Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Vào những ngày Tết Nguyên đán (Tết Nen Bươn Tiền), lễ hội diễn ra náo nhiệt, kéo dài cả tuần liền làm cho đất Mường So rực rỡ như chốn thiên đàng. Ngày xuân ở đây, chỗ nào cũng bát ngát những điệu xòe (một điệu múa của người Thái).
Cứ vui là người ta múa, người ta hát. Trông người nào cũng hớn hở, ngất ngây vì men rượu cần. Anh Lý Thanh Tuấn, người dân Mường So, khoe với tôi: “Ngày Tết Nen Bươn Tiền, trai các bản xa như Sì Lở Lầu, Tông Qua Lìn, gái bản Khổng Lào, Hoang Thèn cũng tìm về đây múa xòe và ngất ngây với men rượu Mường So đấy”.
Chiều về nhà sàn, Thanh Tuấn dạy cho tôi mấy điệu múa. Phải cố gắng lắm tôi mới rèn được động tác giơ cao tay múa đều cùng những nhịp chân bước rộn ràng để biểu lộ sự vui mừng. Màn đêm buông xuống, cũng là lúc tiếng trống rộn rã thôi thúc những chàng trai, cô gái. Tôi chỉ tham gia vào những điệu xòe đơn giản, đó là nắm tay nhau, chân nhún nhảy theo nhịp trống. Còn những thanh niên địa phương thì múa phức tạp hơn với các bài xòe có khăn piêu. Vò rượu cần nằm giữa vòng xòe hình như chẳng bao giờ cạn.
Tôi ngất ngây nhìn những cô gái Thái. Thứ “ngôn ngữ y phục” của phụ nữ Thái sao mà ru tình đến thế! Cô nào cũng váy bó sát lấy thân hình mềm mại đầy sức sống, hàng cúc màu bạc trắng lóng lánh, chiếc khăn piêu nổi bật với hai màu đen-đỏ... Người của tôi liêu xiêu theo câu hát:
Khăn piêu em đội đầu Xinh xinh trong bộ áo cóm. Em nghiêng bên dòng Nậm Rốm Mường Thanh quê ta…
Cô gái Kiều Thị Oanh thấy tôi ngập ngừng khi nắm lấy tay nhau đã động viên: “Người Kinh với người Thái, người Mông, người Mường, người Tày, người Dao đều là anh em một nhà à. Anh cứ múa với mình đi, bỏ lỡ một đêm xòe là tiếc lắm”. Bước chân của tôi chìm đắm trong lời ca thánh thót: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ. Mà vẫn mê say như thủa nào. Điệu xòe, điệu xòe như thủa ban đầu. Chân đi nhịp nhàng, mà sao bối rối. Em nâng chén rượu mời. Rượu từ tay em cất. Men rượu từ lá rừng. Rượu nồng gạo Điện Biên”.
Xuân năm ấy, trên đất Mường, tôi nghiêng ngả với điệu xòe Thái, rộn rã với xuân của đồng bào vùng cao. Nhìn quang cảnh Mường So ngày tết, tôi không tưởng tượng ra nổi một nơi nghèo khó, cơ hàn trước đây đã thay đổi đến thế. Dinh thự Đèo Văn Ân nay đã là trụ sở y tế Mường So. Những con đường từ Điện Biên đến, từ miền xuôi lên đang được nâng cấp, rải nhựa khiến quang cảnh trong vùng thôi không còn heo hút, lạc lõng. Người dân Mường So không còn đói khổ như xưa nữa. Nhiều gia đình đã sắm được xe máy, xây nhà lầu, mua nhiều bò, ngựa và cho con cái học hành đến nơi, đến chốn...
Theo Hưng Phú/Báo SGGP