Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Làng đàn Đào Xá (miền bắc).

rated by 0 users
This post has 2 Replies | 1 Follower

Top 200 Contributor
đại cầm thủ
CayTruc Posted: 09-21-2010 22:24

 Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Bước chân đến ngôi làng này, khách thập phương không chỉ được nghe tiếng đục, ngửi thấy mùi thơm tỏa ra từ những thớ gỗ mà còn được nghe những âm thanh lảnh lót phát ra từ những nhạc cụ dân tộc truyền thống. Các loại đàn được sản xuất ở đây gồm: đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu. Nghề làm đàn đã được duy trì hàng trăm năm nay tại đây, cho dù ở thời hiện tại cả làng chỉ còn ngót nghét hai chục hộ vẫn đeo đuổi nghề.

Cụ Đào Xuân Lan là người khởi nghề đàn của làng. Cụ vốn có máu nghệ sĩ, lại ham học hỏi. Cách đây khoảng 200 năm, cụ đã hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những đàn tam, đàn tứ, tì bà... Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng ở cửa hàng trên thành phố. Từ đó nghề làm nhạc cụ trở thành nghề truyền thống của Đào Xá. Ngôi nhà thờ cụ Tổ nghề Đào Xuân Lan được con cháu xây cất trong khuôn viên của ngôi nhà xưa. Hàng năm vào ngày giỗ cụ, người trong làng theo nghề vẫn đến đây hương đèn ấm cúng.


Cả làng hiện chỉ có khoảng 20 hộ theo nghề. Đàn của Đào Xá làm ra đã nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Không cuộc thi hay buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào lại vắng mặt nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra. Tiếng lành đồn xa nên các bạn bè quốc tế đến Việt Nam cũng cất công đến Đào Xá để đặt mua cho mình một cây đàn làm quà. Những thành quả đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó xuất phát từ chính con tim khối óc của những người thợ yêu nghề vì nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và tài hoa của những người thợ lành nghề. Người thợ phải thạo, hay ít ra là biết nghề mộc,chưa kể nghề đàn trọng cái tai, cái mắt. Bởi cái chuẩn của sản phẩm không phải chỉ nhìn thấy đẹp mà còn phải nghe thấy hay. Nguyên liệu chủ yếu để làm đàn là gỗ. Gỗ làm đàn thường là gỗ trắc và gỗ vông. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện... tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại.

Qua các công đoạn xử lý, gỗ được pha đúng độ dày mỏng, to nhỏ. Người thợ chuẩn bị khuôn làm hộp đàn cho phù hợp, sau đó đến công đoạn ghép cần và hộp. Nếu hộp đàn có thành là gỗ trắc, mặt gỗ vông thì cần đàn lại là loại gỗ trắc được tiện gọt trang trí kĩ lưỡng. Để theo được cái nghề lắm công phu này thì người thợ cũng phải mất 2-3 năm và phải có tâm với nghề. Những ai đã theo nghề này thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. Sản phẩm của làng cũng khá đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Thế nhưng, một điều lạ là không một người làm nghề nào có kiến thức về âm nhạc mà cùng một loại đàn nhưng mang những âm hưởng khác nhau như âm thổ, kim thì họ làm rất chính xác, ít khi bị khách hàng trả về. Từ xưa đến nay, những người làm nghề chỉ biết dựa vào những kiến thức của cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau. Để xác định xem làm đàn mang âm sắc nào thì dựa vào kinh nghiệm để tìm loại vật liệu làm cho phù hợp, không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.

Nghề đàn ở Đào Xá từng có lúc suy, may có ông Đào Soạn tâm huyết với nghề đã bền bỉ vực nghề dậy. Nghệ nhân Đào Soạn là người truyền nghề miễn phí cho nhiều người trong và ngoài làng, nhất là lớp trẻ với mục đích giữ nghề. Những nghệ nhân trẻ và năng động của làng như Nguyễn Văn Trung, Đào Văn Mạnh... đều học nghề từ ông. Gia đình tính đến đời ông là bốn đời làm nghề, tức là cụ ông Soạn là học trò của cụ Đào Lan. Nhưng đến đời ông đất nước có chiến tranh, nghề như suy kiệt. Ông làm thầy giáo, rồi làm mộc kiếm cơm nhưng vẫn mong đến ngày nghề này hưng thịnh trở lại. Dẫu không biết nhạc lý, không thể chơi đàn nhưng ông vẫn chăm chút tay nghề để có những cây đàn kết thân tri kỷ.

 

Những năm 1980, có xưởng nhạc cụ dân tộc Trung ương ở Ô Chợ Dừa, người làng ông chiếm chín mươi phần trăm. Thậm chí, tỉnh nào gần như cũng có xưởng này và có sự góp mặt của người làng, nhưng rồi đều tan rã. Ông vẫn không nản, đứng ra dạy nghề miễn phí cho người trong làng, những tốp, những nhóm con em họ hàng, người trong làng đều có nghề cả và từ đó bắt kịp thời cơ chế thị trường, để nghề của làng lại tấp nập bán mua. Với ông Soạn, đó là vốn quí của làng.

Đàn Đào Xá đã đi khắp cả nước, cho người nghệ sỹ danh tiếng, cho tên phố có nét đặc trưng riêng, như phố Hàng Nón (Hà Nội), phố Nguyễn Thị Hồng Gấm (TP. Hồ Chí Minh)... Không cuộc thi hay buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào vắng mặt nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra. Chính vì vậy, những đơn đặt hàng từ khắp nơi trên cả nước liên tục đến với những người làm đàn nơi đây, không những góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đàn Đào Xá đã qua độ khốn khó, phần nào nắm bắt được cơ chế thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng nên đã có vị trí xứng đáng cùng với sự trở về của âm nhạc truyền thống.

Hoài Nam
(Theo Tạp chí Thế giới Di sản)

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi.... Đàn, sáo, ca hát, đá cầu ...->Vui chơi giải trí học tâp: cv Tao Đàn: CN , khu nhỏ chỉ có 1 cái chòi. :)

Top 200 Contributor
đại cầm thủ

Hôm wa xem TV thấy nói về làng này. những người này làm đàn vì yêu nghề và do cha ông truyền lại cộng thêm kinh nghiệm tự làm nữa. Điều lạ là TV nói họ chưa từng học qua trường lớp nào về âm nhạc, nhưng những sản phẩm của họ lại được dùng khắp mọi nơi.

Như vậy để cải tiến chất lượng cũng như nâng lên tầm cao mới như phương tây họ làm thì chắc là sẽ khó khăn hơn so với những bậc thầy làm nhạc cụ phương tây, họ am hiểu về vật lý, âm học cũng như mẫu mã chất lượng.

Không biết có ai làm cái topic nhạc cụ dân tộc qua các thời kỳ giai đoạn chưa nhỉ. ko biết những cải tiến ra sao hay là vẫn thưở ban đầu.

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi.... Đàn, sáo, ca hát, đá cầu ...->Vui chơi giải trí học tâp: cv Tao Đàn: CN , khu nhỏ chỉ có 1 cái chòi. :)

Top 10 Contributor
cầm sư cấp 4

Đi mua đàn ở tận nhà nghệ nhân, hay đến làng nghề bao giờ cũng có cái hay của nó. Thứ nhất là mình đến tận nguồn hàng, thường được bán với giá ưu đãi, được lựa nhiều hơn. Không chỉ vậy đây còn là cơ hội giao lưu, tìm hiểu khá bổ ích.

Về phần sao cho giống chuẩn phương tây thì em nghĩ cũng chỉ cần chất lượng đồng bộ, 10 cái như một là được.

Còn muốn biết lịch sử nhạc cụ thì chắc phải vào bảo tàng tìm hiểu quá! Big Smile

Kéo nhị, thổi sáo để thêm yêu đất nước Việt Nam, để thêm mến Đamsan.net!!!

Page 1 of 1 (3 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems