Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Nguyễn Đức Mai
Như thầy thấy , ở Việt Nam mình ông Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo thiệt hay, thiệt tài tình. Nhưng trong bài sáo Phụng Vũ của nhạc cổ Huế mình, thì đoạn diễn tả chim phụng rỉa lông ông Nghĩa không thổi được..." Tôi ngạc nhiên, hỏi lý do tại sao ông Nguyễn Đình Nghĩa thổi đoạn chim phụng rỉa lông không đạt, bác L. nói:
Chiếc sáo tre Việt Nam đối với tôi mang nhiều kỷ niệm. Trước hết đó là nhạc khí đầu tiên của tôi, một nhạc khí do mình tự tay chế tạo lấy và tự học sử dụng, như phần nhiều trẻ con nhà nghèo khác tại miền quê. Thoạt đầu thổi những bài tân nhạc tiền chiến như Thiên Thai, Khối Tình Trương Chi v.v. Lên bậc trung học cũng tập tễnh thổi được mấy điệu sáo Tao đàn đệm cho bạn ngâm thơ. Nhưng mãi đến năm 1969 tôi mới thật sự đi sâu vào tìm hiểu về sáo và gắn bó với chiếc sáo tre Việt Nam trong ngành cổ nhạc Huế. Do công việc từ những năm 1964 -65, tôi có nhiều liên lạc với Ban Cổ Nhạc Đại Nội Huế trong việc tổ chức trình diễn và giới thiệu cổ nhạc Huế với các khách ngoại quốc, trong số có nhiều nhạc sĩ quốc tế. Năm 1969, tôi có nhiều thì giờ rảnh và thường vào xem các buổi tập dượt của Ban Cổ Nhạc tại Tả Vu trước Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Huế bên trong Nội Thành. Ban Cổ Nhạc gồm chừng 20 nhạc công già có trẻ có, gồm toàn những gia đình chuyên nghiệp cha truyền con nối. Nhạc khí sử dụng gồm có đàn, sáo, kèn, trống và phách. Nhạc khí phong động gồm có kèn bầu hay kèn tổ sâu, và sáo (ống địch). Nhạc khí huyền động gồm: đàn tam, đàn tỳ bà và đàn nguyệt. Nhạc cụ kích phát gồm có trung cổ (để dùng trong đại nhạc), đại cổ và ngưỡng thiên đại cổ (chỉ dùng trong Tế Giao), đơn diện cổ, tâm âm, mõ sừng trâu, quản tiền phách. Riêng bộ trống nhạc gồm hai trống Văn và Võ thì phải kể là nhạc khí như các thứ đàn khác chứ không thể cho là một nhạc cụ kích phát đơn giản. Thường thì trong nhã nhạc, loại nhạc dùng trong tế lễ, triều yến hay tiếp các sứ thần ngày xưa, thì hai cây sáo là nhạc khí nổi bật hơn cả. Trong một lần nghe ban nhạc dượt bài Long Ngâm Lễ, tôi rất thích. Đây là bài nhạc dùng trong tế lễ mà tôi nhớ ra là nó đã ăn sâu vào ký ức tôi tự thuở nhỏ trong các cuộc thu tế tại đình làng Dương Nỗ quê tôi. Mở đầu buổi tế khi Ban Văn Lễ xướng lệnh: Chấp sự giả các ư kỳ sự (Những người phụ trách người nào việc ấy), rồi đến Nghệ hương án tiền ra lệnh cho vị chánh bái ra đứng trước bàn thờ, và câu Nhạc sanh khỉ càng vừa dứt thì đàn sáo vang lên trong khói trầm hương nghi ngút tấu bài Long Ngâm Lễ. Tiếng sáo tre lanh lảnh vang dội kh¡p xóm làng, suốt cả dòng sông Phổ Lợi Hà. Tôi quyết định phải học thổi cho được bài Long Ngâm Lễ này. Sở dĩ gọi là Long Ngâm Lễ vì đây là biến tấu của điệu Long Ngâm mà bài ca Huế xưa thường bắt đầu bằng câu: Trăm năm cõi trong đời người ta, tu là cội phúc... Nhưng làm thế nào để đạt được mục đích? Tôi áp dụng lại chiến thuật cũ của tôi trước đây trong việc học máy đánh chữ và lái xe hơi. Nguyên tắc chính phải áp dụng là: muốn người khác cho mình sử dụng vật gì thì mình phải tỏ ra là biết sử dụng vật đó, ít ra là về mặt cơ bản. Cho nên phải nghiên cứu kỹ càng lý thuyết trước khi thực hành. Để bắt đầu tôi đem máy thu băng cát-xét ghi âm lại bài nhạc trong khi ban nhạc tập dượt. Sau buổi tập tôi mời mấy bác nhạc sĩ già ra quán dùng nước giải khát. Tôi thuyết phục bác L. để lại cho tôi chiếc sao tre của bác. Bác ấy khuyên tôi ta đường Trần Hưng Đạo mua, mỗi ống chỉ 100 đồng thôi, giá rất rẻ mà lại đẹp. Thật ra bác ấy không hiểu ý đồ bí mật của tôi. Sáo tre Việt Nam -- về sau này gọi là sáo ngũ âm để phân biệt với sáo Nguyễn Đình Nghĩa do ông Nghĩa chế tạo với âm thanh chính xác ở cung Đô trưởng -- mỗi cái mỗi giọng cao thấp khác nhau, trong khi mục đích của tôi là dùng chính chiếc sáo đó và phần nhạc đã được ghi âm là để ghi lại thành bản nhạc dùng làm tài liệu tập dượt. Lý do thứ hai là hai chiếc sáo của hai bác thổi lớn bằng nhau và ngang giọng với nhau. Tôi viện lẽ thích ống sáo ấy và xin mua nó với giá 500 đồng. Người nghệ sĩ Huế nghèo nhưng rất liêm sĩ, không tham tiền bạc như nhiều người giàu có khác. Tôi phải khó nhọc năn nỉ thuyết phục hết lời bác ấy mới chịu nhượng lại cây sáo. Tôi hí hửng mang cây tre sáo của bác L. về nhà và bắt tay vào công việc. Thời gian đó tôi và Lệ Tâm cùng hai con lên tạm ở nhà bà ngoại của các cháu tại Nam Giao. Sau khi quay lại băng ghi âm và ghi lại nhạc bản Long Ngâm Lễ ra giấy tôi bắt đầu công việc tập dượt. Sau một ngày viết bài và ba ngày tập tôi thổi trọn bài song suốt và dùng hai ngày còn lại thổi theo với ban nhạc ghi trong băng cho thêm nhuần nhuyễn. Bây giờ đến bước thứ hai của kế hoạch là làm sao chen được vào Ban Nhạc Đại Nội. Đây là một việc khó có khả năng thực hiện. Ca nhạc Huế là một loại hình nghệ thuật mà kỹ thuật trình diễn rất cao và phức tạp. Ít người trẻ tuổi đạt được tiêu chuẩn trình diễn. Những người thưởng thức sành điệu ca Huế ngày trước đoan chắc rằng ca sĩ dưới 40 tuổi không thể nào ca Huế hay được. Cần phải có cả kinh nghiệm sống lẫn trình độ kỹ thuật điêu luyện mới diễn ca nổi, chứ chỉ có giọng ca tốt không mà thôi thì không đủ. Cho nên mặc dầu bị lịch sử khắc nghiệt gạt ra ngoài xã hội với danh xưng xướng ca vô loại, họ tuy không được học hành nhưng quyết không để ai bán rẻ nghệ thuật của họ. Cho nên nhiều người vẫn rất khó tính dầu trong hoàn cảnh nghèo đói. Họ không chơi đàn cho người trọc phú hay những kẻ không đủ trình độ thưởng thức và nhất là không cùng đàn với người kén cỏi. Hôm đó tôi quay trở lại Tả Vu với Ban Nhạc Đại Nội. Tôi chuẩn bị sẵn ba ngàn đồng trong túi. Sau khi ban nhạc tập dượt đợt đầu tôi xin phép được đãi tất cả một chầu bia. Trong câu chuyện tôi nói về bài Long Ngâm Lễ và phần sáo. Theo hai nhạc sĩ thổi sáo, thì hai ống cùng thổi và linh hoạt chuyển tử nội (bậc thấp) và ngoại (bậc cao hơn một bát độ) và thay nhau biến tấu dựa trên lòng bản. Có tí men bia, các nhạc sĩ cũng có vẻ hứng khởi thêm hơn. Sau cùng họ đề nghị trở vào hoà nhạc tập dượt đợt hai cho buổi sáng hôm ấy. Tôi đề nghị ban nhạc tấu bài Long Ngâm Lễ và để tôi phụ trách một trong hai cây sáo. Bác L. sau một phút ngập ngừng trao cây sáo cho tôi, không biết tôi có say rượu bia hay không. Còn mấy chú nhạc sĩ nhỏ con cháu các bác lớn tuổi thì nhe răng cười. Khi khi bác K. phụ trách trống nhạc gõ hai dùi trống vào nhau ba tiếng ra hiệu cho ban nhạc khởi đầu, tôi bình tĩnh thổi hết một hơi toàn bài từ đầu đến cuối như một nhạc công chuyên nghiệp. Khi bài nhạc chấm dứt, ai cũng vỗ tay tán thưởng. Bác L. cho biết bác rất ngạc nhiên. Theo bác, thì tuy tôi thổi chưa có xuất thần lắm, nhưng đúng nhịp và đúng giai điệu. Dĩ nhiên là bác ấy không biết tôi đa tập dượt theo bài bản viết ra giấy thì làm sao không đúng nhịp và giai điệu được. Bác ấy cũng nói rằng Bài Long Ngâm Lễ ở Trường Quốc Gia Âm nhạc là thuộc chương trình trung cấp và thường phải mất ba năm tập dượt mới đạt được tiêu chuẩn. Bác cho rằng tôi học thổi được như thế là nhanh lắm. Tôi rất vui mừng với thành công đạt được này và chiếc sáo tre trở thành nhạc khí thân thiết nhất với tôi. Trong bộ sáo của tôi sưu tập tại Huế gồm có sáo tre, sáo trúc, sáo gỗ cẩm lai Nguyễn Đình Nghĩa, sáo ngang (transverse concert flute), recorder alto, recorder tenor (loại sáo dọc châu Âu từ 1500 đến khoảng 1750, được cho tái sinh và sản xuất hằng loạt ở thế kỷ 20). Từ đó, trong các buổi trình diễn của Ban Nhạc Đại Nội cho các khách ngoại quốc do tôi hướng dẫn và giới thiệu chương trình, bao giờ tôi cũng là một trong hai nhạc công sáo của Ban Nhạc. Dĩ nhiên là tôi được tán thưởng nhiệt liệt và bản thân lấy làm tự hào. Chính cây sáo cổ châu Âu recorder alto là do ông Middlton thuộc Tòa Đại Sứ Anh tại Sài Gòn bảo con gái ở Luân Đôn mua gởi sang tặng tôi sau khi được nghe tôi trình diễn với Ban Nhạc Đại Nội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế năm 1970. Còn ống recorder tenor do bac L. đi dự Hội chợ Osaka Nhật bản năm 1972 và đoạt giải về sáo mua tặng. Mối duyên của tôi với cây sáo tre Việt Nam có điểm hay mà cũng có điểm dở. Điểm hay là tôi biết khai thác sở trường và tránh sở đoản. Tại Huế, tôi thường hướng dẫn các nhạc sĩ ngoại quốc khách của Đại học hay của Tỉnh đi thăm Đại Nội và nghe nhạc cung đình Huế. Qua chuyện trò, chúng tôi cũng có lần bàn về sở trường sở đoản. Có một nhạc sĩ cho tôi biết rằng khi sinh ra thì đã thấy chiếc dương cấm có sẵn trong gia đình không biết từ đời nào và người dạy những nốt nhạc đầu tiên cho nhạc sĩ ấy trên đàn piano là bà nội. Tôi nói: Đấy là sở trường của anh, vì nhạc dương cầm đã có sẵn trong giòng máu anh từ nhiều thế hệ trước. Khi đến thăm nơi tôi ở, thấy có chiếc kèn h¡c tiêu (clarinet) trên treo trên tường, anh ấy hỏi: Anh có chơi hắc tiêu vậy mà có trau dồi thêm không? Tôi trả lời là chỉ thổi cho vui thôi chứ không chú trọng mấy. Anh ấy hỏi tại sao? Tôi trả lời: Hắc tiêu - cũng như dương cầm, vĩ cầm... tất cả là sở trường của các anh. Còn đối với tôi là sở đoản. Tôi tập hắc tiêu thì biết đến bao giờ mới bằng các anh được. Còn sáo tre Việt Nam tôi chỉ tập một tháng thôi thì còn lâu các anh mới bắt kịp được! Còn điểm không tốt của mối duyên này? Đúng ra thì không thể nói như vậy. Mà phải nói là trong câu chuyện sáo tre Việt Nam này, tôi một lần phải sáng mắt ra vì cái kém cỏi và ngu dốt của mình. Như trên tôi đã có nói rằng được thổi sáo với Ban Nhạc Đại Nội, được thính giả nhiệt liệt tán thưởng, được khách ngoại quốc ca ngợi tài năng, tôi cứ tưởng rằng sáo tre là sở trường của mình, và mình là người sành sử dụng cây sáo tre. Hoá ra không phải như thế! Chuyện như thế này: Trong một buổi tôi giới thiệu nhạc Huế tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế, như thường lệ sau phần giới thiệu chương trình, tôi chuẩn bị cùng ban nhạc trình tấu bài đầu tiên trong chương trình: Bài Long Ngâm Lễ. Khi một trong hai nhạc sĩ sáo đưa cho tôi cây sáo, tôi so thử giọng. Khác với những lần trước, hai cây sáo lần này không bằng nhau và không ngang giọng với nhau. Tôi vừa ngạc nhiên vừa bực tức. Tôi hỏi bác nhạc sĩ già bằng giọng gắt gỏng: Thế cây sáo bác thường thổi đâu rồi? Bác ấy cho biết là đứa cháu nhỏ nghịch ngợm đánh vỡ mất rồi cho nên bác phải tạm dùng cây này để thay thế. Vào thời gian này tôi là người rất có thế lực với các nhạc sĩ cổ nhạc. Hơn nữa, tôi là Tổng Thư Ký của Hội Cổ Nhạc Huế mà anh Tôn Thất Toàn , nhạc sĩ đàn tranh ở Ty Kiến Thuết Huế là Hội Trưởng. Tôi lên giọng khiển trách nhạc sĩ này về chuyện bất cẩn đối với nhạc khí. Tôi nói là nhạc khí đối với nhạc sĩ cũng như là khẩu súng của người lính, đâu có thể lơ là như vậy được. Tôi cũng nhắc lại với họ gương cẩn thận của các nhạc sĩ ngoại quốc như nhạc sĩ dương cầm Jacob Feuerring từ Nhật sang và nhạc sĩ Tây ban cầm cổ điển Alice Arts từ nhạc viện Juilliard New York đến trình diễn ở Viện Đại Học Huế do tôi tổ chức và giới thiệu. Trước ngày trình diễn một tháng Alice đánh điện dặn tôi: Anh Mai lưu ý giùm hai điểm sau đây. Thứ nhất: Không ai được chạm đến cây đàn của tôi ngay cả khi nó được để trong hộp cũng không được ôm hay xách nếu không có sự đồng ý của tôi. Thứ hai: Tôi xin miễn không bắt tay bất cứ một ai kể cả những nhân vật quan trọng nhất. Còn nhạc sĩ Jacob Feuerring thì thử đàn đến năm lần. Lần cuối cùng đêm hôn trước ngày trình diễn, yêu cầu khoá đàn lại và cho người canh giữ cho đến giờ trình diễn. Cuối cùng, tôi trả lại cây sáo và nói với vẻ hờn dỗi: "Thôi bác thổi đi. Sáo hai cây hai giọng lạc vạch làm sao tôi thổi được." Và bỏ sân khấu xuống ngồi ở hàng ghế quan khách. Bản trình tấu vẫn rất hay như thường lệ, không có gì trục trặc như tôi có ý chờ đợi sẽ xảy ra. Khi chương trình kết thúc, tôi lên hậu trường sân khấu. Thấy tôi vẫn còn giận, bác L. tiến đến gần tôi và một lần nữa bác xin lỗi về chuyện cây sáo bị đánh vỡ. Bác ôn tồn nói: "Anh em trong ban nhạc chúng tôi rất kính phục thầy. (Họ vẫn thường gọi tôi bằng thầy vì biết tôi dạy ở trường Quốc Học từ năm 1960, và đến 1970 thì được biệt phái lên dạy ở Đại học Huế). Trẻ tuổi như thầy mà thổi được sáo như rứa là có tài lắm. Nhưng sáo thầy thổi chưa được xuất thần. Còn nói về kỹ thuật thổi, kỹ thuật bỏ ngón (fingering) thì thầy chỉ mới thổi được sáo bậc thiệt mà thôi. Bậc thiệt tức là lối bỏ ngón thường gồm có hai bậc - bậc một và bậc năm. Bậc một là bậc họ ăn đô có nghĩa là bịt kín hết sáu lỗ huyệt kể là họ, tương đương với nốt đô trong ký âm pháp Tây phương. Bậc năm gọi là họ ăn xôn, tức là thả trống bốn lỗ huyệt dưới kể là họ, tương đương với nốt xôn trong nhạc mới. "Còn chúng tôi thổi sáo bậc, nghĩa là tất cả các bậc chứ không phải chỉ có hai bậc một và năm như thầy thổi. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là một lối bỏ ngón cực kỳ phức tạp không phương pháp nào chỉ bày được mà do quá trính sử dụng nhạc khí lâu ngày, muốn thổi ra nốt nhạc ở cung bậc nào cũng được. Trong khi thầy cần phải có hai cây sáo ngang giọng nhau thì mới thổi được, còn chúng tôi thì cầm cây sáo nào trên tay cũng có thể thổi hoà ngang giọng với một cây sáo khác, cây đàn khác hay bất cứ một giọng ca ở bất cứ cao độ nào. "Chúng tôi già rồi thổi sáo cả mấy chục năm nay, cho nên cây sáo cũng như một bộ phận kéo dài của thân thể mình vậy. Có những bài sáo mà phải già như bọn chúng tôi mới thổi được. Như thầy thấy , ở Việt Nam mình ông Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo thiệt hay, thiệt tài tình. Nhưng trong bài sáo Phụng Vũ của nhạc cổ Huế mình, thì đoạn diễn tả chim phụng rỉa lông ông Nghĩa không thổi được..." Tôi ngạc nhiên, hỏi lý do tại sao ông Nguyễn Đình Nghĩa thổi đoạn chim phụng rỉa lông không đạt, bác L. nói: "Có chi khó mô, nhưng phải tra như chúng tôi mới thổi được. Đoạn rỉa lông thì hai môi phải rung lên trước khi thổi vào sơn khẩu. Mà thổi kiểu đó thì hai hàm răng phải rụng hết mới thổi được. Ông Nghĩa muốn thổi được đoạn này thì phải nhổ hết cả hai hàm răng!" Tôi nghe xong giật mình, sáng mắt ra và vô cùng thán phục các nhạc sĩ cổ nhạc Huế của mình. Đến lúc đó tôi mới nghĩ ra là tại sao chỉ có Louis Armstrong mới thổi được nốt nhạc cao nhất trên kèn trompét mà trên thế giới không ai thổi tới được. Vì Louis môi dày và vì ông không được học nhạc và không biết nhạc, mà cuộc đời và tâm hồn là nhạc. Tôi cũng từng nghe nói có người phải khoét hổ khẩu (phần thịt mềm giữa ngón cái và ngón trỏ) của bàn tay phải để có thế chơi được vĩ cấm. Không biết có ai muôn nhổ hết răng để thổi được bài sáo Phụng Vũ hay không? Năm 1972, tôi lại có dịp giới thiệu bác L. với chiếc sáo tre và bài Phụng Vũ. Đây lại thêm một kỷ niệm khó quên về chiếc sáo tre Việt Nam trong một chương trình trình diễn nhạc cổ truyền Huế tại khách sạn Hương Giang.
****************** Admin: đã xóa một số nội dung không phù hợp**********************
tôi làm phiên dịch cho buổi thuyết trình này. Trong buổi tối đãi tiệc phái đoàn tại khách sạn Hương Giang, một chương trình cổ nhạc do Ban Nhạc Đại Nội đảm trách, và như thường lệ tôi là người giới thiệu chương trình bằng Anh ngữ và Việt ngữ. Trong tiết mục đầu tiên: Bài sáo Phụng Vũ, tôi đưa bác L. ra sân khấu với chiếc sáo tre trên tay. Tôi mặc bộ vescal, bộ đồ ký giả màu mỡ gà bốn túi, may ở nhà may Liên theo đúng kiểu anh Trần Đình Ân, chủ tiệm sách Ái Hoa ở Huế và nhà hàng khách sạn Bạch Đằng ở Đà Nẵng. Tôi nhìn xuống đám khách mời và thấy rõ nét mặt khinh khỉnh của họ khi thấy người nhạc sĩ già nua, trong chiếc áo dài xanh và chiếc khăn đóng nghèo nàn. Nhạc khí cầm trên tay lại càng thô sơ và nghèo nàn hơn nữa. Tôi bực tức cho nên tay vẫn cầm lon bia bông trắng Budweizer và đổi ngay cách giới thiệu. Tôi nói khá dài dòng như sau: "Thưa Quí Vị, mở đầu cho chương trình biểu diễn tối hôm nay, tôi hân hạnh được giới thiệu đến Quí Vị tiết mục Sáo Phụng Vũ..." Đám thực khách vẫn ồn ào không mấy ai chú ý nhìn lên sân khấu nhỏ. Tôi nói tiếp, gằn giọng mạnh hơn: "Trước khi trình tấu tôi muốn nói với quý vị về giá cả chiếc sáo tre Việt Nam này..." Nghe lời giới thiệu có phần chướng tai này, tất cả đều im lặng, ngưng ăn uống và nhìm chăm chú vào tôi. Có lẽ họ tưởng rằng tôi điên chăng. "Đây là một nhạc khí hết sức rẻ tiền và rất phổ biến trong dân gian. Trẻ mục đồng Việt Nam chúng tôi thường tự chế tạo lấy bằng một đoạn hóp, rồi chiều chiều ngồi trên lưng trâu thổi các điệu dân ca. Còn như đối với quý vị thì trước khi trở về Sài Gòn, quý vị có thể đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo, con đường chính của thành phố Huế, và tôi có thể bảo đảm Quý vị có thể mua được một chiếc sáo tre xinh x¡m với giá 100 đồng Việt Nam, tính theo hối xuất đồng đô la Mỹ thì chừng 10 xu. Trong khi đó một chiếc sáo Tây phương thì trong catalô Sears, giá rẻ nhất là 120 Mỹ kim, đắt gấp 1200 lần!" Khán thính giả càng nghe càng chú ý hơn vì phần tính toán chi tiết chứng tỏ người giới thiệu không điên mà cũng không say rượu. Tôi nói tiếp: "Nhưng chắc quý vị cũng rõ từ lâu nay chưa thấy ai nói về một cây sáo ngang Tây phương đoạt giải quốc tế về âm nhạc. Trong khi đó, người nhạc sĩ lão thành này là người mới từ hội chợ Osaka Nhật Bản trở về sau khi đã đoạt giải nhì quốc tế về nhạc cổ điển Á châu cũng với chính chiếc sáo tre đơn sơ đang cầm trên tay với bài Phụng Vũ mà chốc nữa đây có hân hận được trình tấu hầu qúi vị. "Tôi chắc ai trong qúy vị cũng đồng ý với tôi rằng, ban giám khảo của Hội chợ Quốc Tế Osaka hẳn phải là những người có thẩm quyền và đầy đủ khả năng thẩm định và đánh giá đúng mức nghệ thuật âm nhạc của tác phẩm này cũng như trình độ kỹ thuật cao của người nhạc sĩ cỗ nhạc lão thành này. Do đó, nếu nghe xong mà qúy vị không thấy hay, thì thật tình tôi cũng không biết nói thế nào hơn. Xin mời quý vị thưởng thức bài sáo Phụng Vũ..." Có lẽ chưa bao giờ tôi nghe được tiếng vỗ tay đều và ròn rã sau khi bài sáo Phụng Vũ chấm dứt như đêm hôm ấy.
Nếu chị nhớ không lầm thì khoãng 1960 hay 1963 , thì nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa viết bài Phụng Vũ , Bài Phụng Vũ nầy là bài Soạn viết lại cho độc tấu Sáo Trúc , lấy từ ý của bài Phụng Vũ của nhạc trong cổ nhạc Huế , chứ không phaỉ là bài gốc
- Có lần chị hỏi , từ nguyên nhân nào mà ông soạn lại bài Phụng Vũ , thì ông trả lời ,, Lúc đó ông chỉ mới khoãng hơn 20 ,,, Được đại diện Quốc Gia để dự buổi Liên Hoan Âm nhạc Á Châu . Ông có đến gặp vị tiền bối để xin bài nhạc Phụng Vũ ( xin không nêu tên) ... Vị nẩy chỉ cho nghe 1 lần duy nhất , rồi cũng không cho nhạc phổ , hoặc tài liệu gì cả , giấu tiệt.. Trên đường về , cố gắng nhớ mang máng giai điệu , ông đã biên soạn lại bài Phụng Vũ cho độc tấu Sáo ... Tinh thần giấu nghề là tinh thần bầt diệt của các ngài nhạc sĩ ta mà lị ,,, hoan hô tinh thần nầy ,, âm nhạc dân tộc cứ thế đà nầy trên đường đi xuống ,,, vì chết khư khư mang theo xuống tuyền đài , nhất định không cho ai ... độc quyền muôn năm
Từ ngàn xưa , cái hồi xã hội loài người còn sống với chung với nhau từng tốp người … mỗi khi ai kiếm được thức ăn cũng đều đem về chia cho tất cả bởi vì khi đó suy nghĩ của con người đơn giản lắm . Chẳng cần biết so đo , chẳng biết tranh giành chi hết . Cho đến khi xã hội được tiến hóa và giai cấp hình thành , nói chung là cuộc sống con người được nâng cao , được cải thiện thì con người đã thay đổi về cách suy và cách nghĩ . Thay đổi để hoàn thiện là một điều vô cùng tốt , nhưng thay đổi để rồi biến bản thân mình thành ích kỷ thì quả thật đáng buồn thay .
Chính vì thế , thế hệ trẻ ngày nay có người đã không ngừng phấn đấu để học được nhiều và chia sẻ với mọi người . Tuy vậy , có người lại thấy chia sẻ với người khác thì thật là uổng phí với công sức của họ đã cố gắng ( để đạt được ) . Nhưng họ có biết rằng khi chết đi , những thứ họ có đều trở nên vô nghĩa khi không có ai biết đến , không có ai thưởng thức cả .
Và để nói về những người này thì cũng có nhiều cách nghĩ , nhiều ý kiến lắm thay . Có người cho rằng họ thật ích kỷ , cho nên không ngừng lên án thói ích kỷ xấu xa này , nhưng có người lại cho đó là không sai , bởi bản thân người ta khổ công đạt được thì người ta có quyền chia sẻ hay giấu diếm tùy ý . Nếu chúng ta ở vị trí người đó , chưa chắc chúng ta đã không làm như họ ? Và có người thì lại cho rằng : đó tuy là thói ích kỷ xấu xa nhưng nếu mình lên án họ , châm chích họ thì mình cũng ích kỷ lắm thay . Ích kỷ ở chỗ nào ? Ở chỗ : mình lấy địa vị gì , lấy tư cách gì để họ trao ra những cái của họ cơ chứ ? Mình giận họ vì họ đã không cho mình cái đó ? Chuyện của họ làm thì về sau , họ sẽ có kết cuộc của riêng họ , mình cũng có kết cuộc của riêng mình .
Cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã không dùng phản ứng thông thường như mọi người , bởi lẽ ông thấu hiểu được cái đạo lý đơn giản đó và đã dùng khả năng trời ban của mình để sáng tạo những nét độc đáo cho riêng ông và cho cả nền nhạc dân tộc Việt .
Hiện nay tuy ông đã không còn nữa nhưng tấm lòng bao dung của ông , tiếng sáo của ông vẫn còn đọng lại trong mỗi người chúng ta . Ái nữ của ông vẫn đang tiếp tục con đường nghệ thuật và cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều điều hữu ích .
Em xin cảm ơn chị Đoan Trang ! Nhờ website của chị em hiểu hơn nhiều về những gì liên quan đến âm nhạc . Và em có trích bài Lòng Mẹ chị viết cho các bạn tập . Chắc chị cũng muốn vậy và không có phiền gì phải không ạ ?!
“ Mình cho đi những gì , mình sẽ nhận lại những thứ đáng giá gần như vậy . Cuộc sống này thật công bằng lắm “.
Đào Hoa Ảnh Lạc Mai Thần Kiếm Bích Hải Triều Sinh Táng Ngọc Tiêu
Suy nghĩ như vậy , quả thật đúng lắm . Mình cũng không nên đòi hỏi , ai cũng phải cho thành quả mà họ dầy công sáng tạo .Thế nhưng ,trong hiện tại nây, chúng ta đã thất truyền Cây đàn lữa của người Vân Kiều , chúng ta cũng không còn giữ được loại pháo mà ngày xưa khi bắn lên bầu trời có những bài thơ , hoạc co những bài quyền đánh bằng trống theo thế võ cũa Tây Sơn ... đo thật là đáng tiếc cho thế hệ sau của ta
Chị làm trang Web , cũng theo tinh thần của ba chi . Cũng mong rằng chút ít hiểu biết và cố công soạn lại , có giúp gì được cho các bạn trẻ muốn học sáo , có được tài liệu đễ tập. Mỗi ngày làm 1 ít , từng phần cho mỗi kỹ thuật. BamBoo- Flute , em cần bài thì cứ lấy đi em ..... chị đang soạn thêm đó , hiện giờ thì chị có thể viết bài . Co thêm thời gian thì mới post phần Sáo và Tiêu. Bên Đam San , em và bạn em cứ lấy bài qua đi, em nhé, không có gì đâu em
Thân mến
Thân gửi bạn onggiamesao, trong bài viết của bạn có 1 số nội dung không phù hợp với nội qui của diễn đàn. Chúng tôi đã xóa phần nội dung không phù hợp.
Xin nhắc các bạn thành viên tuân thủ nội qui của diễn đàn. Nếu các vi phạm nghiêm trọng và tái diễn chúng tôi buộc lòng phải xóa nick vi phạm mà không thông báo trước.
Rất mong các bạn thành viên cùng hợp tác trên tinh thần xây dựng diễn đàn, cũng là vì lợi ích chung của nền âm nhạc dân tộc Việt.
Thân gửi lời cảm ơn tới bạn nganpho đã nhắc BQT diễn đàn.
BQT Damsan.Net.