Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đàn ca tài tử

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Music [8] Posted: 11-01-2007 0:37
 
ND - Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, ráng chiều vàng óng, mặt trời như quả bóng đỏ rực, thì trong ngôi nhà ấy lại vang lên tiếng đàn lời ca thánh thót, sâu lắng lay động lòng người.

Quê ngoại tôi ở Bạc Liêu. Thuở nhỏ tôi thường nghe má kể chuyện về tích công tử Bạc Liêu và các làn điệu đàn ca tài tử (ÐCTT) nổi tiếng. Má tôi bảo: Những chàng trai, cô gái sinh ra trên đất này hầu như ai cũng thuộc bài Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu... 

Giờ đây, khi được gặp họ những người nông dân quanh năm suốt tháng chăm chỉ làm ăn, nhưng rất "mê đàn, hát" và được nghe những giọng ca ngọt ngào thắm đượm tình quê của họ, thì tôi mới hiểu rằng nghiệp đàn ca đã gắn bó với những con người ở đất này như thế nào!

Vào một buổi chiều khi những cơn gió Lào đã giảm, cái nắng nóng dịu dần, không khí đã bớt oi ả, chúng tôi được cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bạc Liêu đưa đến gia đình ông Triệu Thanh Xuân.

Ðó là căn nhà nhỏ đơn sơ nằm bên dòng sông kênh sáng Rạch Thăng, khuất phía sau chùa Long Phước (thị xã Bạc Liêu). Năm thành viên trong gia đình ông đều làm nghề đan cần xé hơn 10 năm nay. Ngày qua ngày họ xuống mua nguyên liệu ở tận miệt Thới Bình, Cà Mau để làm ra những sản phẩm thủ công lo cho cuộc sống gia đình.

Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, ráng chiều vàng óng, mặt trời như quả bóng đỏ rực, thì trong ngôi nhà ấy lại vang lên tiếng đàn lời ca thánh thót, sâu lắng lay động lòng người.

Ông Triệu Thanh Xuân, năm 13 tuổi nhờ học hỏi từ những thế hệ anh chị, bà con đi trước ông đã bắt đầu biết ca tài tử, hát vọng cổ. Thanh Xuân, Thanh Tâm, Thanh Thanh, Thanh Thảo, bốn cái tên đã quen thuộc với những người yêu thích ÐCTT ở thị xã Bạc Liêu.

Hằng tuần vào thứ bảy cả gia đình họ lại đến hát ở tụ điểm "Ðêm hội ngộ" (một sân chơi âm nhạc của khách sạn công tử Bạc Liêu). Trong căn nhà đơn sơ, trên mảng tường đã tróc vôi, ở nơi dễ thấy nhất những tấm bằng khen được treo một cách trịnh trọng. Giải hội thi giọng hát hay ở Phước Long, giải hội thi "Tiếng hát mùa thu" huyện Hòa Bình, giải liên hoan ÐCTT của tỉnh Bạc Liêu..., tên của bốn cha con thay phiên nhau "điền" vào đó.

Hai chị em Triệu Thanh Thanh và Triệu Thanh Thảo tâm sự: "Những lúc làm cảm thấy mệt chúng em cũng có thể ngân nga vài câu vọng cổ cho thư giãn tinh thần, hoặc tranh thủ lúc nào rảnh rỗi thì tập lại bài bản để mình hát cho hay và được chắc nhịp hơn, vì không có người đàn nên chúng em  luyện tập,  hát theo nhạc từ băng, đĩa. Rồi, cha em góp ý cho con nên hát như thế nào, luyến láy, nhả chữ ra sao... chúng em ước sao có một ngày mang tiếng hát của mình đi khắp thế giới để cho họ biết nước mình có một nền âm nhạc cổ truyền hay như thế nào!".

Ca tài tử không phải là nghề nhưng nó trở thành cái duyên, niềm say mê đối với gia đình ông Thanh Xuân. Hát để nghe chơi từ việc hát ở những bữa tiệc quê, hay đám cưới, các cuộc vui của bà con trong xóm, rồi có mặt ở các cuộc liên hoan văn nghệ do địa phương tổ chức. Cả gia đình ông, bốn người có bốn chất giọng khác nhau. Năm 2006, ông và các con đều đạt giải C trong liên hoan đàn ca tài tử Nam Bộ lần thứ III. Tại hội thi tiếng hát mùa thu lần thứ VII của huyện Hòa Bình, Thanh Thảo đạt giải nhất, Thanh Tâm và Thanh Thanh đồng giải ba. Ðối với Thanh Thảo, cô con gái út vừa tròn tuổi đôi mươi, tuy mới chỉ đến với ca tài tử mấy năm nay nhưng qua ba lần dự thi đều đạt giải.

Dù vẫn còn nhiều vất vả, lo toan cho cuộc sống hằng ngày nhưng khi đến với gia đình ông Thanh Xuân, có lẽ nhiều người sẽ dễ dàng cảm nhận nơi đây một niềm say mê, gắn bó với âm nhạc tài tử. Ðối với ông Thanh Xuân và các con không phải để lấy giải ở các cuộc thi mà trên hết là được cống hiến khả năng của mình, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa quê hương xứ sở.

QUỲNH TRANG
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems