Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Ư hự giữa sân đình

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Party!!! [<:o)] Posted: 08-20-2008 23:55

- Đàn đáy dập dìu, tiếng phách nhặt khoan lên khuôn cầm nhịp, điểm thêm âm thanh tom chát của trống chầu đã khuấy động đêm thanh vắng của làng Chanh Thôn. Từ lâu rồi, bà con đã quen nghe tiếng hát của lớp ca trù ngoài đình do nghệ nhân làng tự tổ chức.

 

Đào nương 7 tuổi
 
“Long lanh đáy nước ứ ư ư in trời…”, em Phượng mới 7 tuổi đang cố lấy hơi, bắt câu nhả chữ thể hiện điệu Bắc phản. Phượng và Oanh là hai “đào nương” nhỏ tuổi nhất của lớp ca trù làng Chanh Thôn (xã Văn Nhân, Hà Tây cũ) do 3 nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu (82 tuổi), Nguyễn Thị Vượn (84 tuổi) và cụ Nguyễn Văn Khoái (83 tuổi) âm thầm giảng dạy.
 
Ngày trước các cụ được dạy theo kiểu "thầy già con hát trẻ" nên giờ cũng đem lối cũ mà truyền lại cho con cháu. Có tới ba bốn thế hệ, từ cháu nhi đồng tới các bà ngoại ngũ tuần và 20 người bằng vai phải lứa cùng miệt mài đàn phách.

 

Ba nghệ nhân tuổi ngoài 80 vẫn đang nỗ lực trao truyền
 
Cụ Vượn bảo: “Già trẻ một lớp, thời gian co kéo cũng khó nên đành học vào buổi tối. Mỗi tối chỉ học 2 tiếng, tới 10h đêm là phải nghỉ để trẻ nhỏ học hành, người lớn lấy sức làm lụng”. 
 
Ba nghệ nhân khi xưa được dạy lời, rồi học làn điệu, sau đó mới khớp cùng đàn phách. Nay các cụ có cải tiến cách dạy đôi chút, cho các cháu chép lời ra giấy để tự nhẩm thuộc trước. “Chúng tôi mù chữ thì chỉ đơn thuần truyền miệng, nay các cháu có cái chữ thì cách truyền cũng phải khác đi”. - Cụ Vượn tâm sự. 
 
Khi lớp học mới lập, các cụ có ra hát ở đình làng trước khi tế lễ. Dân nghe không hiểu chỉ bảo nhau: “hát gì mà cứ ậm ư, ậm ừ sao mà dài thế!”, họ sốt ruột nên cũng không ai nán lại mà nghe. “Trách họ sao được, họ không biết lối hát này, chiến tranh giặc giã đã làm nghề chúng tôi chìm đi, gián đoạn hơn nửa thế kỷ, mấy lớp người mới coi như mù về lối sinh hoạt này”.
 
Dần dà dân làng cũng quen, tìm hiểu và bắt đầu yêu thích vì họ biết họ là con nhà nòi, cụ kị nhà mình là những đào nương có tiếng. Đến bây giờ, việc làng không thể thiếu ca trù. Ngày lễ tế, hội làng, tế thành hoàng, thần hoàng làng… đều phải có ca trù mới đủ lề lối. Ba nghệ nhân giờ không phải diễn nhiều, bởi làn điệu đơn giản như hát nói, Mưỡu đã có lớp học trò đảm nhiệm.
 
Bảo vật 70 năm gìn giữ
 
“May mắn giời cho sức khỏe nên làng còn được ba người giữ nghề và cũng vừa đủ bộ đàn phách. Nếu còn mình tôi thì không khéo nghề danh tiếng này đã bị thất truyền” - cụ Khướu móm mém nhai trầu, nhớ về cả hành trình hơn nửa thế kỉ cụ gìn giữ tiếng hát trong lòng. 
 
"Lớp trẻ còn đáng quý hơn bảo vật gìn giữ 70 năm này" - Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu.
11 tuổi cụ bắt đầu được bà nội dạy hát, vừa bắt đầu thành nghề thì đất nước lâm cảnh chiến tranh loạn lạc. Chốn thôn quê vùng tạm chiếm chẳng còn ai màng đến tiếng hát đào kép nữa. Chỉ có những người đã mang nghiệp vào thân mới vương vấn, quyết giữ lại một chút gọi là. 
 
Cụ lôi ra một tập giấy vàng xỉn đang mục nát, mực in bay mờ và bảo: “Tập này ghi lại lời mấy chục bài ca trù. Tôi và cụ Vượn giữ gần 70 năm trời coi như bảo vật từ lúc vào nghề”. Nhưng có những bài tập giấy đó không ghi, lời lâu không hát cụ quên mất vài đoạn, cụ mất ngủ cả đêm để nhớ lời, nhẩm đi nhẩm lại mãi rồi cũng nhớ. 
 
“Những làn điệu ngấm ở trong người thôi, không để ngoài mà sợ mất. Tôi cũng coi đó là vật quý của riêng mình”. Hơn nửa thế kỷ gián đoạn lắng chìm, nhiều lúc nhớ nhịp phách quá cụ đành hát cho mình nghe. Rồi cũng có khi, cánh già ba bốn người họp nhau lại ở một nhà sắm vai đào kép hát cho nhau nghe. Lúc đó, các cụ ghi âm vào những cuốn băng cát-xét, buồn lại mở ra nghe chờ hết tuổi già.
 
Nhưng báu vật quý nhất của cụ Khướu bây giờ là lớp trẻ đang học nghề, trong đó có cả 2 đứa cháu nội của cụ. “Ngày trước phải giữ ngón nghề, chỉ truyền cho con cháu trong nhà. Bây giờ khác rồi, tôi dạy tất cả bọn nó như nhau, biết cái gì đều cố truyền hết lại”.
 
Cụ xin giời cho mình được sống 3 năm nữa, khi đó may ra lớp học mới tạm thuần thục. Cụ bảo: “Cái lối hát này phải kỹ tính, cẩn thận mới truyền ra tấm ra món được. Ngày trước phải học ít nhất 3 năm ròng mới tạm gọi là có chút nghề. Nó khác với chiếu chèo và cũng không đơn giản như anh xẩm chợ”.
 
Làng mộc Chanh Thôn đang hy vọng được hồi sinh nghề ca trù, lòng nghệ nhân vui với hai lẽ. Cụ vui vì đến lúc gần đất xa trời được làm thầy già dạy con hát trẻ. Và cũng mừng hơn bởi con cháu cụ đam mê học nghề. Trời mưa gió chúng đến tận nhà đón cụ ra đình, trẻ buông cặp sách là cầm phách gõ, người lớn buông cưa, đục là ra đình học hát. Có một câu cụ vẫn nhắc đi nhắc lại với lớp: “Xưa học nghề kiếm sống, nay học nghề mà lấy cái chơi cho ra chơi”.
Nguyễn Hữu Bắc

 www.vnn.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems