Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Người thổi sáo Cúc Kẹ trên đỉnh Châu Quế Thượng

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 75 Contributor
Male
cầm sư cấp 1
Bên bờ suối Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái đã hơn 30 năm nay vẫn du dương một âm thanh trong veo như nước suối, mát lành như gió đại ngàn.

Bà Đặng Thị Thanh vẫn tự hào là người cuối cùng của dân tộc Xa Phó biết thổi loại sáo mũi này nhưng đau đáu cũng nhiều. Người sinh ra hồn sáo chứ sáo không sinh ra hồn người, người chết đi thì sáo cũng mất.

Sáo Cúc Kẹ - hồn thiêng sông núi bản Nhầy

Vào một đêm giông tố cách đây hàng thế kỷ, trong lúc đi rừng kiếm thức ăn thì trên trời sấm rền nổ vang trời. Sợ quá, “cụ Tổ” của loại sáo trú chân ở một khóm nứa. Gió rừng âm u thổi mạnh làm núi rừng như chuyển động. Bỗng từ đâu phát ra âm thanh lạ. 

Tưởng là có người ở quanh đâu đó gần mình, “cụ Tổ” liền la lên kêu cứu. Gọi mãi, gọi mãi, âm thanh ấy vẫn phát ra nhưng không có tiếng người trả lời. “Cụ Tổ” đang thất vọng thì ngước nhìn lên rặng nứa trước mặt, có một lỗ thủng từ một cây nứa và tiếng động phát ra từ đó. “Cụ Tổ” về dạy cho dân bản biết, từ ấy, tiếng sáo Cúc Kẹ đi luôn đi cùng với người dân tộc Xa Phó.

Bên bờ xuối Nhầy, tiếng sáo mũi của cô Thanh vang vọng vào từng thớ đất, hàng cây.
Theo lời các cụ kể lại, người thổi sáo Cúc Kẹ phải kiêng 3 tháng: 10, 11, 12 vì theo truyền thuyết, thần Nứa không cho phép làm, nếu cố tình làm sẽ bị ốm đau, bệnh tật. Chính vì lẽ đó, 3 tháng mùa đông, tiếng sáo Cúc Kẹ tắt lịm trên nương, dưới bờ suối và chỉ văng vẳng khi tiếng ve bắt đầu gọi hè.

Cúc Kẹ là loại nhạc cụ của người dân tộc Xa Phó, do loại nhạc cụ này được thổi bằng mũi và yêu cầu cao nên rất ít người có thể thổi được. Mỗi đời hoặc khuyết một đời mới có một người biết thổi và hiện nay chỉ còn lại cô Thanh là người duy nhất của dân tộc Xa Phó có thể thổi thành giai điệu loại nhạc cụ này.

Tiếng sáo véo von tạc vào lòng núi, đi vào lòng người như bản tình ca trắng trong ở miền sơn cước. Tiếng sáo thể hiện duyên tình giữa đôi lứa yêu nhau, là tình yêu lao động, cùng hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Trong không gian yên tĩnh của núi rừng, hòa cùng tiếng róc rách của nước suối chảy, lúc ấy, tiếng sáo mới thả hết mình cùng nhịp điệu của giọng mũi. 

Cô Thanh là người gắn bó với cây sáo Cúc Kẹ từ thủa niên thiếu khi nước mũi còn ròng ròng trên khóe miệng.

Cô Thanh học thổi loại sáo này trong một hoàn cảnh rất ngẫu nhiên. Trong một đêm đi trông nương và ngủ lại trên rừng, cô nghe thấy tiếng sáo vi vu, nhẹ nhàng đầy âm điệu trong không gian yên tĩnh. Tò mò lần theo tiếng sáo và thấy cụ Bơ Thị Bà đang ngồi thổi, cô đã gặng hỏi và tìm cách học thổi sáo cho bằng được. Thời gian đầu mới tập, cô phải cố gắng rất nhiều, từ thuyết phục được dạy cho đến bắt chước theo để học, nhiều lần da mũi bị phồng rộp, rỉ máu do tập luyện nhưng cô vẫn không nản chí và quyết tâm học thổi loại sáo đặc biệt của dân tộc mình.

Cô Thanh giới thiệu cây sáo của mình như đang dãi bày một tâm sự tự ngàn xưa. Cây sáo Cúc Kẹ dài chừng 60cm, được chọn từ đoạn kẹ cây nứa, có màng mịn, kín một đầu, thủng một đầu và hoàn toàn không có một lỗ chỉnh âm nào. Khi thổi, tay trái người thổi đỡ phần thân cuối cây sáo, tay phải đặt gần đầu sáo rồi từ từ đưa lên mũi. Hoàn toàn không có lỗ chỉnh âm nên hơi mũi khịt khịt của người thổi sẽ quy định âm điệu của tiếng sáo. 

 “Học trò” Đặng Thị Thanh đang tiếp chuyện bằng tiếng Xa Phó với cụ Bơ Thị Bà.
Xưa kia, các bậc tiền bối còn khoét thêm 2 lỗ ở chỗ tay trái cầm sáo. Cô Thanh giải thích: “Các cụ làm thế để tay trái có chỗ mà tựa cho đỡ ngượng tay chứ khi thổi đều lấy tay bịt kín lại, hoàn toàn không để nhấc lên hạ xuống lấy âm điệu như sáo thông thường. Đến đời tôi, tôi quyết định không đục 2 lỗ đó nữa, một cải tiến mà xưa kia, các cụ không dám thay đổi”.

Hát bố, hát mẹ, hát Khùi xì mờ (điệu xòe truyền thống), hát ru (Đo Ma Ngo), hát cúng bái có thể chèn thêm tiếng sáo Cúc Kẹ làm tăng thêm sinh khí cho âm điệu.

Theo truyền thống của người Xa Phó, “Khùi xì mờ” chỉ vang lên vào mùa làm nương rẫy, khi đêm khuya thanh vắng chỉ còn tiếng suối và tiếng côn trùng, tiếng gió đại ngàn thổi êm. 

Năm 1979, khi ấy cô Thanh mới 16 tuổi, da trắng, khuôn mặt chúm chím như hoa mơ lên khu gang thép Thái Nguyên biểu diễn. Hồi đó, khu gang thép chỉ toàn con trai nên cô vừa thổi vừa run nhưng vẫn hay. Các cán bộ của Bộ Văn hóa thấy hay quá, mời cô sang Liên Xô biểu diễn theo một chương trình hợp tác văn hóa giữa hai bên nhưng cô sợ. Mùi bánh trưng sắp Tết của người Xa Phó quyến lấy cô, cô thích về nhà ngồi bên bếp lửa chuẩn bị Tết hơn là sang xứ bạch dương tuyết trắng biểu diễn. Tháng 12 năm đó, chuyến đi biểu diễn ở Liên Xô không có cô, nếu cô đi, chắc hẳn môn nghệ thuật này sẽ còn vươn xa.

“Lửa cháy rồi sẽ tắt”

Ông Đặng Văn Lả, Chủ tịch xã Châu Quế Thượng cho biết: “Mỗi năm xã tôi được trên rót xuống đúng 5 triệu để hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ từ tổ chức lễ hội, kinh phí cho các đoàn đi biểu diễn… Xưa tôi là “ma” vùng này về khoản săn quả cây tràm để làm hạt cườm cho trang phục truyền thống của người Xa Phó. Nay trên rừng không còn nữa, bản sắc của bộ trang phục cũng bị phai nhạt đi nhiều do dùng hạt cườm bằng nhựa. Kết hợp váy áo truyền thống cùng tiếng sáo mới làm nên cái chất của sáo Cúc Kẹ”. 

“Bộ sưu tập” danh hiệu trong hơn 30 năm lưu diễn sáo Cúc Kẹ của cô Thanh.
Theo ông Lả, chính sự mai một đến mức nguy ngập như vậy mà hiện nay xã đang quyết tâm đầu tư theo kiểu nhà nòi cho cô Thanh để cô có thể giữ giai điệu sáo Cúc Kẹ thêm 20 năm nữa.

