Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Sự hãnh diện khăn đóng – áo dài

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Yes [Y] Posted: 01-12-2009 21:51

Cuộc trò chuyện với SGTT diễn ra ngay trước buổi biểu diễn kỷ niệm 25 năm đi hát của ca sĩ Hương Thanh, giọng ca được người Châu Âu biết đến bên cạnh nghệ sĩ nhạc Jazz người Pháp gốc Việt Nguyên Lê. Người phụ nữ ấy với chiếc áo dài khăn đóng đã đem dân ca Việt đến với cả triệu người trên thế giới

Năm 2007 chị vừa nhận giải thưởng của France Musique về dòng nhạc dân tộc, sau một thời gian dài kênh phát thanh chuyên về âm nhạc này theo dõi bước đường nghệ thuật của chị. Còn năm 2008, chính chị sẽ hát trong một chương trình đặc biệt quan trọng để kỷ niệm con đường nghệ thuật của mình. Chị kể gì về con đường 25 năm đó với mọi người?

Những ngày mới qua Pháp rất khó khăn, tôi từng phải bỏ học để đi làm kiếm sống và phụ giúp gia đình. Ngày đó mới 17 tuổi, vừa học xong nhạc ở Việt Nam, chưa ra nghề thì đã đi. Lúc đó buồn thảm lắm, cứ nghĩ là mộng thành nghệ sĩ chắc tiêu tan. Nhưng tôi tin ai cũng có số mệnh cả... Ngay sau khi nhận được giải thưởng, tôi và một số người của đài radio France Musique đã có ý định làm một buổi trình diễn để khán giả Âu châu xem Hương Thanh, qua một khía cạnh khác ngoài nhạc dân ca pha trộn với nhạc jazz. Đồng thời, buổi trình diễn cũng đánh dấu những khoảng thời gian trước và sau này về giai đoạn âm nhạc của tôi. Tôi liên lạc với nhiều nghệ sĩ và rất may mắn vì tất cả đều hưởng ứng tới diễn chung. Đó không phải một đại nhạc hội như thường thấy, mà là Hương Thanh với những nghệ sĩ mà Hương Thanh đã từng diễn chung. Bắt đầu là tiếng ầu ơ ru con với đàn bầu, sau đó là 10 phút cải lương xã hội nói về tình chị em mà chị gái tôi – nghệ sĩ Hương Lan từ Mỹ qua để ủng hộ tinh thần cho tôi trong buổi diễn này.

Rất ít khán giả Việt Nam của chị biết rằng chị chính là em gái của ca sĩ hải ngoại Hương Lan?

Vâng, đêm 21.12 cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, tôi rất hân hạnh được hát chung với chị gái Hương Lan. Trong chương trình ấy tôi cũng diễn cải lương, trích đoạn vở Câu thơ yên ngựa của Thanh Tòng. Mục đích chính, tôi muốn nhắc khán giả châu Âu biết đến nguồn gốc của gia đình Hương Thanh. Từ trong đáy lòng, tôi rất hãnh diện là con của cố nghệ sĩ Hữu Phước và là em gái của nghệ sĩ Hương Lan. Tôi cũng cùng chị Hương Lan hát chung một tiết mục nhạc vàng nữa, để mọi người thấy nhạc vàng soạn đẹp thì cũng là rất đẹp. Và đó cũng là một thể nhạc được yêu chuộng rất nhiều!

Đó là một bất ngờ, vì mọi người biết Hương Thanh nhiều hơn là một nghệ sĩ dân gian hiện đại với nhạc jazz của Nguyên Lê.

Đúng rồi. Những tiết mục này tôi đã từng hát và diễn từ hơn 20 năm về trước, ở mọi nơi tại nước Pháp trong mọi hình thức. Từ những dịp lễ tết Việt Nam, trước cả khán giả Việt Nam và Pháp. Phần hai, tôi mới giới thiệu đến những tiết mục của 15 năm sau này, khi tôi đã gặp gỡ những nhạc sĩ tài năng Nguyên Lê, Michel Alibo, Karim Ziad, Renaud Garcia-Fons, François Verly, Pierre Olivier Govin, Alex Tran.

Như vậy phải nói rằng, chị mất 10 năm để tìm ra con đường thênh thang cho giọng hát của mình, gắn dân ca với một ngôn ngữ âm nhạc hiện đại mới?

Tôi không cho đó là mất. Tôi chỉ cảm nhận rằng, mặc dầu mình học nhạc từ nhỏ ở Việt Nam, từ cổ nhạc tới tân nhạc, nhưng dịp may lúc đó chưa đến để được bước lên sân khấu. Vì tôi là con của một gia đình nghệ sĩ rất nổi tiếng cả cha và chị gái, nên không ai có thì giờ để ý đến những người con khác. Tôi nghĩ, đó cũng là cái hay vì không hẳn tất cả những đứa con của cha mình đều phải thành nghệ sĩ. Từ sở thích đến quyết định khả năng thành công còn kèm theo sự may mắn. Dĩ nhiên, là con và em gái của những nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã là một phần may mắn rồi, nhưng cũng phải cộng thêm sự cố gắng của bản thân mình tới đâu nữa.

Sự thành công của chị rất đặc biệt. Chị hát nhạc jazz bằng tiếng Việt, hát dân ca của quê hương chúng ta. Chị đã làm cách nào để truyền tải thông điệp về nội dung vốn rất sâu sắc của dân ca đến với khán giả ngoại quốc?

Không phải dễ mà có chỗ đứng và mọi người chú ý tới mình. Phần lớn đều phải nổi tiếng trước ở Việt Nam. Thế hệ anh chị hát tân nhạc Việt Nam ở Pháp và Mỹ rất nhiều, đã có những chỗ đứng vững chắc. Những thế hệ đi sau như tôi rất khó để có một chỗ đứng như các anh chị. Tôi lớn lên trong một gia đình cổ nhạc. Chị Hương Lan từng gởi tôi theo học cả cổ nhạc với thầy Út Trong và cũng được học tân nhạc với thầy Duy Khánh, Bảo Thu từ bé. Năm 17 tuổi, tôi qua Pháp. Tại Radio France, tôi mới bắt đầu tự tạo cho mình một thế giới riêng. Phần đông khán giả vẫn nghĩ tôi người ngoại quốc. Khi hát trước khán giả, tự tôi tưởng tượng trong khán phòng, tất cả đều là người Việt và cứ thế tôi hát hết tấm lòng của mình… Thường thường, tôi giải thích bằng tiếng Pháp trước khi hát từng bài để họ biết trước, và bắt đầu đi sâu vào giọng hát. Một mình hát cho người ngoại quốc cả một chương trình dài hai tiếng không hề dễ, bởi tôi rất hay để đầu óc của mình vào một thế giới khác.

Dường như giọng hát của chị đã là một thứ nhạc cụ đặc biệt để truyền tải âm nhạc?

Đó cũng là một cách truyền tải như câu hỏi. Vì khi tôi cất tiếng hát trước khán giả ngoại quốc, trước mắt tôi là cả một sự hãnh diện từ khăn đóng và áo dài. Tôi đã và đang khẳng định cái đẹp từ lời ca tiếng hát, đến đi đứng và trang phục. Đó là Việt Nam.

Đó là lý do hình ảnh “áo dài khăn đóng” luôn gắn bó với chị?

Tôi thích mặc áo dài lắm, vì ở bên này chỉ có bước lên sân khấu tôi mới có dịp mặc được. Và những chương trình tôi hát, đối với tôi hình ảnh của mình lúc nào cũng là đại diện cho Việt Nam nên tôi không cho phép mình trình bày theo cách khác.

Ngay ở Việt Nam, không phải nghệ sĩ nào cũng có thể hát tốt dân ca cả ba miền. Với chị, dường như điều đó không khó và chị có một cách cảm nhận dân ca riêng?

Thầy dạy nhạc khi trước của tôi là người Huế nên tôi phần nào ảnh hưởng từ thầy. Dân ca miền Bắc tôi tự học qua CD. Còn giọng miền Nam là tự nhiên thôi. Cá nhân tôi có một cách suy nghĩ rất tự tin, dù mình không thể nào phát âm đẹp như ca sĩ gốc Trung, Bắc nhưng quan trọng nhất tôi đem tâm hồn mình đi theo dòng nhạc. Tôi biết mình còn phải học hỏi mãi với nghề này. Nhưng tôi yêu âm nhạc và tâm hồn Việt Nam, mỗi bài ca đều là những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam… Giai điệu dân ca mỗi miền khác nhau, khán giả ngoại quốc đi xem phần đông đều có trình độ nghệ thuật hết cả nên họ biết phân biệt cảm xúc, âm nhạc và tuỳ sở thích. Với tôi, được hát là giãi bày tâm sự. Khi khán giả yêu thích giọng hát Hương Thanh, thì tôi đã thành công rồi. Phát âm không còn quan trọng, mà quan trọng là cảm xúc và phần trình diễn nhạc cụ…

Nếu được lựa chọn, chị có muốn thay đổi điều gì trong quãng đường đã qua của mình không?

Không có gì phải thay đổi cả. Từ bé, tôi đã chọn con đường nghệ thuật. Thường thì làm văn hoá không dư giả gì, nhưng tôi hạnh phúc vì tôi được làm điều tôi yêu thích. Chỉ tiếc những đoạn đường đã qua, vì sự thay đổi nơi sống đã làm tôi mất rất nhiều thời gian, cắt đứt con đường nghệ thuật của mình một quãng đời. Điều hối tiếc lớn nhất là ba tôi không còn nữa. Trong mười đứa con của ba chỉ có hai người kế nghiệp. Ba không còn nhìn thấy và hãnh diện với niềm hạnh phúc của tôi hôm nay.

Người Việt rất tự hào có chị và Nguyên Lê như những sứ giả truyền bá cổ nhạc và dân ca Việt Nam.

Tôi rất mừng và cảm ơn lời khen vừa rồi. Tôi không dám nghĩ mình là sứ giả đâu, chỉ thấy niềm vui không tả nổi với những thành công do mình tạo ra. Đó là niềm mơ ước được vào nghề ca hát như ba và chị đã thành. Tôi dù không giàu có về vật chất nhưng rất giàu tình cảm, luôn cố sống thật giản dị với sự thành công, để hãnh diện khi nghe người ngoại quốc khen nhạc Việt đẹp là đã đủ hạnh phúc.

Lần đầu gặp Nguyên Lê, chị có mất nhiều thời gian và công sức để thích nghi với những bản hoà thanh mới mẻ của anh ấy không?

Năm 1994, lần đầu tiên tôi gặp được Nguyên Lê. Khi làm việc với anh ấy, không bao giờ tôi nghĩ mọi chuyện dễ dàng cả. Nhưng tính tôi cứng đầu, thích học hỏi và rất tò mò. Chính tính cách ấy mà từ năm tám tuổi tôi cũng từng vừa học cổ nhạc, vừa học tân nhạc và cả học kịch nữa. Nhạc jazz hoặc bất cứ một dòng nhạc nào khác, tôi cũng thích được học và tìm nghe để biết tại sao nó hấp dẫn. Cũng giống như bất cứ mọi thứ khác, nếu người nghệ sĩ sáng tác giỏi, hoà âm xuất sắc thì với thời gian mình cũng sẽ thích. Và khi thích mình sẽ hát thành công. Người nghe cũng vậy thôi.

Ai là người chủ động tìm kiếm tác phẩm từ vốn dân ca phong phú cho các sản phẩm của chị và Nguyên Lê?

Tôi là người tìm kiếm và chọn bài trong tất cả album của tôi, do Nguyên Lê soạn nhạc. Tôi biết nếu muốn nói về dân ca Việt mà mình chỉ có hát dân ca Nam bộ thì quá thiếu sót nên cố gắng tập một mình, chọn lựa những bài mình thích và cảm được, đem tới để Nguyên Lê soạn hoà âm. Và khi hát, tôi phải giải thích nội dung từng bài để Nguyên Lê hiểu, soạn theo nội dung buồn vui. Tiết tấu từng tác phẩm hoàn toàn do tài năng và trí tưởng tượng của Nguyên Lê.

Đĩa nhạc của chị và Nguyên Lê trở thành những sản phẩm định hướng cho nhiều nghệ sĩ trong nước. Chị và Nguyên Lê biết điều này chứ?

Tôi chỉ biết một phần thôi, chắc Nguyên Lê biết rõ hơn. Rất tiếc, tôi chưa có nhiều dịp theo dõi các nghệ sĩ đi theo hướng này ở Việt Nam. Chiều hướng này rất đặc biệt, vì Nguyên Lê sinh trưởng và lớn lên ở Pháp, hấp thụ từ nhỏ nền văn hoá châu Âu. Còn tôi sinh ra ở Việt Nam, hấp thụ văn hoá châu Á. Đĩa nhạc của chúng tôi là sự gặp gỡ của hai nền văn hoá đó. Có thể, khó khăn mà nghệ sĩ Việt Nam sẽ gặp phải là làm sao có được cái nhìn của người Âu châu dù rằng không sinh trưởng nơi đó. Nhưng tôi hy vọng rằng với khả năng của các nghệ sĩ bên nhà, cũng sẽ đạt như ý muốn mà thôi.

Trân trọng cảm ơn chị.

thực hiện Bạch Vân ảnh Nathalie Roze

sgtt.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems