Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Sống vượt thời gian

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Yes [Y] Posted: 11-01-2007 0:45
 
Cuộc so tài giữa gần 200 ca nương, nhạc công đến từ 18 CLB Ca trù trong cả nước đã khép lại tại Hải Dương với 15 HCV và 18 HCB đã được trao cho những tiết mục xứng đáng. Hơn cả ý nghĩa của một cuộc liên hoan, đợt "ra quân" của các CLB Ca trù đã khẳng định sự trở lại của loại hình nghệ thuật bác học này trong đời sống của người dân.

Già hát, trẻ hát

Có thể coi Liên hoan CLB Ca trù toàn quốc 2007 là cuộc hội ngộ lần thứ ba của những người say mê ca trù trong cả nước. Nếu Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2005 ở Hà Tĩnh và Hà Nội là cuộc "báo cáo tốt nghiệp" của các ca nương, nhạc công là môn sinh của lớp đào tạo ca trù do quỹ Ford tài trợ thì liên hoan lần này lại là một cuộc "đua" giữa các ca nương, nhạc công thực thụ trong cả nước.

Bởi vậy mà cuộc hội ngộ này vượt xa hơn về quy mô cũng như dấu ấn nghề nghiệp, không chỉ có các CLB đến từ những cái nôi lâu đời của ca trù như Hà Nội, Hà Tĩnh, Hà Tây, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương mà cả những địa phương khá xa xôi như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ cũng có đại diện tham gia. Quy mô là thế nhưng anh Phạm Văn Khuê, thành viên BGK vẫn xuýt xoa: "Tại kinh phí của chúng ta hạn hẹp nên mỗi tỉnh chỉ được cử từ 1-2 CLB đại diện, con số 18 chỉ là non nửa số các CLB Ca trù đang hoạt động trong cả nước. Chỉ mấy năm gần đây thôi, các CLB Ca trù đã phát triển nhanh lắm, mừng vô cùng".

Không mừng sao được khi các "lão" ca nương, nhạc công đã qua tuổi "thất thập" từ lâu nhưng vẫn giữ nguyên được sự mê đắm với ca trù như kép đàn Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương), kép đàn Ngô Đức Bình (Thanh Hóa), kép đàn Vũ Văn Hồng (Hà Nội), ca nương Nguyễn Thị Kim (Thanh Hóa), ca nương Thanh Vân (TP Hồ Chí Minh). Họ đến liên hoan không phải để thi tài mà là để thể hiện những ngón đàn, lời ca một cách tinh tế, điêu luyện nhất, cho khán giả những cảm nhận trọn vẹn nhất sự uyên thâm của nghệ thuật ca trù.

Không mừng sao được khi những ca nương, kép đàn tuổi trung niên giữa bộn bề của nhịp sống công nghiệp vẫn gác lại mọi lo toan để dành thời gian cho ca trù.

Không mừng sao được khi các nghệ nhân ca trù ở tuổi gần đất xa trời đã có thể nhìn thấy những ca nương mầm non đang bắt đầu kế thừa vốn cổ của họ.

Anh Khuê cũng tiếc "hùi hụi" khi Quảng Bình và Nghệ An, hai cái nôi tiêu biểu có lối hát ca trù Đại hàng và ca trù Tiểu hàng độc đáo đã vắng mặt. Nhưng bù lại liên hoan lại được đón những gương mặt mới toe như CLB Ca trù Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Thái Bình và Câu lạc bộ Ca trù Trung tâm VH-TT tỉnh Ninh Bình.

Ca nương Đặng Thuỳ Vân (37 tuổi, CLB Ca trù TTVH huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - gương mặt từng được HCV tại Liên hoan Ca trù 2005 hồ hởi khi gặp lại người quen cũ: "Mỗi một lần tham dự liên hoan, được biểu diễn cho khán giả, cho các bạn bè ở các CLB Ca trù khắp nơi nghe cũng thấy bõ 15 năm học ca trù từ bố (nghệ nhân Đặng Văn Tùy). Cũng như tất cả các ca nương khác, tôi luôn mong ca trù có nhiều khán giả hơn nữa, với chúng tôi, chỉ cần được biểu diễn cho mọi người nghe thì đã là vui lắm rồi".

"Lão" ca nương Thanh Vân (80 tuổi) - người phải vượt chặng đường xa xôi nhất để đến với Liên hoan thì chia sẻ: "Khi xưa, tôi và chị gái mình (ca nương nổi tiếng một thời Diễm Châu) đã đi hát chuyên nghiệp nhiều năm. Tôi đến với liên hoan lần này vừa để đỡ nhớ sân khấu, vừa để được nghe các em ca nương trẻ hát. Ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều em tìm đến tôi học ca trù nhưng chưa có em nào đủ kiên nhẫn để học thành tài. Giờ đến đây, thấy nhiều ca nương, kép đàn trẻ mà đàn hát hay như thế, tôi thấy được an ủi nhiều".

Truyền dạy, bảo ban cho các ca nương, kép đàn trẻ luôn là nỗi trăn trở của các nghệ nhân cao tuổi. CLB Ca trù Hà Nội đã mang đến cho liên hoan một tiết mục khá đặc biệt với sự hiện diện của kép đàn cao tuổi nhất Vũ Văn Hồng, 88 tuổi đệm đàn cho ca nương trẻ nhất Quỳnh Phương, 10 tuổi.

Kép đàn Vũ Văn Hồng sinh ra trong một gia đình có ba thế hệ hát ca trù. Trước Cách mạng, ông đã đi hát cửa đình khắp vùng Từ Liêm, Đông Ngạc. Năm 2003, ông được ca nương Bạch Vân mời vào Bích Câu đạo quán và lại chơi đàn sau nhiều năm gián đoạn. Cũng giống như ca nương Thanh Vân, kép đàn Vũ Văn Hồng luôn trĩu nặng ưu tư vì lớp trẻ có rất nhiều người thích ca trù nhưng đủ đam mê để gắn bó với ca trù thì lại quá ít nên các lớp dạy ca trù của ông ngày khai giảng thì đông nhưng rồi cứ rơi rụng dần theo thời gian.

Việc đệm đàn cho một cô bé 10 tuổi hát có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với ông: "Cứ thấy bọn trẻ biểu diễn ca trù là tôi vui rồi, dù các em còn chưa thuần thục, điêu luyện nhưng có thể khắc phục theo thời gian".

Trước giờ lên sân khấu, vẫn thấy kép đàn Vũ Văn Hồng căn dặn ca nương bé xíu của mình. Còn Quỳnh Phương, sau khi hoàn thành lần biểu diễn đầu tiên trong đời đã chạy ra hỏi bố "Con hát có được không bố?".

Hỏi ra mới biết, ông bố làm nghề in ấn chính là "cầu nối" đưa Quỳnh Phương đến với ca trù khi đưa cô bé đến Bích Câu đạo quán nghe hát. Gần như ngay lập tức, cô bé đã xin bố được đến đây học hát. Vậy là mỗi tuần đều đặn 2 buổi, ông bố lại chở cô con gái nhỏ đến nhà "bà" Bạch Vân học hát. "Bà" Bạch Vân khó tính, đòi hỏi cao nên hơn một năm rồi mà mới cho Phương học hai bài, khó lắm nhưng ca nương nhỏ tỏ ra quyết tâm "học bằng hết tất cả các bài của bà Vân".

Vẫn còn câu hỏi...

Vài năm gần đây, ca trù được coi là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống "trở lại" mạnh mẽ nhất trong đời sống của người dân thành thị cũng như nông thôn.

Hiện nay, cả nước đã có khoảng 40 CLB ca trù, riêng Hà Nội có tới ba CLB hoạt động rất mạnh như Bích Câu đạo quán, Thái Hà, Thăng Long và một trung tâm ca trù UNESCO.

Bích Câu đạo quán của ca nương Bạch Vân ra đời từ năm 1993, sinh hoạt đều đặn hai lần/tháng và hiện có tới 300 hội viên. CLB Thăng Long cũng thu hút rất đông các bạn trẻ đến học hát, học đàn, đánh trống vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, buổi sinh hoạt hằng tháng của CLB cũng thu hút cả trăm người tới dự.

Hà Tĩnh với ca trù Cổ Đạm nổi tiếng cũng có ba CLB hoạt động. Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Tĩnh Phan Thư Hiền cho biết Hà Tĩnh đã mở được hai lớp truyền dạy ca trù.

Tại huyện Nghi Xuân, hoạt động ca trù cũng đã được bó với du lịch, đồng thời được đưa vào thí điểm ở các trường học. Hải Dương cũng có khá nhiều CLB như CLB TTVH tỉnh, CLB Nam Sách, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ... với sự tham gia truyền dạy tích cực của các nghệ nhân tên tuổi một thời như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Phú Đọ, Nguyễn Thị Cung, Trương Văn Hiến...

Ngay cả những ca nương trẻ như Đoàn Thị Chinh, Đặng Thi Nhinh... cũng vừa miệt mài hoàn thiện khả năng của mình vừa chỉ bảo cho những người mới học hát. Việc sưu tầm, thống kê các di sản liên quan đến ca trù cũng được tiến hành tại các địa phương tạo nên những thành quả ban đầu khá khả quan. Tuy nhiên, việc bảo tồn và truyền dạy ca trù hiện nay đang vấp phải một vấn đề khá lớn làm "đau đầu" các nhà sưu tầm cũng như các ca nương kép đàn trẻ là sự không thống nhất giữa các nghệ nhân cao tuổi.

Ca nương Thu Hằng, đến từ CLB Ca trù Hội VNDG Hải Phòng băn khoăn: "Tôi chỉ mới học ca trù được bốn năm nên có cơ hội gặp bất cứ nghệ nhân cao tuổi nào đều xin học hỏi. Tuy vậy, sự chỉ bảo của các nghệ nhân rất khác nhau, thậm chí là không thừa nhận bài bản của nhau khiến chúng tôi rất hoang mang không biết là ai đúng, nên học ai. Bởi vậy, chúng tôi rất mong các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu sớm có sự thống nhất trong các bài bản, phép tắc để đi đến một hệ thống chuẩn cho chúng tôi theo học".

Ca nương Đoàn Thị Chinh (Hải Dương) - người duy nhất giành được giải Xiêm áo tại Liên hoan Ca trù năm 2005 cũng chia sẻ nỗi băn khoăn với ca nương Thu Hằng: "Dù đã học ca trù vài năm, có chút ít thành tích nhưng thú thật, sự tranh cãi giữa các nghệ nhân mà tôi đã gặp khiến tôi vẫn luôn băn khoăn tự hỏi không biết cách đánh phách, cách hát của mình có thực sự là cách chuẩn của ca trù không? Câu hỏi này có lẽ không phải của riêng tôi mà là của cả một thế hệ ca nương, kép đàn trẻ khi tiếp xúc với nhiều nghệ nhân cao tuổi".

Tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi mà các ca nương, kép đàn trẻ đặt ra tại liên hoan có lẽ là một trong những vấn đề cần thiết nhất trong quá trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù của chúng ta hiện nay.

Theo Văn hóa
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems