Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nỗi lo không đi cùng trân trọng

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
saotruc Posted: 10-25-2007 20:29
  Nỗi lo không đi cùng trân trọngmagnify

Giáo sư Trần Văn Khê (bìa phải): "Người nước ngoài cũng muốn tìm hiểu văn hóa VN chứ không chỉ xâm lăng".

Nỗi lo không đi cùng trân trọng

Hội thảo khoa học "Đời sống văn học nghệ thuật TP.HCM thời kỳ hội nhập" vừa tổ chức sáng 16-10 với nhiều nỗi lo thiết thực...

Nỗi lo lớn nhất đến từ nhà văn lão thành Vũ Hạnh, ông dẫn một câu nói của Azias rằng: "Ngày nay, các cuộc xâm lăng văn hóa đang thay thế cho các cuộc xâm lăng diệt chủng", và ông Vũ Hạnh lo ngại đời sống văn hóa của TP.HCM thời hội nhập hiện nay đang đối mặt với một cuộc xâm lăng văn hóa đến từ các nước bên ngoài. Ông đưa ra lời cảnh báo: "Không biết dựa lưng vững chắc vào quá khứ hào hùng, thật là khó lòng giữ được độc lập tự do khi sự xâm lăng văn hóa đang là một mặt trận lớn trên toàn cầu, với những toan tính thâm độc để nhằm thao túng, nô dịch trước hết những dân tộc nào mất cảnh giác".

Trong phần thảo luận, giáo sư Trần Văn Khê phản biện những ý kiến về "xâm lăng văn hóa". Theo giáo sư Khê, "nếu nói xâm lăng văn hóa là cơn dịch, gieo rắc độc hại thì mình phải tự biết cách miễn dịch. Tức là có chính sách bảo vệ chứ không chỉ bảo tồn". Giáo sư Khê mang tới hội nghị một cái nhìn hội nhập: "Người nước ngoài vào đây không chỉ có xâm lăng, họ còn tò mò tìm hiểu, muốn nghiên cứu xem nghệ thuật của ta có gì hay. Do vậy mình phải phổ biến cái hay cái đẹp của mình cho người nước ngoài có thể hiểu được, đồng cảm được. Cái này chính quyền phải giúp đỡ, có người ở mỗi lĩnh vực làm một chuyện thì văn hóa VN mới được bạn bè các nước thấu hiểu và thêm tin yêu".

Hội thảo vẫn còn thiếu những ý kiến lạc quan như vậy. Thiếu cả việc xác định những đóng góp của văn học nghệ thuật trong giai đoạn hội nhập vừa qua có thành tựu không, được nhìn nhận thế nào? Ngược lại, trong cái nhìn xuyên hơn ba mươi năm qua, có tham luận cho rằng: "Nếu văn học đã không có định hướng như thế thì các hoạt động nghệ thuật cũng không tránh khỏi những sự lạc loài". Hội thảo đầy ắp những nỗi lo trước xu hướng cho rằng chúng ta đang bị làn sóng văn hóa ngoại lai đe dọa trong thời hội nhập, mà bỏ quên việc phân tích sức mạnh của bản sắc văn hóa VN hiện đang như thế nào, để đi đến những ý tưởng phát triển mới.

Cảnh báo, lên án, phê phán... đã đành là cần thiết nhưng trên con thuyền nghệ thuật lúc ra biển lớn, sao không tìm thấy ở nhau những gì đáng trân trọng? Sao chưa đủ niềm tin vào sức mạnh văn hóa của dân tộc đang cuộn chảy không chỉ trong những người làm nghệ thuật đang đọc tham luận, mà còn trong huyết quản của công chúng đang tiếp nhận sản phẩm nghệ thuật nước nhà? Sao không nhắc nhau nhân lên những thế mạnh nào, vun đắp thêm những giá trị gì để văn hóa VN chủ động hội nhập theo đúng nghĩa tồn tại hài hòa trong một trật tự chung toàn cầu. Giáo sư Trần Văn Khê nói "chúng ta cần đào tạo cả công chúng" là nhằm vào ý này.

Rồi đây, từ những nỗi lo đó, có thể sẽ có cơ chế mới, đầu tư mới cho việc phát triển văn hóa ở TP.HCM. Nhưng khi nỗi lo không đi cùng với sự trân trọng, chúng ta dễ bỏ qua những yếu tố nội sinh của văn hóa cội nguồn - nguồn máu quí giá và quan trọng hơn bất kỳ sự rướm máu từ những vết thương va quẹt nào.

LAM ĐIỀN (theo tuoitreonline)

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2
saotruc:

Nỗi lo lớn nhất đến từ nhà văn lão thành Vũ Hạnh, ông dẫn một câu nói của Azias rằng: "Ngày nay, các cuộc xâm lăng văn hóa đang thay thế cho các cuộc xâm lăng diệt chủng", và ông Vũ Hạnh lo ngại đời sống văn hóa của TP.HCM thời hội nhập hiện nay đang đối mặt với một cuộc xâm lăng văn hóa đến từ các nước bên ngoài. Ông đưa ra lời cảnh báo: "Không biết dựa lưng vững chắc vào quá khứ hào hùng, thật là khó lòng giữ được độc lập tự do khi sự xâm lăng văn hóa đang là một mặt trận lớn trên toàn cầu, với những toan tính thâm độc để nhằm thao túng, nô dịch trước hết những dân tộc nào mất cảnh giác".

Đúng là nhà văn "lão" thành, toàn dùng những từ ngữ mạnh để biện minh cho cái nhìn cổ hủ của mình.

(chút ý kiến chủ quan của cá nhân em, có thể không hợp ý của mọi người) 

 

Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems