Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Giáo sư Trần Văn Khê mời bạn trẻ “đến chơi nhà”

rated by 0 users
This post has 2 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Yes [Y] Posted: 03-29-2007 1:56

Giáo sư Trần Văn Khê mời bạn trẻ “đến chơi nhà”

 

Một buổi hát và nói chuyện về ca trù tại nhà giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: T.T.D.
TT - Đêm sinh hoạt nghệ thuật định kỳ lần 4 tại tư gia GSTS Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh,  TP.HCM) sẽ diễn ra lúc 19g30 ngày 3-4-2007.

Lần này, giáo sư sẽ giới thiệu và biểu diễn minh họa các loại trống và nhạc lễ miền Nam gồm các nội dung: trống trong bát âm, cách dạy và học đánh trống theo cổ truyền, dàn nhạc ngũ âm với những nhạc cụ như kèn tiểu, kèn trung, kèn đại, nghệ thuật vỗ bồng đang bị thất truyền...

Điều đặc biệt, lần này bên cạnh những nghệ sĩ và bạn bè thân hữu, giáo sư sẽ dành 40 ghế thưởng lãm cho những bạn trẻ thật sự yêu mến cổ nhạc VN, với mong muốn người trẻ cũng được tiếp cận với những loại hình âm nhạc độc đáo này. Bạn trẻ nào thật sự có nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu hãy liên hệ nhận vé mời tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ trước ngày 3-4-2007 (giờ hành chính). 

H.OANH

 

traudat: Có bạn nào có thể tham gia được về làm cái phóng sự lên diễn đàn thì hay quá

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3

Sốt vé “thăm nhà” giáo sư Trần Văn Khê

 

Giáo sư Trần Văn Khê và NSND Trà Giang sau một đêm diễn tại nhà - Ảnh: T.T.D.

TT - Như thông tin vừa đưa, giáo sư Trần Văn Khê có nhờ Tuổi Trẻ tặng 40 vé tham dự chương trình giới thiệu trống và nhạc lễ miền Nam tại nhà mình vào tối 3-4-2007 cho những bạn trẻ có nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu.

Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sáng hôm qua (29-3) số lượng vé đã được phát hết, có học sinh còn đến chờ sẵn ở tòa soạn từ sáng sớm để nhận vé. Nhiều bạn trẻ chậm chân hơn đành thất vọng quay về. Cũng có bạn để lại số điện thoại liên lạc để nhờ... đặt chỗ giùm cho lần sau!

Bất ngờ nhưng tràn đầy niềm vui, theo lời ban tổ chức, nếu chương trình đêm 3-4 thành công, có thể giáo sư Khê cùng hội thân hữu của mình sẽ phối hợp tổ chức thêm một đêm nữa và sẽ dành toàn bộ khán phòng 70 chỗ cho các bạn trẻ.

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3

Hạt mầm đã gieo...

 

Sau buổi diễn, nhiều bạn trẻ đã đến nắm tay bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình với giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: H.O.

TT - Tối 3-4-2007, trước hơn 70 khán giả và bạn bè thân hữu trong buổi giao lưu văn nghệ tìm hiểu về trống và nhạc lễ miền Nam (*), giáo sư Trần Văn Khê đã hơn một lần bảo rằng: “Hôm nay tôi vui lắm!”.

Giáo sư vui cái niềm vui thần tiên của một người đã đi ngược về xuôi, qua bao thăng trầm, thay đổi của thời gian nay bỗng nhiên được trẻ lại mấy mươi năm, nghe lại những âm thanh xưa cũ từ những nghệ nhân, nghệ sĩ còn rất trẻ.

Đó là dàn nhạc lễ Gò Vấp của gia đình nghệ nhân Tám Nhứt với những bài bản như đánh thét, trống lạy, ba hồi chín chập, nghệ thuật vỗ bồng đang bị thất truyền... Hay như chuyện nghệ sĩ Đức Dũng của nhóm Phù Đổng đã lặn lội ra tận Hà Nội để học cách sử dụng bộ gõ sanh sứa từ một truyền nhân duy nhất còn lại (nay đã thất nghiệp và đang làm bảo vệ tại một nhà hát ở Hà Nội).

Không chỉ giáo sư Trần Văn Khê xúc động, tất cả những khán giả có mặt trong đêm diễn đã bị cuốn vào những tiếng trống, tiếng chiêng như có lửa, có hồn cùng phong thái biểu diễn xuất thần, như mê, như say của người nghệ sĩ.

Giáo sư lại vui một niềm vui khác, hồn nhiên và giản dị về một đêm diễn ấm cúng như thế này. Nơi người nghệ sĩ và khán giả tìm đến với nhau để tôn vinh âm nhạc. Ông tâm sự cả cuộc đời mình đã dành để phụng sự cho âm nhạc, nhưng khi về nước ông đã rất buồn vì thấy âm nhạc dần dần trở thành một món hàng thuận mua vừa bán, "thương nhất là mấy cháu phải đi đàn cho quán ăn, giữa lúc ăn uống hỗn độn như thế, âm nhạc có còn được thưởng thức đúng nghĩa?”.

Và giáo sư vui còn là vì lần đầu tiên có rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến với cổ nhạc, “ngoan ngoãn” ngồi nghe và không... bỏ về giữa chừng. Có nhiều bạn còn cất lên “tiếng nói thanh niên” mà ông bảo rằng mình “thèm” nghe biết bao.

Bạn Phạm Cao Hách (sinh viên năm 3 - ĐH Kiến trúc TP.HCM) thẳng thắn bày tỏ: “Trường của chúng cháu vẫn có tiếng trống vào mỗi dịp lễ, nhưng tiếng trống ấy trở nên đơn điệu và lạc lõng giữa những tiếng guitar điện, tiếng nhạc rock, tiếng trống jazz thời thượng mà chúng cháu đang bị mê hoặc. Thú thật khi xem xong chương trình này cháu cũng chưa hiểu lắm những gì bác Khê nói, nhưng cũng từ đây cháu biết rằng chúng ta có một nghệ thuật trống độc đáo và không thua kém bất cứ dân tộc nào”.

Đó cũng chính là tâm nguyện mà giáo sư đã dành cả cuộc đời để cống hiến, bởi âm nhạc dân tộc VN là cả một nghệ thuật tinh tế và cảm động, khởi nguồn từ lời ru của mẹ và cứ thế mà thành một dòng chảy âm thầm nhưng mãnh liệt qua bao nhiêu thế kỷ.

Niềm vui của vị giáo sư già thỉnh thoảng vẫn xen lẫn những tiếng ho khúc khắc, nhưng ông vẫn hóm hỉnh bảo: “Hôm nay tôi đã gieo một hạt mầm trên mảnh đất phì nhiêu, mong rằng mai này hạt mầm ấy sẽ lớn lên thành cây to!”. Đó là những hạt mầm của tiếng lòng dân tộc ...

HOÀNG OANH 

(*) Chương trình giới thiệu trống và nhạc lễ miền Nam sẽ được tổ chức lại vào sáng 6-5-2007 tại Cung văn hóa Lao động, TP.HCM. Vào cửa tự do.

Tuổi Trẻ 

Page 1 of 1 (3 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems