Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca: Nét đặc sắc riêng

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Smile [:)] Posted: 12-18-2008 19:23

Bầu chọn giải mai vàng 2008 đến hết 31-12

Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca: Nét đặc sắc riêng

Cẩm Ly
Với cả khán giả và giới chuyên môn, đây là những đại biểu “nặng ký” điển hình của dòng nhạc âm hưởng dân ca trên thị trường âm nhạc hiện nay

 

 

 

 

Nếu bảng bình chọn ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca của Giải Mai Vàng 2007 quá quen thuộc với khán giả yêu nhạc bởi toàn người quen thì năm nay, cuộc tranh tài thêm phần thú vị khi xuất hiện nhiều giọng ca mới. Cả năm ứng viên của Giải Mai Vàng 2008, hạng mục Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca đều có dấu ấn, nét đặc sắc riêng.

 

Cẩm Ly yên vị “nữ hoàng”

 

Đại biểu đầu tiên của dòng nhạc âm hưởng dân ca phải kể đến Cẩm Ly dù đây chỉ là ngã rẽ rất ngẫu hứng của cô. Sự xuất hiện của Cẩm Ly trong danh sách ứng viên Giải Mai Vàng 2008 là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi dù hát nhạc âm hưởng dân ca chỉ là khúc biến tấu nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn của mình nhưng cô đã gặt hái những thành tựu nhất định. Không tính đến lượng khán giả hâm mộ sẵn có của mình, Cẩm Ly thật sự chinh phục khán giả yêu nhạc âm hưởng dân ca bởi chất ngọt ngào, tình cảm và cả sự đầu tư nghiêm túc của cô cho ngã rẽ này. Minh chứng rõ nét là ca khúc Mình ơi (Minh Vy), ca khúc giúp cô có mặt trong danh sách ứng viên Giải Mai Vàng 2008 hạng mục Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận định: “Cẩm Ly vẫn hát bằng cách hát chân phương, mộc mạc đúng với bản chất của dòng nhạc âm hưởng dân ca truyền thống như một sự bảo đảm về phong độ và trung thành về mặt phong cách của một ca sĩ vốn trước đây còn bị nhiều định kiến khi từ dòng nhạc trẻ xâm lấn sang lĩnh vực âm hưởng dân ca. Với Mình ơi, Cẩm Ly hát như một người kể chuyện, vì vậy, cô rất thành công trong việc chuyển tải thông điệp ca khúc đến với khán giả”. Đồng tình với nhận xét này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên, khán giả dành tặng cho Cẩm Ly biệt danh “Nữ hoàng hát dân ca”. Không khó để nhận thấy những ca khúc âm hưởng dân ca mà Cẩm Ly chọn thường được khai thác từ những điệu lý Nam Bộ. Để thể hiện thành công dạng ca khúc này, người hát phải nắm rõ cách hát tài tử. Thực tế cho thấy, không có nhiều ca sĩ có khả năng thể hiện thành công dạng ca khúc này. Trước đây, Hương Lan và Tài Linh rất thành công bởi họ vốn xuất thân từ cải lương. Điều bất ngờ và đáng ghi nhận là Cẩm Ly cũng rất thành công dù xuất thân từ nhạc trẻ”. Với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Cẩm Ly là một giọng ca nặng ký bởi đơn giản giọng chị rất “mùi”. Và như vậy, nhạc âm hưởng dân ca và Cẩm Ly có một mối gắn kết như là điều hiển nhiên.

 

Quang Linh khó có người thay thế

 

 

Quang Linh

Quang Linh cũng là ca sĩ thành danh nhờ những ca khúc âm hưởng dân ca và đến bây giờ năng lực của Quang Linh trong dòng ca khúc này vẫn không có người sánh kịp. Thỉnh thoảng, khán giả không khỏi bất ngờ khi anh xuất hiện với những bản tình ca xưa ngọt ngào như một cuộc dạo chơi trong âm nhạc không nằm ngoài mục đích tạo nên sự mới mẻ, tươi mới trong lòng khán giả. Dẫu vậy, mảnh đất chính mà Quang Linh luôn đứng ở vị trí độc tôn vẫn là âm hưởng dân ca. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận xét: “Thế mạnh của Quang Linh vẫn là tròn vành rõ chữ và hát dễ nghe hơn, không cầu kỳ phá cách. Ông lái đò cũng được hát theo phương thức đó. Vì vậy, nó dễ dàng chiếm giữ tình cảm của khán giả. Hơn hết, anh luôn có một chỗ đứng duy nhất trong lòng khán giả vì trung thành với dòng nhạc âm hưởng dân ca”. Tuy nhiên, chính điều này khiến cho Quang Linh dù ưu thế về giọng hát vẫn tỏ ra yếu thế hơn những ứng viên khác bởi tần số xuất hiện của anh, đặc biệt trong năm qua không nhiều. Và nhất là Ông lái đò là một ca khúc khá cũ.

 

Tùng Dương hát bằng cảm xúc rất riêng

 

 

Tùng Dương

So với mọi năm, đại diện miền Bắc tỏ ra mạnh mẽ hơn với 3 ứng viên trong danh sách bình chọn Giải Mai Vàng 2008 gồm Tùng Dương, Ngọc Khuê và Trọng Tấn. Nổi bật nhất trong 3 đại diện này phải kể đến Tùng Dương với ca khúc Con cò của Lưu Hà An. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhận định: “Ca khúc Con cò với tiếng hát Tùng Dương thật sự là một hiện tượng trong năm 2008. Thực tế chứng minh, trong những buổi biểu diễn của sinh viên, các cuộc thi hát, rất nhiều thí sinh chọn bài Con cò làm bài hát tủ của mình. Nói điều đó để thấy rằng, Con cò không chỉ được đón nhận mà Tùng Dương hát Con cò cũng thật sự tạo dấu ấn với khán giả. Từng có mặt trong dàn nhạc đệm cho ca khúc này, theo cảm nhận của cá nhân tôi, không ai thích hợp với ca khúc Con cò bằng Tùng Dương. Anh thổi hồn vào ca khúc này bằng cảm xúc rất riêng, bằng cách xử lý ca khúc rất tinh tế”. Đồng thuận với quan điểm này, nhạc sĩ Minh Châu nói: “Tiếng hát Tùng Dương sẽ tồn tại lâu bền trong lòng khán giả yêu nhạc bởi anh hội tụ các điều kiện của một ca sĩ đỉnh cao gồm kỹ thuật thanh nhạc và rất tốt về mặt nhạc cảm. Bằng cách xử lý tinh tế, thông minh của mình, ca khúc Con cò qua tiếng hát Tùng Dương được đẩy lên một cao trào mới, một xúc cảm mới đủ sức rung động trái tim người nghe”.

 

Ngọc Khuê: giọng hát yêu nghề

 

 

Ngọc Khuê

Ấn tượng không kém Tùng Dương ở dòng nhạc âm hưởng dân ca là ca sĩ Ngọc Khuê. Ưu điểm của Ngọc Khuê là chọn cách hát giả thanh để ca khúc của mình có những dấu ấn, cá tính riêng biệt. Từ Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá, Bên bờ ao nhà mình rồi đến Bà tôi, cái tên Ngọc Khuê mặc nhiên được định danh như một thương hiệu vững chắc của dòng nhạc mang âm hưởng dân ca, trên thị trường âm nhạc. Nhạc sĩ Minh Châu nhận định: “Ngọc Khuê hát ca khúc Bà tôi rất quái nhưng không lập dị. Ngược lại nó còn thu hút người nghe bởi sự mới lạ nhưng rất quen thuộc. Một ca khúc hay cộng với sự nhạy bén của ca sĩ, dễ hiểu vì sao Ngọc Khuê được khán giả và giới chuyên môn yêu mến đề cử tại Giải Mai Vàng năm nay. Với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: “Khuê cũng là một giọng hát hiện tượng khi cô chọn cách hát giả thanh cho những ca khúc của mình. Thành công của ca khúc Bà tôi là một ví dụ điển hình. Hơn hết, Khuê chinh phục người trong nghề bởi cô là một giọng hát yêu nghề và chịu đầu tư cho con đường mình lựa chọn".

 

Trọng Tấn: cá tính, tạo dấu ấn riêng

 

 

Trọng Tấn

 

Giống như Ngọc Khuê là Trọng Tấn. Như lời nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, việc Trọng Tấn xuất hiện tại vòng bầu chọn Giải Mai Vàng năm nay không có gì ngạc nhiên bởi giọng hát của anh đã được bảo chứng từ nhiều năm qua. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nói: “Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Kiều Hưng, Lê Dung từng thể hiện rất thành công ca khúc Tiếng đàn bầu. Dẫu vậy, khi hát lại ca khúc này, Trọng Tấn vẫn thể hiện được cá tính, dấu ấn riêng của mình”. Với nhạc sĩ Minh Châu: “Trọng Tấn thổi vào Tiếng đàn bầu một tình cảm rất nồng nàn, sâu sắc mà ý nhị và đặc biệt dễ nghe”. Vì vậy, anh dễ dàng chiếm được cảm tình của khán giả yêu nhạc.

Bài và ảnh: Thùy Trang

nld.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems