Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Khôi phục chèo cổ

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Left Hug [{] Posted: 10-09-2008 8:19

 

Hà Tây là quê hương của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc trưng cho nền văn minh sông Hồng và nét văn hóa xứ Đoài, trong đó phải kể đến chiếng chèo Đoài nổi tiếng

Tuy nhiên, qua năm tháng, chiếng chèo Đoài đã và đang mai một dần khi ngày càng ít địa phương còn duy trì, lưu giữ bộ môn nghệ thuật này. Cùng với chương trình "đưa chèo vào sân khấu học đường", dự án "Khôi phục chèo truyền thống" của những người làm công tác văn hóa thông tin tỉnh, đang đưa chèo cổ về "nuôi dưỡng" ở chính nơi bộ môn này được "sinh thành".

Lâu lắm rồi, người dân xã Đại Đồng (Thạch Thất) mới được xem lại các tích chèo cổ như: "Thị Mầu lên chùa", "Xã trưởng, mẹ Đốp"... hấp dẫn như vậy. Sân khấu chèo được đặt ngay trung tâm làng, dù sơ sài, đơn giản song vẫn thu hút được rất nhiều khán giả đến động viên, khích lệ bởi diễn viên của đêm diễn đều là người dân trong làng, những người mà khán giả đã quen mặt, biết tên từ rất lâu. Không chỉ có người già trong làng bỏ công, bỏ việc đến từ rất sớm, đêm diễn còn thu hút được nhiều thanh, thiếu niên tới xem, cổ vũ. Điều này khác hẳn với thái độ thờ ơ, dửng dưng bao lâu nay của người dân trong làng đối với môn nghệ thuật này. Hình ảnh người xem hồ hởi đứng, ngồi chen chân quanh sàn diễn từ đầu đến cuối buổi diễn. Dù thời gian triển khai chưa nhiều, song rõ ràng dự án đã chứng minh được tính hữu ích, hấp dẫn của mình khi bước đầu thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân địa phương.

Nằm trong tứ chiếng "Đông, Nam, Đoài, Bắc", chiếng chèo Đoài từ lâu nổi tiếng nhờ sự dung dị rất đặc trưng của người dân lao động vùng văn hóa sông Hồng. Từ làng quê, giếng nước, sân đình, chèo Đoài lớn mạnh vươn tới những sân khấu lớn với những diễn viên chuyên nghiệp một đời cống hiến cho nghệ thuật chèo quê hương. Mục đích "bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống", một chủ trương từ lâu đã trở thành khẩu hiệu của những người làm công tác văn hóa thông tin cả nước, Dự án "Khôi phục chèo truyền thống" của ngành VHTT tỉnh từ năm 2006 được thực hiện bắt đầu từ sáng kiến "đưa chèo cổ về quê". Bởi chỉ có về nơi loại hình nghệ thuật này đã được sinh thành để bắt đầu gây dựng lại phong trào, mới có thể phát huy giúp người dân khơi dậy tình yêu đối với văn nghệ truyền thống.

Với phương châm "nuôi dưỡng" nghệ thuật truyền thống ngay trong lòng dân", những người chịu trách nhiệm triển khai công tác này đã chọn 5 xã, đã từng có truyền thống về hát chèo ở xứ Đoài. Đó là: Đại Đồng (Thạch Thất), Nghiêm Xuyên (Thường Tín), Phú Cát (Quốc Oai), La Dương (Hà Đông), Ninh Sơn (Phụng Châu, Chương Mỹ). Trong hơn một năm triển khai dự án (từ tháng 4-2006), hơn 30 diễn viên, nhạc công của Đoàn chèo Hà Tây (đơn vị phụ trách) ngày ngày chia nhau về các làng để dạy múa, hát, dạy sử dụng nhạc cụ cho gần 100 người, già có, trẻ có trong thời gian khoảng 2 tháng để hướng dẫn người dân địa phương cách hát, cách múa, cách sử dụng các loại nhạc cụ phục vụ cho từng vở diễn. Những ngày đầu bao giờ cũng là thời gian khó khăn nhất cho cả người dạy và người học. Việc tìm kiếm, động viên người đến học đã khó lại còn phải khiến người học thấy hay, thấy hấp dẫn ngay từ những ngày đầu để họ không bỏ cuộc đảm bảo truyền dạy được đúng nguyên mẫu chèo cổ từ cách láy chữ, luyến âm cho đến diễn, múa.

Thế rồi, qua thời gian tập luyện, bằng tình yêu với văn nghệ truyền thống, các diễn viên không chuyên này đã quen dần với nhiều trích đoạn chèo cổ đặc sắc, các bài hát cổ... như: Súy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, Xã trưởng - mẹ Đốp, Thầy đồ dạy con... Không chỉ người già say sưa với các tích đoạn chèo, từ khi nào không rõ, những thanh, thiếu niên trẻ tuổi ở những địa phương được triển khai dự án khôi phục chèo cổ, những người vốn thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, cũng bắt đầu "ngấm" lời hát "í a" mà cùng nhiệt tâm, gắng sức tham gia tập luyện. Điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên một lớp khán giả trẻ yêu thích đến với sân khấu chèo một cách tích cực hơn. Trong đêm biểu diễn báo cáo kết quả tập luyện, trước sự chứng kiến của các khách mời ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ ngành và đông đảo nhân dân địa phương, những diễn viên nông dân ấy đã thể hiện vai diễn của mình thật hồn nhiên, sinh động, tạo nên nhiều ngạc nhiên, bất ngờ thú vị. Trước thành công này, trong thời gian tới, Sở VHTT và Đoàn chèo Hà Tây cũng đang có kế hoạch tổ chức đêm liên hoan chèo cho các đơn vị đã được học diễn. Đây cũng là mong muốn của chính những người diễn viên đã tham gia tập luyện.

Khác với các loại hình văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể không hiện hữu như một sự vật đơn thuần, việc tồn tại, bị mai một hay đã mất hẳn đi của các loại hình văn hóa này cũng khó có thể xác định rõ ràng. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa phi vật thể vì vậy cũng có những khó khăn nhất định. Với quyết tâm của mình, những người làm công tác văn hóa tỉnh nhà đã làm được cái điều mà họ mong đợi. Đó là đưa các trích đoạn chèo cổ, làn điệu chèo cổ trở lại sân đình, đến với quần chúng nhân dân lao động, để họ xem, cùng ngẫm, cùng thấm thía cái hay, cái đẹp của khối tài sản cha ông để lại mà đứng lên hát, múa như một nhu cầu tự thân. Có như vậy, văn nghệ truyền thống mới có cơ hội được gìn giữ và phát triển.

www.sankhauvietnam.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems