Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Lê Thái Sơn - Người bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Star [*] Posted: 09-25-2006 21:29

Người bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Đó chính là nghệ sĩ Lê Thái Sơn - người đã biết tận dụng các loại cây để sáng tạo ra những nhạc cụ với âm thanh trong trẻo, thánh thót, trầm bổng mang hơi thở của văn hoá dân tộc Việt Nam…

 

 

 

 

Tre, trúc vốn là những loại cây rất gần gũi với người dân Việt Nam và có mặt khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc. Chúng vừa có thể dùng để làm nhà, làm vách cũng như làm được cả đàn, sáo đem lại cho người nghe những âm thanh du dương, trầm bổng…

 

Ngày nay, với sự lên ngôi của các loại đàn điện tử phương Tây thì các loại nhạc cụ dân tộc, như sáo trúc có phần bị lãng quên. Có một nghệ sĩ đã dành nhiều công sức và tình cảm để khôi phục, bảo tồn, sáng tạo và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đó chính là nghệ sĩ Lê Thái Sơn.

 

Sáo trúc là một loại nhạc cụ rất quen thuộc và phổ biến ở nước ta. Trong các lễ hội, tiếng sáo vang lên ở sân đình cùng với dàn nhạc chèo, tuồng… Âm thanh của sáo trúc gợi lên khung cảnh đồng quê, làng xóm yên ả của nông thôn Việt Nam thanh bình. Cây sáo Việt Nam đã được các nghệ sĩ nâng lên thành một nhạc cụ độc tấu để biểu diễn những bản nhạc hết sức hấp dẫn với kỹ thuật trình tấu phức tạp, tinh tế. Trên sân khấu ca nhạc ở trong nước và thế giới, cây sáo Việt Nam đã làm rung động hàng triệu trái tim những người hâm mộ nghệ thuật.

 

Học sáo từ năm 1967 tại khoa Văn hoá quần chúng trường Lý luận nghiệp vụ Văn hoá, năm 1970, nghệ sĩ Lê Thái Sơn tốt nghiệp và về làm việc tại tỉnh Sơn La. Sau đó, anh chuyển về công tác tại Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây cho đến nay. Công việc của Trung tâm Văn hoá chủ yếu là tạo dựng phong trào văn hoá quần chúng. Nghệ sĩ Lê Thái Sơn có một ấp ủ là làm sao để bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc mà ngày nay đang bị mai một đi, làm thế nào cho du khách nước ngoài biết rằng văn hoá Việt Nam cũng không thua kém gì văn hoá các nước trên thế giới. Với suy nghĩ đó, anh đã nghiên cứu chuyên sâu về âm thanh qua cây sáo và cây đàn T'rưng - những loại nhạc cụ dân tộc làm bằng cây họ tre- trúc.

 

Cây sáo có một vị trí rất riêng mà không một loại đàn điện tử nào có thể thay thế được. Muốn thể hiện được tiếng sáo hay, một giai điệu ngọt ngào thì phải xuất phát từ nội tâm của người thổi. Chính vì vậy, khi đến nhà anh Lê Thái Sơn, chúng ta như thể được tham dự một cuộc triển lãm sáo và đàn. Người nghệ sĩ này đã chế tạo ra được các loại sáo: Sáo trúc, sáo Mèo, sáo của người Tà Ôi, sáo dọc, sáo ngang có chất lượng âm thanh đạt chuẩn, âm sắc trong trẻo. Không chỉ khôi phục lại những nhạc cụ dân tộc, anh Sơn còn thổi sáo rất hay…

Bên cạnh việc gìn giữ và sáng tạo ra các loại sáo dân tộc, nghệ sĩ Lê Thái Sơn còn cố gắng cải tiến cây đàn T’rưng. Trong những ngày Văn hoá Việt Nam tại Moscow (Liên bang Nga) vừa qua, những chiếc đàn T'rưng với kích thước to, nhỏ do anh sáng tạo được các bạn Nga giơ cao trước ống kính truyền hình. Cây đàn T’rưng với nhiều loại có thể đặt trên bàn hoặc đem đi xa rất gọn. Nhiều loại chỉ có cung âm để chơi nhạc Tây Nguyên. Anh còn tạo ra đàn T’rưng với đủ các thang bậc âm thanh để chơi các bản nhạc quốc tế.

 

 

Anh Sơn biểu diễn bản nhạc trên cây đàn P’rông
Anh Sơn biểu diễn bản nhạc trên cây đàn P’rông

Ngoài việc bảo tồn đàn, sáo dân tộc, với ý tưởng sáng tạo, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã làm ra một loại đàn mà trong từ điển âm nhạc Việt Nam chưa có. Đó là cây đàn P’rông. Theo anh Sơn, cây đàn có tên là P’rông là vì có hình dáng giống với mái nhà Rông của người dân Tây Nguyên, còn các phím của cây đàn giống với đàn piano. P là âm đầu tiên của cây đàn piano, còn rông có nghĩa là ngôi nhà Rông - biểu tượng của văn hoá Tây Nguyên đã đi vào tiềm thức của người Việt Nam.

 

 

Nghệ sĩ Lê Thái Sơn cho biết: Qua cây đàn, du khách có thể hiểu sâu hơn về những nét văn hoá của người dân Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

 

Ý tưởng về sự kết hợp giữa cây đàn piano và mái nhà Rông Tây Nguyên xuất hiện trong tâm trí của anh Sơn vào đầu năm 2002, nhưng đến giữa năm, anh Sơn mới bắt tay vào thực hiện và đến cuối năm mới xong. Từng cây trúc, gióng trúc mà anh Sơn chọn để chế tác cây đàn cũng rất cẩn thận. Trúc chọn phải là trúc già. Nếu lấy trúc vào mùa măng, ống sẽ nhanh mọt; phải là trúc độ cuối thu, đầu đông mới bền, tốt. Khi trang trí nóc nhà rông và phần thân cây đàn với hoạ tiết, hoa văn đẹp mắt, anh Sơn còn nhờ tới đôi tay tài hoa của một người bạn là nghệ nhân mây tre đan nổi tiếng Nguyễn Văn Trung.

 

Cách chơi đàn P’rông hơi giống cách chơi đàn piano nhưng đôi tay người nghệ sĩ không lướt nhẹ nhàng trên dàn phím như piano mà phải rung-nhấn tạo độ âm vang, giòn giã, thánh thót cho tiếng đàn. Hoạt động của phím đàn và cặp đàn khiến người ta liên tưởng tới chiếc cối giã gạo của các cô gái Tây Nguyên. Người nghệ sĩ chơi đàn P’rông không gõ vào phím đàn mà nhấn phím. Nhấn một cái, phím đàn được rung lên rồi hạ xuống như người giã cối gạo. Một người chơi đàn P’rông có thể thay thế cho 5-6 người nếu chơi cặp lắc theo thông thường. Cứ như dòng âm thanh của tiếng suối chảy róc rách và các bản nhạc dân ca Tây Nguyên, đàn P’rông thể hiện âm thanh cuộc sống của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Âm thanh của cây đàn rộn rã, mang âm hưởng của ngày hội mùa Xuân.

 

Anh Sơn muốn giới thiệu cho nhiều người, đặc biệt là các học sinh biết đến các loại nhạc cụ bằng tre, trúc. Anh còn muốn giới thiệu với du khách quốc tế nhạc cụ dân tộc Việt Nam vì đây là nét văn hoá của người Việt. Năm 1990, anh Sơn đã mở lớp nhạc cụ dân tộc ở chùa Trầm (Hà Tây) và cùng với một vài trợ giảng dạy từ thiện ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cũng như dạy miễn phí về nhạc cụ dân tộc cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Anh cũng đã đào tạo được một số sinh viên ở Nhạc viện và trường Đại học Văn hoá (Hà Nội) đạt giải cao trong các cuộc thi âm nhạc dân tộc.

 

Sự sáng tạo của người nghệ sĩ không bao giờ có giới hạn. Hiện tại, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đang ấp ủ một số dự định sáng tạo những loại nhạc cụ mới và độc đáo để phục vụ người dân. Với anh Sơn, niềm vui lớn nhất là được đóng góp công sức, lòng say mê sáng tạo vào việc phát huy, bảo tồn kho nhạc cụ dân tộc quý giá và độc đáo của cha ông…/.

 

Theo Chu Miên  - vov.org.vn
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems