Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Vốn là học sinh môn sáo trúc của Trường Âm nhạc Huế, sau khi tốt nghiệp vào (năm 1981), Trần Đại Dũng trở thành thành viên của Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế. Trong số 4 người cùng được tuyển về đoàn năm ấy, chỉ có một mình Dũng trụ lại với đoàn.
Nhạc sĩ Trần Đại Dũng
Phục hồi ống địch trong dàn Tiểu nhạc
Anh nói rằng: Lúc ấy, nghệ thuật truyền thống còn chưa được quan tâm đúng mức, đời sống cũng còn nhiều khó khăn nên lắm khi cũng cảm thấy chông chênh. Nhưng rồi, khi xác định theo con đường đã chọn, Dũng đã chú tâm và dồn sức cho nghề. Gọi là chú tâm bởi lẽ, với một người học về sáo trúc nhưng học chủ yếu là "nhạc mới", không phải ngày một ngày hai là thổi đúng tất cả nuhững bài bản cổ.
Từ niềm đam mê...
Điều mà Dũng gọi là may mắn là chính trong quãng thời gian đó, anh có dịp tiếp xúc, gần gũi với hai nghệ nhân vốn là nhạc công trong đội nhạc cung đình xưa là cụ Lâm và cụ Dự. Anh được các cụ dạy cách thổi sáo các bài trong 10 bản Ngự, nhạc múa, nhạc lễ và nhạc tuồng cung đình ...
Anh nói rằng "Khi dạy tôi thổi 5 bài Ngũ đối, các cụ bảo rằng, ngày xưa, trong dàn nhạc cung đình, người ta không thổi những bài này bằng sáo mà thổi bằng ống địch. Hỏi chuyện, tôi được các cụ nói rõ hơn về nhạc cụ này, về cấu tạo cũng như những thanh âm của nó, về việc các nghệ nhân đã già, nhạc cung đình cũng có một thời gian xao lãng, các nghệ nhân lại không truyền nghề nữa cho nên ngay từ những năm tháng ấy, một số nhạc cụ truyền thống bị thất truyền. Cũng không còn ai làm được ống địch nữa nên người ta đành phải chuyển sang thổi bằng sáo những bài bản dùng trong dàn Tiểu nhạc... Cách nói, vẻ ngậm ngùi, nuối tiếc của các cụ về những âm thanh xưa đã ám ảnh tôi trong suốt cả một thời gian đằng đẵng trên 20 năm".
Điều mà Trần Đại Dũng ấp ủ trong nhiều năm trời là bằng mọi cách phải phục hồi lại cho được chiếc ống địch dùng trong dàn Tiểu nhạc. Điều khó khăn nhất của anh lúc này là tư liệu về nhạc cụ này quá ít ỏi nếu không nói là quá hiếm hoi. Ký ức về nó trong các cụ nghệ nhân cao tuổi cũng đã quá mờ nhạt. Vậy nên khi khi bắt tay vào việc phục hội này, bên cạnh việc tìm kiếm thêm thông tin, tư liệu, anh đã cố mường tượng lại những gì đã được kể, được nghe. Cả về cấu tạo cũng như âm thanh.
Theo anh Dũng thì "ống địch là một trong những nhạc cụ của dàn Tiểu nhạc, dùng để thổi các bài Phú lục và Ngũ đối. Về cơ bản thì cấu tạo của ống địch gần giống như sáo hoặc tiêu. Nhưng địch khác với sáo ở chỗ không thổi ngang mà thổi dọc. Mặt khác, nếu như âm thanh của tiêu và sáo trong trẻo, tươi vui... thì âm phát ra từ ống địch lại hơi khàn rè, rất thích hợp với những bài mang hơi khách, vừa vui nhưng lại vừa trang nghiêm, giàu chất suy tưởng".
Muốn làm ống địch phải có ống nứa thật già, chiều dài khoảng 40cm - 50 cm. Ống địch gồm 6 lỗ chính để phát ra âm thanh, 2 lỗ phụ để định âm, gần miệng thổi có có 1 lỗ vuông khoét vừa đủ độ để tạo âm thanh. Cách lỗ này khoảng 3cm có 1 lỗ tròn để tạo âm thanh rè rè. Lỗ thổi của ống địch không giống như sáo cũng không giống như ống tiêu mà đầu hơi vát. Ở đó có một lưỡi gà và người thổi ngậm đầu ống địch như ngậm ống kèn. Trên lỗ tạo âm thanh rè rè được dán bằng một màng tre rất mỏng (lấy từ phía trong ống tre, cũng có thể dán bằng giấy rất mỏng)..."
Nhưng tại sao ống lại có chiều dài 40cm - 50cm? Có nhất thiết phải như vậy không và anh căn cứ vào đâu để xác định chiều dài của chiếc địch? Kích cỡ hoàn toàn phụ thuộc vào cung bậc và cả về phương diện thẩm mỹ nữa . Anh Dũng cho biết "Trong tất cả các tư liệu viết mà tôi tìm đều không nói gì đến cấu tạo, kích thước của ống địch. Để có những âm cao, người ta thường dùng ống nhỏ, còn ống dài dành cho những âm trầm. Đó là những gì mà tôi đã vận dụng trong quá trình thử nghiệm... Mặt khác, điều này cũng còn phụ thuộc vào các lỗ định âm trên ống nữa..."
Sau nhiều lần tìm tòi, thử nghiệm trên chất liệu ống nứa ở Huế, thậm chí anh đã lên cả Phong Sơn - vùng nổi tiếng về nứa và lồ ô của Thừa Thiên - Huế để tìm cho được chất liệu ưng ý nhưng không thành, đôi lúc anh tưởng như phải gác lại việc phục hồi ống địch.
Tiếp đó là những tháng ngày Dũng và học trò của mình riết róng tập luyện. Nhất là những ngón nghề như rung, vỗ, luyến láy... cho ra chất cung đình. Bài bản thì đã có nhưng vấn đề là ở chỗ làm thế nào đạt đến sự đồng điệu trên cùng một chất liệu để tránh phô và chênh. Tại Festival Huế 2004, trong chương trình Vũ khúc cung đình, lần đầu tiên Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế "trình làng" hai bài nhạc lễ mới được phục hồi là Phú Lục địch và Cung bằng diễn tấu bằng ống địch thay cho sáo.
Còn nhớ trong lần trao đổi với chúng tôi trong những ngày chuẩn bị Festival Huế 2004, nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân, trưởng đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế đã rất vui khi đây là hai hai bài nhạc lễ mà được đoàn ấp ủ từ lâu nhưng đến lúc đó mới có điều kiện thực hiện chỉ bởi vì không có âm thanh của ống địch - một nhạc cụ dành riêng cho những bài này.
“Việc phục hồi nhạc cụ truyền thống không phải là chuyện dễ, nhất là khi không có nhiều tư liệu gốc, rất nhiều cái phải dựa vào ký ức, lời kể... của các nghệ nhân. Nhưng theo tôi, những gì mà nhạc sĩ Trần Đại Dũng đã làm thông qua việc phục hồi cặp địch này là có thể tin cậy được" ,đó là phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng - phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế nói về việc phục hồi ống địch của nhạc sĩ Trần Đại Dũng.
...Đến những mong ước
Thành công trong việc phục hồi ống địch đã làm cho anh cảm thấy tự tin hơn. Công việc mà anh dự kiến trong những ngày tới là phục hồi lại trống điêu cổ - một nhạc cụ truyền thống có đường kính khoảng 30cm, đánh bằng que gỗ, có âm thanh cao, có bài bản riêng, thường được dùng trong Tiểu nhạc. Âm thanh và tiết tấu của trống điêu cổ Dũng đã được nghe cách đây chừng 10 năm. Chỉ tiếc là do lũ năm 1999, băng tư liệu mà Dũng có đã không còn giữ được nữa. Nhưng qua bạn bè trong giới, Dũng đã có nguồn và anh cho biết sẽ tiếp tục tìm thêm tư liệu, thu thập thông tin, tìm kiếm chất liệu để phục hồi lại nhạc cụ này.
Vớitấm lòng của mình với âm nhạc truyền thống, trong thời gian qua, Trần Đại Dũng đã có nhiều đóng góp cho Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống Huế nói chung. Anh đã ghi âm lại nhiều bài bản hoà tấu nh5ac cổ truyền thành tổng phổ, tạo điều kiện cho các nhạc công trẻ dễ tiếp nối những hơi thở xưa trong dàn nhạc truyền thống cũng như ra lại các bài bản cho các điệu múa truyền thống như Lục cúng hoa đăng, Múa kiếm, Múa lân, Múa phụng, Tam quốc Tây Du, Bát Dật, Song quan, Vũ phiến...
Anh cũng là người thực hiện trên 30 bài bản nhạc tuồng và tham gia đào tạo lớp nhạc công trẻ tại trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật tỉnh. Hiện nay, Trần Đại Dũng là phó trưởng đoàn phụ trách chuyên môn của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Tuổi trẻ và nhiều nhiệt huyết, hy vọng anh sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa cho nghệ thuật truyền thống Huế.
Cát Phương
http://giaidieuxanh.vietnamnet.vn/nhaccudantoc/2004/08/230232/