Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Người thổi sáo ở bản Cát Cát

rated by 0 users
This post has 3 Replies | 1 Follower

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Lê Hồng Sơn Posted: 03-25-2010 2:00

Các chú đừng tưởng có được chỗ ngồi ở đây để biểu diễn sáo, kèn là dễ đâu, mình đã mất hai năm thổi di động, người Mông gọi là miệng thổi chân bước đấy. 

Ông Vừ A Sáng, người được coi là nghệ sĩ dân gian ở xứ Sa Pa, nói với tôi bằng giọng hãnh diện như vậy. Và ông còn khoe rằng, du khách đến bản Cát Cát, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa, đều dừng lại để nghe ông biểu diễn sáo mèo, kèn môi, kèn lá. Ông phục vụ một cách nhiệt tình, nếu ai động lòng thì bỏ vào chiếc mũ trước mặt nghệ sĩ mấy ngàn.

Ông Vừ A Sáng đang thổi sáo. Ảnh: N.Q.T.

Không chỉ riêng ông Vừ A Sáng, người Mông ở các bản đã không còn muốn làm nương làm rẫy mà đổ ra những địa điểm khách thập phương thường đến để bán hàng. Hàng của đồng bào thường là các thứ đồ lưu niệm, đồ áo, khăn quàng thổ cẩm, túi xách, túi đựng điện thoại di động, có thêu hoa văn, rất được du khách chuộng.

Ngoài ra còn có các thức ăn như cơm lam, trứng nướng. Vậy mà họ thu nhập gấp mấy lần làm ruộng, làm rẫy đấy – ông Sáng nói. Cũng như các vùng khác ở miền núi này, bây giờ hàng hóa chẳng thiếu thứ gì, nhiều mặt hàng được sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, xuất xưởng tuần trước, tuần này đã có mặt ở nơi đây. Người bản địa thích dùng các mặt hàng ấy, còn du khách lại chuộng các mặt hàng mang bản sắc văn hóa người Mông để làm kỷ niệm. Ông Sáng nói: 

– Riêng mình, mình chỉ biết thổi sáo, thổi kèn nên phục vụ du khách tiếng nhạc ấy – ông chỉ người đàn ông ngồi gần đó đang ngoẹo đầu ngủ trưa, nói tiếp - Thấy khách rất thích được nghe nhạc cụ người Mông, mình lôi chú em, tên là Vừ A Lừ, từ rừng đến đây biểu diễn, tiếng sáo chú ấy cũng vang xa lắm, nhưng chú ấy mang tật hay ngủ ngày. 

Ông Vừ A Sáng quê gốc ở bản Cát Cát này, nhưng hiện tại đã chuyển về bản Lò Tài, cách đây chừng ba chục quăng dao. Người Mông thường lấy quăng dao làm đơn vị đo lường. Ngày trước, nghĩa là khi bản này chưa thành điểm du lịch, đồng bào Mông ở đây hàng ngày làm lụng trên nương rẫy, những ô ruộng bậc thang gối nhau lên tận cổng trời ấy là công lao cải tạo sườn đồi của bao thế hệ cha ông, đâu phải ngày một ngày hai có ruộng đất lớp lang như vậy. Đó là công sức mấy đời cải tạo những trái đồi trọc, đồi lô nhô những cây dại, người ta phải phát bẩy gốc cây, tạo thành những vạt đất, từ thế hệ này đến thế hệ khác đào chỗ này, đắp chỗ kia, tạo thành những ô ruộng vần ngang đồi, gối nhau lên cao.

Ruộng bậc thang thường trỉa lúa chịu được nắng hạn, lúa lốc, nếp than, năng suất lúa không cao nhưng nhà nào cũng nhiều ruộng nên đủ thóc dùng quanh năm. Thực phẩm cũng tự túc, trong rừng có măng trúc măng mai, bên suối có rau dại, dưới suối có cá. Nhu cầu của người Mông cũng không cao, ăn cốt sao cho no là được. Khi xã hội chuyển sang thời kỳ mới, bản làng như mở tung ra, hàng hóa ùa đến, ai cũng thích tiêu xài, đồng tiền sáng ở túi mình nhưng trưa đã vào túi người khác, trên mâm cơm có thêm món ăn từ vùng xuôi đưa lên, đến rau canh không có thìa bột ngọt ném vô là nuốt khó trôi.

Đám thanh niên thay đổi trước rồi người có tuổi thay đổi theo, khiến bản làng thay đổi hoàn toàn. “Các anh có biết không, bây giờ buổi sáng người Mông ăn ở hàng quán đầu bản để đi làm rồi…”. Nghe ông nói, tôi thầm nghĩ, người Mông của chúng ta suy nghĩ sâu sắc lắm. Trên gương mặt ông toát lên nét phóng khoáng của một người miền núi. Ông cho biết, thời trẻ ông đẹp trai và có tài thổi sáo nhất vùng. Tiếng sáo tôi kéo biết bao nhiêu cô gái đẹp từ sàn nhà ra rừng đấy, nước mắt các cô ấy có thể đầy chục ống tiêu, ống sáo! Hàng ngày chàng trai Sáng vai vác cuốc, lưng dắt dao, kèm theo ống sáo trúc lên nương làm rẫy. Anh làm việc không biết mệt và những lúc nghỉ anh đưa sáo lên môi dìu dặt điệu dân ca Mông.

Tiếng sáo anh lan tỏa, khiến nhiều cô gái dừng tay hái chè, cuốc cỏ lắng nghe. Rồi anh kết hôn với một người đàn bà trẻ nhưng đã qua một đời chồng. Chồng người phụ nữ ấy bị rắn độc cắn chết khi đi rừng đốn gỗ về làm nhà. Thời đó, trai tơ lấy được gái góa là rất hay vì theo quan niệm gái qua một đời chồng đã nếm trải cay đắng của kiếp người nên biết điều và biết cách chiều chồng hơn những cô gái mới ra ràng khỏi gùi mẹ chưa được bao lâu. Vợ chồng anh sống thuận hòa, sáng cùng nhau lên nương, chiều trở về, trong gùi chất đầy khoai, ngô, rau măng. Họ có ba mặt con trai. Nhưng rồi, cái gọi là nền kinh tế thị trường ập đến, người ta nhóm chợ ngay giữa bản và đâu đâu cũng có hàng quán, tâm tính chất phác của nhiều người thay đổi, họ khôn hơn, tháo vát hơn. 

Nhưng ghê gớm hơn là khi người nơi khác đến đây mua đất để làm dịch vụ du lịch, có nhiều cách để làm ra đồng tiền, mọi giá trị thay đổi dần. Ví như thời trước nhà nào có nhiều mâm thau, nồi đồng, chum chóe, được gọi là giàu, bây giờ những thứ đó không còn giá trị mà phải có nhà lầu, xe đời mới. Rồi chính người làm ruộng bao đời cũng thấy làm ruộng thua thiệt vì phải mua phân bón, giống má, gieo hạt lúa xuống đất bốn tháng mới gặt là quá lâu. Trong khi đó chỉ cần đi bán mấy cái khăn piêu, túi thổ cẩm mỗi ngày cũng kiếm được vài ba cân gạo. “Tôi thuộc người cao tuổi, không thể đi bán như vậy được, thấy mình có tài thổi sáo, tôi ra đây phục vụ khách”, ông nói tiếp: 

– Các anh tin không, mấy ngày lang thang bán hàng vặt ở đây thu được tiền bằng cả mùa làm rẫy. Vậy cho nên dân bản đua nhau đi bán, đến trẻ choai choai cũng tìm cách bán hàng để kiếm tiền. Làm được tiền, ai chẳng mừng nhưng nếu như bản làng thành cái chợ, thì tương lai tai họa sẽ chưa biết thế nào. Các chú thấy không, trẻ em bây giờ đang mất dần sự hồn nhiên đi đấy. Còn tôi, cũng như nhiều gia đình người Mông khác, mắt đã thấy thời này không được học hành tử tế thì khó có việc làm đàng hoàng, vậy nên chúng tôi kiếm được đồng nào là dồn cho con cái học hành, thằng con đầu của tôi đang học lớp mười hai đấy. 

Tôi nắm lấy tay ông thay cho lời chúc mừng. Phải, bây giờ đang là thời phát triển kinh tế và khởi đầu không có gì khác là phải học hành. Ông Sáng cho biết thêm, học sinh miền núi được ưu tiên nhiều khoản như được miễn học phí, được cấp sách giáo khoa. “Gặp các chú từ thành phố Bác Hồ đến đây du lịch, nói chuyện như anh em ruột thịt lâu ngày gặp nhau, tôi mừng lắm, tôi tặng các chú bài dân ca Mông”. Ông lại nâng cây sáo lên thổi. Tiếng sáo dìu dặt, trầm bổng vang lên trong làn sương đang mỏng dần.

Sa Pa, 3-2007 

Quy định của Damsan.net (trích yếu) - Gõ tiếng Việt có dấu. - Đăng bài đúng nơi quy định. - Tuyệt đối không được spam bài. - Đặt tiêu đề phù hợp với nội dung bài. - Sao chép, trích dẫn phải ghi rõ nguồn bài viết.
Top 500 Contributor
trung cấp cầm thủ
Quê minh sinh ra đây mà ông này toản thổi sáo ở gần khách sạn công đoàn
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2
ang gặp rùi ak. anh nghe ông thổi chưa. chắc pro lắm nhỉ.

Sắp Bán Nứa. Hè thì Bán yêu sáo phú thọ PM SĐT:072719699 YM : Nhocbuidoi_910

Top 500 Contributor
trung cấp cầm thủ
Gặp nhiều rồi thổi bình thường thổi sáo trúc toàn thổi bài dân tộc, mắt hình như bị mù hay gặp thổi ở cổng trợ sapa đến 5 đến 6 năm nay rồi
Page 1 of 1 (4 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems