Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Cô thạc sĩ “bị” cải lương quyến rũ

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Geeked [8-|] Posted: 08-03-2008 20:12

 
Nguyễn Nghiêu Khải Thư - Ảnh: V.A

Từng học ngành y tại Đại học Stanford (Mỹ), nhưng rồi Nguyễn Nghiêu Khải Thư quyết định chuyển sang theo đuổi lĩnh vực sân khấu và giờ đây cô đang làm luận án tiến sĩ về sân khấu Việt Nam tại Đại học California, Berkeley.

Từ Shakespeare đến cải lương

Khá thú vị khi biết nghiên cứu ở bậc thạc sĩ trước đây của Khải Thư là về Shakespeare và những tác giả Anh cùng thời như Christopher Marlowe, trong khi luận án tiến sĩ lần này cô lại chọn nghiên cứu yếu tố lãng mạn, trữ tình trong sân khấu Việt Nam, trong đó xoáy vào sân khấu cải lương, sân khấu thời chiến và kịch Lưu Quang Vũ.

Thoạt nhìn Shakespeare và sân khấu Việt Nam là hai đề tài có một khoảng cách khá xa cùng với sự khác biệt, nhưng theo nhận xét của cô gái gốc Việt này thì "ngôn ngữ sân khấu không hề có biên giới". "Những tác phẩm kịch thơ của Shakespeare đã dạy cho mình rất nhiều điều bổ ích về ngôn ngữ sân khấu, những hình thức thể hiện trên sân khấu và mình nhận thấy sân khấu Việt Nam cũng chứa đựng những yếu tố văn học và nghệ thuật tương tự.... Hơn nữa, sân khấu phương Tây không có một khoảng cách quá xa với sân khấu truyền thống phương Đông. Những lý thuyết về sân khấu của các triết gia sân khấu như Bertolt Brecht cũng chịu ảnh hưởng của sân khấu Á Đông và dùng những nguyên tắc của sân khấu Á Đông làm căn bản cho sự sáng tạo sân khấu đương đại. Sân khấu truyền thống Việt Nam tự thân đã chứa đựng những nguyên tắc có trong sân khấu đương đại thế giới như tính ước lệ và tự sự để làm tiền đề cho những sự sáng tạo mới", cô lý giải.

Cách Khải Thư chọn và "khoanh vùng" đề tài cũng là một hành trình lý thú, bởi ngoài giới hạn đề tài về yếu tố trữ tình trong sân khấu Việt Nam, tên chính thức của luận án đến giờ vẫn đang "mở". Với cô, luận án này như một "đứa con" thành hình và lớn dần sau gần 1 năm trở về Việt Nam theo suất học bổng Fulbright Hays (tháng 10.2006 -  tháng 7.2007) để gặp gỡ, học hỏi từ rất nhiều tác giả, đạo diễn, những người làm nghề sân khấu... ở TP.HCM và Hà Nội cũng như tìm tòi, tham khảo tư liệu từ kịch bản, phê bình, từ báo chí và những vở diễn trực tiếp...

Từ dự định ban đầu là nghiên cứu sâu về sân khấu kịch nói đổi mới cùng quá trình phát triển, Khải Thư đã bị tác phẩm của Lưu Quang Vũ và sân khấu cải lương chinh phục. Nếu Lưu Quang Vũ là một tác gia tiêu biểu với những tác phẩm có góc nhìn phê phán hiện thực và trữ tình độc đáo thì cải lương là một loại hình chứa nhiều nét đặc sắc, tiêu biểu cho văn hóa Nam Bộ, nhưng chưa được nhiều người ở bên ngoài Việt Nam biết đến. "Ở Mỹ, mình từng được xem và nghe nhiều băng hình về cải lương nên cũng hiểu phần nào về loại hình này, nhưng khi về Việt Nam xem trực tiếp trên sân khấu thì thấy rất hay! Cải lương phải được diễn trên sân khấu vì nó là nghệ thuật sân khấu, là sự giao lưu với khán giả. Tìm hiểu cải lương là phải biết cả một quá trình, lịch sử từ khởi đầu cho đến nay mà một trong những cái hay ở thời kỳ đầu của cải lương là sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam với những nền văn hóa khác... Mình muốn khai thác những biến chuyển của yếu tố trữ tình trong sân khấu Việt Nam, từ sân khấu cải lương đầu thế kỷ 20 đến sân khấu thời chiến và trong tác phẩm của những tác gia đổi mới như Lưu Quang Vũ".

Có lẽ ít ai ngờ cô bé 6 tuổi ngày nào hay trốn trong phòng đóng tuồng giả, giờ đây đã có gần 150 trang viết bằng tiếng Anh về sân khấu Việt Nam để giới thiệu đến các học giả trên đất Mỹ, và con số ấy có thể còn tăng thêm.

 

Hành trình và đích đến tại sân khấu IDECAF - Ảnh: V.A

Vọng cổ, hát bội và kịch hình thể

Bị cải lương và sân khấu truyền thống Việt Nam quyến rũ, trong quá trình làm luận án và qua sự giao lưu, học hỏi với những nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, cô và anh bạn đạo diễn người Na Uy Cliff Moustache đã nảy ra ý tưởng cho dự án Hành trình qua bản sắc nhằm khai thác những yếu tố của sân khấu truyền thống Việt Nam đưa vào sân khấu hình thể, mang đến những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, suy nghĩ của người Việt hiện giờ. Ý tưởng này may mắn gặp được người có cùng tâm huyết chia sẻ và hỗ trợ thực hiện, đó là nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Dự án ban đầu được triển khai cho sinh viên trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và biểu diễn tại Nhà hát Thế giới trẻ vào tháng 11.2007.

Sau đó, Khải Thư về Mỹ tiếp tục nghiên cứu luận án nhưng vẫn không quên dõi theo từng bước đi của dự án. Cho đến lần trở lại Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, cô và Moustache đã xúc tiến thành lập nhóm kịch hình thể NEWS với nòng cốt là những diễn viên từ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM và sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM để cùng dạo bước qua những thử nghiệm giữa truyền thống và hiện đại. Vở diễn Hành trình và đích đến tại sân khấu IDECAF ra mắt cuối tháng 6 đã sử dụng âm nhạc, thơ ca, những động tác hát bội và những câu vọng cổ... do các diễn viên phát triển từ chính câu chuyện và sự sáng tạo của riêng mình.

Cô tiến sĩ tương lai đang nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho sân khấu truyền thống Việt Nam và hẹn sẽ trở lại tiếp tục dựng những vở mới với nhóm NEWS.

Vân Anh

www.thanhnien.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems