Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

TIẾNG SÁO CỦA VĂN HỌC, CÂY SÁO CỦA CUỘC ĐỜI

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 0 Followers

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2

Bài này hơi nặng  . Nhưng biết đâu có ai thích đọc và suy gẫm .

Nguồn : http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=3&ID=2437

---------------------------------------------------------------------------------

TIẾNG SÁO CỦA VĂN HỌC, CÂY SÁO CỦA CUỘC ĐỜI

Phạm Tiến Duật*

1

Có một nhà thơ Mỹ định nghĩa văn học theo cách riêng của ông ta, đại ý như sau: Người da đỏ Mỹ có tục tế thần vào ngày đầu năm. Họ đào một cái hố thật sâu ở ngoài đồng vắng; sâu đến mức, thả người xuống đó không thể lên được. Vào lúc không giờ của năm mới, hội đồng tù trưởng chọn một anh thanh niên thanh sạch đến làm lễ. Rồi tù trưởng đích thân đưa anh ta ra cánh đồng thả xuống hố sâu. Mười ngày dành cho sự chết để dâng hiến thần. Đến ngày thứ mười một, vị tù trưởng đem theo một cây sáo ra cánh đồng, thả cây sáo xuống hố. Nếu người con trai còn sống, nếu người con trai còn có thể thổi sáo, nếu tiếng sáo còn có thể bay đến các vùng xung quanh thì mọi người có thể mang dây đến cứu, kéo chàng trai lên. Phong tục là thế chứ không mấy ai chết. Kỳ lạ thay, các chàng trai không những không chết đói, không những thổi được sáo mà tiếng sáo lại tròn, lại vút cao, lại lảnh lót hơn bao giờ hết. Dường như sự thèm sống, khát sống từ trong ruột, máu, từ trong mỗi tế bào của cơ thể đã cất lên tiếng sáo ấy. Cây sáo ấy là cuộc đời chăng và tiếng sáo ấy là văn học chăng?

Với tôi, cách định nghĩa văn học ấy đạt đến trình độ hàm súc. Trước hết là về cây sáo. Cây sáo không phải do nhà thơ (mà ở đây là chàng trai da đỏ) làm ra. Cây sáo là điều kiện tối thiểu để nghệ sĩ ấy có thể giao tiếp với cuộc sống. Tôi buồn cười hỏi, trước mặt nhà thơ Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Mỹ Ke-ri Bô-en (Keri Bowen) rằng, nếu ông tù trưởng thả xuống hố một cây sáo "đểu", không kêu, chắc chàng trai sẽ chết. Cây sáo ấy với chúng ta hôm nay thì sao? Với Truyền hình Việt Nam (trong đó có các chương trình văn hóa, văn học - nghệ thuật, chiếm tỷ trọng thời lượng lớn) là khoảng 40 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Đó là cây sáo Nhà nước cho. Cây sáo cần có sáu lỗ mà mới có ba. Truyền hình phải đục thêm ba lỗ nữa mới thành cây sáo thổi được.

Ba lỗ nữa của cây sáo, không thể trông chờ vào ngân sách thì phải nhờ mấy ông kinh tế thị trường, chứ biết làm sao! Đấy là cây sáo của truyền hình. Thế còn cây sáo của giới văn nghệ sĩ? Tôi dùng chữ giới văn nghệ là để nói tắt cơ quan: ủy ban toàn quốc các Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam; thời kháng chiến, gọi là: Hội Văn nghệ Việt Nam, nay được thêm mấy chữ ủy ban toàn quốc. Nhưng cây sáo của văn nghệ cũng không vì thế mà đủ lỗ. Tiền hành chính phí một năm chưa đầy 800 triệu đồng, không bằng một nhà văn hóa cấp thành phố. Chỉ vì cái sáo ít lỗ, phải tính tiền để đục thêm các lỗ khác.

Tôi lại đi lang thang trong sân. Bây giờ, sau 18 năm Đổi mới, ta sắp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) các văn nghệ sĩ mới làm reo, đòi Nhà nước phải cấp cho văn nghệ cái sáo đủ sáu lỗ. Ơ hay, cả hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, có ai đòi Nhà nước cung phụng đâu. Không những không đòi Nhà nước cấp cây sáo sáu lỗ mà còn tự nguyện dùng thân thể mình, mạng sống của chính mình cho sự nghiệp văn nghệ cách mạng. Cây sáo của nhà văn và nghệ sĩ do chính họ làm ra bằng chính vật liệu tâm hồn và thể xác mỗi người. Bây giờ mới nghe đến chuyện chu cấp. Rằng hội này, chỉ chơi cây cảnh, và hội kia, chỉ bàn chuyện thấp khớp đã đành, hội chúng tôi có thêm hai chữ chính trị thì phải cấp tiền chứ. Lẽ ra phải sòng phẳng hơn. Tôi thổi sáo theo yêu cầu của anh thì anh phải mua sáo cho tôi. Cơ chế xin - cho nên dẹp bỏ trong đời sống kinh tế, trong văn học - nghệ thuật thì không nên hiểu đơn giản như vậy.

Tôi ngẩn ngơ đi tìm, đi ngắm những cây sáo mà văn nghệ sĩ đang dùng. Có một cây sáo mang tên một nhà máy đường. Nhà máy ấy cũng gọi là tàm tạm so với các doanh nghiệp nhà nước khác. Nhưng họ đã bỏ ra một đống tiền để thuê nhạc sĩ viết nhạc ca tụng xí nghiệp của mình. Nhiều bài hát ra đời. Hầu hết chẳng ra gì vì viết nhanh, làm hàng chợ. Cứ làm các cây sáo như cây sáo ấy thì chàng trai văn nghệ chết đói còn hơn vực dậy thổi tiếng sáo hèn đớn.

Chúng ta, nghĩa là toàn Đảng, toàn Dân, đều tỏ ý yêu mến và khoan dung với văn học - nghệ thuật. Nhưng trong thực hành không phải không còn có người coi đám văn nghệ là thứ mua vui. Thừa thì cho một ít gọi là hào phóng. Văn nghệ chưa được coi là hạt nhân của văn hóa. Tôi đã thấy điều này ở Ma-lai-xi-a khi dự cuộc Giao lưu thơ quốc tế mùa hè 2004. Trên giấy mời, tôi thấy đề "Bộ văn hóa, nghệ thuật và di sản". Tôi hỏi ông Bộ trưởng của xứ ấy, rằng sao tên bộ dài thế. Rằng văn hóa đã chứa nghệ thuật, đã chứa đựng di sản rồi kia mà. Ông Bộ trưởng Ma-lai-xi-a trả lời rằng, phải nhấn mạnh nghệ thuật, bởi đỉnh cao bây giờ; còn nhắc di sản, bởi đấy là đỉnh cao của quá khứ. Văn hóa không còn là văn hóa nữa nếu không có đỉnh cao. Tôi ngồi im và ngẫm nghĩ. Nếu văn hóa Việt Nam hôm nay đã được tựa vào nền văn hóa đỉnh cao của mọi thời kỳ thì sao lại để tồn tại tình trạng dung tục. Vấn đề là tại cây sáo.

Cây sáo, nói một cách cải lương, để chỉ quyền lực mà Nhà nước cấp cho văn nghệ sĩ là một dụng cụ giới hạn. Chẳng hạn, để cấp được 15 tỉ cho văn nghệ các địa phương thì Quốc hội phải bàn đi tính lại, nhưng một bộ phim chả ai khen ngợi có thể được cấp trên 10 tỉ đồng. Không, hãy nói trung thực, một số người lãnh đạo, quản lý hôm nay mới coi văn nghệ như trang sức hoặc là tác nhân tuyên truyền quan trọng, chứ chưa coi văn nghệ là lẽ sống, là nguồn cội văn hóa của mỗi chặng đường.

Vật liệu làm nên cây sáo là cây gỗ, cây tre, cây trúc. Vật liệu làm nên cây sáo trừu tượng của văn nghệ sĩ làm bằng tư tưởng. Không có tư tưởng không có cây sáo của một thời đại. Tư tưởng ấy được đan bện từ tình cảm và lý tưởng của văn nghệ sĩ. Thế mà hiện nay, yếu tố tình cảm và lý tưởng thật đang thiếu vắng trong nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật. Quá nhiều tranh về chùa, về sư, về phong cảnh mà rất thiếu tranh về người lao động. Quá nhiều thơ tình, thơ thất tình mà quá ít thơ về người lao động. Quá nhiều bài hát huê tình, quá nhiều bài hát ở dạng "Công ty ca" mà quá ít xúc động âm nhạc từ người lao động. Thật buồn khổ là các cây sáo mà văn nghệ sĩ thổi được làm bằng vật liệu tài chính. Hy vọng là chúng ta sớm thoát khỏi tình trạng này.

2

Lấy sự ví von từ một câu nói của một nhà thơ Mỹ chỉ là một cớ. Từ xa xưa, dân gian Việt Nam đã có chuyện Trương Chi. Cây sáo của Trương Chi được làm từ gỗ bạch đàn của tâm hồn Trương Chi. Cô gái mà Trương Chi mê đắm lẽ ra không đáng được mê đến thế mà Trương Chi vẫn mê. Cây sáo của Trương Chi chính là hồn Trương Chi. Đó là ngụ ngôn quý giá nhất về văn học, nghệ thuật. Người làm cây sáo thế nào, người nghe thế nào là một việc. Việc đầu tiên là phải thổi sáo cho hay. Nghe tưởng dễ mà làm khó thay.

Về mặt phương pháp nghệ thuật, "cây sáo" văn học của chúng ta đã được thừa hưởng tinh hoa quý giá. Về trong nước, nền văn học ta nếu chỉ kể văn học thành văn thì cũng đã được nền móng từ quá sớm. ấy là chưa kể kho tàng dân gian đồ sộ và phong phú. Những tác giả lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm là những tác giả không chỉ là tác giả lớn trong nước. Cách đây gần hai năm, một nhà thơ Mỹ hợp tác với người Việt ta ở Mỹ có dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh. Một việc làm mà người Việt nào nghe nói cũng hồ nghi vì Hồ Xuân Hương là trường hợp gần như không dịch được. Cái đáng ngạc nhiên là qua bản tiếng Anh, các thuật chơi chữ đã không còn hoặc rơi rụng gần hết mà người Mỹ vẫn trầm trồ khen ngợi. Đó là những di sản thừa kế vô giá cho các nhà văn, nhà thơ ta hiện nay. Về văn học nước ngoài, mặc dầu bị ngoại xâm dày xéo, chiến tranh kéo dài biết bao nhiêu năm, ấy vậy mà chúng ta đã tiếp cận được rất sớm đến những nền văn học lớn như Trung Hoa, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga và nhiều nước khác. Cây sáo văn học Việt Nam không chỉ kêu căng ngân lên từ lưng trâu và cánh đồng Việt Nam mà còn tự nguyện hòa cùng dàn nhạc của các bản giao hưởng.

Vào chặng đường lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, tiếng sáo văn học đã vút cao, lảnh lót, cổ vũ lòng hăng hái của hàng chục triệu người, cả quân và dân đứng lên đuổi giặc, giải phóng quê hương.

Tuy nhiên, bên cạnh cái nồng nàn làm nên cái tuyệt diệu của cây sáo một thời, chúng ta không thể không nghiêm túc nói rằng, bên cạnh một số không nhiều là tác phẩm tốt, văn học ta đang nhạt đi, cả về hình thức cả về nội dung. Lấy một ví dụ, sau cuộc canh tân của phong trào Thơ Mới và sự đổi mới của các nhà thơ Đội viên (Vệ quốc đoàn) để có thơ 8 chữ, thơ chuyển thể, thơ không vần thì suốt mấy chục năm nay, các nhà thơ loay hoay đi tìm nhưng có thêm thắt được bao nhiêu đâu. ấy là không nói, sự cựa quậy hình thức lại tựa trên sự quay quắt về nội dung là sự đáng báo động lắm.

Nhà thơ Huy Cận có lần nói rằng, văn chương là tiếng chim gọi đàn, tiếng sáo gọi đàn. Sự ích kỷ, sự tách mình ra khỏi cộng đồng, kể cả thơ viết về sự cô đơn là sự tự tiêu diệt. Tính cộng đồng là đặc tính quan trọng nhất của văn nghệ mặc dầu nó được chứng minh bằng sự khác biệt của từng cá thể.

Tiếng sáo của chàng trai da đỏ kia cũng là để gọi cộng đồng. Nếu anh ta thổi chỉ để anh ta nghe là đồng nghĩa với sự chết.

3

Trong bản nhạc Múa sạp, dựa trên dân ca Thái, các nhạc sĩ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thấy phối khí có cây sáo. Thật hay. Cây sáo ấy là tre, là trúc của đồng bào Sơn La, Lai Châu ở Tây Bắc. Tiếng sáo dù hay nhưng cũng phải hòa đồng với cả dàn nhạc. Sòn sòn sòn đô sòn. Đến nốt sòn thì người múa phải nhảy lên để khỏi bị gậy tre đập vào chân. Chao ơi, văn chương là thế chăng: cây sáo phải tốt, người thổi phải hay và còn phải thổi đúng nhịp nữa. Khó thay.


* Nhà thơ, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ

 

 

Top 150 Contributor
cầm sư cấp 1
BeerSadBeerYesMusic
  • sáo ! tình yêu của tôi
    Page 1 of 1 (2 items) | RSS
    Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
    Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems