Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
NSƯT Bá Quế cho biết sẽ đi đến cùng với âm nhạc truyền thống đến khi tôi ra đi.
PV: Xuất bản cùng một lúc bốn CD, đều là những sáng tác được hòa âm phối khí mới cùng sự thể hiện của các loại nhạc cụ dân tộc, anh có sợ cái mới lạ đó khiến cho những CD này không dễ nghe ?
- NSƯT Bá Quế: Trước đây chúng ra không quan tâm lắm tới phần hoà âm phối khí cho dân ca là bởi vì cũng có nhiều quan điểm. Có ý kiến cho rằng nên giữ dân ca ở nguyên gốc.
Ngày xưa vào hội người ta vẫn hát cho nhau nghe những bài ca rất dễ thương. Còn bây giờ khi ngồi café hay ban đêm nằm nghe nhạc mà nghe lại những thứ đó, buồn chết được.
Thế nên tôi muốn nó đổi khác đi. Tôi muốn làm nên những tác phẩm mang hơi thở của ngày hôm nay nhưng vẫn mang gốc gác và những giá trị của ngày xưa.
Anh có ý định giới thiệu những album của mình ra nước ngoài. Vậy, theo anh, để quảng bá âm nhạc truyền thống, chúng ta phải bắt đầu từ đâu và phương thức sẽ thế nào?
- Vừa rồi, khi vào một forum (diễn đàn) âm nhạc của giới trẻ Việt Nam, tôi tình cờ nghe được một bài hát bằng tiếng Việt của một nhóm nhạc chuyên nghiệp của Hàn Quốc.
Rất ngạc nhiên, tôi tìm hiểu và được biết rằng, cách đây ba năm, một số hãng sản xuất âm nhạc của Hàn Quốc chuẩn bị cho sự ra đời của các thể loại nhạc pop hay R&B hát bằng tiếng Việt.
Thế là họ có chiến lược phát triển để chiếm được thị phần âm nhạc Việt Nam. Nói như thế để thấy, chúng ta muốn có một cái gì đó phải hoạch định, rõ ràng không thể làm theo ý của riêng mình mà phải nhìn nó một cách tổng thể và khách quan trong bối cảnh chung.
Trong những chuyến lưu diễn của mình ở nước ngoài, tôi chỉ thấy người ta chỉ biết nhiều về một Việt Nam chiến tranh mà ít biết tới cuộc sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam hiện nay.
Điều quan trọng là cần quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Bây giờ có điều kiện, mình có thể quảng bá qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là internet.
Như website Trung tâm Giai điệu Việt Nam, hiện có gần 1,4 triệu lượt người truy cập, có đôi ba công ty muốn mua những tác phẩm âm nhạc của chúng tôi.
Hiện tôi đang làm thủ tục đưa hai đĩa “Chốn Hà thành xưa” và “Những giấc mơ vàng” lên một website chuyên kinh doanh sản phẩm văn hóa của khu vực và thế giới.
Trung tâm Giai điệu Việt Nam mà anh vừa nói đến từng được nhiều người biết đến khi đều đặn mỗi tuần tổ chức đêm diễn âm nhạc dân tộc tại rạp Công Nhân. Vì lý do gì mà chương trình phải ngừng lại?
- Có nhiều vấn đề, để hoạt động nghệ thuật phải có kinh phí, nhân lực, hạ tầng cơ sở và có cơ chế. Và cơ chế đó không phải cá nhân định được mà phải là các nhà quản lý.
Chúng ta chưa có một thị trường nghệ thuật truyền thống, trong khi ngay cả nhiều đơn vị nghệ thuật nhà nước, có cơ sở vật chất đầy đủ còn không làm được . Vậy mà chúng tôi trụ được mấy chục buổi diễn thế là thành công rồi. Nếu bây giờ có một địa điểm tốt tôi vẫn sẵn sàng làm vì vẫn có khán giả. Đấy là một điều đến bây giờ tôi vẫn tiếc.
Dường như âm nhạc truyền thống hiện nay đang rất mờ nhạt, hay nố đúng hơn là đất diễn dành cho âm nhạc truyền thống là quá ít. Là người hoạt động hơn 40 năm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, anh có buồn không?
- Tôi không buồn vì truyền hình không quan tâm tới âm nhạc truyền thống mà chỉ buồn vì các nhà quản lý. Họ chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt do các nhà tài trợ, quảng cáo mang lại mà không bao giờ nghĩ đến cái sẽ mất đi.
Đến nay chúng ta mới đau khổ vì thất truyền hơn 10 điệu ca trù. Bởi có một thời gian chúng ta ngộ nhận ca trù là văn hóa tư sản, giờ lại phải chi hàng chục tỷ đồng để khôi phục.
- Đó là bài học còn nguyên giá trị. Tôi tiếc, nếu trách nhiệm của mỗi con người trên cương vị quản lý của mình mà làm tốt hơn nữa thì âm nhạc truyền thống chắc chắn được phổ biến rộng rãi hơn.
Thường mỗi CD ra đời, đều được các chủ sở hữu nó quảng bá rầm rộ, anh ra một lúc tới bốn CD liền, mà lại không có động tác quảng cáo nào, anh không sợ thất bại sao?
- Tôi lại muốn, chính cái giá trị sản phẩm âm nhạc ấy tự nói, tự đứng lên được sẽ hay hơn, bền vững hơn là quảng cáo. Tôi gắn bó với nghề hơn 40 năm qua, tôi đi đến cùng với nó đến khi tôi ra đi.
An Ninh Thủ Đô