Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Chia sẻ với VnExpress.net, nghệ sĩ Lương Thanh Long (Giảng viên Nhạc viện TP HCM), con trai NSND Lương Kim Vĩnh, xúc động cho biết, mới đây, nghệ sĩ Kim Vĩnh được gia đình đưa đến bệnh viện 108 Hà Nội để chữa chân bị đau. Khi đó, ông vẫn rất vui vẻ trò chuyện cùng mọi người. Ông bảo, chỉ mong cho chân khỏe lại để tiếp tục đi lên vùng rừng núi, sưu tầm thêm tài liệu âm nhạc dân tộc của bà con vùng cao.
"Không ngờ huyết áp của bố tôi đột ngột tăng. Cuối cùng, gia đình chuyển ông về bệnh viện Lào Cai. Rồi ông mất!", anh Long nói.
Lễ viếng NSND Kim Vĩnh diễn ra từ 13h ngày 23/9 đến 15h ngày 24/9 tại số 015 đường Quy Hóa, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Sau đó, nghệ sĩ được an táng tại nghĩa trang Thống Nhất tại quê nhà.
NSND Lương Kim Vĩnh sinh năm 1937, quê Hoài Đức (Hà Nội). Ông là hội viên của: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn hóa Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam...
Lương Kim Vĩnh là tác giả và nghệ sĩ biểu diễn sáo Mông các bản nhạc nổi tiếng như: Đêm trăng bản Mèo, Lào Cai mùa xuân, Mùa xuân gọi bạn, Chợ phiên Bắc Hà… Ông được xem là người giải mã được "ẩn số" cây sáo Mông, đưa tiếng sáo vùng cao Tây Bắc lên sân khấu chuyên nghiệp. Năm 1970, lần đầu tiên ông trình diễn sáo Mông cải tiến trên sân khấu lớn trong hội diễn toàn quốc ở Quảng Ninh. Bài sáo Đêm trăng bản Mèo của ông đoạt huy chương vàng.
Đến nay, Lương Kim Vĩnh là nghệ sĩ duy nhất của tỉnh miền núi Lào Cai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2001). Ông còn nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương "Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam", giải thưởng văn học - nghệ thuật Phan Xi Păng của UBND tỉnh Lào Cai, và nhiều giải thưởng, huy chương vàng cho các tiết mục sáng tác, biểu diễn sáo Mông cùng các nhạc cụ dân tộc thiểu số...
Hai người con trai của ông là nghệ sĩ Lương Thanh Long và NSƯT Lương Hùng Việt (giảng viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cùng các cháu đều phát triển sự nghiệp âm nhạc với thành tựu nhất định.
Anh Thanh Long cho biết, tuy theo đuổi nhạc cổ điển, anh vẫn có nghề tay trái biểu diễn và tìm hiểu về sáo Mông, chịu ảnh hưởng từ bố. "Cả nhà có ý định thực hiện một chương trình nghệ thuật riêng cho ông. Không ngờ bố ra đi đột ngột. Sau khi lo hậu sự cho ông, có lẽ gia đình sẽ nghĩ đến việc thực hiện một chương trình tưởng nhớ", anh Long bùi ngùi nói.
Thất Sơn
(Nguồn: http://vnexpress.net/)
mới đây có xem vài clip của thầy, thấy thầy còn khỏe lắm mà ...mới đây đã qua đời rồi, xin chia buồn cùng gia đinh thầy
Buồn quá! Mình còn không kịp lên gặp ông lần nào.