Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nhà nghiên cứu chèo Bùi Đức Hạnh và công trình một đời người

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Yes [Y] Posted: 04-04-2007 9:39
 

TTO - Vừa in xong, cuốn 150 làn điệu chèo cổ (Nhà Xuất bản văn hóa dân tộc ấn hành, Hội nhạc sĩ VN tài trợ, Viện Âm nhạc đầu tư) đã có mặt tại khắp các đoàn chèo trên cả nước. Sách dày tới 618 trang khổ 16x24cm, với nội dung vượt  khỏi cái bìa sách có phần khiêm tốn khi giới thiệu Bùi Đức Hạnh chỉ là nhà sưu tầm và biên soạn.

Công trình một đời

Ông kể: “Việc ghi chép này ngoài năng khiếu còn phải bắt vào cái hồn của các cụ, phải tìm nét ghi chuẩn nhất với cái luyến láy của các cụ, nhịp phách cũng vậy. Sau khi về hưu (1996), tôi mới bắt tay vào làm cuốn sách, vậy mà cảm xúc của tôi vẫn còn nguyên khi nhìn lại những bản ghi.

Tôi bắt đầu quen với chèo từ hồi còn là học sinh. Năm 1959, tôi về Ban nghiên cứu Chèo phục vụ chủ trương phục hồi vốn cổ của Trung ương. Tôi được ban giao cho công việc ghi âm trực tiếp làn điệu chèo từ các nghệ nhân nổi danh như cụ Trùm Thịnh, cụ Cả Tam. Hồi ấy chưa có máy móc hiện đại như bây giờ mà phải ghi sống, tức là các cụ hát từng câu rồi mình hát lại cho các cụ nghe xem có đúng không. Cứ như thế, từng câu, từng đoạn rồi cả bài hát, khi nào cụ chấp nhận mới chuyển sang bài khác. Việc ghi âm của tôi nhanh dần thành kinh nghiệm.

Cứ thế từ năm 1960 đến năm 1964 tôi đã ghi được khoảng 100 điệu. Sau này, tôi bổ sung thêm 50 điệu từ các thế hệ hát chèo thứ hai, thứ ba, toàn là con nhà nòi, và chỉnh lại cách ghi cho cẩn thận. Tôi đã ghi chép tất cả các biến hóa của làn điệu qua các thế hệ. Thế nên cuốn sách này tổng hợp được nhiều vấn đề không chỉ âm nhạc mà có cả văn học của chèo, các điển cố, chú giải từ điệu hát cho đến lời thơ”.

Bùi Đức Hạnh là người duy nhất ghi nhạc cho làn điệu chèo, người không thân thiết với chèo cũng có thể nhìn bản nhạc mà hát được. Trước đây nhà nghiên cứu Hoàng Kiều cũng có cuốn sách Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ (NXB Sân khấu, Nhà hát Chèo VN, năm 2001) nhưng không ghi nhạc mà chỉ có phần lời.

Người cách tân

“Hơn 50 năm làm chèo trên nhiều lĩnh vực, tôi vừa làm vừa học hỏi suy ngẫm...Có lúc tưởng như mình đã nắm bắt được nó, nhưng rồi lại để trượt khỏi tay. Thật là kỳ diệu, chỉ có mấy vuông chiếu cạp điều trống trơn trải trước cửa đình mà đã diễn ra biết bao điều sâu xa, bí ẩn: niềm vui, nỗi buồn, cái thiện, cái ác, những con người lúc tỉnh lúc say, những mảnh đời nhảy nhót tưởng như nghiêm trang mà cứ như đùa cợt...chẳng biết có tự bao giờ mà mê hoặc lòng người!...Đôi lúc trên đường đi đã nhìn thấy vệt sáng le lói nhưng đi mãi, đi mãi mà vẫn không sao tới đích. Hẳn vì con đường chèo khúc khuỷu, quanh co, núi non che khuất nên mình đã loạng choạng, lạc hướng rồi chăng?”.

Ông viết những lời ấy làm đề tựa cho công trình nghiên cứu “Tìm hiểu âm nhạc sân khấu Chèo” ra đời năm 2005, lúc ông đã 71 tuổi, đã sáng tác nhiều kịch bản, đạo diễn nhiều vở lừng danh, viết trên 200 làn điệu cho chèo mới đã qua thử thách sân khấu, có công phục hồi không gian chèo sân đình bên cạnh sân khấu đóng hộp, đoạt nhiều giải thưởng cho vở diễn và công trình nghiên cứu và...từng mang tiếng xấu không ít.

Vị cựu giám đốc Nhà hát Chèo VN này chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều tháng ngày tranh luận giữa phe ủng hộ cách tân và phe muốn giữ nguyên cái cũ sau khi cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang làm vở chèo Một tình yêu sẽ đến lược bớt những í a i ơi, kết hợp với một số loại hình sân khấu và âm nhạc để kéo khán giả trở lại với Chèo vào những năm 1980, khi nhạc vàng, cải lương tràn đến từ miền Nam đe dọa cô lập sân khấu chèo.

Tiếng xấu “kẻ phá chèo” của ông đã được giải tỏa sau khi người ta chứng kiến sức sống của những vở chèo như Hồ Xuân Hương, Nàng Sita, Hồn Trương Ba...Ông vượt qua thời kỳ bị phê phán một cách bình thản vì biết rõ việc mình làm: “Không có chèo cổ thì không có chèo mới. Không có chèo mới thì chèo cổ cũng chỉ đem xếp vào kho. Một mặt lưu giữ nó, một mặt phải đưa nó ra với cuộc sống để nó là một bảo tàng sống chứ không phải một bảo tàng chết. Khi đi tiên phong bao giờ cũng va chạm với những tư tưởng bảo thủ, mình cần phải biết rõ mình làm với mục đích gì, cho ai xem. Ví dụ như khi làm vở Nàng Sita tôi biết là tôi làm cho lớp trẻ xem, ông già không thích thì mời ông ra ngoài”.

Cho đến tận bây giờ ông vẫn không ngừng học cái mới, vẫn còn có thể giật mình bởi những người trẻ. Đó là nghệ sĩ trống xuất thân từ Nhà hát Chèo VN Sơn X và biên đạo múa Thủy Ea Sola. Ông theo sát những tác phẩm của họ, xem cách họ biến hóa âm nhạc truyền thống đưa vào các vở múa một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả, ông bảo: “Ừ nhỉ, nó có thế sao mình không nghĩ ra!”.

báo Tuổi Trẻ.

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems