Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Để nỗ lực bảo vệ truyền thống văn hoá dân tộc một cách thiết thực, Cung Văn hoá lao động thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 Cuộc thi Tài năng trẻ đàn Tranh vào các năm 1992,1995 và 1998. Sau đó, Nhạc hội đàn Tranh Châu Á lần I - 2000 và Nhạc hội đàn Tranh Châu Á lần II - 2008 cũng tiếp tục được tổ chức với sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng và khán giả mộ điệu. Tiếp nối thành công, vào ngày 23/7 sắp tới, cuộc Hội ngộ đàn Tranh lần 2 (Lần 1 đã được tổ chức ngày 30/10/2010) sẽ lại được diễn ra tại Hội trường A, Cung Văn hoá lao động, số 55B Nguyễn Thị Minh Khai Q.1 vào lúc 19h30. Chương trình được sự chỉ đạo nghệ thuật của Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Khê, với sự tham gia của các nghệ sỹ đàn tranh danh tiếng:
Nghệ sỹ Hải Phượng là người đầu tiên đoạt giải Cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1992. Cô đã từng lưu diễn rất nhiều nơi trên thế giới, (Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Úc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch…) tiếng đàn tranh Việt đã cùng Hải Phượng đi khắp năm châu. Trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam năm 2005 biểu diễn tại Canberra - Úc, tiết mục của cô được đón nhận nồng nhiệt và để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Nghệ sỹ Vân Ánh hiện đang định cư tại Hoa Kỳ cùng gia đình. Thời gian sống ở nước ngoài cô vẫn tiếp tục biểu diễn, sáng tác với đàn Tranh. Gần đây nhất cô sáng tác bản nhạc nền cho bộ phim tài liệu Bolianao 52 đoạt giải Emmy 2009 và trở thành nghệ sỹ nhạc dân tộc đầu tiên của Việt Nam được tham gia những giải thưởng quan trọng trong dòng nhạc chính thống tại Hoa Kỳ. Cô cũng giảng dạy đàn tranh vì mong muốn giới thiệu nét đẹp của âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tiếng đàn tranh của Vân Ánh mang âm hưởng dân gian đương đại, kế thừa có phát triển và gần gũi với thế hệ trẻ hôm nay. Nhóm Mặt trời đỏ gồm 4 cô gái xinh đẹp yêu nhạc dân tộc. họ trình tấu những sáng tác hiện đại bằng nhạc cụ truyền thống một cách duyên dáng, mang lại không khí mới, tinh thần mới cho tác phẩm. Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương ra đời năm 1981, từ ý tưởng của nhà giáo ưu tú Phạm Thuý Hoan. Câu lạc bộ chính thức hoạt động tại Cung Văn hoá lao động TP từ năm 1984 đến nay và đã tham gia rất nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống cũng như các nhạc cụ dân tộc. Trong số những nhạc cụ âm nhạc phương Đông, đàn tranh được đánh giá là phổ biến và độc đáo nhất. Tuy mang những tên gọi khác nhau như Kayagum (Triều Tiên), Koto (Nhật Bản), Guzheng (Trung Quốc) và đàn Tranh (Việt Nam) nhưng đều mang sức sống lâu bền, là nét đẹp văn hóa và đan hòa vào tiếng đàn là đời sống tinh thần, tâm linh của mỗi dân tộc. Trong đêm Hội ngộ đàn Tranh lần 2, tiếng đàn tranh sẽ vang lên như một sự hoà quyện giữa truyền thống và hiện đại, theo tinh thần kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Chương trình hứa hẹn sẽ có nhiều yều tố bất ngờ, ngẫu hứng trong tiết mục biểu diễn của các nghệ sỹ. Giá vé là : 500.000đ (VIP), 200.000đ và 100.000đ.
http://cungvhld-hcm.org.vn
Đắt thế, có vé nào miễn phí không bác
sao_truc: Đắt thế, có vé nào miễn phí không bác
Có, ghé nhà Lee em nghe gảy đàn miễn phí luôn!
Bác lee up vài video gảy đàn tranh cho anh em thưởng thức nào!
mới nghe bác rùa đánh chứ bây giờ mới nghe bác lee gảy đàn đấy.Người thì không biết gì còn có người cái gì cũng biết khổ quá .....!(-.-)
Một cốc trà thơm đón bạn hiền
Cùng về họp mặt để hàn huyên,
Thu Đông vẫn ấm tình Bằng Hữu
Xuân Hạ thêm tươi chẳng muộn phiền
Tươi mới tiếng đàn tranh
TT - Tối 23-7, tại Cung văn hóa Lao động (TP.HCM) đã diễn ra chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2. Khán phòng với sức chứa 350 ghế ngồi đã được phủ kín, rất đông khán giả chấp nhận đứng xem từ đầu đến cuối chương trình.
Nghệ sĩ Hải Phượng (trái) cùng trình tấu tác phẩm Gió phương Nam - Ảnh: Minh SG
Sự quan tâm của khán giả đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ tung tẩy với những thể nghiệm mới với đàn tranh.
Sau những giai điệu khá quen thuộc với những bài bản như Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ, Song phi hồ điệp, Bình sa lạc nhạn; không khí chương trình bắt đầu chuyển biến khi nghệ sĩ Hải Phượng trình tấu tác phẩm Thoáng quê hương do chính chị sáng tác. Nét tươi mới, reo vui tràn ngập trong tiếng đàn tranh, lúc sâu lắng, lúc bừng sáng bởi cách phối hợp những giai điệu trẻ trung và những âm giai truyền thống.
Chương trình thêm hứng khởi với Cơn lốc - một nhạc phẩm của Nhật được viết cho đàn koto, những kỹ thuật đập, búng, rung, lướt... được Hải Phượng khai thác tối đa tạo thành dòng xoáy mạnh mẽ, mang lại một cách cảm nhận mới về đàn tranh.
Mừng thọ GS.TS Trần Văn Khê
Trước đêm diễn, các thế hệ học trò và nhiều khán giả đã dành thời gian chúc mừng và tặng hoa mừng thọ sớm GS.TS Trần Văn Khê nhân dịp ông tròn 90 tuổi (ngày 24-7).
GS đã xúc động nói: “Tôi không ngờ các bạn lại thương mến tôi đến vậy. Tình cảm của các bạn đã truyền nguồn sinh lực cho tôi rất nhiều, năm. Nay đã chín mươi, tôi xin vững lòng đi qua tuổi... mười mươi để còn hơi sức hoạt động phụng sự cho âm nhạc dân tộc, đặc biệt là ủng hộ cây đàn tranh!”.
Khả năng diễn tả của đàn tranh dường như là vô biên như lời nghệ sĩ Võ Vân Ánh (hiện đang định cư tại Mỹ) bày tỏ: "Có thể là giọt nước rơi xuống sau đó bắn lên, hoặc một cơn mưa rào, những đợt sóng lăn tăn hay là một cơn lốc".
Choáng ngợp trước những "tiếng nói" đa dạng của đàn tranh, Vân Ánh muốn khán giả cũng có cùng cảm xúc đó nên đã tạo sự khác biệt cho đàn tranh bằng nhiều cách có thể. Khán giả tìm thấy ở đó âm hưởng châu Phi (Bụi đường vó ngựa), âm nhạc dân gian đương đại (She’s not she, sáng tác Ðỗ Bảo - Vân Ánh) hay cả jazz, new age (Gió phương Nam, Vũ điệu của nắng, Vịnh hoa đào, Phong cảnh quê em).
Bạn Thương Huyền - sinh viên năm 1 khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - hào hứng chia sẻ: "Chương trình rất thú vị và bổ ích, chúng tôi học hỏi được rất nhiều, từ phong cách diễn tấu bài bản truyền thống đến đương đại. Giới trẻ chắc chắn sẽ thích nghi nhanh với phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại này. Tôi đã tiếp xúc với cây đàn tranh 8-9 năm nay nhưng với chương trình này tôi hết sức bất ngờ vì còn quá nhiều khả năng từ cây đàn tranh mà mình chưa khám phá, chẳng hạn như việc nhấn nhá thang âm, thang giáng, nhịp lẻ... trong quan niệm của nhiều người là khó khăn với nhạc cụ dân tộc nhưng trong chương trình này, với sự kết hợp âm nhạc hiện đại thế giới vào cây đàn tranh thì các nghệ sĩ đã chứng tỏ không gì là không thể...".
Khởi đầu tương đối thuận lợi này có thể xem như sự gợi ý để những người tâm huyết với đàn tranh khai phá thêm những lối đi mới, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người trẻ như lời GS.TS Trần Văn Khê phát biểu cuối đêm diễn: "Chúng ta đang đi lần tới sự hoàn hảo".
LINH ĐOAN
tuoitre.com.vn
Khán phòng đầy ắp khán giả dù chương trình không miễn phí như cuộc Hội ngộ đàn tranh lần 1 - Ảnh: Minh SG Khán giả vượt xa kỳ vọng Trong chương trình, rất nhiều tác phẩm được các nghệ sĩ trình tấu trên nền đĩa đệm. Tuy nhiên, do âm thanh không được tốt lắm nên có lúc nhạc nền quá to lấn lướt tiếng đàn tranh hoặc chưa hòa quyện một cách ăn ý. Không ít khán giả tặc lưỡi nếu được trình tấu với dàn nhạc sống thì hiệu quả có lẽ tăng lên gấp bội.Dù vậy, theo nghệ sĩ Hải Phượng, chương trình đã “vượt xa sự kỳ vọng, đặc biệt là về phía khán giả, tuyệt không có tiếng ồn ào nào”.
Khán phòng đầy ắp khán giả dù chương trình không miễn phí như cuộc Hội ngộ đàn tranh lần 1 - Ảnh: Minh SG
Khán giả vượt xa kỳ vọng
Trong chương trình, rất nhiều tác phẩm được các nghệ sĩ trình tấu trên nền đĩa đệm. Tuy nhiên, do âm thanh không được tốt lắm nên có lúc nhạc nền quá to lấn lướt tiếng đàn tranh hoặc chưa hòa quyện một cách ăn ý.
Không ít khán giả tặc lưỡi nếu được trình tấu với dàn nhạc sống thì hiệu quả có lẽ tăng lên gấp bội.Dù vậy, theo nghệ sĩ Hải Phượng, chương trình đã “vượt xa sự kỳ vọng, đặc biệt là về phía khán giả, tuyệt không có tiếng ồn ào nào”.