Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Giáo sư trần văn khê
Trong tháng 12-2004, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đã đem về TP. HCM 465 kiện hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông, trong đó có nhiều, tài liệu, sách báo, bản thảo băng từ hình ảnh về âm nhạc học. Những hiện vật này là một sự nghiệp tinh thần của cả cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông.
CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Sinh ra trong một gia đình cải lương tài tử, tại mảnh đất Tiền Giang địa linh nhân kiệt. Bên nội, bên ngoại có đến 4 đời là nhạc sĩ. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ Trần Văn Khê đã được nghe tiếng sáo véo von của người cậu thứ năm và sinh ra trong tiếng sáo chào mừng để rồi lớn lên trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc. Vừa biết nói đã biết nhịp điệu, tiết tấu. Lên 6 tuổi đã đánh đàn kìm, 7 tuổi đánh đàn cò, 12 tuổi đánh đàn tranh, 14 tuổi đã biết đánh trống nhạc lễ… Chính vì vậy nhạc dân tộc đã trở thành máu thịt, thấm vào xương vào tim ông. Sau khi lớn lên ông ra Hà Nội học, tại dây ông tham gia điều khiển giàn nhạc Tây ở Đại học Hà Nội. Ông rất có năng khiếu tranh luận và bảo vệ nhạc dân tộc. Một kỉ niệm đáng nhớ của ông đó là lần được chính phủ Campuchia mời sang thăm, trong chính phủ có 7 bộ trưởng, thì 4 người đòi bỏ nhạc Kh’mer thay bằng nhạc Tây. Họ lý luận, mất 7 năm học nhạc Kh’mer khi đàn chỉ có người Kh’mer nghe, nhưng với 7 năm học nhạc Tây khi đàn thì tất cả mọi người đều nghe được. Trước tình hình đó Trần Văn Khê liền đứng ra thuyết phục mọi người, ông nhắc đến việc tượng đá tại Đế Thiên ngày xưa bị bệnh đá cứ bị bể ra từng miếng thành bột, tại sao phải mời chuyên gia nước ngoài về chữa bệnh đó tốn không biết bao nhiêu tiền, sao mình không ủi cho cả vùng Đế Thiên sập đi cất vào đó những nhà chọc trời hiện đại hơn? Các bộ trưởng đều nói “Tượng đá ấy là di tích văn hóa của chúng tôi sao ông đề nghị lạ vậy?”. Lúc này Trần Văn Khê mới nói, nhạc Kh’mer là một tòa nhà văn hóa đồ sộ, mà chúng ta không thể rờ thấy được không thể nắm bắt được, nhưng nó là một di sản văn hóa quý giá, là tâm hồn của người dân Kh’mer, vậy mà các ông lại muốn xoá bỏ đi thay vào đó bằng nhạc Tây! Sau hai ngày tranh luận, ông đã thành công, giúp những người đang bác bỏ nhạc Kh’mer hiểu được giá trị đích thực của một dòng nhạc dân tộc, và đa số bộ trưởng trong chính phủ quyết định phục hồi nhạc dân tộc.
Năm 1941, lần đầu tiên ông đưa nhạc Lưu Hữu Phước đến với quần chúng. Năm 1942, ông có một kỷ niệm hết sức tốt đẹp và khó quên. Lần ấy, ông cùng Lưu Hữu Phước, Thế Lữ dựng vở ca kịch “Tục lụy” cho các cô nữ sinh Đồng Khánh ở Hà Nội đóng. Kịch này được Thế Lữ chuyển từ kịch của Khái Hưng ra kịch thơ. Nhưng Thế Lữ sợ người nghe đọc thơ mãi sẽ nhàm chán, do đó Thế Lữ khuyên các cô nữ sinh nên tìm Lưu Hữu Phước để nhờ ông phổ nhạc kịch thơ này. Thế là ba người trở thành người đầu tiên dựng vở ca kịch cho các nữ sinh trường Đồng Khánh theo phong cách mới: lời Việt, nhạc Việt. Lưu Hữu Phước viết nhạc rất hay, nhất là phổ thơ Thế Lữ, thơ Thế Lữ đã hay, đã đẹp rồi mà khi phổ nhạc lên càng hay, càng đẹp hơn nữa. Nhưng Lưu Hữu Phước sáng tác rất hay mà không chuyên dạy hát. Thế là Trần Văn Khê dạy hát, và phụ Thế Lữ làm đạo diễn. Trong khi thực hiện chương trình này ba ông được vào hẳn trường nội trú của Đồng Khánh để dạy, các bạn trai Hà Nội ganh tỵ vì thấy Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước là người Sài Gòn mà được vào trường nữ là một điều hết sức bất thường.
NHẠC DÂN TỘC SỐNG TRONG LÒNG NGƯỜI XA XỨ
Khi sinh viên rộ lên phong trào xếp bút nghiên, và bắt đầu có nạn đói Trần Văn Khê lúc này đang học năm thứ ba, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Hồ Thông Minh về quê lập gánh hát sinh viên để thâu tiền mua gạo cứu đói. Năm 1949 ông sang Pháp học. Hồi đó ông rất nghèo, vừa đi học vừa đi đàn ở các hiệu ăn. Tuy trong thâm tâm ông còn tư tưởng sai lầm là nhạc phương Tây khoa học, nhưng khi mưu sống lại phải nhờ nhạc dân tộc. Ông đàn tranh trong hiệu ăn La Paillote của ông Từ Bá Hòa, giới thuệu đàn cò, đàn tranh tại hiệu ăn Bồng Lai của ông Bùi Văn Tuyền.. Từ năm 1951 ông bị bệnh nặng phải nằm nhà thương dài hạn (3 năm 2 tháng), trong thời gian này ông suy ngẫm và giựt mình khi nhìn lại những gì mình đã làm và những gì chưa làm, bỗng hiểu rằng đi vào âm nhạc phương Tây là sai, làm mất đi bản chất âm nhạc Việt, không làm nhạc dân tộc Việt Nam tiến bộ được. Từ đây, ông quyết định học trở lại và đi tìm nghiên cứu về dòng nhạc lịch sử Việt Nam, ông bắt đầu học lại nhạc Việt Nam, luyện tập nhạc Việt Nam. Năm 1951, ông bắt tay vào soạn luận án tiến sĩ “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” ở đại học Sorbonne, sau khi đậu bằng Tốt nghiệp Viện Khoa học Chính Trị Paris. Đến năm 1958, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ âm nhạc ở Sorbonne. Nhạc Việt Nam từ đây được ông phổ biến ở nhiều nơi. Đi đến đâu ông cũng hãnh diện nói về dòng nhạc dân tộc này, nhiều học trò người nước ngoài được Trần Văn Khê dạy nhạc Việt Nam đã trở nên yêu tha thiết nhạc này, thậm chí hát rất rành, đàn rất hay những bản nhạc tài tử như Nam Xuân, Tứ đại Oán, của Việt Nam.
Suốt 55 năm sống ở Pháp, ông đã từng là Thành viên Ban chấp hành sau đến cuơng vị Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, là Giám đốc nghiên cứu trong Trung tâm nghiên cứu khoa học (CNRS) giảng viên và giáo sư trường đại học Sorbonne. Nhưng ông không lấy quốc tịch Pháp mà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, ông được công nhận là một trong 50 công dân nước ngoài lập nghiệp và nổi tiếng ở Pháp được hưởng mọi chế độ bảo hiểm. Nhưng ông vẫn quyết định đem tất cả tài sản tri thức của mình về nước. Ông tâm sự: “Khi gom đồ đạc để về Việt Nam, nhìn ngôi nhà trống rỗng mình đã từng gắn bó mấy chục năm nay, tôi cũng cảm thấy, ray rứt. Nhưng khi nghĩ về quê hương, về lại quê cha đất tổ, nhận lại được sự đùm bọc yêu thương của dân tộc. Tôi cảm thấy mình như sống lại, như cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Và đúng như những gì ông nói, về Việt Nam đi đến đâu ông cũng được đón nhận như người nhà, thí dụ như khi thấy mắt mình bị mờ, ông vừa ngỏ lời, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP. HCM đã hẹn khám và sau 2 tiếng điều trị bằng laser mắt của ông đã sáng lại, nhìn rõ ràng.
Khi về Việt Nam ông đã thểû nghiệm phương pháp của ông đặt ra để giảng dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh tiểu học, và đã thâu thập nhiều kết quả khả quan. Ông rất buồn khi thấy Nhạc viện Việt Nam dạy 70% là nhạc Tây, nhạc dân tộc chỉ chiếm 30% là một khoa, một hệ trong nhạc viện. Bên cạnh đó sách giáo khoa về âm nhạc dân tộc khan hiếm, lịch sử âm nhạc Việt Nam chưa được dạy đầy đủ như lịch sử nhạc phương Tây, khoa lý luận cũng nặng về âm nhạc học của phương Tây. Chính vì vậy ông muốn âm nhạc dân tộc đến với mọi người Việt Nam từ rất sớm, nhạc dân tộc phải thấm nhuần vào máu thịt của mỗi con người Việt Nam. Trước mắt, ông đem âm nhạc dân tộc tới trường học từ cấp tiểu học để trẻ em trang bị cho mình một nền tảng văn hoá dân tộc. Và chương trình dạy thể nghiệm đã được thực hiện vào 5-2004 tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 đã gặt hái được kết quả rất tốt. Giáo sư hướng dẫn các em học sinh chỉ trong 15 ngày, ngay từ những ngày đầu ông hướng dẫn các em nắm tiết tấu, thanh điệu… Các em nhập tâm ngay những điều giáo sư dạy và thể hiện xuất sắc trong buổi lễ tổng kết. Chứng tỏ, âm nhạc dân tộc Việt Nam dễ dàng đi vào lòng người và tạo nên sự say mê ngay với những người thuộc lớp trẻ khi có phương pháp giảng dạy thích hợp. Đây là một quá trình nghiền ngẫm, chắt lọc công phu trong nghiên cứu giảng dạy âm nhạc của Giáo sư Trần Văn Khê. Bên cạnh, ông còn đi khắp nơi để nói chuyện về nhạc dân tộc, đặc biệt là nói với lớp trẻ để họ hiểu, cảm nhận và yêu âm nhạc dân tộc, nhận thức được giá trị đích thực mà nó đem lại. Chính vì nghĩ đến lớp trẻ Việt Nam và trăn trở với dòng nhạc dân tộc bao nhiêu năm nay cho nên sự nghiệp mà ông đã bỏ công xây dựng cả một cuộc đời, ông mong muốn truyền, gửi gắm vào lớp trẻ Việt Nam để tạo một sức sống mới, sinh lực mới cho nhạc dân tộc, lúc ấy nhạc dân tộc sẽ được hồi sinh.
Ông cho biết: “Tôi rất vui vì đã đem được về nước toàn bộ tư liệu của tôi thâu thập về âm nhạc dân tộc Việt Nam và vài nước châu Á Hiện Sở Văn hóa Thông tin TPHCM đang tìm cho tôi một căn nhà để có thể lưu giữ những hiện vật đó”. Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc có tiếng, một nhà sư phạm đã đi giảng bài, nói chuyện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, Giáo sư Trần Văn Khê trở thành người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nước ngoài lâu năm nhất.