Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Người giữ hồn âm nhạc Khơme

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Party!!! [<:o)] Posted: 10-14-2008 1:18

 

Ông Thạch Suôl đang làm trống -Ảnh: M.Tâm
TT - “Không có tiếng nhạc rộn rã thì đời sống tinh thần của bà con sẽ nghèo nàn lắm” - Thạch Suôl, người cùng chế tạo ra hàng trăm dàn nhạc ngũ âm và hiện là chủ nhân của cơ sở sản xuất nhạc cụ Khơme lớn nhất ĐBSCL tại Trà Vinh, nói về nghề của mình.

Hơn 30 năm về trước, chàng trai Thạch Suôl đến thọ giáo nghệ nhân Trương Đen - người tinh thông cách sử dụng, làm nhạc cụ Khơme. Thấy Thạch Suôl hiền lành, có khiếu, lại tâm huyết với loại hình nghệ thuật truyền thống này nên ông Trương Đen quyết định gả con gái, vốn là diễn viên hát hay, đàn giỏi của đoàn văn công tỉnh cho Thạch Suôl.

Sau đó cha vợ dốc hết sức truyền những bí quyết đàn, hát cũng như cách làm nhạc cụ cho con rể để mong sau này nối nghiệp mình. Không phụ lòng sư phụ, Thạch Suôl miệt mài luyện tập, và còn khăn gói đi khắp nơi, thậm chí sang Campuchia thọ giáo thêm các nghệ nhân khác.

Theo Thạch Suôl, yếu tố tiên quyết để làm một nhạc cụ tốt là chất liệu. Chẳng hạn gỗ cây sao, cây cẩm lai dùng làm đàn rô-neat-thung (đàn thuyền), rô-neat (đàn thùng) phải trên trăm tuổi, có thế mới hấp thu khí thiêng của đất trời tạo ra những âm thanh đặc sắc. Gỗ phải được xẻ ra từng thanh, đem phơi gió. Ông cho biết: “Tuy cùng một thân cây nhưng mỗi thanh tạo ra âm sắc khác nhau. Muốn biết phải gõ vào từng thanh để chọn. Điều này nhờ vào kinh nghiệm, khả năng trời phú, chứ không học của người khác được”.

 

Nghệ nhân Thạch Suôl cho biết: “Nhạc cụ của người Khơme rất đa dạng, tiêu biểu là dàn nhạc gõ, nhạc nhẹ, và các loại dùng độc tấu như đàn trô khse bei và pây o... Trong dàn nhạc gõ có năm bộ: hơi, da, đồng, sắt, mộc nên còn gọi là nhạc ngũ âm dùng trong những nghi lễ quan trọng của Phật giáo..., nhưng trong thời gian gần đây được sử dụng đại trà trong đám tiệc và lễ hội dân gian. Còn dàn nhạc nhẹ do có trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển nên thường được sử dụng trong liên hoan, đám cưới, đám tang, và được các đoàn văn nghệ trang bị. Riêng các loại độc tấu được dùng trong các dịp cúng tế, giỗ tổ, sân khấu Rôbăm...”.

Ông phân tích thêm: “Chất liệu không chỉ tốt mà phải hợp. Chẳng hạn hai loại trống skôs-thôm và sâm-phôr tuyệt đối phải dùng gỗ cây bình linh, cắt khúc, để trong mát cho khô tự nhiên rồi mới đục đẽo bên trong cho rỗng. Dùng da trâu hoặc bò làm mặt trống, chỉ chọn da con cái bởi vừa có độ bền vừa có độ mỏng thích hợp, lại không tì vết. Quan trọng khi bịt phải thật khéo, có kỹ thuật; đối với trống skôs-thôm nên bịt căng da sẽ có âm bổng, còn trống Sâm- phôr bịt hơi chùng khi gõ có âm trầm. Và phải bịt sao cho độ bổng cũng như độ trầm phải hỗ trợ cho nhau bởi đây là trống đôi…”.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, đôi bàn tay tài hoa của vợ chồng nghệ nhân Thạch Suôl đã cho ra đời không biết bao nhiêu nhạc cụ. Chỉ tính riêng dàn nhạc ngũ âm, con số đã hơn mấy trăm bộ. Khách hàng của họ hầu như khắp các tỉnh Nam bộ, khi là cá nhân đặt riêng lẻ, khi là các nhà bảo tàng văn hóa, các đoàn nghệ thuật quần chúng, các sở văn hóa tỉnh…

Đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học VN đã mua dàn nhạc ngũ âm mang về Hà Nội trưng bày, giới thiệu khách tham quan trong và ngoài nước về các loại nhạc cụ truyền thống Khơme Nam bộ. Từ trong nước cầu nối thị trường được bung ra ngoài nước như Úc, Pháp, Mỹ.

Thường mất một tháng để làm một dàn nhạc ngũ âm. Trung bình dàn nhạc ngũ âm giá 45-60 triệu đồng. Vợ chồng ông cứ làm đều đều bởi quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có người mua, nhưng không vì thế mà ông làm nhanh, qua quýt, dù đó là cá nhân chỉ đặt một nhạc cụ hay đơn vị đặt cả dàn nhạc. Ông tâm niệm: “Làm nghề gì cũng đòi hỏi có tâm, nhất là với một nghề gắn với tính dân tộc như thế này. Khi thử các nhạc cụ thấy âm thanh hơi “nhạt” một tí là tôi áy náy, phải làm lại cho tới khi ưng bụng mới thôi”. Có lẽ do tay nghề, tâm nghề của người làm mà dàn nhạc ngũ âm của Thạch Suôl chơi trong không gian yên tĩnh, âm thanh nghe xa trên 1km, trống của dàn nhạc nghe xa đến 4-5km.

Giờ ở tuổi 60 nghệ nhân Thạch Suôl như con tằm mải mê dệt những đường tơ óng chắc cho nhạc cụ dân tộc. Ông thổ lộ: “Hiện ở ĐBSCL số cơ sở làm nhạc cụ Khơme chiếm chưa đầy một bàn tay, bởi làm rất khó và thu nhập chỉ đủ sống. Nhưng đối với vợ chồng tôi dù thu nhập như thế nào cũng ráng giữ lấy nghề vì đó là cách đền ơn tổ nghiệp, và cũng bởi nếu phum sóc không có tiếng nhạc rộn rã thì đời sống tinh thần của bà con sẽ nghèo nàn lắm!”.

MINH TÂM

www.tuoitre.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems