Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
copy from : 1nhacviet.org
Đi tìm cái hồn của sáo
Nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh là người Kinh, nhưng đồng bào Mông ở Tây Bắc mỗi khi nghe tiếng sáo của ông đều nói: "Hơ, ông cũng là người Mông à?". Quê ông ở Hà Tây, cha mẹ làm trong ngành đường sắt, phần lớn thời gian bận bịu với những chuyến tàu. Ông đến với sáo chỉ là một sự tình cờ khi nghe những tiếng sáo thô mộc của đám bạn chăn trâu. Về nhà ông chặt trúc, tự làm một cây sáo đầu tiên để mày mò học. Cứ thế, sự đam mê rèn tiếng sáo cho ông. Năm lên 15, 16 tuổi ông đã tự tin nâng sáo lên môi trước mọi người. Nhưng đó vẫn chưa phải là giai điệu của một nghệ sĩ mà chỉ là tiếng sáo của một chàng trai làng đam mê đến mức trốn học đi tìm những tiếng sáo hay, có cả những đêm trăng sáng thức trắng lang thang một mình giữa đồng để luyện sáo...
Khi gia đình ông chuyển hẳn lên Lào Cai sinh sống, ông đã nghĩ rằng sự đam mê của mình có thể phải xếp lại từ đây. Nhưng rồi một lần đang buồn bã lang thang giữa rừng tre vắng để tìm một cây trúc ra hoa, ông đã sững lại trước làn điệu sáo của đôi trai gái Mông. Họ ngồi sát bên nhau, vai kề vai, đầu ngả vào đầu. Và suốt hàng giờ như thế không ai nói với ai câu nào, chỉ lấy tiếng sáo để tâm sự cùng nhau...
"Anh muốn nói với em rằng anh vẫn chưa có vợ Bếp lửa nhà anh chiều chiều vẫn chưa ai thổi hồng than..." "Và em cũng muốn nói với anh rằng em chưa nắm tay ai Em muốn được ngày ngày địu gùi giẫm theo cái bóng của anh...".
Ông chưa biết họ cũng chưa bao giờ được nghe làn điệu sáo đó, vậy mà vẫn bất ngờ đọc được những lời tâm sự của họ. Ông bừng tỉnh, ngộ ra sự sâu thẳm nhất của "cái hồn sáo trúc" cũng chính là sự mộc mạc nhất của nỗi lòng người thổi sáo.
Thế rồi từ đó ông luôn để tâm tìm kiếm, học hỏi các tiếng sáo dân tộc. Đặc biệt sáo Mông có sức quyến rũ kỳ lạ đối với ông. Kể về điều này, ông nhẹ nhàng ví von: "Tôi nghe tiếng sáo người Mông như có tiếng gió lùa, lá reo trên các vách đá. Và tôi nghe tiếng sáo của người Dáy, người Khơ Mú lại thấy mình như đang đứng bên dòng suối róc rách, có con chim đang tìm cá, có cô gái đang gội đầu vỗ mái tóc dài vào dòng nước...".
Để tìm kiếm các giai điệu sáo đặc sắc, ông lặn lội vào làng bản, sống với người dân tộc như chính họ. Ông kể với tôi, sau này và cả đến khi ông không còn đủ sức thổi sáo, ông vẫn không thể quên được hình ảnh một người Mông uống rượu, thổi sáo, múa võ trong đêm trăng trên đỉnh núi cao mù sương. "Ông ấy là Giàng A Chả, bây giờ làm bí thư xã Cán Cấu, huyện Bắc Hà, không biết có còn thời gian thổi sáo, múa võ nữa không?". Đêm ấy ông cũng nâng chén rượu ngô và đưa sáo lên môi hòa cùng giai điệu của Giàng A Chả. Giữa cõi đất trời tịch mịch, ông như quên hết tất cả!
Không chỉ tìm tòi các giai điệu sáo và trở thành một nghệ sĩ thổi sáo nổi tiếng, Lương Kim Vĩnh còn học cách làm sáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Có một ấn tượng mãi đậm nét trong ông là hình ảnh một ông già miền núi vừa ngồi nhai trầu bỏm bẻm vừa làm sáo. Mỗi khi thử tiếng sáo lại nhổ bã trầu và cứ lắc đầu: "Hơ, cái này chưa thể nói lời của tao được". Ông hiểu ra rằng cây sáo đối với người dân tộc Tây Bắc cũng chính là ngôn ngữ của họ. Họ có thể trách móc, tâm sự, dạy bảo và tỏ tình với nhau hoàn toàn chỉ bằng tiếng sáo, nhưng ông muốn cải tiến thêm nó để mọi người dù ở đâu cũng có thể cùng nghe, cùng chan hòa cảm xúc... Và đây cũng chính là nỗ lực miệt mài của ông cho cây sáo. Chỉ mỗi một mẩu đồng tăng âm cao, thấp ông đã phải thức trắng nhiều đêm để làm thử. Rồi từ một cây sáo đơn dân tộc ít nốt nâng lên thành một dàn sáo 5, 6 cây với cả khèn môi để có thể diễn tả được nhiều giai điệu, thang âm khác nhau. Nhà ông trên đường Quy Hóa, thị xã Lào Cai, dành hơn nửa gian cho sáo và các ống tre trúc ngổn ngang.
Những chuyến phiêu du
Ông tâm sự rằng "Hồn của sáo. Hồn của nghệ sĩ chính là đây. Khi anh gồng mình lên, khi anh nghĩ mình phải cố gắng có nghĩa là anh sẽ thất bại. Tôi thổi sáo trên sân khấu cũng như đang thổi sáo ở giữa núi rừng. Lúc đó chỉ có sự đam mê thôi thúc tôi và tôi hoàn toàn thả hồn trôi theo chuyến phiêu du...". Không chỉ biểu diễn trong nước, ông còn được mời đi diễn ở rất nhiều nước trên thế giới. Những ngày này, ông đang háo hức chuẩn bị cho tiết mục của mình trong chương trình những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga vào đầu tháng 11 tới.
Bây giờ sức yếu, chân mỏi rồi nhưng ông vẫn thèm đi lắm, đi về chốn rừng sâu núi cao, nơi có các bản làng dân tộc. Đời ông phần lớn gắn liền với những chuyến đi đó. Con ngựa thồ bao gạo, đồ đạc đi trước, ông và các bạn diễn đi bộ theo sau. Có những chuyến đi hàng ngày trời như thế, vượt qua các cánh rừng sâu, các dãy núi tai mèo cao chót vót. Đến nơi, bắp chân ông sưng phù lên, các ngón tóe máu. Nhưng khi đưa cây sáo lên môi ông lại quên đi tất cả... ''Tôi rất xúc động khi ở cái bản Mèo thuộc huyện Bát Xát ấy chỉ có đúng 14 người, còn đoàn diễn của chúng tôi đến 20 người. Không biết chúng tôi đến vào lúc nào, nhưng họ đã ngồi đợi sẵn từ rất lâu với mấy cân ngô, sắn và con gà để tặng chúng tôi sau buổi diễn..." -ông kể. Đêm ấy, ông đã thổi sáo gần như suốt đêm... Rồi những người dân tộc trong tình cảm ngây ngất đã lấy những chiếc sáo mộc mạc của họ ra.. để hòa điệu cùng ông.
Một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi là trong một buổi sớm đi chợ phiên Bắc Hà, khi đồng bào dân tộc đang buôn bán huyên náo tất cả chợt ngừng lại để nghe loa phóng thanh địa phương truyền tiếng sáo của ông qua đài phát thanh. Họ bảo: "ông Vĩnh thổi sáo của chúng tao đấy". Trong phiên chợ đó ông đã nhìn thấy hình ảnh một đôi bạn ở hai bản cách xa tình cờ hội ngộ và đã mời nhau vào quán uống rượu. Hai người vợ ngồi sau lưng phe phẩy quạt cho chồng, khi người chồng say, hai cô vợ bế chồng bỏ lên lưng ngựa và lững thững dắt về bản. Chính những hình ảnh và tình cảm ấy đã tạo cảm hứng để ông sáng tác những bài Phiên chợ Bắc Hà rồi Đêm trăng bản Mèo dành cho sáo...
Đàn ông thổi sáo phải mặc váy đàn bà
Đó là phong tục của đồng bào S'Triêng ở Kon Tum. Loại sáo này có tên là đinh tút, được chế tác bằng những ống tiêu, hoặc ống nứa. Đinh tút gồm 6 ống nứa tách rời, có đường kính bằng nhau nhưng dài ngắn khác nhau. Mỗi ống nứa, một đầu có mắt bịt, đầu kia được vát hai đường chéo, một đường chéo để tỳ vào môi, đường chéo kia để đón hơi từ miệng thổi vào. Một ống đinh tút như thế có thể kêu từ một đến hai âm, thổi hơi nhẹ thì kêu tiếng trầm, mềm, thổi mạnh hơn một chút kêu âm vực trung và nếu thổi mạnh hơn sẽ phát ra âm cao. Sử dụng đinh tút bao giờ cũng phải có 6 người, mỗi người một ống, xếp theo thứ tự từ ống dài nhất đến ống ngắn nhất. Khi biểu diễn, người sử dụng ống ngắn nhất là người chỉ huy.Điều thú vị là đinh tút của người S'Triêng chỉ có đàn ông thổi và khi thổi đinh tút thì những người đàn ông đó dù già hay trẻ đều phải đóng giả làm đàn bà. Họ không được đóng khố mà phải khoác tấm đồ che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ thò một tay ra cầm ống đinh tút để thổi. Tại sao lại như vậy? Các nghệ nhân cho biết: Điều này đã trở thành tập quán từ rất xa xưa. Khi ấy nhạc cụ này thường chỉ dùng cho lễ cúng, đặc biệt là lễ cúng lúa, để gọi hồn lúa, đưa đường đón lúa từ nương rẫy về buôn. Mà hồn lúa theo quan niệm của người S'Triêng là một cô gái xinh đẹp nhưng rất yếu đuối, lại nhút nhát nữa. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, nàng tiên lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy. Nàng tiên lúa bỏ chạy thì sang năm sẽ mất mùa, đói kém cho nên khi thổi đinh tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà. Vậy là từ một quan niệm mang tính lễ nghi nông nghiệp đã hình thành lối diễn tấu nhạc cụ rất độc đáo có một không hai của đồng bào S'Triêng. Thường khi biểu diễn, các nghệ nhân bao giờ cũng kết hợp với múa. Đội hình múa theo chiều ngược kim đồng hồ, động tác múa ngây ngất, lắc toàn thân như múa say rượu. Không bao giờ có chuyện ngồi thổi đinh tút, chỉ đứng thổi và cũng không đứng yên. Các nghệ nhân luôn di chuyển theo hình vòng cung.Âm thanh đinh tút của người S'Triêng có tiếng ngân khác hẳn tiếng đinh tút của người Êđê. Nó mô phỏng tài tình hơi thở của thiên nhiên, của Tây Nguyên hoang sơ và hùng vĩ. Minh Huệ
( http://vietnamcayda.com/diendan/showthread.php?t=7246 )
Đào Hoa Ảnh Lạc Mai Thần Kiếm Bích Hải Triều Sinh Táng Ngọc Tiêu
Truyền nhân cuối cùng của bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương”
Đường đất. Hơi đất bốc lên nồng nặc, cuốn theo mù mịt khói bụi. Chiếc Simson cũ kỹ phịt khói đen sì, khằng khặc lao đi. Bản Rừng Phe cứ dần hiện lên trong tâm tưởng tôi. Nơi đó núi rừng đang chở che, đùm bọc một người con mà người Tày vẫn coi ông là truyền nhân cuối cùng của bài võ sáo của nghĩa quân Yên Thế...
“Báu vật” của núi rừng Yên Thế
Mặt trời lụi tắt sau những tán rừng già. Dân - anh bạn cùng đi nhìn mặt trời rồi nói vọng lại với tôi, “cán bộ coi, nắng rát da thế này chốc nữa sẽ có con mưa”. Đó là theo kinh nghiệm đi rừng của Dân. Đúng vậy. Chừng 30 phút sau, trời đất như tối sầm lại. Sét rách trời ở phía đằng Đông. Sấm nối đuôi nhau trên những triền núi, kéo về tít tận những cánh rừng già xa tắp. Mưa tối mắt tối mũi. Mưa xối xả, mưa như trút nước. Đường đất trở nên trơn hơn. Chiếc xe thỉnh thoảng lại trở chứng khiến chúng tôi vào Rừng Phe khi trời đã nhập nhoạng. Khi tạnh mưa, trời lại sáng hơn và trăng bắt đầu nhấp nhú.
Ngôi nhà ông Trưởng bản Triệu Quốc Uý nằm ngay bên hẻm núi. Thấy khách lạ, người con cả buông bát cơm đang ăn dở ra đón chúng tôi. Cả gia đình ông, bà, con cháu ba thế hệ quây quần bên mâm cơm. Anh cả trong nhà trải chiếc chiếu cói giữa sân, bê thêm ấm trà mời khách. Ông Uý đã già, nhưng người cao lớn, giọng nói vẫn còn sang sảng lắm. Người dân sinh sống ở bản Rừng Phe vẫn gọi ông Uý là “Hùm thiêng Yên Thế”. Chính vì vậy mà chức trưởng bản vẫn được người Tày ở đây tín nhiệm bầu ông trong nhiều năm qua. Ông giỏi võ, vì được người cậu ruột của mình là cụ Châu Đoàn truyền dạy thuở tóc còn để chỏm. Cụ Châu Đoàn trước đây là một trong những người lính trong nghĩa quân Yên Thế, nổi danh ở các tỉnh Cao – Bắc – Lạng vì văn võ song toàn của mình. Cậu bé Uý từ nhỏ đã bộc lộ những phẩm chất của một người sáng dạ, học một biết mười. Đến tuổi bẻ gãy sừng trâu, tiếng tăm về võ thuật của ông cũng theo làn gió mà lan khắp bản trên, xóm dưới, tới tận cuối rừng già Yên Thế. Ngày đó, ở Yên Thế rừng hoang sơ, rậm rạp, ít cư dân sinh sống. Bởi vậy mà nghĩa quân Yên Thế đã dựa vào thế của rừng để hoạt động. Nghĩa quân Yên Thế đã đóng quân xung quanh Rừng Phe này. Người Tày gọi Rừng Phe cũng có nghĩa là một khe nước.
Chính vì sự hoang sơ, âm u của rừng già mà ngày xưa bọn thổ phỉ vẫn ngang nhiên càn quấy dân lành. Dân làng Rừng Phe đã nhiều phen điêu đứng. Một số người thậm chí có ý định bỏ bản, bỏ làng, sang vùng đất mới lập nghiệp. Cậu Uý tập hợp thanh niên trai tráng trong làng, dưới sự chỉ huy của các bậc “bô lão” có kinh nghiệm sa trường, trận mạc, đêm bí mật ra suối mài gươm, ngày vào rừng luyện binh đao, cung nỏ. Những tay cưỡi ngựa giỏi của người Tày cũng được mời về truyền dạy. Chẳng bao lâu sau, đội quân hùng mạnh của ông Uý đã “đánh Đông dẹp Bắc” quanh bản làng, xua đuổi thổ phỉ, giữ yên cuộc sống cho bản làng. Trong thời kỳ chống Pháp, ông Uý được vinh dự bảo vệ Bác Hồ tại Tuyên Quang. Và sau này ông là cận vệ thân tín của đồng chí Nguyễn Đức Tâm, một cán bộ cao cấp của Đảng ta.
Tiếng sáo dưới trăng ngà
Khi được tôi hỏi về bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” thì ông Uý chợt giật mình. “Chú tận Hà Nội mà cũng biết bài võ sáo đó ư? Bài đấy là bí mật của nghĩa quân Yên Thế, của người Tày bản Rừng Phe đấy...”. Nói mãi, cuối cùng ông Uý cũng đồng ý kể cho chúng tôi nghe về bài võ sáo độc đáo dùng để tu luyện ý chí cho đội quân của Hoàng Hoa Thám mà người cậu ruột Châu Đoàn truyền cho ông.
Thời kỳ đầu, những người làm sáo thường lấy thân cây trúc già. Cây trúc đó phải được lấy từ bụi trúc có trăm năm tuổi tít tận rừng già. Thân trúc phải nhỏ. Nhỏ nhưng cứng và dẻo. Trong phải có độ rỗng nhất định. Thân càng rỗng, càng thẳng, ngoài càng mảnh thì tiếng sáo càng thanh và âm vang của nó mới xa. Sau này, vì rất khó tìm được những bụi trúc như vậy, nên nghĩa quân Yên Thế thường phải tự đúc bằng sắt. Đầu cây sáo được chạm khắc hình âm dương trong Kinh dịch và được buộc tua vải màu rực rỡ. Chiều dài của cây sáo khoảng cỡ từ 70 – 80 cm. Để có thể tấu lên bản võ sáo mà ngày xưa nghĩa quân Yên Thế thường chơi đòi hỏi người thổi phải có một sức lực sung mãn. Người thổi sáo, vừa thổi vừa biểu diễn các thế tấn công, phòng thủ. Có 6 thế tấn công, 13 thế đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể cho từng động tác. Bao gồm thế lập tấn, thế tả hữu, thế xà hoành nhập trận, long hổ hội, hoành thoái bộ, tam hoa cái đỉnh, tả hữu thu luân... Song song với các thế là những động tác võ thuật tương ứng. Vừa biểu diễn võ thuật bằng chân, tay vừa cầm sáo véo von thổi.
Người thổi sáo phải nhanh nhẹn, chuyển từ thế phòng thủ sang thế tấn công. Tất nhiên, bài võ sáo nặng về biểu diễn trong những đêm trăng thanh, đặc biệt là trong hội khao quân của Hoàng Hoa Thám để động viên quân sĩ. Theo ông Uý thì bài sáo này được gọi là võ sáo vì nó không chỉ thổi sáo đơn thuần mà vừa thổi, vừa biểu diễn võ thuật. Cái khó là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hơi người thổi và các động tác võ thuật đẹp mắt. Chính vì vậy mà để học được bài sáo này không hề đơn giản chút nào.
Truyền nhân nào nữa?
Chúng tôi đã hỏi ông Uý điều đó. Sau một lát im lặng, để cho tiếng sao tan dần vào khoảng không tĩnh mịch, ông bình thản. “Thanh niên bây giờ họ ít có thời gian tụ tập rèn luyện võ nghệ như thời trước. Ánh điện ngày nay đã thay cho ánh trăng. Họ ở nhà nghe đài, xem tivi, mở loa hát nhạc, còn đâu thời gian mà học võ sáo...”.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông thì thời gian vừa qua ông đang truyền dạy cho một cán bộ hoạt động văn hoá trong bản. Ông cầm cây sáo, ngắm nước trúc già đã chuyển màu cánh gián, nhẵn bóng, mắt dõi về phía rừng già trước mặt, nói như thả vào không gian: “Bóng trăng Phồn Xương” phải được gìn giữ, phải tìm người để gìn giữ nó. Nó là của nghĩa quân Yên Thế, của người Tày và của dân tộc Việt chúng ta...”.
T.H
( http://www.vnpost.dgpt.gov.vn/bao_2005/so32/vhxh/t14b1.htm )
"Quái kiệt" họ Mai và liveshow có một không hai
TTO - Đó là nghệ sĩ Mai Đình Tới, người được khán giả mệnh danh là "quái kiệt" vì anh có những chiêu biểu diễn không giống ai và có thể chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau: gõ đàn bằng chén, bằng chuông, thùng nước; thổi kèn bằng chai thủy tinh, chai dầu gội, ống nước; thổi sáo bằng mũi; vừa thổi sáo vừa đánh trống; đánh đàn ngược sau lưng…
Những kiểu chơi nhạc có một không hai này sẽ được anh giới thiệu trong live show diễn ra tối mai 4-6-2004, tại NVH Thanh niên.
Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Cho nên từ nhỏ Mai Đình Tới đã biết thổi sáo, thổi kèn và chơi được một số nhạc cụ. Với vốn liếng đó, lớn lên anh thi vào Trường Sân khấu VN và Nhạc viện Hà Nội để có những bằng cấp chính qui. Sau khi ra trường anh về làm nhạc công (với sở trường thổi sáo và kèn) cho Nhà hát Tuồng trung ương. Năm 1992, Mai Đình Tới tham gia Hội thi tài năng diễn tấu nhạc cụ toàn quốc tại Hà Nội và đoạt được huy chương bạc với tiết mục thổi sáo trúc.
Nghĩ thì dễ nhưng bước vào tập luyện thì không dễ chút nào. Thổi sáo thì không có vấn đề gì, cái khó là làm sao tập đánh trống bằng chân. Thế là suốt một thời gian dài anh chỉ chú tâm vào tập đánh trống chân (thời gian này anh đã chuyển công tác về Đoàn ca múa nhạc Vũng Tàu). Tập hết ngày này qua ngày khác, đến nỗi bắp chân sưng vù vì căng cơ, xổ đùi. Các khớp rã rời, đau nhức. Chân sưng đau cũng tập, tập riết rồi cơ chai đi, không còn sưng và đau nữa. Mới đầu chỉ tập chay (không trống), khi chân đã thuần thục các động tác mới tập với dàn trống dân tộc (gồm 3 trống lớn, 2 mõ, 1 song loan và 1 sanhpan). Sau đó mới kết hợp vừa đánh trống vừa thổi kèn, và đây cũng là một giai đoạn khổ luyện vì cùng lúc phải dùng cả miệng, hai tay (thổi sáo), hai chân (trống) và phải chơi thật đồng bộ, hòa nhịp với nhau.
Không chỉ có chiêu vừa thổi sáo vừa đánh trống, trong suốt 7 năm khổ luyện đó Mai Đình Tới còn tập một số chiêu khác cũng không kém phần độc đáo và đòi hỏi sự kỳ công như: thổi sáo bằng mũi (1-2 sáo), thổi kèn chai (12 chai thủy tinh ghép lại), đánh đàn chén (16 chén và tô kiểu). Sau này anh còn chơi cả đàn chuông, kèn bằng ống nước, trống bằng thùng nước, sáo bằng chai dầu gội, gảy đàn ngược từ sau lưng… và gần đây nhất là đàn bằng đèn néon (đang sáng) và đàn độc quyền trên xe gắn máy.
Mỗi kiểu chơi nhạc như thế là một sự mày mò, nghiên cứu và tập luyện cần mẫn hẳn hoi chứ không phải chỉ để chơi. Và trời không phụ lòng người, những tiết mục độc nhất vô nhị của anh giờ đã rất nổi tiếng và được tán thưởng khắp các sân khấu lớn nhỏ như nhà hát Hòa Bình, Cầu Vồng 126, Trống Đồng, Phương Nam, CLB Lan Anh, Đầm Sen... Ngoài ra anh còn đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaisia, Ấn Độ, Đông Âu.
Nhưng vinh dự nhất đối với anh là được biểu diễn phục vụ cho thủ tướng Phan Văn Khải và các vị lãnh đạo trung ương trong chuyến công tác tại TP.HCM vào cuối năm 2002, và vừa qua những tiết mục của anh đã làm cho chuyến "Hành quân về Điện Biên" thêm rộn rã và hào hứng.
Tuy nhiên anh còn mơ ước được làm một live show lớn hơn và ở đó anh có thể chơi cùng lúc hơn 25 lọai nhạc cụ để có thể lập kỷ lục Guiness người chơi cùng lúc nhiều loại nhạc cụ nhất.
HỒNG SƠN
( http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=35682&ChannelID=10 )
Mừng vì được gặp Bác, lo là sợ biểu diễn không ra gì, Bác lại phê bình. Song ai ai cũng háo hức mong sớm được gặp Bác Hồ. Thế mà mãi đến lúc hoá trang sắp xong, giờ mở màn sắp đến vẫn chưa thấy Bác. Nhiều người cảm thấy thất vọng, thì bỗng từ lối cửa sau phòng hoá trang, một ông già với vầng trán rộng xuất hiện. Đồng chí trưởng đoàn không kìm nổi xúc động kêu lên "Các đồng chí ơi! Bác Hồ"!
QĐND Online - Thổi sáo là một nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sỹ phải thường xuyên luyện hơi và luyện kỹ thuật. Đối với nghệ sỹ sáo, cái khó nhất là thể hiện tình cảm qua tiếng sáo. NSƯT Lương Hùng Việt, giảng viên khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (VHNTQĐ) là một nghệ sỹ sáo Mông có tiếng sáo truyền cảm, thổi hồn được vào cây sáo. Đến trường Đại học VHNTQĐ, tận mắt chứng kiến sự nhiệt tình chỉ bảo ân cần của anh đối với các em học viên mới cảm nhận hết được niềm đam mê đối với cây sáo dân tộc của người nghệ sỹ mây ngàn ấy.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nghệ sỹ sáo nổi tiếng Lương Kim Vĩnh, nên ngay từ thủa ấu thơ thay vì lớn lên trong lời ru ầu ơ của mẹ, Hùng Việt lại thường được cha thổi sáo cho nghe. Những âm thanh vi vu, réo rắt, du dương trầm bổng như có một lực hút hấp dẫn đặc biệt đối với anh. Sự đam mê nuôi lớn tình yêu đối với cây sáo cho đến khi là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Lào Cai. 15 tuổi anh đã tự tin nâng cây sáo lên biểu diễn trước rất nhiều khán giả quê nhà.
NSƯT Lương Hùng Việt trong một lần biểu diễn
Sáo Mông có sức quyến rũ kỳ lạ đối với anh. Kể về điều này, anh nhẹ nhàng ví von “Tôi nghe tiếng sáo người Mông như là tiếng gió lùa, lá reo trên vách núi, nghe tiếng sáo người Dáy, người KhơMú lại thấy như mình đang đứng bên dòng suối chảy róc rách, có con chim đang hót, con cá đang bơi. Vào những buổi chiều khi mặt trời sắp lặn sau đỉnh núi xa, trên cánh đồng vừa mới gặt còn thơm mùi rạ mới, hay trong những đêm trăng vằng vặc khắp núi rừng vùng cao, nghe tiếng sáo Mông thổi du dương, réo rắt, càng lắng nghe càng cảm thấy không gian như ngưng đọng, yên bình”.
Nặng lòng với cây sáo Mông, anh luôn để tâm tìm tòi, tự học hỏi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm qua các nghệ sỹ dân gian, qua bạn bè đồng nghiệp và từ chính người cha thân yêu của mình. Những năm tháng học tập ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội đã giúp anh tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn kiến thức âm nhạc, làm cơ sở vững chắc để anh sáng tác nhiều tác phẩm dành riêng cho sáo, đặc biệt là cây sáo Mông như “Âm vang lòng núi”; “Lào Cai mùa xuân”; “Rừng vọng”…
Để tìm kiếm các giai điệu sáo đặc sắc, anh lặn lội vào các bản làng, sống với người dân tộc như chính họ. Đến bây giờ, khi đã là giảng viên trường Đại học VHNTQĐ, anh nói rằng anh vẫn thèm đi lắm. Đi về chốn rừng sâu, núi cao, nơi có các bản làng dân tộc. Phần lớn thời gian của anh gắn liền với các chuyến lưu diễn dài ngày, chủ yếu là bằng ngựa và đi bộ vượt qua rất nhiều con suối, những vách đã tai mèo sắc nhọn. Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng khi đưa cây sáo lên môi anh lại quên đi tất cả… “Tôi thực sự xúc động khi ở cái bản Mông thuộc huyện Mường Khương ấy chỉ có vỏn vẹn 15 người, còn đoàn diễn của chúng tôi đến 21 người. Không biết chúng tôi lúc nào sẽ đến, họ đã ngồi đợi từ rất lâu rồi. Và suốt đêm ấy tiếng sáo của tôi đã hoà nhịp cùng tiếng sáo mộc mạc của người dân trong bản”, anh tấm sự.
NSƯT Hùng Việt còn có một niềm đam mê nữa là thích đi sưu tầm các loại sáo của các dân tộc anh em. Bộ sưu tập của anh cũng rất thú vị bao gồm rất nhiều các loại sáo có kích cỡ, hình dáng khác nhau, cây sáo dài nhất 1m50, sáo nhỏ nhất 15cm. Anh sưu tầm được hơn 50 loại sáo, trong đó có sáo Dáy, sáo Mường, sáo Lôlô, Khơ Mú…vv…
Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm biểu diễn cho thấy những hạn chế ở cây sáo của các dân tộc Tây Bắc, bởi nó chỉ là nhạc cụ độc tấu cho số lượng người nghe hạn chế, nhiều sáo có âm vực chưa đủ một quãng tám, không chuẩn âm với dàn nhạc hiện đại. Từ năm 1989, anh bắt đầu nghiên cứu cải tiến sáo Mông như tăng cung bậc, âm vực và độ vang của sáo để giúp nó có khả năng hoà tấu với những nhạc cụ khác hay độc tấu có dàn nhạc đệm. Anh đã phải thức trắng nhiều đêm để từ một cây sáo đơn ít nốt nâng lên thành một dàn sáo ghép 4,5 ống. Sáo thì ghép với đàn môi, sáo lại ghép với cái bầu gỗ hình nậm rượu để có thể diễn tả được nhiều giai điệu, thang âm khác nhau.
Xem NSƯT Hùng Việt thổi sáo, người nghe như bị thôi miên, hút hồn, tưởng như mình đang lạc vào khu rừng tràn đầy những âm thanh, có tiếng gió vi vu, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng vượn kêu, hổ gầm và tiếng suối chảy róc rách. Anh là nghệ sỹ có phong cách diễn sáo dân tộc tươi trẻ, phiêu du, bay bổng ngoài sức tưởng tượng. Những tác phẩm “Âm vang núi rừng”; “Ngày hội được mùa”; “Giai điệu bản xa” …được rất nhiều khán giả yêu thích.
Anh Vũ Thành Long ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: “Tiếng sáo Mông nghe rất tuyệt, lần đầu tiên tôi nghe nó qua chương trình truyền hình có nghệ sỹ Lương Hùng Việt biểu diễn năm 1994. Từ lúc đó, tôi cứ mơ ước có một cây sáo Mông để tôi có thể được đắm mình vào thế giới âm thanh kỳ ảo lung linh sắc màu của tiếng sáo ấy…”.
Với tiếng sáo độc đáo của mình NSƯT Hùng Việt đã tham dự nhiều liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn lớn trong nước như đón nguyên thủ các quốc gia đến thăm Việt Nam. Anh đã cùng cây sáo Mông cải tiến đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan… tham dự Festival âm nhạc dân tộc thế giới năm 1996.
Không chỉ nghiên cứu, sưu tầm, cải tiến và áp dụng các phương pháp diễn tấu mới cho từng loại sáo, sáng tác các tác phẩm cho sáo mà anh còn tham gia giảng dạy, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật cho các Đoàn nghệ thuật trong nước.
NSƯT Lương Hùng Việt năm nay 38 tuổi, giảng viên nhạc cụ, hệ dân tộc trường Đại học VHNTQĐ. Anh đã từng đoạt Huân chương Sao đỏ về tài năng trẻ toàn quốc năm 2000 và 8 huy chương Vàng trong Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc các năm từ (2002 đến 2004) cũng bằng cây sáo Mông cải tiến.
Đinh Thị Mai Lan (Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí khoá 7)