Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

“Nhạc viện” sau lũy tre làng

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Idea [I] Posted: 04-14-2007 7:37

“Nhạc viện” sau lũy tre làng - Tuổi Trẻ

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng (phải) hướng dẫn học trò chơi vĩ cầm - Ảnh: Hoàng Hiền
TT - Ngay giữa vùng nông thôn heo hút, nơi người dân vẫn còn chật vật với cuộc sống mà âm nhạc bác học... đang được yêu thích. Mười mấy năm qua, “nhạc viện Ninh Mỹ” (Hoa Lư, Ninh Bình) đã nâng bước cho hàng chục bạn trẻ theo con đường nghệ thuật.

Giai điệu giữa đồng

Tiếng nhạc vang lừng khi chúng tôi đặt chân đến cổng “nhạc viện”. Vào bên trong, bầu không khí còn vui hơn: từng nhóm trẻ con đang miệt mài tập đánh piano, violon, organ và ngân nga luyện giọng. Bản sonat của Beethoven du dương, bản Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ ào ạt... Giữa sân nhà ông Thắng, những chiếc bàn gỗ cũ được kê làm hai dãy. Bên này là thầy giáo Thắng hát với giọng nam trầm, ngây ngất theo điệu nhạc, bên kia là thầy Bôi tung tẩy cùng cây đàn violon. Hai thầy giáo, năm nay tuổi đã thất thập cổ lai hi, biểu diễn mào đầu để bọn trẻ làng phấn khích hơn trong buổi học nhạc.

“Nhạc viện Ninh Mỹ” ra đời năm 1995 khi ông Thắng, một cán bộ lâm nghiệp nghỉ hưu non, mở lớp dạy kèm môn toán miễn phí cho trẻ con trong xóm. Giờ giải lao, ông đem đàn ghita ra đánh “tứng tưng”, trẻ con trong xóm đến xem rồi đòi học. Từng là HS Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Nội nên ông Thắng “ừ” liền. Biết chuyện, ông Nguyễn Văn Bôi, một bạn nhạc tri kỷ của ông Thắng, cũng từ Thanh Hóa ra Ninh Bình để hòa nhịp cung đàn với bạn.

“Nhạc viện” ban đầu chỉ có vài ba cây đàn, không đủ cho đám trẻ thực hành. Hai ông bèn đi lùng mua đàn hư, cũ về cặm cụi sửa chữa. Và giờ thì họ đã có trong tay tới 5 piano, 16 organ, 6 violon và mấy chục ghita, sáo trúc. Nhờ vậy, đến nay hơn 200 bạn trẻ đã được phổ cập âm nhạc. Vào mùa hội diễn văn nghệ, các “nghệ sĩ” nhí lên sân khấu chơi piano khiến người dân quê tròn mắt ngạc nhiên. Đến năm 2002, “nhạc viện” được nâng lên thành Trung tâm học tập cộng đồng xã Ninh Mỹ, ngoài dạy âm nhạc và vi tính còn có các câu lạc bộ vị thành niên, pháp luật, thái cực đạo... Từ ngày được một công ty tặng 20 máy vi tính, trung tâm đã phổ cập tin học hơn 100 lượt người.

Dạy nhạc để rèn người

Thầy Bôi có một cậu học trò đặc biệt, đó là Nguyễn Tiến Việt, cháu nội ông. Trước đây Việt rất lì lợm, hay đánh nhau, trong nhà ai cũng lo. Không quản nổi con, bố mẹ Việt gửi cậu bé từ Thanh Hóa về Ninh Bình cho ông nội “thuần hóa”. Từ ngày được sống giữa môi trường âm nhạc, Việt dần dần bớt nghịch ngợm, hơn thế còn chăm học và nói năng lễ phép. Cậu bé này giờ đây có thể kéo violon và chơi piano.

Sở dĩ người ta thích gửi con đến “nhạc viện Ninh Mỹ” bởi nơi đây không thu học phí. Dạo gần đây các giáo viên cộng tác dạy âm nhạc, vi tính mới được trả chi phí đi lại chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng, nhưng “vì bọn trẻ” nên họ dạy đến chừng nào học trò làm được mới thôi. Tiếng lành đồn xa, có người từ Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang... cũng đến xin học. Trong số đó có H., một bạn trẻ từ Hà Nội về xã Ninh Khánh cai nghiện, sau đó theo học tại “nhạc viện Ninh Mỹ”. Giờ đây, Huy đã trở thành SV Trường cao đẳng Sư phạm nhạc họa T.Ư. Không riêng gì Huy, hàng chục bạn trẻ xuất thân từ “nhạc viện Ninh Mỹ” cũng theo học tại Nhạc viện Hà Nội, ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, Cao đẳng Mẫu giáo T.Ư...

Ông Lã Duy Hiểu là người đã gửi cả bốn cô con gái vào “nhạc viện Ninh Mỹ”. Ông tâm sự: “Tôi mê nhạc nhưng do cuộc sống khó khăn nên không được học, giờ phải cho các cháu học để không bị thiệt thòi như mình”. Từ “nhạc viện” này, Bạch Phượng đã thi vào Trường Nghệ thuật quân đội và trở thành giáo viên dạy nhạc, Tuyết Mai hiện là SV giỏi của Nhạc viện Hà Nội, cô út Đào Anh đoạt giải nhất độc tấu Liên hoan đàn & hát với organ Casio các tỉnh phía Bắc năm 2005. Riêng cô gái thứ hai Minh Thương sau khi tốt nghiệp cử nhân CNTT đã về dạy lại cho đàn em với đồng lương “chết đói”. Cô gái trẻ tâm sự: “Mình sống phải có trước có sau”. Sắp tới, ông Hiểu sẽ cho mượn khoảnh sân trước nhà để “chia lửa” cái khó về mặt bằng với “nhạc viện” đồng quê...

Hiện nay để dạy một cách bài bản và qui củ, hai thầy giáo già đã tự soạn giáo trình dạy nhạc. Thế là một loại nhạc mang tính bác học tưởng chừng như xa xỉ với miền quê nghèo khó lại được phổ cập tại vùng quê chiêm trũng Ninh Mỹ.

THÁI BÌNH - HOÀNG HIỀN

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 4
Nhạc viện này không biết còn tồn tại đến bây giờ không ta? Stick out tongue

Photobucket

Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems