Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Tiếng đờn ca tài tử bên sông Thủ Thiêm
Hơn một năm nay, ở một khúc sông Sài Gòn, quãng Thủ Thiêm, cuối tuần người ta thường nghe tiếng đờn ca tài tử vang xa
Quả là tài tử thiệt vì không có ai chuyên nghiệp hoặc còn chuyên nghiệp trong cái nhóm “cầm ca” tụ lại ở căn hộ số 12/2F đường Lương Định Của, quận 2.
Hạt giống tên Út
Ông Út đờn ghi ta và ông Năm đờn kìm trong một đêm tụ tập đờn ca tài tử cuối tuần
Linh hồn của nhóm có lẽ là ông Út, ngoài 60. Ông từng là nhạc công được các gánh Vũ Linh, Bảy Cau, Hoa Sen, Huỳnh Long, v.v... săn về, ngược xuôi Nam bộ đi đờn hát hơn 20 năm.
Ông Út kể lại cái “nghiệp” của mình: “Hồi nhỏ, cứ hễ má kêu đi mua mắm, tiêu, lần nào về cũng bị đòn, bị mình trên đường đi, thấy chỗ nào mở băng đĩa ca cổ là đứng lại nghe cho hết. Đường về cũng vậy. Mà nghe rồi còn để ý đến từng lời ca tiếng đờn”.
Rồi ông mò mẫm học đờn, theo nghiệp cầm ca, nhưng nhạc đờn ca tài tử sớm chợ chiều, đành bỏ nghề đi mần ăn. Nhưng máu nghề nó ở đâu đó trong cái bụng, nó bắt ông phải sắm đồ nghề, ở nhà chơi.
Vợ ông từng là đào hát. Chồng đờn, vợ ca, tiếng đờn từ căn hộ nhỏ bên bến phà Thủ Thiêm lan xa trên mặt sông làm nhiều người ghiền.
Tiếng đờn vang xa
Y ghiền đến mức nghe đờn ca ở đâu cũng lội sông đến tận nơi nghe và xin ca bằng được, dù đám gì. Vợ chồng Y sống trên ghe, chồng lại không ưa ca cổ, nên mỗi lần nghe tiếng nhạc, Y lội sông, trốn chồng đi ca.
Ông Hoa, làm tài xế, cũng vậy, cũng bị tật “nhạc ca cổ đâu đó tui cũng phải dừng lại nghe hết bài mới chạy tiếp”. Vợ ông: “Mỗi khi nghe Lệ Thuỷ ca là tui ca theo. Kiềm lòng hổng đặng”.
Bà Nga, tiểu thương chợ An Khánh, thì hồi nhỏ có bao nhiêu tiền nướng hết vào băng đĩa ca cổ cải lương. Rồi bà cũng theo học ca với người bà con có nghề. Năm nay, gần 50 nhưng tiếng ca của bà còn sắc như hồi con gái. Nhờ vậy mà “hồi xưa ông xã mê vì mình ca mùi”.
Vũ lại là một ca khác. Là sinh viên khoa nghệ hoá, đại học Công nghiệp TP.HCM, quê tại Bến Tre, Vũ mày mò, nghiên cứu lịch sử về đờn ca tài tử, mang sách vở theo học ở các thầy cô trường sân khấu điện ảnh, trung tâm văn hoá. Rồi theo luôn.
Những người đến đây đều bị ca cổ bắt. Có người đến đều có người qua đường nghe ca đờn ghé lại, rồi quen. Cả những Việt kiều xa quê hương khi về thăm nhà đi ngang thấy nhóm cũng tới tham gia.
Chơi tới
Ở cái lò bên sông này đầy đủ nhạc cụ, ai có khả năng nào thì góp vào. Bộ tăng âm, cây ghi ta phím lõm và song lang cũ của ông Út tả quá, ông bỏ tiền sắm bộ mới, để “âm thanh nghe hay thì người hát vô, đờn cũng có hứng”. Ông Hoa thì sắm dàn micro hát cho trong, vang. Những người khác mê ca thì tới ca. Ai hát cũng được, hay dở không nói, chưa biết thì nghe người biết ca mà ca theo. Ca cả bài không được thì ca vài câu. Hát chưa hay, chưa khớp nhịp thì người đàn hoặc người ca hay chỉ lại.
Rồi ở đây trở thành một địa chỉ cuối tuần ngày càng đông. Ông Năm, biệt danh là Thiện Ngọc, 85 tuổi, một tay đàn kìm nổi tiếng. Nhà tận bên quận 4, nhưng thỉnh thoảng vẫn đạp xe đạp qua đây chơi đờn cho mọi người hát. Rồi những thành viên khác như những cặp vợ chồng, con cái, thậm chí là cháu trong trong một gia đình từ quận 2, Gò Vấp, quận 1, quận 3… cũng đến tham gia “vì cả nhà cùng mê hát”. Lúc thì ca cặp, khi thì ca đơn, người đờn người hát. Bắt đầu từ 7, 8 giờ tối đến 10 giờ khuya thì ngưng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, triều lên hay triều rút, mấy hôm nước sông Sài Gòn lên cao bất thường, nhóm vẫn ngồi ca vì “lo cũng chẳng giải quyết được gì, ca xong, về thấy tâm hồn thư thái, mọi mệt nhọc qua hết, nghỉ ngơi và bắt đầu ngày mới”, ông Út cười.
Bà Xiềng, quê Kiên Giang, ở trọ gần đây, tới nghe mỗi khi nhóm họp, từ lúc bắt đầu đến khi nhóm nghỉ: “Tôi không biết ca, nhưng tôi muốn đến đây nghe mọi người ca”.
bài và ảnh Ninh Hạ
sgtt.com.vn
Đạt được tuyệt đỉnh công phu: thổi sáo ko cần sáo!
[URL=http://www.facebook.com/karmalaw.net[/url]