Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Kim Đal là một nhạc công xuất sắc của Đoàn nghệ thuật Khơme tỉnh Sóc Trăng với tài thổi sáo trúc độc nhất vô nhị ở vùng sông nước Cửu Long. Nhưng, tiếng sáo du dương làm say đắm lòng người của "Trương Chi" thời nay không phải được thổi bằng miệng mà là... mũi!
Kim Đal lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Tuy nhiên, cha anh - ông Kim Đel - có một chút máu nghệ sĩ trong người khi có nghề tay trái là kéo đàn cò phục vụ đám ma trong xóm. Vì thế ông Kim Đel cũng muốn con trai út của mình có thêm một nghề tay trái như ông sau những ngày vất vả trên đồng ruộng. Không mê đàn nhưng không dám cãi lời cha nên Kim Đal đành gượng gạo ôm đàn, nhưng lại kéo dây bằng... tay trái.
Anh nhớ lại: "Thấy tôi bướng bỉnh ông giận lắm nhưng không nói gì. Không ngờ gần gũi cây đàn riết rồi mê tiếng đàn lúc nào không hay và tay trái của tôi cũng quen dần với việc kéo đàn cò khi tròn 10 tuổi". Năm 12 tuổi, trong lúc đi kéo mạ ngoài đồng, Kim Đal vô tình nhặt được một ống sáo trúc còn nguyên vẹn của đám trẻ chăn trâu trong xóm đánh rơi. Mang về nhà nhưng không ai biết thổi, cậu bé Kim Đal đành nhờ đám trẻ chăn trâu. Kim Đal kể: "Rất may mấy anh bạn này chỉ dẫn tôi khá tận tình. Được hướng dẫn khoảng một giờ và tập mười ngày ròng rã ở bụi tre sau nhà, cuối cùng chiếc sáo trúc ấy cũng chịu ngân lên những âm thanh trầm bổng để mỗi lúc buồn vui tôi có thể gửi lòng mình vào tiếng sáo".
Cứ tưởng tiếng đàn, tiếng sáo ấy chỉ là tiếng tơ lòng bình dị, thầm kín của một gã trai làng sau những ngày mùa vất vả. Nào ngờ đến năm 1990, khi Đoàn nghệ thuật Khơme lưu diễn ngang qua quê hương Long Phú thì cuộc đời anh chàng nông dân kiêm hớt tóc ngày nào chính thức rẽ sang con đường nghệ thuật. Mặc dù chưa biết hát cải lương hay một bản nhạc nào nhưng sau nhiều ngày làm... khán giả, một ngày trước khi Đoàn nghệ thuật Khơme rút đi nơi khác thì Kim Đal trực tiếp đến gặp trưởng đoàn xin đi làm... nghệ sĩ.
Nhờ biết thổi sáo, kéo đàn cò nên lãnh đạo đoàn chấp nhận cho Kim Đal theo đoàn làm nhạc công tập sự. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn mà chàng nhạc công Kim Đal đã tập và hát được rất nhiều bài nhạc, trích đoạn cải lương. Những lúc rảnh rỗi Kim Đal còn luyện tập và sử dụng thành công các loại nhạc cụ khác như đàn gáo, đàn khum... nên anh nhanh chóng được chính thức bước lên sân khấu cải lương, ca nhạc và cả... làm hề vào năm 1995.
Theo Đoàn nghệ thuật Khơme một thời gian, Kim Đal nhận ra bản thân và nhiều anh em khác trong đoàn có nhiều cái rất giống nhau là biết làm hề, ca nhạc, hát cải lương, sử dụng một vài nhạc cụ... Vì vậy, Kim Đal muốn mình có một cái gì đó rất riêng. Sau nhiều ngày suy nghĩ anh quyết định tập thổi sáo bằng... lỗ mũi! Những ngày đầu chính thức tập thổi sáo bằng lỗ mũi, Kim Đal gặp muôn vàn khó khăn. Vận hết lực, hít không khí căng phồng buồng phổi nhưng khi đưa hơi vào ống sáo thì đầu óc bỗng quay cuồng, đau nhức, nước mắt chảy dài và nước mũi... tràn vào làm nghẹt sáo!
Không nản lòng, ngày nào Kim Đal cũng dành thời gian luyện tập cùng với sự trợ giúp của các đồng nghiệp, và một tháng sau anh đã thổi sáo bằng lỗ mũi trọn vẹn được bài Tiếng sáo đồng quê của nhạc sĩ Sơn Lương.
Và cứ thế, "Trương Chi" Kim Đal vẫn tiếp tục khổ luyện để tiếng sáo bằng... mũi của mình ngày mỗi có hồn hơn. Cái hồn của tiếng sáo mũi ấy đã mang về cho Kim Đal chín HCV, hai HCB tại những kỳ hội diễn, liên hoan toàn quốc trong thời gian từ năm 1999 đến nay.
NGỌC DIỆN
hehe. em cũng thổi được vài bài đơn giản bằng mũi.không khó lắm
em cũng nghĩ cái này để cho vui thôi đi khác lối mòn tẹo
Trang nhà : http://tanduy.tk/
Gương mặt Damsan.net
Diễn đàn Saxophone
Hơ, còn em thì nghĩ chắc ông ấy phải không bao giờ dính phải 1 số bệnh như cảm hàn, sổ mũi ..., chứ nếu không, lỡ biểu diễn mà vào trời rét cắt da như miền Bắc vừa rồi và bị cảm thì.... ai tưởng tượng giùm em chuyện gì xảy ra! Phi nghệ thuât!
Ơ nhưng mà cũng phục thật, em thổi bằng miệng còn chả bằng ai!!!!
Việc này cũng giống như người ta thích ăn cơm bằng đũa và người thì thích ăn bằng muỗng ( thìa ) thôi mà . Cũng như có người vẽ bằng tay nhưng có người vẽ được bằng chân , và có người ngậm bút để viết chữ nữa … Đó không thể gọi là phi nghệ thuật mà nên gọi là tài năng dị thường . Vì không phải ai cũng làm được điều đó đâu , phải không các bác ?
bác cứ an lành ở đó tưởng tượng nha! chừng nào mà có người thở qua ...tai được thi người đó sẽ làm đc diều bác tưởng tượng!
dongtahoangduocsu: Việc này cũng giống như người ta thích ăn cơm bằng đũa và người thì thích ăn bằng muỗng ( thìa ) thôi mà . Cũng như có người vẽ bằng tay nhưng có người vẽ được bằng chân , và có người ngậm bút để viết chữ nữa … Đó không thể gọi là phi nghệ thuật mà nên gọi là tài năng dị thường . Vì không phải ai cũng làm được điều đó đâu , phải không các bác ?
Bác bảo có người vẽ được bằng chân, tôi thấy đó thường là những người vì hoàn cảnh, thương tật ở tay nên mới phải dùng chân để thay tay. Những người như thế rất đáng kính phục, vì họ biết khuất phục hoàn cảnh. Đó không hẳn là tài năng dị thường mà là nỗ lực phi thường để vượt qua khó khăn.
Còn những người tay lành lặn mà cố vẽ bằng chân, miệng không có vấn đề gì mà đi thổi sáo bằng mũi, tôi thấy đó chỉ là một kiểu thích làm khác người, hay nói một cách khác là một trò hề. Nếu họ vẽ được cả bằng chân và tay, thử hỏi vẽ bằng tay hay chân cái nào đẹp hơn? Thử hỏi những người thổi được sáo bằng miệng lẫn mũi, họ thổi bằng mũi có hay hơn được không? Có thể đối với nhiều người, đó là nghệ thuật, nhưng tôi thì không thấy vậy. Đối với tôi, đã là nghệ thuật thì nên chơi vì cái đẹp, đã thổi sáo thì nên thổi theo tinh thần âm nhạc, thổi để thể hiện được cái hồn của sáo, thể hiện những cung bậc tình cảm ẩn giấu sau những nốt nhạc, và hơn nữa, phải tôn trọng âm nhạc.
Mỗi người một suy nghĩ, những gì tôi viết ở trên chỉ là suy nghĩ chủ quan của tôi thôi. Người ta hoàn toàn có quyền dùng mũi thổi sáo...... vì miếng cơm manh áo của họ. Chỉ có điều tôi không cho đấy là nghệ thuật.
Người thổi sáo mũi ở Châu Quế Thượng
Sáo mũi là một loại nhạc cụ độc đáo chỉ có ở VN. Theo GS, TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian VN, cả nước hiện chỉ còn rất ít người biết thổi sáo mũi. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh, người dân tộc Pù Lá, xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là một trong số đó.
Cây sáo mũi và điệu “khùi xì mờ”
Đoạn nhạc mà chị ngân nga tại Liên hoan Tiếng hát dân ca VN 2005 và đoạt giải A được lấy từ bài hát “Mời trăng”, tiếng dân tộc chị gọi là “Khùi xì mờ”. Lời hát bằng tiếng Pù Lá, dịch ra tiếng Việt như sau: “Đêm khuya trăng tàn, tiếng gío vi vu đã im lặng, chỉ còn tiếng sáo cất lên trong như mạch suối rừng. Những con chim và thú rừng hãy im lặng...”
Tiếng sáo mũi của nghệ nhân Đặng Thị Thanh tại Liên hoan Tiếng hát dân ca VN 2005
Theo truyền thống của người Pù Lá, “Khùi xì mờ” chỉ vang lên vào mùa làm nương rẫy, khi đêm khuya thanh vắng chỉ còn tiếng suối róc rách và tiếng côn trùng nỉ non. Ngoài bài hát này, còn nhiều bài ru con, đưa con lên rẫy… đều được chị Thanh biểu diễn thành công với cây sáo mũi.
Chị Thanh còn thổi được kèn bầu (kèn ma nhí), một loại kèn làm từ quả bầu con và ống sáo được lồng vào miệng quả bầu. Những nghệ nhân thổi sáo như chị Thanh thường tự tay chế tác các nhạc cụ. Chị thừa nhận, làm cây sáo mũi (tiếng Pù Lá gọi là “cúc ke”) vẫn kỳ công nhất.
Thân sáo lấy từ những cây nứa nhỏ mọc chẹt trong những bụi nứa. Chỉ cây nhỏ, già và thân mỏng mới được dùng làm sáo. Khó nhất là dùng cây dao mỏng để cắt gang cây sáo, phần gần mắt. Cứ gọt từng lớp mỏng cho đến lúc chạm vào màng nhưng không được để lẹm sâu quá. Chính lớp màng này gây nên âm thanh riêng biệt của sáo mũi. Chị đã luồn rừng cả ngày đường, ôm về một bó nứa và chọn mỏi mắt mới tìm được cây nứa ưng ý dùng làm sáo. Cây sáo này đã gắn bó với chị suốt 9 năm nay. Nó không bị mọt vì được chặt vào đúng mùa, độ tháng 11, 12 âm lịch.
Nỗi niềm người đàn bà thổi sáo
Không giống với các cô gái ở làng, đến tuổi 15 - 16 đã lấy chồng, chị Thanh được cha mẹ cho ăn học hết cấp II, ngoài 20 tuổi chị vẫn “phòng không”. Cho đến hội xòe mùa Xuân năm ấy, anh đứng xem múa nhưng mắt cứ đổ dồn về phía chị khiến má chị đỏ ửng. Tay múa, chân nhịp nhàng theo tiếng sáo mà tai chị nóng ran. Giống như bao cô gái trong làng khi thích người con trai ở hội xòe, chị đến mời anh cùng múa xoè.
Chưa hết một tuần hội xoè mà 2 người đã quấn riết với nhau và tình cảm ngày càng nồng đượm như bếp lửa nhà sàn. Đến ngày thứ 15, hội tan, anh hỏi: “Có lấy anh không?”. Chị đỏ bừng mặt, e lệ cúi xuống. Anh về thưa với mẹ cha và thế là sau 15 ngày múa xoè, 2 người nên vợ nên chồng. Chẳng ai tán tỉnh một lời, cũng không rủ nhau đi chơi, chỉ có điệu xòe và ánh lửa nồng nàn chứng giám cho tình yêu của họ như biết bao cặp trai gái khác trong bản đã nên vợ nên chồng từ hội múa xòe…
Tóc cắt ngắn, uốn cao, ở tuổi đã "lên chức" bà, trông chị vẫn trẻ trung và đài các không kém các "quý bà" thành phố. Thời gian và nỗi vất vả của người làm nông chẳng thể xóa nhòa vẻ đẹp mặn mà của cô gái Pù Lá năm nào. Nhờ biệt tài thổi sáo, bên cạnh công việc nương rẫy, chị còn phụ trách đội văn nghệ của xã. Chị dạy các em múa xoè, thổi sáo...
Tiếng sáo đi xa
Chị Thanh không nhớ đã tham gia bao nhiêu liên hoan văn nghệ cùng với cây sáo này. Năm 15 tuổi, lần đầu chị được về Hà Nội biểu diễn sáo mũi. Tiết mục của chị được chọn tham gia một chương trình giao lưu văn hóa tại Nga. Nhưng khi hay tin, chị khóc và nhất quyết đòi về bản vì... sợ sang nước ngoài rồi không được về nhà nữa.
Lần khác, một nhà nghiên cứu âm nhạc người Pháp tìm đến tận nhà chị, mời chị ra đồng thổi sáo để quay phim... Ban đầu chị một mực từ chối, vì... sợ cái máy quay đen ngòm, nhưng rồi niềm đam mê âm nhạc của người đàn ông đã vượt hàng ngàn cây số tìm đến VN ấy khiến chị bị thuyết phục.
Biết rằng cả nước chỉ còn ít người biết thổi sáo mũi, chị đã cất công truyền dạy cho nhiều người, nhưng ít ai kiên nhẫn học thổi sáo như chị ngày nào. Ngày trước ở bản cũng chỉ có một bà cụ biết thổi loại sáo này. Chị thường theo bà lên nương canh rẫy, được bà cụ chỉ cho cách thổi sáo, rồi đêm nào cũng mê say đem sáo ra thổi theo bà. Cậu con út của chị tỏ ra có năng khiếu nhưng vì bận học nên chưa tập trung tập luyện để thổi thành thục như chị. Chị mong cháu sẽ nối nghiệp mình.
Nhiều năm nay, chị Thanh đã đưa tiếng sáo vang xa khỏi làng với hơn 30 nóc nhà ở xa tít tắp ấy. Cả cuộc đời chị đã gắn bó với cây sáo. Người lớn cho tới trẻ con trong làng, cả người Tày, người Dao, người Mông và người Kinh, không ai lại không thích nghe tiếng sáo của chị.
Tiếng sáo không chỉ nhắc nhở mọi người hãy yêu quý quê hương mà còn là niềm tự hào của người Pù Lá, nơi lưu giữ một trong giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của người Việt suốt mấy chục năm nay…
Hoàng Yên
Đào Hoa Ảnh Lạc Mai Thần Kiếm Bích Hải Triều Sinh Táng Ngọc Tiêu