Kỳ) ngày 22-12-2005. Hình: Cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa. Bản tin và lời phân ưu của nhà văn Phan Nhật Nam đã cho biết rằng nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã từ trần sau cơn bạo bệnh kéo dài nhiều năm, từ ngày ngả bệnh là 12/5/2003. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã hưởng dương 65 tuổi (1940-2005).Nhà văn Phan Nhật Nam đã thay mặt Bạn cũ Phan Châu Trinh, Đà Nẵng & Collège de Tourane Niên Khóa 1954-1960 khắp nước Mỹ, trên thế giới, và ở quê nhà để gửi lời chia buồn tới gia đình còn lại của nhạc sĩ.Nhà văn Phan Nhật Nam đã gọi nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa là “Cây Sáo số Một của Quê Hương Việt Nam,” người đã đạt các danh hiệu liên tục nhiều năm Khôi Nguyên Nghệ Sĩ Trình Diễn Liên Hoan Nghệ Thuật Âm Nhạc Thế Giới - Tiểu Bang Maryland (1994-1996-1998-2000-2002).Trước năm 1975, nhạc sĩ đã nổi tiếng với nghệ thuật thổi sáo, và được xem như thổi sáo hay nhất Việt Nam. Sau ngày 30-4-1075, nhạc sĩ và vợ con bị đuổi ra khỏi căn nhà ở hẻm Phan Văn Trị... vì "Chỉ có bọn Ngụy mới trả tiền để anh thổi sáo cho chúng,” theo kể lại từ bài viết từ năm 2003 của nhà văn Phan Nhật Nam cho biết.Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình không về lại Đà Nẵng, ông đưa vợ và ba con đi xa hơn ... Nơi hẻo lánh, vùng núi miền Trung. Ở miền núi, tiếp xúc với những người sắc tộc Bahnar, H'mong, Rhadé ... nhạc sĩ Nghĩa dần khám phá ra khối lượng nhạc khí độc đáo, kỳ ảo của họ, với cây đàn T'rưng... và chế tạo ra chiếc đàn 29 ống...Nhà văn Phan Nhật Nam kể:“Anh đến Canada năm 1984; tháng Giêng 1987 nhân dịp Tết Việt Nam, anh xuất hiện ở phòng hòa tấu Đại học Toronto và liên tục trình diễn qua các cơ sở văn hóa, giáo dục vùng Đông-Bắc nước Mỹ. Anh không đứng trên sân khấu một mình. Sau lưng, và hai bên anh bây giờ đã có toàn thể khối lực hỗ trợ ... Những Đoan Trang, Nam Phương, Nguyễn Đình Nghị, và tiếp theo, Nguyễn Đình Hòa và Chiến. Đây không còn là những đứa bé trèo lên vai, bám lên cổ anh ở hai mươi năm trước, mà đã là người thiếu nữ Việt Nam làm sống động âm thanh khắc khoải gờn gợn của Độc Huyền (Nam Phương); người dựng lại khối âm thanh rực rỡ của Thập Lục (Đoan Trang), và những cây guitar điện kỳ ảo, sống động, giàn trống hào hùng với Nghị, Hòa, Chiến ... Tất cả đã hòa nhịp cùng chiếc đàn T'rưng đồ sộ 29 ống của Nghĩa hiện thực nên điều - Âm nhạc với nhạc khí cổ truyền Dân Tộc Việt Nam là một thế giới kỳ diệu do từ nội dung sâu lắng, phong cách, kỹ thuật trình diễn điêu luyện tế vi. “Buổi trình diễn ngày 2/6/1994, tại Thính Đường Carnegie Hall, Đại học Kỹ Thuật New York là một xác chứng về câu chuyện có vẻ không thực của một gia đình tên gọi Nguyễn Đình Nghĩa. Vì sau gần trăm năm thành lập, phòng hòa âm ấy chỉ dành riêng để các bậc thầy trình diễn về các bậc thầy, những Beethoven, Mozart, Wagner ...”Nhà văn Nguyễn Bá Trạc, trong một bài viết trên tờ VietMercury năm 2003 cũng ghi nhận:“Tại Mỹ, ký giả Stella Dawson cuả tờ Northern Virginia Sun so ông với Jean-Pierre Rampal - người Pháp, một trong vài người thổi sáo cổ điển hay nhất thế giới đương đại: "Nguyễn Đình Nghĩa là Jean-Pierre Rampal của âm nhạc truyền thống Việt Nam." Gia đình Nguyễn Đình Nghĩa đến Mỹ trong tháng 7, 1984. Sau những buổi trình diễn đầu tiên, rất mau chóng, giới truyền thông đã giới thiệu ông trên các đài truyền hình NBC News, CBS News... với phần phỏng vấn của các ký giả Connie Chung, Jack Reynolds. Miền đông nước Mỹ nhìn nhận tài năng Nguyễn Đình Nghĩa qua bốn giả thưởng của Maryland State Council, dành riêng cho các nghệ sĩ cá nhân xuất sắc, vào những năm 1994 - 1998 - 2000 - 2002...”