Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đàn môi sẽ góp phần tôn vinh Việt Nam

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Yes [Y] Posted: 01-04-2007 17:46
GS Trần Quang Hải và
NS Nguyễn Đức Minh song tấu.
Đó vừa là ước mơ, vừa là niềm tin đầy quả quyết của GS-TS Trần Quang Hải (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) - một chuyên gia về âm thanh học và âm nhạc dân tộc. Cuộc nói chuyện "Âm nhạc và khoa học về đàn môi" của ông với sự minh hoạ của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và L'Espace tổ chức sẽ diễn ra ngày mai (27-6).

Nhiều loại đàn môi nhất

Nối nghiệp cha mình (GS Trần Văn Khê), GS Trần Quang Hải đã nghiên cứu âm nhạc dân tộc ngót nghét bốn thập kỷ. Ông bắt đầu làm quen với đàn môi từ năm 1965, năm 1970 đã thu thanh cùng một nghệ sĩ đàn môi nổi tiếng người Anh một đĩa CD về đàn môi, là người đầu tiên trên thế giới biểu diễn đàn môi cùng nhạc điện tử, nhạc techno và thu được thành công vang dội. Ông cũng là thành viên ban tổ chức của Festival quốc tế về đàn môi được tổ chức tại Hà Lan 22-7 tới đây.

Đàn môi là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người (cùng với trống, sáo...).

Cây đàn môi cổ nhất tới giờ còn bảo tồn được là ở Pháp (từ thế kỷ II). Đàn môi nằm giữa nhóm nhạc cụ hơi (sáo), và nhạc cụ gẩy (đàn), thuộc nhóm nhạc cụ màng rung, đàn accordéon và harmonica được tạo ra từ nguyên lý của đàn môi.

Đàn môi có nhiều loại kích cỡ, hình dáng, chất liệu khác nhau, nhưng đều có 2 bộ phận chính là bộ khung cố định và lưỡi gà di động.

GS Trần Quang Hải cho biết, trên thế giới có khoảng 30 nước có đàn môi, có những nước có festival hàng năm dành riêng cho đàn môi, có những dàn nhạc tập trung tới 25 cây đàn môi. Nhưng không đâu sánh được với Việt Nam về sự phong phú của loại nhạc cụ này.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Việt Nam có ít nhất là 10 loại đàn môi  và khả năng còn nhiều loại khác chưa được phát hiện hoặc đã bị tuyệt diệt (trong khi đó, tất cả các nước châu Âu chỉ có một loại đàn môi duy nhất). Chủ nhân của đàn môi Việt là các dân tộc ở miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Đến nay, nghệ sĩ Đức Minh đã sưu tập được năm loại đàn môi Việt Nam của các dân tộc Mông, Giáy, Thái, Nùng, Ê Đê.

85 triệu và 1

"Đàn môi là một trong những minh chứng sinh động nhất cho thấy sự phong phú của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhưng tôi lấy làm xót xa là trong khi thế giới ngày càng quan tâm hơn đến loại nhạc cụ này của ta, thì hiện Việt Nam có đến 85 triệu dân mà chỉ duy nhất có một người ở Việt Nam chuyên tâm nghiên cứu nhạc cụ này là nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh" - GS Trần Quang Hải nói.

Trên thế giới có ba tập san và 300 trang web chuyên về đàn môi. Song ở Việt Nam, đàn môi hầu như không có trong "bản đồ" nghiên cứu nhạc cụ dân tộc. Khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện Quốc gia chỉ giảng dạy 8 loại nhạc cụ được cho là phổ cập nhất, không có đàn môi.

Trong kho tư liệu nhạc dân tộc của Viện Âm nhạc chỉ có... hai phút dành cho đàn môi.

"Đây đúng là một sự lãng phí di sản, một khiếm khuyết vô cùng đáng tiếc của việc nghiên cứu và giáo dục âm nhạc của Việt Nam" - GS Trần Quang Hải nói.

Còn nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh thì lo âu: "Tôi chỉ sợ đến khi ta bắt đầu hiểu được giá trị của đàn môi, muốn nghiên cứu đàn môi thì chẳng còn gì để nghiên cứu nữa. Nhiều vùng từng là "đất" của đàn môi, giờ không còn ai chơi được nhạc cụ này. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay việc nghiên cứu và bảo tồn đàn môi, khi những nghệ nhân cao tuổi không còn nữa, thì những bài bản cổ của loại nhạc cụ này cũng sẽ biến mất vĩnh viễn cùng họ".

Theo Lao động
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems