Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Tấm áo chèo đính kim sa và những cuộc đào bới nửa vời

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Big Smile [:D] Posted: 04-11-2008 0:02

Đại biểu của sân khấu hiện đại, đạo diễn có tài và kỹ tính Nguyễn Đình Nghi luôn đòi hỏi diễn viên sự chuẩn mực, đúng chất, đi đến tận cùng chiều sâu vai diễn. Cho tới giờ, không ít diễn viên chèo vẫn nhớ những đêm thức trắng trước khi biểu diễn để… “tháo kim sa đính trên sống áo” cho “chèo phải ra chèo”. Đã là chèo, phải mộc, không được quyền óng a óng ánh. Đã là hề chèo, phải cười ra một bài học. Nếu còn sống, chắc chắn ông khó có thể chịu đựng nổi Xuân Hinh - nghệ sĩ “chèo giả chèo”.

 



Xuân Hinh

Hỏi Xuân Hinh về hề chèo, sẽ nhận được danh sách giải thưởng trong các hội diễn do anh cung cấp: hề gậy, hề mồi... Hỏi khán giả về gã hề chèo sẽ nhận được con số không nhỏ tên tiểu phẩm dễ nhớ theo cấu trúc “Xuân Hinh làm cái này, cái kia...” như “Xuân Hinh đi hát karaoke”, “Xuân Hinh đi hỏi vợ”... Những tiểu phẩm khác của anh cũng được quy về dạng tương tự. Nghĩa là trong tiểu phẩm đó, người ta vẫn nhớ nhất là Xuân Hinh.

Nhớ đầu tiên có lẽ vì hài của Xuân Hinh bao giờ cũng dễ nhớ đến mức sơ lược còn anh - một mình phải cương lên để làm điểm nhấn trên nền nhàn nhạt của kịch bản. Một anh đội tóc, dán râu để “đi hát mỏi tay”. Đến nơi, tới lúc đòi mỏi tay lại bị cô bé cùng làng vạch mặt. Anh ân hận hứa không thế nữa. Hay hai vợ chồng nghiện rượu, nghiện đề, sau trận nói nhau bỗng nhiên tỉnh ngộ. Đoạn kết có hậu về nhân cách, lối sống tự dưng sường sượng. Sượng bởi nó quá ngây ngô và do đó trở nên đuối lý. Không có tiềm lực từ khi còn là kịch bản văn học, những tác phẩm “hài hiện đại” kiểu này anh không còn biết làm gì ngoài cách dùng giọng hát lấp chỗ trống cho tính cách và phát triển tính cách nhân vật.

Phải công nhận Xuân Hinh có một giọng hát ma mị. Anh nói những câu bình thường trong âm sắc vẫn có giọng chèo. Rồi ùa theo cơ chế, phải hát thêm những điệu khác, Xuân Hinh cũng lẩy đúng chất cải lương, quan họ, xẩm. Anh hát kiểu gì cũng không chệch. Trong cuộc marathon chất liệu hát dân tộc, Xuân Hinh thuộc hàng được “tổ đãi”. Trong những cuộc lưu diễn, Xuân Hinh không chỉ hát chèo mà hát đủ thể loại. Nếu chỉ nói về giọng hát, đố chê nổi anh dù một câu. Nhưng cũng theo lẽ thường, tổ cũng không đãi ai quá một điều gì. Hát được lại có nhiều dịp chạy xô hát nhiều điệu khác, nên tuy giọng chèo vẫn đấy mà anh thì mất dần dần chất chèo, chất hề chèo.

Không còn “khuôn vàng thước ngọc” của những vai hề áo ngắn nữa, Xuân Hinh mặc quần da bó, hay túi hộp thật ngầu, vẫn hoá trang theo lối chèo mà xộc thẳng lên diễn trên nền những cảnh dựng như trong phim truyền hình, vốn dành cho phim truyền hình - quán karaoke thật, vườn thật, nhà thật. Thêm nữa, dùng lối diễn của sân khấu chèo trên một sân khấu không tương ứng, khập khiềng, vô hình trung Xuân Hinh bắt đầu “hành” một thứ “đạo sân khấu” trên nền “sân khấu diệt sân khấu” nhất.

 


Diễn viên hài Xuân Hinh tham gia diễn xuất trong
VCD ""Thầy dởm"".

Cũng có lúc Xuân Hinh không hát mà dùng điệu bộ, lời thoại để lấp chỗ trống tính cách nhân vật. Và về điều này, phải ghi nhận, anh lạc quan vô biên… rằng mình có thể làm được?

Khán giả không quên (theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực) vô số lời thoại “vô tiền khoáng hậu” của danh hài. Một anh chàng đến nhà người yêu, xin với mẹ nàng cho con được đi lại, lần lần rồi sẽ “đưa nàng về dinh”. Mẹ cô gái thử lòng chàng trai bằng cách thách cưới, và được “lĩnh sẹo” ngay lập tức vì sự cong cớn đủ điều, tiếng bấc quăng đi, hòn chì quăng lại của ứng cử viên con rể. Thoại của cậu trai mô tả sự dị dạng xấu xí của cô gái với lời lẽ nhẫn tâm cao độ. Cuối cùng bà “giở mặt” 180 độ bảo rằng đấy đơn thuần chỉ là thử thách mà thôi. Hai mẹ con cùng nhau hứa hẹn sẽ tổ chức đám cưới thật tiết kiệm. Nhưng để tới kết cục tốt đẹp này khán giả đã bị bức cho chết đi đến mấy lần vì lời lẽ ăn thua của đôi bên; mà suy đoán theo logic mẹ ấy, người yêu ấy họ đâm ra nghi ngờ cả nhan sắc lẫn phẩm giá của cô con gái hoàn toàn không xuất hiện trong tiểu phẩm kia.

Lời lời hề chèo - lời lời không thừa; tuy không cao sang nhưng lúc nào cũng như ngọn roi quất vào thói xấu từ thấp chí cao, từ bé chí lớn. Căn cứ vào điều đó, thoại của Xuân Hinh không thể gọi là thoại hề chèo. Xuân Hinh càng nhấn nhá, giọng anh càng đúng điệu chèo bao nhiêu, thân xác chèo càng mệt mỏi bấy nhiêu vì không kham nổi thứ nội dung tục tĩu.

Điệu bộ hài của Xuân Hinh lại càng khó quên hơn nữa. Trong tiểu phẩm này anh nhảy thẳng lên ghế, cao ngất, chỉ tay loạn xạ trong không khí mà đốp chát với người hơn vai vế. Với tiểu phẩm kia, Xuân Hinh để nhân vật của mình vừa hổ thẹn vừa tự cởi quần áo, quay vòng vòng dưới sự ra lệnh của một kẻ ngu dốt, hợm hĩnh, hám báo thù. Một động tác quen thuộc với những ai hay xem Xuân Hinh - nghệ sĩ vẩy mông về một bên, rồi đập đập bàn tay mình vào đó một cách tự nhiên chủ nghĩa. Đã thế, anh còn chủ động sử dụng cái tục như một “thủ pháp nghệ thuật”. Hãy nghe anh chống chế trong một bài báo khi bị chê là diễn tục: “Có rất nhiều cái tục nhưng mà tục thanh… Chèo cổ của mình cũng thế. Các cụ đã chẳng từng bốc mồm lý trưởng và bỏ vào “chỗ ấy” đấy sao! Rồi còn gọi ngực phụ nữ là cái “bàn bốc”?!

Dĩ nhiên nhiều khán giả dễ dàng tin ngay lời nguỵ biện trên. Cơn mê cuồng đĩa hài Xuân Hinh chứng tỏ điều đó. Càng xem, số khán giả dễ tính nọ lại càng quen hơi bén mùi với phong cách hài Xuân Hinh. Càng dễ tính họ càng xem Xuân Hinh để thấy rằng chỉ bằng một cái vẩy mông anh đã dư sức làm họ cười chảy nước mắt. Xuân Hinh, được thế càng tự tin “hài” theo phong cách đó - hoàn thành nốt vòng tuần hoàn “dung tục hoá lẫn nhau”.

 

Buông mình theo những dung tục, dễ dãi, dần dà Xuân Hinh đã mất khả năng phân tích tâm lý nhân vật. Anh bắt đầu diễn theo thói quen, theo mẫu. Gặp nhân vật hao hao một mẫu kinh điển trong chèo cổ, Xuân Hinh diễn tốt. Đúng bài thày dạy, những trích đoạn đó Xuân Hinh bao giờ cũng bập vào thật ngọt, linh hoạt mà vẫn chừng mực, cười đấy mà gợi đấy những suy ngẫm cuộc đời. Trái lại, anh lúng túng và nhiều khi xử lý ngô nghê đến mức nhân vật bị xoá sổ hoàn toàn. Trong Lên voi, ta thấy rõ sự tỏa sáng trong bài bản, và sự bất lực trong sáng tạo nhân vật của Xuân Hinh.

Cậu chủ Kim Ấm bất tài vô dụng có anh hầu thường xuyên đi theo. Anh người hầu này rất nhanh trí, đối đáp đâu ra đấy. Bao nhiêu cái dốt nát của Kim Ấm không tài nào giấu được, cứ theo từng lời bắt bẻ của anh hầu mà bị bóc toạc ra. Đây là một vai hề áo ngắn - sở trường của Xuân Hinh. Nhưng tới đoạn sau, khi đã thành người chồng chăm học của cô hoa khôi, Xuân Hinh lại ngơ ngáo không hiểu nổi nhân vật của mình. Bị lừa lấy người hầu, cô vợ quyết tâm nuôi dạy chồng ăn học thành tài. Khi chàng đã chăm chỉ và có nhiều khả năng thi đỗ, nàng gọi người hầu vào (là anh chủ cũ nay sa cơ) đấm lưng cho chồng. Quay lại nhìn thấy người đang tẩm quất cho mình là ai, Xuân Hinh đã để nhân vật người chồng giật mình rúm ró, giọng run rẩy, sụp xuống lạy như tế sao. Nếu quả thực nghệ sĩ hiểu tâm lý nhân vật, chắc chắc màn ngạc nhiên này sẽ không kèm theo vẻ sợ sệt như thế. Chỉ tội nghiệp cho cô vợ, mất công dạy chồng kỹ đến thế rồi mà tâm tính lại hèn đi (trước đó, khi còn là người hầu cậu còn dám đấu khẩu với chủ)…

Cái tên “Lên voi” thật không đúng với vẻ hèn mọn của nhân vật lúc này. Ngoại trừ bản sao hề chèo đoạn đầu vở diễn, anh đã chẳng thể diễn trọn vai. Trong “Lên voi”, Xuân Hinh, với cuộc đào bới không mấy tốn công đã chỉ lật xới hời hợt vẻ ngoài của một tính cách, để bất lực khi thể hiện nó. Trong phần lớn vai hề khác, khán giả cũng không thể nhận dạng được thực sự anh đang muốn thể hiện hình ảnh kẻ hư hỏng, thất học, lỗ mãng, vô lễ hay chỉ đơn thuần là một “người thích đùa”.


Xuân Hinh (giữa) trong tiểu phẩm Một ngày ở trần gian. Ảnh Đ.H


Đỉnh cao không thể lặp lại của hề chèo hiện đại - Hề hoạn trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước (Tào Mạt) đã ngất ngư mà nói thế này: “Bởi suốt đời ta làm vui cho người - thấy kẻ ăn bám tham lam thì ta cười tủm cười ruồi - Thấy kẻ nịnh hót gian tà thì ta cười khinh cười bỉ - Thấy kẻ nhố nhăng ta cười ầm cười ĩ. Thấy chuyện bất công ta cười đắng cười cay. Ta cười cho sáng lẽ dở hay. Kẻ gian hoảng vía, người ngay cả cười.” Nghệ sĩ Ngọc Viễn (Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần) đã khóc cười với vai diễn trong suốt mấy chục năm trời. Và như một điều đáng buồn đáng cười cuối cùng, khi điện thoại cho Xuân Hinh hỏi về hề chèo, anh bảo” “Hay em hỏi bà Ngọc Viễn. Bà ấy giờ về hưu rồi, rỗi thời gian lắm. Anh còn phải đi diễn kiếm tiền nuôi con. Ít nhất mười ngày nữa hãy gọi lại.”

Kiều Thiên Phương

 

http://vietimes.vietnamnet.vn 

Top 100 Contributor
cầm sư cấp 1
đúng là giọng hát Xuân Hinh rất tuyệt! nghe Xuân Hinh hát chèo, xẩm, chầu văn ... làn điệu nào cũng hay!! còn hài Xuân Hinh thì chỉ có ngày xưa còn bé tí, tầm những năm 96, 97 là em thích thôi! thời đó xem hài Xuân Hinh rất hay & sâu sắc. còn về sau này thì em không thể chịu nổi hài Xuân Hinh! như trong xuân hinh đi hát karaoke, xuân hinh đi hỏi vợ .. ấy! em thấy nó vô duyên, kêch cỡm, lố lăng lắm! emar nội không thể chịu nổi cái kiểu hát hò gào thét, nói năng đốp chát nhặng xị lên! cả nội dung và cách thể hiện đều nhạt nhẽo, vô vị!!!
Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems