Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Chơi nhạc trẻ, nhạc nước ngoài bằng... nhạc cụ dân tộc
Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia VN) Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng phải thừa nhận, ở khoa có rất nhiều nhóm, nhiều tốp thường xuyên tham gia biểu diễn ở nhà hàng khách sạn. Việc giải quyết nhu cầu kinh tế không có gì xấu, tuy nhiên nội dung biểu diễn thường xuyên bị khách hàng chi phối. Họ không quan tâm nhiều đến âm nhạc truyền thống đích thực, mà hay yêu cầu biểu diễn những bài nhạc trẻ bằng nhạc cụ dân tộc.
Ngay cả hoạt động lưu diễn ở nước ngoài cũng khó kiểm soát hết nội dung. Những chuyến lưu diễn còn nhen nhúm, chưa chuyên nghiệp chính vì thế nó chưa giới thiệu được truyền thống văn hóa VN qua những tiếng đàn, lời ca. Việc phải chơi một bản nhạc nước ngoài cho người nước ngoài nghe bằng nhạc cụ Việt Nam thì không thể gọi là âm nhạc truyền thống.
Bản thân nghệ sĩ Thanh Tâm cũng nhiều lần từ chối không đi biểu diễn dù được trả thù lao rất cao vì nội dung của bên hợp đồng yêu cầu… không thể chấp nhận nổi!
Việc phải tồn tại giữa yêu cầu thị hiếu của thời đại mới và trăn trở giữ gìn âm sắc dân tộc đúng nghĩa đã buộc biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc phải thể nghiệm chuyển mình. Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) cho rằng không thể chê trách thanh niên dùng nhạc dân tộc để đánh rock. Hiện nay chúng ta phải song song chấp nhận hai xu hướng: một phần hoàn toàn giữ vốn cổ với những bài kinh điển, một phần phải bắt đầu thay đổi cho phù hợp với thị hiếu mới.
Một điều đáng lo ngại hơn, khi được chơi những bản cổ của các thể loại Chèo, Tuồng, Nhạc Huế, cải lương Nam Bộ nhiều người chưa thể hiện được đúng phong cách nhạc cổ hoặc chơi không ra hơi, ra điệu. Nhạc cổ dân tộc có các kỹ thuật diễn tấu đặc trưng như rung day, nhấn mượn, nhấn lên, láy, miết, vỗ… Việc áp dụng kỹ thuật được quy định rõ ràng ở từng bậc để cho ra hơi khách, hơi ai, làn điệu vui, buồn.
Truyền khẩu hay... "5 dòng kẻ"?
Nhận xét về kỹ thuật trình diễn cho đúng phong cách cổ, hiệu trưởng trường CĐNT Hà Nội Nguyễn Hòa Bình bi quan: “Hiện nay đang sử dụng lộn xộn hoặc lạm dụng kĩ thuật diễn tấu áp vào cây đàn dân tộc, biến đổi hình thức vốn có của chúng. Điều này đã làm mất đi giá trị và vẻ đẹp đích thực của từng cây đàn, không tạo nên những âm sắc dân tộc theo đúng nghĩa”.
Nhiều sinh viên học nhạc đang trong tình trạng “gieo vừng ra ngô”. Họ được học nhiều từ kỹ thuật của Chèo, Tuồng, ca Huế… nhưng không thực sự giỏi, điêu luyện trong một thể loại nào, không có ngón nghề nào đạt đến độ tinh túy. Đó là chưa kể đến việc áp nhầm từ kỹ thuật này sang nhạc cụ khác.
Để giữ đúng hồn cốt âm nhạc dân tộc không phải do nhạc cụ, do bài hát mà phải ở bản thân người nghệ sĩ. Họ mới chính là bảo tàng sống lưu giữ quốc hồn qua bao thế hệ. Ngoài những nghệ sĩ dân gian, lực lượng quan trọng nhất được đào tạo bài bản là sinh viên trong các trường nhạc. Tuy nhiên, việc đào tạo về nhạc cụ truyền thống hiện nay dường như đang “có vấn đề”.
Kho nhạc truyền thống của của nước ta rất phong phú, mỗi vùng miền có một phong cách khác nhau. Mục tiêu các trường đào tạo hiện nay thể hiện tham vọng cho sinh viên có thể giỏi hết các phong cách. Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh dạy sinh viên Chèo, Tuồng, Cải Lương. Còn Học viện Âm nhạc Quốc gia VN lại đào tạo cả hai mảng gồm 3 phong cách nhạc cổ (Chèo, nhạc Huế, Cải lương) và các tác phẩm mới.
Trước thực tế này, NSƯT Nguyễn Tiến than thở: “Ngấm được một chất nhạc đã khó, muốn cho nhiều chất chỉ e sẽ loãng. Ít người có thể điêu luyện cả Chèo và Nhạc Huế. Người ta cần trước hết một cái tinh túy, sau đó là cái sáng tạo”.
Phương pháp dạy hiện nay ở hầu hết các trường cũng gây nhiều băn khoăn. Phương pháp và quy trình dạy nhạc thời xưa là lối truyền khẩu, truyền ngón. Những ngón đàn độc đáo, những kiến thức sâu sắc nhiều khi lại là những ngón bí truyền thầy trò rỉ tai nhau, không có văn bản bút tích. Tất cả dựa vào ông thầy trong phương pháp và kiến thức lý luận. Nó tạo ra các phong cách rất đa dạng và phát huy khả năng sáng tạo của học trò.
Ngày nay, khi tiếp thu phương pháp ký âm “5 dòng kẻ” của phương Tây đã tạo ra phương pháp dạy mới. Các bản nhạc cổ được soạn thành văn bản và có thêm ký hiệu về ngón đàn để giảng dạy. Cách học này nhanh nhưng chỉ nắm được một dị bản, lệ thuộc vào nó mà triệt tiêu đi phần sáng tạo.
Áp dụng lối dạy cổ của cha ông và lối học của phương Tây đã giúp chế ra một phương pháp dạy kết hợp song song truyền khẩu và ký âm mà hầu hết các trường hiện nay đang sử dụng. Nhiều nghệ sĩ tâm huyết cho rằng, cái cần nhất cho nhạc truyền thống VN hiện nay là sự rõ ràng. Nhất là việc giảng dạy phải tách bạch cách dạy truyền ngón với ký âm, hết lối này rồi mới đến lối kia không lẫn lộn. Có thế, lớp người kế cận mới nhận diện được đâu là quốc hồn quốc túy!
Nhạc cụ dân tộc hiện nay quá cách xa với thanh niên. Một số nhạc cụ bị ghẻ lạnh, bị xa lánh như nhị, kèn,...Vì đơn giản trong họ những ấn tượng sâu sắc nhất về tác dụng của nhạc cụ ấy là trong nhạc đám. Nhưng cũng có một số nhạc cụ được giới trẻ chấp nhận như đàn tranh, đàn bầu, sáo, tiêu,... một phần lý cho sự chấp nhận này có lẽ vì trong họ ấn tượng với các loại âm cụ này là các điệu sáo, khúc tiêu, bản nhạc từ đàn guzheng hoặc cổ cầm trong các bộ phim của Trung Quốc. Và thế là âm nhạc dân tộc Việt vừa nhận được sự ghét bỏ, và bị lấn át bởi âm nhạc ngoại bang.
Thanh niên chơi rock hay bất kì một loại nhạc trẻ nào bằng nhạc cụ dân tộc cũng là một cách để đưa âm nhạc dân tộc đến với người dân, đặc biệt là giới trẻ. Không thể ép giới trẻ nghe những bản nhạc cổ, hoặc mang âm hưởng quá cổ mà họ không nghe thì bảo là phỉ bám, là chối bỏ nguồn cội. Album "Độc tấu đàn tranh" vol 1 của Nguyễn Thanh Thuỷ là một điển hình, âm hưởng cổ của nó không còn phù hợp với thanh niên, hoặc album "Nhã nhạc cung đình Huế", mặc dù em rất thích nghe một số bản (Phụng Vũ, Long Ngâm...), nhưng bạn em lại ví nó như nhạc đám ma. Nhạc cổ không còn phù hợp với thị hiếu của người Việt nữa. Họ cầu mong có sự đổi mới... Họ đã tìm đến với nhạc Tây, nhạc Tầu,... vì thế mà âm nhạc đất nước bị lấn át. Muốn tiếp cận, muốn phục hưng thì phải đưa nó phù hợp với thị hiếu. Đó là cách thanh niên làm, chơi nhạc trẻ trên nhạc cụ dân tộc. Nhờ việc chơi nhạc trẻ trên nền nhạc dân tộc đã xoá bỏ được rất nhiều ấn tượng xấu về âm nhạc dân tộc trong lòng thanh niên. Có thể thấy qua album "Ôi! Đàn cò" của Thuỳ An, nhờ tấu đàn nhị, tuy không thực sự thành công, nhưng đã có rất nhiều người phải thay đổi cách nhìn với nhạc cụ này. Hay các album hoà tấu "Sáo, Bầu, Tranh" (Sáo, đàn Bầu, đàn Tranh) đã làm thay đổi cách nhìn về khả năng diễn tấu của nhạc cụ dân tộc với một số người. Có thể họ vẫn không thích, nhưng ít nhất cũng làm thay đổi nhìn nhận.
Nhưng thanh niên không được phép làm xấu đi hình ảnh của nhạc cụ dân tộc!
Bởi nếu làm xấu hình ảnh của âm nhạc dân tộc trong người dân, thì việc cứu vãn, việc đưa nó trở lại khó khăn muốn phần.
Bởi thế. đã có mong muốn làm mới hình ảnh của nhạc dân tộc, thì phải làm cho ra làm. Làm để cho tất cả thấy rằng nhạc cụ dân tộc ta, thứ tiếng của Đại Việt ta hay hơn tất cả. Làm để cho mọi người dân đều cảm thấy tự hào về nền âm nhạc nước nhà.
Còn không thì dừng lại trước khi quá muộn!