Trong một ngôi nhà mái cọ đơn sơ rộng khoảng 20m2, những nếp vách xô lệch, những ô cửa sổ tự nhiên lỗ chỗ theo “thiết kế” của thời gian nằm tự do trên vách đất. Đồ đạc trong nhà chỉ giản dị với hai chiếc giường mộc và bộ bàn ghế nhỏ nhưng cây sáo nhỏ vẫn được treo trang trọng gần bàn thờ tổ tiên. Quý giá nhất là những tấm bằng khen và những chiếc huy chương mà cô đã đạt được trong các kỳ tham gia văn nghệ. Của cải chẳng có gì đáng giá, có lẽ những ai làm nghệ thuật đều vất vả với miếng cơm manh áo?

Còn cô Thanh, không giấu nổi sự lo lắng: “Sáo chọn tôi chứ tôi không chọn sáo. Thời thế nó quy định thế. Xưa, ra đến cửa nhà là nghe thấy tiếng sáo, tiếng khèn thì việc người ta đắm đuối với nó như hình với bóng cũng khá dễ hiểu. Nay tiếng xe máy, ô tô xình xịch khắp bản thì có cả đống sáo cũng khó mà thổi hay được”. 

Bên bếp lửa, cô ví: “Lửa cháy mãi rồi cũng tắt nếu như ta không cho thêm củi vào”. Các bộ, ban, ngành cứ kêu hoài, giục mãi về chuyện bảo tồn, sưu tầm, lưu trữ nhưng phải thay đổi cách làm, chế độ ưu đãi. Làm nghệ thuật mà lúc nào cũng nghĩ tới tiền thì đó là nghệ thuật thương mại hóa. Bản làng không ai chấp nhận thế cả, vốn ông cha không lẽ vì đồng tiền mà mai một đi ư! 

Trong suy nghĩ giản đơn của cô Thanh, tiếng sáo là hồn sông, hồn núi của người Xa Phó nhưng việc bảo tồn tiếng sáo ấy không thể phó thác cho hơn 700 khẩu ít ỏi của dân tộc này mà cần sự đồng thuận giúp sức của toàn xã hội. 

Tôi may mắn được cụ Bơ Thị Bà, người cùng bản Nhầy truyền nghề. Hồi đó, tôi phải ngủ cùng cụ Bà trên nương mấy tháng trời mới thẩm thấu được chất sáo. Giờ ngay cả con gái tôi mà thổi vẫn còn ngượng giọng, không chuẩn”.
 Cô tâm sự, một lần dẫn đoàn văn nghệ đi biểu diễn mà kinh phí trên không đầu tư nên tự bỏ tiền túi ra lo liệu. “Huyện kêu không có kinh phí bao đoàn nên tôi phải tháo vòng cổ ra cắm lấy 1,2 triệu, dẫn các cháu đi ăn kẻo tội các cháu. Ăn hết gần 700 ngàn, sau đó, xã lại ứng ra trả tôi sau”.

Cụ Bà đã 86 tuổi, không còn hơi để thổi nữa, cô Thanh cũng chỉ bám nghề khi còn sức. Cũng giống như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cần phải có không gian, sáo Cúc Kẹ cũng “kén” không gian, cụ thể là bên bờ suối. Nhưng khó nhất là người học chán nản. 

Hiện cô Thanh đang hướng dẫn 3 học trò, trong đó có con gái thứ hai và cháu trai út là con cái trong nhà. Anh con út đang học ở Thành phố Hồ Chí Minh nên có lẽ không theo được nghề này. Hai cháu còn lại thổi cũng tàm tạm, nhưng không thể đi biểu diễn được. Cái chúng quan tâm lúc này là kiếm tiền nuôi con chứ không phải là chiều chiều ra bờ suối tập sáo để mấy năm nữa đi biểu diễn. 

Giờ đây, người phụ nữ ấy giản dị như chính ngôi nhà của cô, với cách ăn mặc vẫn còn con gái, nhìn cô không có nét của một người đã ngoài 50. Chăm sóc cháu, nâng niu cháu như chính sinh mệnh của mình khiến người ngoài nhìn vào đều cảm nhận được người đàn bà ấy không bao giờ ngớt tình yêu với chồng con và với tiếng sáo Cúc Kẹ - hồn thiêng sông núi bản Nhầy.

Theo Vietnamnet

 

 Nguyễn Hồng Phong 

Số đt: 0973.820.426

Yahoo!: phonggttn@yahoo.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems