Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Xông đất vợ chồng lập kỷ lục sưu tầm dân ca Nam Bộ

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Hmm [^o)] Posted: 01-31-2009 22:27
 

 
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (bìa phải) trong chuyến ghi âm dân ca Khmer Trà Vinh - Ảnh: Cổ Trường Sinh
Tết Kỷ Sửu, chúng tôi đến nhà vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – nhà thơ Lê Giang để chúc mừng năm mới và hỏi về những dự tính ấp ủ trong những ngày xuân…

Hai ông bà đều đã qua tuổi thất thập và đều vui vẻ bảo rằng: năm mới tất nhiên phải có nhiều việc mới muốn làm. Rồi ông bước vào phía trong, bưng ra ba tập bản thảo dày cộm, chứa cả nghìn trang được đánh máy, đặt lên bàn: “Bộ sưu tập này có trên 580 tác phẩm gồm các ca khúc và hợp xướng của 192 nhạc sĩ, sáng tác trong 20 năm kháng chiến, giai đoạn 1955 - 1975, do tôi cùng Lê Giang và Lê Anh Trung sưu tầm, thực hiện và hy vọng sẽ được ấn hành để giới thiệu với bạn đọc cả nước trong năm mới”.

Hiện bản thảo đã chuyển đến NXB Trẻ – TP.HCM, với nội dung và bố cục sắp xếp tuần tự theo thời gian, theo các sự kiện quan trọng, giúp bộ sách giàu chất biên niên sử và thật sự đánh dấu một chặng đường sáng tạo trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Phần lớn đó là những ca khúc, hợp xướng, nhạc cảnh, nhạc kịch đã phổ biến rộng rãi khắp cả nước, trên các vùng miền. Bắt đầu bằng những sáng tác làm xao động lòng người sau ngày đất nước bị chia cắt vào năm 1954, như Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu, Giữ trọn tình quê của Văn Cận, Câu hò bên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp (lời Đằng Giao), Son sắt một lòng của Đắc Nhẫn, Áo bà ba của Trần Kiết Tường, Tình ca của Hoàng Việt, Trăng sáng đôi miền của Văn Chung... Bộ sách Âm nhạc giải phóng cũng bao gồm những ca khúc về con đường Trường Sơn huyền thoại, về những con người và chiến công suốt hai thập niên trong các nhà tù và trên chiến trường máu lửa, ghi nhận dòng nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe trong phong trào sáng tác của sinh viên đấu tranh đô thị miền Nam – có 54 hồi ức của văn nghệ sĩ, cùng những lá thư gửi từ tuyến lửa ra Bắc của nhiều nhạc sĩ như Lưu Hữu Phước, Trần Hoàn, Thuận Yến, Phan Huỳnh Điểu, Hồ Bông...

 

 
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang trên xe thổ mộ trong chuyến đi tiền dã tại Bình Dương (1987)

Chuyện bộ “biên niên sử” tạm dừng để xoay qua việc sưu tầm dân ca Nam Bộ. Về lĩnh vực này, mới đây, đầu năm 2009, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - VIETKINGS đã công bố xác lập và công nhận nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng nhà thơ Lê Giang đạt kỷ lục quốc gia về công trình sưu tầm, chọn lọc và nghiên cứu giới thiệu dân ca Nam Bộ trong suốt 28 năm qua.

Đây cũng là dịp nhìn lại chặng đường hai vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã cùng các cộng sự lặn lội khắp Nam Bộ để ghi âm những bài dân ca, những điệu lý, câu hò, lời hát ru, biên soạn và xuất bản gần 4.000 trang sách qua các tập như: Dân ca Bến Tre, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Đồng Tháp, Dân ca Long An, Dân ca Trà Vinh, Dân ca Cửu Long – Sông Bé – Hậu Giang...

Một số công trình sưu khảo khác cũng lần lượt ra mắt như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, Lý trong dân ca người Việt, 250 điệu lý quê hương, 300 điệu lý Nam Bộ... Những kết quả trên được mở đầu vào năm 1981 và đánh dấu chặng đầu tiên qua tác phẩm

Tìm hiểu dân ca Nam Bộ năm 1982 với đánh giá của giáo sư Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, như sau: “Đây là lần đầu tiên có một tài liệu bước đầu tập hợp những thành tựu lẻ tẻ trước kia và thừa hưởng nhiều kinh nghiệm; Lư Nhất Vũ đã đi sâu hơn, đề cập cả phần lời lẫn phần nhạc, cả phần cổ truyền lẫn phần phát triển, cả bản thân dân ca đồng bằng sông Cửu Long lẫn những quan hệ giao lưu giữa vùng châu thổ cực Nam với các miền khác của Tổ quốc, cũng như các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Tôi nhiệt liệt chào mừng công trình của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và người bạn cộng tác – vừa là bạn đời – là nhà thơ Lê Giang”.

Về sau, hai tập Điệu lý quê hương gồm 250 bài xuất bản năm 1995 cũng giành được giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tên gọi của các làn điệu giới thiệu qua công trình trên mang hương vị của đồng nội và cây cỏ phương Nam như Lý cây khế ở Đồng Tháp, Lý cây bưởi ở Long An, Lý bắp non ở Trà Vinh, Lý cây đậu ở Tây Ninh, Lý bông trang ở Sài Gòn - Gia Định... Nhiều bài dựa vào những câu ca dao, thể thơ sáu tám như Chuồn chuồn mắc phải nhện vương/Đã trót dan díu thì thương nhau cùng (Lý tiểu khúc). Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nói thêm rằng, cũng có những điệu lý phát sinh từ thơ bảy chữ như: Gió mùa xuân rưng rưng nước mắt/Nhớ đến chàng đau thắt từng cơn (Lý bốn mùa). Có nhiều tác phẩm âm nhạc hiện đại lấy nhựa sống từ các điệu lý trong dân ca Nam Bộ như bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ dựa vào nét nhạc đặc trưng của Lý con sáo sang sông; hoặc bài Ra giêng anh cưới em, Mùa xuân dâng lộc và bài Bài ca đất phương Nam nổi tiếng...

Nhắc đến nhan đề mấy sáng tác trên của Lư Nhất Vũ – Lê Giang, anh bạn đồng nghiệp đi theo đã kết thúc buổi gặp mặt đầu năm bằng cách vừa cười vừa đọc mấy câu: Ra giêng anh sẽ cưới em/Lộc non sẽ nở những đêm mận đào... 

Giao Hưởng

thanhnien.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems