Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Số hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Cool [H] Posted: 10-09-2008 8:13
Vốn nhạc cổ sẽ được lưu truyền và bảo quản tốt hơn nhờ Ngân hàng dữ liệu âm nhạc.

Chạm ngón tay vào màn hình tinh thể lỏng có thể tìm thấy bất cứ tài liệu nào về âm nhạc dân gian. Điều này hiện đã có thể làm được tại Ngân hàng dữ liệu âm nhạc. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng về kho lưu trữ điện tử là Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam Đặng Hoành Loan.

Sau hơn 20 năm lặn lội từ Bắc chí Nam để sưu tầm vốn nhạc cổ, ông Loan luôn trăn trở bởi số lượng các tác phẩm âm nhạc dân gian nhiều vô kể mà sức chứa của kho có hạn, chất lượng lại luôn bị "ác thần thời gian" đe dọa. Tại sao không thử áp dụng phương thức lưu trữ các tư liệu đặc biệt này bằng kỹ thuật số, dễ bảo quản lại tra cứu tiện lợi? Như một sự sắp đặt của số phận, ông có được cuốn Ngân hàng dữ liệu âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn châu Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó có các văn bản giới thiệu chi tiết về hệ thống lưu trữ âm nhạc truyền thống. Ngay lập tức ông Loan đã cùng một nhóm nhân viên của Viện xúc tiến kế hoạch thành lập Ngân hàng dữ liệu âm nhạc điện tử và dự án này được Bộ Văn hóa - Thông tin chấp thuận.

Việc khó khăn nhất là tìm mua trang thiết bị điện tử. Anh Nguyễn Thế Đức, Trưởng phòng Máy công nghệ của Viện, cho biết: "Đây là dự án lớn và rất mới ở Việt Nam nên việc tiếp cận với các đối tác cung cấp thiết bị cho mình rất khó". Sau gần bốn tháng săn lùng trên Internet và các phương tiện truyền thông, Công ty Art Sum, đơn vị chuyên sản xuất phần mềm của Pháp, đã được cả nhóm nhất trí "chọn mặt gửi vàng". Hai tháng sau, phần mềm Ecostream Services (Networked audio and video management) được chuyển về Việt Nam. Trong phòng server (máy chủ) gần 10m2, anh Nguyễn Thế Đức kể về những ngày lang thang trên đất Pháp: "Để mang được các 'ông' này (chỉ vào chiếc máy), tôi đã phải đơn phương độc mã chiến đấu với hàng chục nhà lập trình bên ấy. Họ không biết về âm nhạc dân gian Việt Nam nên không đáp ứng được ngay những yêu cầu ta đưa ra. Tôi đã phải đấu tranh đến cùng, nếu không hoàn thiện sẽ không nghiệm thu". Số lượng bài hát, các dữ liệu âm nhạc dân gian được lưu trữ đã gấp 3-4 lần kho lưu trữ cồng kềnh. Để có được thành công như vậy, số vốn đầu tư lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Việc lưu trữ dữ liệu của Ngân hàng này được thực hiện trên hệ thống cây thư mục nhiều lớp dưới dạng hai ngôn ngữ Anh và Việt. Ví dụ như phần âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn gồm nhiều thư mục nhỏ: các làn điệu dân ca, bài hát cổ truyền, ca kịch, diễn xướng, những điệu múa cổ truyền, múa rối... Trong các làn điệu dân ca lại gồm: hát đồng dao, quan họ, giao duyên, hát ru... Cứ thế tạo thành chuỗi liên kết các thư mục rất thuận tiện cho việc tra cứu. Ngoài ra, những tài liệu liên quan như hồ sơ nghệ nhân, nghệ sĩ, hình minh họa và nhạc cụ dân tộc, tài liệu về các loại hình âm nhạc dân gian cũng được số hóa theo nguyên tắc trên. Điều tạo ra cảm giác thích thú nhất là tất cả thao tác của người tìm kiếm đều không phải dùng chuột máy tính mà chỉ dùng ngón tay, nhờ vào công nghệ màn hình cảm ứng nhiệt.

Chị Ngọc Linh, nhân viên của Ngân hàng, cho biết: "Từ khi ngân hàng này ra đời, công việc lưu trữ, phục vụ của bọn mình đỡ vất vả hơn nhiều. Muốn tìm tài liệu hay cần mua băng đĩa, chỉ cần trỏ vào màn hình là OK".

Tuổi Trẻ

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems