Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nghệ nhân đàn ca tài tử: Khổ mấy cũng lạc quan

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Wink [;)] Posted: 11-01-2007 0:57
 
 
CLB đờn ca tài tử An Giang thi hòa ca.

Xúng xính trong áo dài khăn đóng, chỉ thiếu đôi guốc mộc, những nghệ nhân, diễn viên trong Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ 2003 gặp nhau chia sẻ từng ngón nghề. Năm nay được mùa tôm, các tỉnh xa nhất lại nhiều niềm vui nhất, lời ca tiếng hát có lẽ vì thanh thản mà bay xa hơn.

Người cao tuổi nhất trong đoàn Đồng Tháp là ông Sáu Bình An, chơi đàn kìm, năm nay ngoài 70. Là thợ cắt tóc, song có nghề đàn và mang trong mình máu nghệ sĩ, ông Sáu gia nhập CLB đàn ca tài tử ở huyện Lai Vung. Ông già cắt tóc đã khéo, chơi đàn càng khéo hơn. Thong dong, không gò bó, mỗi khi chơi đàn kìm là ông Sáu quên hết mọi sự. Vợ mất đã lâu, chỉ còn cái thân già trơ trọi ở cõi đời nhưng ông Sáu sống không cô độc. Nghèo nhưng mà vui. Cái sướng của ông là hát, là đàn cho đến khi nào không hát, đàn được nữa. Tuy đời sống còn kham khổ, thiếu thốn, nhưng năm ngoái đoàn vẫn đoạt Huy chương Vàng trong Giải Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu.

''Nói về người chơi đàn ca tài tử thì chưa có ai giàu bao giờ, nhưng ở đâu cũng sống được''. Nghệ nhân Đức Huệ ở Gò Công Đông, Tiền Giang tâm sự. ''Khổ nhưng bao giờ cũng lạc quan. Ngày nào còn học thầy học bạn được món nghề nào đã là vui. Lâu lâu trời mới cho ai đó một chữ tài''. Theo anh Huệ, các nhạc công trong đoàn đều làm ăn buôn bán hoặc cày ruộng. Khi cần đi tấu nhạc lễ, cũng sống tạm đủ. Hàng ngày, anh vừa làm việc tại phòng văn hóa, vừa  vẽ quảng cáo để nuôi  ba con ăn học. Chỉ có điều, ở huyện xa, ít người quan tâm đến những người chơi nhạc truyền thống, thường chỉ chú trọng phần nhạc nhẹ. ''Tôi nghĩ rằng một khi đời sống khá lên thì người chơi mới chơi thật hay, vì nếu không lo nghĩ chuyện cơm áo thì tiếng đàn cũng trong hơn'', anh Huệ nói.

Những tỉnh giàu như Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Bình Dương rất quan tâm đến các nghệ nhân đờn ca tài tử.  Nhất là Bình Dương, trong đợt này đầu tư cho đoàn 30 triệu đồng, lại lo tiền tàu xe, chi phí tập luyện... Cũng chính vì thế mà trong đợt liên hoan trước, đội của tỉnh từng đoạt giải nhất và được xem là một trong những đội mạnh nhất của Nam Bộ. Anh Xuân Tài, nhạc công Bình Dương cho biết: ''Cuộc sống của chúng tôi khá ổn định. Những người đã thành danh như ông Tư Còn trước đây làm nghề gò máng xối, nay đi dạy, nói chuyện, tham gia ban giám khảo..., thôi không phải  lao động chân tay vất vả. Còn những người như tôi thì đi đờn  ở các tụ điểm trong TP.HCM, các quán ăn, quán nghệ sĩ ở Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, đời sống cũng tạm ổn. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu khéo kết hợp loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử với du lịch chặt chẽ hơn nữa thì hiệu quả sẽ rất lớn, ở chỗ khích lệ lớp nghệ nhân và tạo việc làm cho họ thường xuyên hơn, cho họ sống với nghề, ôn luyện ngón nghề''.

So với các tỉnh miền Đông và miền Tây, các nghệ nhân, diễn viên ở TP.HCM lại có phần... khổ hơn, vì họ không sống được với nghề này. Nhìn chung các CLB tại TP.HCM đa số học hành bài bản, nắm vững lý thuyết, lại là giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật sân khấu nên thu nhập ổn định. Cuộc so tài trở nên lệch cán cân giữa một bên học thuật (một số nghệ nhân thành phố đầu quân cho các tỉnh) và một bên ngẫu hứng. Dẫu sao nữa, so với lần trước, các đoàn đã được tỉnh chăm sóc nhiều hơn. Hy vọng mỗi địa phương tìm ra những cách thức để vừa bảo tồn đờn ca tài tử vừa tăng cường khai thác trong du lịch nhằm tạo đất sống và phát triển cho bộ môn nghệ thuật này

(Theo LĐ)

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems