Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Hoa rừng Tây nguyên nở giữa lòng Hà Nội...

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Wink [;)] Posted: 11-16-2008 19:45

TT - Ngợp giữa màu xanh quân phục sinh viên ngồi kín sân trường, trong những tiết mục cây nhà lá vườn của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội còn bật lên một ấn tượng rất xanh: ba cô gái nhỏ, được giới thiệu là ba cháu ngoại anh hùng Núp, học sinh hệ trung cấp, trang phục Ba Na, biểu diễn Bóng cây kơnia trên ba cây đàn t’rưng.

 

Ba chị em biểu diễn tại Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội

1

Trong văn phòng khoa sân khấu - điện ảnh - viết văn, ba cô gái líu ríu chuyện Hà Nội - Tây nguyên rồi Tây nguyên - Hà Nội, chuyện rừng chuyện phố, chuyện ông bà, bố mẹ, chuyện hát, chuyện đàn, chuyện cười, chuyện khóc... Hóa ra, chuyện đi học ở Hà Nội của ba “bông hoa rừng” này cũng thật giản dị, hồn nhiên như chất Tây nguyên hoang sơ, trong trẻo đang bừng sáng ba khuôn mặt thiếu nữ: Đinh Thị Hội, cô chị, sinh 1988, Đinh Thị Ngôn 1989 và cô út Đinh Thị Bảy 1990.

Một lần lặn lội lên tận làng anh hùng Núp tuyển sinh, nhạc sĩ An Thuyên quyết định tổ chức một điểm thi tuyển năng khiếu đàn ca ngay trong cái làng có nhà rông tưởng niệm anh hùng Đinh Núp. Ông đại tá hiệu trưởng An Thuyên cũng không ngờ ở ngôi làng Tây nguyên xa ngái ấy, ông đã tìm được ba nụ hoa rừng tươi nguyên hơi thở nồng nàn của núi rừng. Đơn giản ông chỉ lắng nghe ba cô bé (đang học lớp 7 và lớp 8 trường làng) cùng hát bài dân ca Ba Na mộc mạc Gặt lúa đông xuân. Hát rất hay, chuẩn âm và ngẫu hứng phối bè, cả tiếng Kinh lẫn tiếng Ba Na thật điêu luyện mà chưa từng qua trường lớp nào. Cùng hòa ca, chị lên giọng cao thì em xuống giọng, cứ thế bè cao, bè trầm, âm thanh quấn quyện. Ngay hôm sau, ba chị em ruột và một cậu bé người Tày từ vùng núi Việt Bắc đã được chọn lựa từ trên 100 thí sinh thi tuyển...

2

Anh ơi, xuân tươi đã về trên nương. Lúa đã chín vàng. Mau mau cùng em gặt nhanh. Mau mau đón lúa về. Như đôi chim joong tung cánh, như đôi chim chơrao lượn gió. Anh ơi, hãy nhớ gặt nhanh nhanh. Lúa vàng đông xuân đã chín khắp nơi nơi... Nghe ba chị em ngồi hát say sưa trên băng ghế mà cảm như họ đang hát bên bếp lửa nhà sàn Tây nguyên bập bùng.

Cô Huyền Lâm, chủ nhiệm khoa, hài lòng bình luận: “Các em học ở thành phố đến năm 4 mà vẫn giữ chín được tiếng hát khỏe, trong sáng, còn nguyên hoang dại ngây thơ núi rừng. Tự phối bè ngẫu hứng đấy, ngày đó các em còn chưa biết mặt mũi nốt nhạc ra sao... Hát thế thì chuyên nghiệp cũng phải chịu thôi”.

Bỗng thầy An Thuyên xuất hiện, các hoa rừng nhất loạt đứng dậy chào, tác phong quân đội, rồi đồng thanh kêu “bố” hồn nhiên. Quay sang khách lạ, cô chị thứ hai có hai chiếc răng hơi khểnh rất xinh cười bẽn lẽn: “Ở lớp chúng em kêu thầy, giờ thì kêu bố thôi”. Thầy An Thuyên kể:  “Sau lần tuyển sinh ấy nhắm được bốn em, tháng chín tôi đem vở nhạc kịch Đất nước đứng lên phỏng theo truyện của nhà văn Nguyên Ngọc về tận làng Si Tơ của anh hùng Núp biểu diễn. Có đến 80% nhân vật do sinh viên Tây nguyên của trường sắm vai kịch người Tây nguyên, chỉ 20% múa là sinh viên người Kinh.

Dân làng xem thích lắm. Diễn xong tôi tuyên bố ngay, trao ngay giấy báo trúng tuyển cho ba chị em cháu ngoại anh hùng Núp vào học hệ trung cấp Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội ở Hà Nội. Thật ra, ông Núp là anh ruột bà ngoại của các em, song theo tục lệ Ba Na các em vẫn kêu ông Núp là “ngoại” và rất tự hào về người ông anh hùng của mình. Do thế, cha các em thành người trông nom Nhà tưởng niệm anh hùng Núp. Cuộc gặp gỡ này là nhờ cơ duyên trời đất, tôi có công lao gì đâu...”.

Ba chị em đều kêu lên, nhờ bố chúng con mới được ra Hà Nội học hát, học đàn đấy thôi. Bố đưa giấy báo trúng tuyển, chục ngày sau là lên ôtô đi Hà Nội. Mẹ khóc nhìn theo mãi, cha không khóc nhưng không cười nổi. Cô chị Đinh Thị Hội kể tiếp: đi dọc đường tha hồ ngắm cảnh nước non, nước mình đâu cũng đẹp. Nhưng ra đến Hà Nội cả ba chị em lại khóc thật nhiều. Nhớ nhà, nhớ làng, nhớ bố mẹ, anh chị... “Tự mình khóc rồi tự mình nín thôi” - ba cô bé lại cười hiền lành.

 

 

Ba cô gái Tây nguyên bắt nhịp rất nhanh cuộc sống học sinh trường nghệ thuật quân đội, ăn ngủ đúng giờ, học nghệ thuật xen với chương trình phổ thông 12 năm. Hoàn tất trung học nghệ thuật cuối năm học này, lớp trung cấp miền núi 6, khoa nghệ thuật dân tộc và miền núi, các em sẽ thi tiếp hệ cao đẳng và thi tốt nghiệp lớp 12. Nhà trường sẵn lòng đào tạo các em tiếp tục hệ đại học.

3

Ở Hà Nội đã mấy mùa nóng lạnh, chỉ được về thăm nhà dịp hè và dịp tết, hỏi muốn về nhiều hơn thế không, cô nào cũng cúi mặt khẽ thưa rằng “có”. Tết Tây nguyên đến sớm, vùng rừng núi buôn làng Tây nguyên nhiều lễ hội vui thiệt vui nên ba cô đều muốn về nhà nhiều nhiều, “nhưng không được phép đâu, phải học thôi. Không học thì không làm được gì đâu”. Cô út bổ sung: “Học để biểu diễn nữa mà. A, chúng con thi hát ở Liên hoan tiếng hát dân ca và nhạc cụ dân tộc toàn quốc ở Cung thiếu nhi Hà Nội năm ngoái được giải ba, giải tư, hát hai bài Gặt lúa đông xuân và Ru em, đều là dân ca Ba Na”.

Thầy An Thuyên còn có công tổ chức cho ba chị em ban nhạc riêng, đặt tên rất Tây nguyên: Cúc Quỳ; như thầy đã đặt tên cho một nhóm sinh viên Tây nguyên trong trường là Bazan, chuyên biểu diễn hát múa và nhạc cụ sắc màu Tây nguyên.

Ra Hà Nội từ tháng 9-2005, ba chị em nhóm Cúc Quỳ vừa hát múa, vừa chơi chuyên nghiệp và ngẫu hứng ba nhạc cụ Tây nguyên: đàn t’rưng, k’long pút và đinh doong. Cúc Quỳ lên VTV1 hát múa, đánh đàn, gọi điện báo cha mẹ xem, mẹ thích lắm mà sao... khóc hoài! Mẹ nhớ các con gái ra thăm mới một lần, lần đầu đi Hà Nội, thích Hà Nội ngay. Và thấy yên tâm vì ở Hà Nội đã có bố An Thuyên, cô Lâm dạy dỗ.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

tuoitre.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems