Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Tối 16/4, tại khán phòng Idécaf (TP HCM), gia đình NSƯT Đinh Linh - Tuyết Mai và nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc đã đem buổi hòa nhạc đầy ý nghĩa đến đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Đêm nhạc mang chủ đề "Tiếng vọng quê hương".
Trong hơn hai giờ đồng hồ, qua lối dẫn chuyện gãy gọn, NSƯT Đinh Linh cung cấp cho khán giả kiến thức về hàng chục loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam được làm từ nguyên liệu thiên nhiên: gỗ, đá, đồng, tre, trúc, nứa.
Nét nổi bật của nhạc cụ truyền thống Việt là vừa hòa hợp với âm nhạc quốc tế vừa thấm đẫm bản sắc. Cây đàn guitar nhập vào Việt Nam được "biến tấu" thành guitar phím lõm đặc sắc của Nam Bộ, thể hiện giai điệu vọng cổ, cải lương mùi mẫn, trữ tình.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia cũng có đàn một dây nhưng lối đánh độc đáo phải kể đến cây đàn bầu Việt. Nhiều khán giả nước ngoài tối qua thích thú khi được biết câu chuyện cổ tích Việt Nam về sự ra đời của cây đàn bầu.
Khán giả không chỉ được thưởng thức những điệu vọng cổ, điệu lý phương Nam mà còn cả giọng chầu văn với đàn nguyệt, đàn kìm, rồi ngược lên cao nguyên xanh nghe tiếng K'lôngput, tiếng sáo H'Mông réo rắt thánh thót như chim rừng. Có chiếc sáo Việt dài chưa tới hai gang tay mà âm thanh cao vút, luyến láy. Người xem còn tận mắt nhìn thấy cây đàn đá với những viên đá lấy từ vùng biển Khánh Hòa có độ tuổi hàng triệu năm, vang lên những âm điệu của thác ngàn trầm hùng.
NSƯT Đinh Linh là con của NSƯT Đinh Thìn, một bậc thày về sáo trúc tại Việt Nam. Bên cạnh sáo trúc, anh có thể chơi được sáo H’Mông, sáo kim, sáo luýt 2 dây - 4 dây, đàn bầu, đàn đá… Người vợ xinh đẹp của anh, NSƯT Tuyết Mai, có thể trổ tài với đàn tam thập lục, k’longput, t’rưng, bộ gõ, đàn đá... Đặc biệt, giọng hát chầu văn của nghệ sĩ Tuyết Mai còn làm cả khán phòng phải xuýt xoa vì thể hiện được nhiều cung bậc lả lơi, trong sáng, yểu điệu.
Tuy nhỏ tuổi, hai người con trai của cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Đinh Duy Thanh, cậu con trai thứ nhất đang học piano năm thứ 8 tại Nhạc viện TP HCM và có thể chơi bộ gõ. Còn Đinh Nhật Minh, cậu con trai thứ hai, thì thổi sáo trúc với phong thái đĩnh đạc, phiêu lãng không kém người cha nổi tiếng của mình.
Cuối buổi diễn, nhiều bạn trẻ và người nước ngoài vẫn nán lại để gảy thử chiếc đàn bầu, đánh chiếc đàn t'rưng hay lắc nhịp song lan một cách đầy thích thú.
Vợ ở nhà sắp xếp những chương trình âm nhạc dân tộc cho khách du lịch. Chồng lo quảng bá âm nhạc dân tộc ở các điểm công cộng, bán đàn piano, nhạc cụ dân tộc và cả… bán cà phê. Hai con có nhiệm vụ học. Đó là “phân công lao động” trong gia đình NSƯT Đinh Linh - NSƯT Tuyết Mai và hai con trai. Và giờ đôi vợ chồng nghệ sĩ ấy đang dồn hết tâm huyết cho Dàn nhạc dân tộc Tre Việt, nơi tập hợp nhiều nghệ sĩ có niềm đam mê âm nhạc dân tộc.
Gắn kết gia đình bằng âm nhạc truyền thống
Nếu chỉ thấy anh réo rắt với sáo trúc hay chị tình tang với đàn t’rưng chưa chắc người xem cảm nhận được tình yêu của họ dành cho âm nhạc dân tộc. Ai có dịp thấy chị tranh luận cho ra lẽ để bảo vệ một ý kiến khoa học trong quá trình nghiên cứu cải tiến nhạc cụ dân tộc; anh chạy đôn chạy đáo lo từ bản phôtô bài hát đến giá nhạc cho dàn nhạc dân tộc tập bài hát mới hiểu được tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc trong hai người nghệ sĩ này.
Họ có cuộc sống như những cặp vợ chồng nghệ sĩ khác, quen nhau thời đi học (NSƯT Đinh Linh và NSƯT Tuyết Mai trước là bạn cùng học khoa âm nhạc dân tộc ở Nhạc viện Hà Nội), cùng là đồng nghiệp công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam rồi thành vợ chồng. Anh chị cưới nhau ở Hà Nội, sau khi sinh con đầu lòng lại tiếp tục cùng vào Nam lập nghiệp, cùng làm chung ở Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen (TP.HCM).
Bây giờ anh và chị đã có những đường hướng riêng, chị tiếp tục ở Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen biểu diễn, nghiên cứu. Anh tách ra khỏi khối nhà nước để tự do thực hiện những dự án riêng. Thế nhưng âm nhạc dân tộc vẫn là con đường anh chị lựa chọn cùng bước tiếp dù công tác ở đâu.
Cách đây ba năm, từ suy nghĩ làm sao để có thể kiếm sống bằng nghề, con cái theo nghề, anh chị đã có ý tưởng mở chương trình phục vụ âm nhạc dân tộc cho khách du lịch. Trúc Mai House, lấy địa điểm là ngôi nhà của hai vợ chồng nghệ sĩ đã ra đời từ đó. “Đây là cách vừa duy trì nghề cho gia đình, tạo điều kiện để các cháu tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống nhiều hơn và vừa để kiếm sống” - NSƯT Đinh Linh chia sẻ.
Những buổi diễn ở Trúc Mai House không phải là những buổi nghe hòa nhạc dân tộc gì to tát. Theo quan niệm của đôi vợ chồng nghệ sĩ này, một giờ đến Trúc Mai House chỉ là một giờ khách đến thăm nhà nghệ sĩ đã ba đời theo nghề (cha nghệ sĩ Đinh Linh là nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn và con trai anh - Đinh Nhật Minh đang theo học ngành sáo trúc tại Trung Quốc). Nhà có gì tiếp đãi nấy, khách có thể vừa thăm nhà, xem những nhạc cụ trưng bày (khoảng 20 nhạc cụ), xem chủ nhà biểu diễn, nghe nói chuyện về âm nhạc, dạy cách chơi các nhạc cụ…
Tre Việt bắt đầu từ con số không
Từ “tham vọng” gìn giữ, phát triển nhạc dân tộc, đem nhạc truyền thống đến gần công chúng mà Dàn nhạc dân tộc Tre Việt đã ra đời. Tre Việt đã bắt đầu từ con số không thực sự: Không một đồng xu cắc bạc, không biết đất diễn là đâu. Tất cả chỉ bằng một “lời hứa” của nghệ sĩ Đinh Linh rằng: “Đây không phải là dàn nhạc của tôi. Tôi chỉ là người kết nối các bạn đến để luyện tập âm nhạc. Ở đó có người lo cho bài bản dàn dựng, có địa điểm, có nơi để xe luyện tập… Còn lại tất cả là tự túc. Nếu biểu diễn có tiền bồi dưỡng của nhà tài trợ thì tiền được chia đều, không thì… thôi!”.
Quả thật tất cả đều tự túc, thành viên nào có nhạc cụ thì mang tới, có quần áo biểu diễn cũng đem theo luôn. Và địa điểm luyện tập thì tận dụng mặt bằng của nhà hàng trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vào giờ trưa. Cứ mỗi sáng, mọi người đã thấy Đinh Linh lúi húi ở quán cà phê ngay cổng vào Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Anh mở quán cà phê kèm bán đàn piano cùng thời điểm thành lập Tre Việt. Quán cà phê anh mở là nơi “tiếp tế” nước uống cho dàn nhạc những lúc luyện tập và cũng là nơi gặp gỡ bạn bè trong giới.
Dù ra đời trong hoàn cảnh khó nghèo như vậy nhưng tiêu chí nghệ thuật của Tre Việt là tiêu chí đẳng cấp. “Đẳng cấp ít nhất là từ những gì đã học được ở nhạc viện chứ không phải loại âm nhạc nhà hàng kiếm sống leo lắt, muốn đánh sao thì đánh” - nghệ sĩ Đinh Linh khẳng định.
Cũng chính từ “lời hứa” của nghệ sĩ Đinh Linh rằng Tre Việt chỉ là một nơi để luyện tập âm nhạc, thế nên thành viên trong dàn nhạc khá đa dạng, ai yêu âm nhạc dân tộc đều tham gia.
Trong khoảng 30 thành viên hiện tại của Dàn nhạc dân tộc Tre Việt, ngoài sinh viên đang học ở nhạc viện còn lại là nhiều thành phần khác: người đánh đàn ở các nhà hàng, làm ở đài phát thanh, người là doanh nhân… Đây là điểm rất khó cho nghệ sĩ Đinh Linh khi tập chung cả dàn nhạc. “Tôi phải dùng thủ thuật của nghề để làm sao mọi tác phẩm khi diễn nghe đồng đều dù tay nghề người khá, người yếu khác nhau. Tre Việt cũng là nơi để các bạn tập luyện tay nghề của mình. Tôi có chủ trương luyện tập, để làm sao trong nhóm khi không có người này phải có người kia, nếu không chuyện tồn tại hay tan rã của Tre Việt chỉ trong gang tấc” - nghệ sĩ Đinh Linh tâm sự.
Tre Việt chưa có điểm diễn cố định
Sau hơn một tháng vận động, thành lập dàn nhạc và “chạy” tài trợ, cuối cùng đã có đơn vị nhận giúp đỡ Tre Việt biểu diễn hàng tuần. Tuy nhiên, “gói” tài trợ này chỉ kéo dài được trong sáu tháng. Dự định buổi diễn đầu tiên sẽ vào sáng qua (18-4), sau đó Tre Việt sẽ biểu diễn định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần (từ 8 giờ đến 9 giờ 30) ngay trước Nhà hát thành phố. Thế nhưng lịch diễn đã bị lùi lại cho đến đầu tháng 5 và chưa biết ngày cụ thể bởi điểm diễn chưa xác định được.
NSƯT Đinh Linh cho biết: “Chưa biết đầu tháng 5 dàn nhạc sẽ diễn trước Nhà hát thành phố hay trước Công viên 23-9. Khó khăn bây giờ không chỉ là điểm diễn mà còn là kinh phí. Tôi rất muốn cuối năm làm chương trình Tre Việt đi vào các trường đại học. Chúng tôi không cần tổ chức rầm rộ, có khi chỉ cần trong phòng khoảng 100, 200 người cũng được nhưng cần kinh phí đều đặn. Mỗi show diễn chỉ cần năm đến bảy triệu đồng. Anh em tập trung vào dàn nhạc là do yêu nghề. Thế nhưng làm nghề phải có khán giả, có hiệu quả thì người nghệ sĩ mới phấn khởi. Bởi bao nhiêu công sức luyện tập chỉ mong có năm, mười phút khoe tài năng của mình trước khán giả”.
Theo www.phapluattp.vn
1 số bản hòa tấu của gia đình chú Đinh Linh
http://media.vnexpress.net/MediaStore/Video/2009/04/20/NSUTTuyetMaiRuConNamBo.flv&OBT_fname=NSUTTuyetMaiRuConNamBo.flv
http://media.vnexpress.net/MediaStore/Video/2009/04/20/NSUTTuyetMaichoidanKlongput.flv&OBT_fname=NSUTTuyetMaichoidanKlongput.flv
http://media.vnexpress.net/MediaStore/Video/2009/04/20/NSUTTuyetMaihatchauvan.flv&OBT_fname=NSUTTuyetMaihatchauvan.flv
nghệ sĩ Đinh Thìn còn chị Minh Hà- chơi trong ban nhạc mặt trời đỏ
anh Phương - hay đi diễn ở các trung tâm