Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Phải bỏ đi tự ti, mặc cảm...
GS Trần Văn Khê (Ảnh: Tuổi Trẻ) * Giáo sư đã đóng góp rất nhiều cho văn hoá VN. Bây giờ nhìn lại, điều lớn nhất mà ông đã làm được, để có thể chia sẻ ở đây, đó là gì? - Tôi muốn nói đến những việc mà nhiều người không để ý. Không chỉ ở VN, mà đi nhiều nước, tôi đã làm cho nghệ sĩ, nghệ nhân âm nhạc cổ truyền thay đổi tư duy, bỏ mất tự tin, mặc cảm của mình để nhận thức được cái hay mình có. Tôi cho rằng chúng ta không được tự tôn, tự mãn, tự phụ mà phải tự hào và tự tin với sức sống của VN. Hồi nào đến giờ VN tự ti vô cùng, Học cây đàn cò, đàn bầu thì giấu giấu, học cây đàn violon, đàn guitar, piano thì mới dám đưa ra. Tôi đã giảng cho nhiều người VN thấy không phải hoành tráng mà nó hay, không phải nhiều mà nó hay. Nhiều là số lượng, hay là chất lượng. Hay thì một dây nó cũng hay. Như cây đàn bầu. Nhà thơ Văn Tiến Lê đã thốt lên: “Một dây nũng nịu đủ lời/ Nửa bầu chứa cả một trời âm thanh”. Nhà thơ Nguyễn Hải Phương: “Một dây căng giữa đất trời/ Cần nghiêng nghiêng tựa dáng người vươn cao/ Tiếng ngân, ngân tận cõi nào?/ Dư âm rơi ngẩn ngơ vào tai ai?" * Phương Tây hay VN thì đều vươn tới sự tinh tế, âm nhạc VN rèn cho sự tinh tế, nhưng đôi khi chúng ta lại không chú ý đến điều đó… Phải vậy không, thưa giáo sư? - Vậy nên tôi mới viết bài “Căn bệnh mãn tính của âm nhạc VN”, đưa ra lý do tại sao họ đi xa được còn chúng ta thì chưa. Lý do dài lắm. Do lịch sử chúng ta bị đô hộ, mấy chục năm chiến tranh, nhiều thứ bị ngưng trệ, dòng chảy văn hóa bị gián đoạn… Chính trị đưa ra tư duy khác, nghĩ sai, coi thường chuyện này chuyện khác, lần lần bây giờ mới quan tâm lại. Đến lúc này thì âm nhạc dần bị suy thoái. GS Trần Văn Khê vẫn có thể nhắn tin điện thoại, sử dụng máy tính tốt (Ảnh: Bùi Dũng) Còn về tâm lý là sự tự ti mặc cảm, như tôi đã nói, vì ta vẫn quen nghĩ cái gì của Tây cũng hay; mặc, ăn, nghe, sống cũng kiểu Tây, thành ra muốn học Tây. Khi kinh tế thị trường, đờn ca tài tử hay hay cổ nhạc, nếu muốn vô truyền hình cũng trả giá bằng hoặc gần như nhạc Tây. Nếu làm tân nhạc theo thị hiếu của quần chúng không thôi thì sẽ tới lúc tới chỗ không tưởng tượng được. Người học bao nhiêu năm, tìm ra tiếng đờn có thể làm não ruột người ta. Có người hiểu được, khen, rồi thôi, đâu lại về đấy, làm cho người nghệ sĩ âm thầm xếp cây đờn về nhà lui cui sống cuộc đời hẩm hiu. Trong khi đó, hát một tiếng hát không hay lắm, theo thị hiếu quần chúng, có thêm quần áo thời trang, trang điểm đẹp, uốn éo trên sân khấu chút xíu, được triệu đồng. Sáu năm học đàn kìm với 6 năm học đàn guitar thì học đàn guitar ra kiếm cơm dễ hơn. Hoàn cảnh đất nước, môi trường làm người ta quay lưng với cổ nhạc và còn nhạc mới thì không có sự phát triển đúng hướng. * Ông thấy chúng ta đã dần lấy lại sự tự chủ hay chưa, khoan nói đến sự tự tôn hay sự tự hào? - Chưa, còn xa lắm. Muốn làm được, thì tôi cũng đã nói, chính quyền có trách nhiệm, chính quyền phải gây lên phong trào và đưa ra các liệu pháp cụ thể. Chính quyền chưa bao giờ đưa ra cụ thể mà chỉ đưa ra những khẩu hiệu rất hay, nhưng làm sao thực hiện khẩu hiệu đó thì không biết, không cho, không giúp. Dân tộc - khoa học - đại chúng là tuyệt vời, nhưng cái gì là dân tộc, cái gì là khoa học chưa có định ra được. Định chữ "dân tộc" còn chưa định ra. Chúng ta có sáng tác nhưng làm thế nào để vừa đương đại nhưng lại đậm đà bản sắc dân tộc – đó là định hướng hết sức đúng, nhưng phải làm sao, tiền đâu làm được thì chưa rõ. Quay lại sự giúp đỡ của chính quyền. Khi người nhạc sĩ sáng tác ra concerto, bạn tấu khúc hay giao hưởng, cho 60, 70 triệu hay làm một bản giao hưởng có thể cho hàng trăm triệu để ăn, uống, tập, sinh sống… còn như khi tổ chức một nhạc hội, tôi mời được 5 nước ở Đông Nam Á tới đây; người ta không lấy tiền máy bay, chỉ ăn, ở, tặng quà, để công chúng xem miễn phí thì nhà nước ủng hộ 25 triệu. Như vậy tức là chính quyền nói ủng hộ nhạc dân tộc nhưng chưa có hành động, cách làm cụ thể. Người nghệ nhân chưa ý thức họ có nghề và phải truyền hết nghề mà luôn có tư tưởng giấu nghề. Thế nên học trò thì không được học tới nơi tới chốn, chỉ học được cái bên ngoài, lóa con mắt với cái bên ngoài mà quên mất cái bên trong làm rung động con tim.
GS Trần Văn Khê (Ảnh: Tuổi Trẻ)
GS Trần Văn Khê vẫn có thể nhắn tin điện thoại, sử dụng máy tính tốt (Ảnh: Bùi Dũng)
"Nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ..." * Theo ông thì giờ chúng ta thay đổi có kịp hay không, để bớt đi hào nhoáng mà thực sự có sự rung động của con tin? - Kịp là kịp với ai và kịp lúc nào? Nếu tất cả các tầng lớp đều đồng lòng: chính quyền đưa ra những hỗ trợ đúng, nghệ nhân tự hào về nghề của mình, người học muốn học, quần chúng ủng hộ, tất cả tôn vinh cổ nhạc. Nếu bắt đấu như thế từ ngay bây giờ thì 20 năm sau mới có kết quả. Chứ không phải trong ngày một ngày hai mà có sự thay đổi ngay được. Nếu chúng ta không bắt đầu từ bây giờ thì thế hệ này sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã làm mất đi những cái hay cái đẹp mà cha ông chúng ta đã chắt chiu. Vậy chúng ta có tội với tổ tiên. * Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa giáo sư? - Người mẹ ru con là cho đứa con giáo dục âm nhạc đầu tiên, đưa một nét nhạc vào, đưa một bài thơ vào tiềm thức nó. Nếu đứa trẻ nghe những thứ nhạc không đâu vao đâu thì khi lớn lên nó cũng thành quen tai, cứ thế tự nhiên tai nghe của nó sẽ hỏng. Không thể trách đứa trẻ được. Tất cả tại môi trường. Đây là căn bệnh mãn tính rồi. Hơn nữa trẻ con phải hát bài trẻ con, nó thương mẹ, thương thầy, nó chơi nu na nu nống chớ không có nghĩ đến "thương bộ đội". Mấy thứ đó để lớn hãy dạy nó, lúc nhỏ hãy để cho nó hát những bài trẻ con. Không thể để cho những người học theo phong cách phương Tây sáng tác theo cách nói của người lớn rồi nhồi vào óc đứa nhỏ. Chúng ta phải làm cho dân chúng thấy quý trọng những người hát và chơi cổ nhạc. Làm cho dân chúng có một tư tưởng khác tức là không coi thường những người chơi cổ nhạc. Không để họ bị nhìn nhận dưới góc nhìn là những người nhà quê, mà đó là những người giữ gìn hồn quốc gia. Rồi dân chúng phải có cái nhìn hãnh diện chúng ta là người Việt Nam thì phải tìm hiểu ta là có cái gì trước chứ không thể âm nhạc dân tộc cũng không biết mà đi tìm hiểu rock, rap, swing…
Có trân trọng thì mới biết tự hào GS Khê đọc báo Xuân Kỷ Sửu 2009 * Ông nói gì khi nhiều người cho rằng nhạc dân tộc của chúng ta là nhà quê, lạc hậu còn phải là nhạc phương Tây mới là đô thị, thức thời, đôi khi người ta rất coi thường thứ "nhà quê" đó…? - Đó là do tự ti, họ nghĩ mình thua. Mình phải tự hào thì mình mới thấy trân trọng những gì của cha ông để lại. * Từ nhà quê đó trong nhìn nhận của ông như thế nào? Nó có phải là cái nôi, cái gốc của âm nhạc truyền thống nói riêng và mọi nền âm nhạc nói chung? - Đương nhiên, tôi là nhà viết lịch sử âm nhạc của cả thế giới chứ không chỉ viết cho Việt Nam, không lý gì mà người ta dành cho Ấn Độ và Trung Quốc 30 trang mà không dành cho Việt Nam trang nào. Một cá nhân như Bach còn có cả trăm trang trong lịch sử âm nhạc tại sao cả một nền âm nhạc truyền thống của một nước lớn như vậy mà còn cho có vài chục trang thì làm sao mà hiểu hết được. * Nhưng mà có người sẽ nói nhà quê thì không thể văn minh bằng đô thị được, nhạc dân tộc thì không thể sang bằng nhạc phương Tây được? Sự "văn minh" hiểu như vậy đã đúng chưa, thưa ông? - Tại họ không hiểu nhạc dân tộc nên mới nói vậy. Văn minh không phải là nhiều bè. Một bè mà uyển chuyển, hát lên người ta hiểu còn văn minh hơn là nhiều bè mà hát lên chẳng ai hiểu gì hết. Như nhạc Ấn Độ chỉ cần một người đàn một người phụ họa, cùng lắm là 3 người thôi nhưng rất hay, đâu cần phải dàn nhạc giao hưởng 120 người mới là hay. Chúng ta muốn người ta hiểu được thì ta phải tiếp thị, phải cắt nghĩa. Văn minh là sự phát triển của kỹ thuật còn văn hóa là vốn sống của con người. Nếu chúng ta có sự văn minh thì người ta tự khắc sẽ phải có văn hóa hơn. Người ta biết văn minh thì người ta sẽ trọng văn hóa.
GS Khê đọc báo Xuân Kỷ Sửu 2009
"Giờ thương mại hóa nhiều thì phải lợi dụng nó..." * Theo ông, tại sao nhạc dân tộc ở Việt Nam hiện tại lại không có sức sống như nhạc trẻ và cần làm gì để nó có được sức sống ấy? - Trả lời một vài câu thì e là khó nói hết. Nhạc trẻ là cái gì mới lạ, cái gì hào nhoáng và dễ nghe, dễ nhớ dễ chơi nhưng cũng dễ bỏ. Nó là một thú chơi chứ không phải là một nghệ thuật. Âm nhạc Việt Nam mới là một nghệ thuật để phụng sự chứ không phải là một thứ để người ta bán, nhưng tiếc là bây giờ nó đã bị người ta bán trong các nhà hàng hay trên mấy du thuyền. Cái đó không phải là môi trường cho nghệ thuật. Chính sự mất đi tiếng ru điệu hò đã làm cho người ta quay lưng lại với âm nhạc dân tộc. "Cách tiếp thị âm nhạc Việt Nam tới người dân cũng như tới du khách không khó" * Như vậy thì xu thế thương mại hóa đã làm mất cân bằng những giá trị tinh thần? Đó phải chăng là một điều đáng lo? - Lo thì không đáng lo nhưng ở đời nếu mình là một tướng giỏi thì phải “biến tặc lai công tặc”, làm sao để biến thù của mình thành kẻ hỗ trợ mình. Giờ thương mại hóa nhiều thì phải lợi dụng nó để cho người ta biết đến âm nhạc Việt Nam. Tuy giờ đã có chuyện người ta biểu diễn trong nhà hàng nhưng đó là biểu diễn một cách thô sơ, giản dị quá khiến nó không thành một thứ nghệ thuật được. Ví như ca Huế sống lại được là nhờ du khách nhưng giờ chúng ta cứ để vạy thì nó cứ mãi thành món hàng thôi. Phải nâng chúng lên để thành nghệ thuật. Cách tiếp thị âm nhạc Việt Nam tới người dân cũng như tới du khách không khó. Nếu lên taxi người ta mở một đĩa đàn bầu thì tự khắc du khách sẽ thấy lạ và họ sẽ hỏi, hay như vào khách sạn ở Việt Nam sẽ thấy toàn nhạc ngoại sao chúng ta không đưa vào đó những đĩa khúc đàn bầu đàn tranh hay tiếng sáo nhẹ nhàng. Với những tiếng đàn bầu, đàn tranh hay sáo nhẹ nhẹ thì sẽ tạo ra một cảm giác lạ. Mà du khách thì đến Việt Nam để tìm cảm giác này chứ nếu quá quen thuộc với họ rồi thì họ ở nước họ đâu cần đến Việt Nam. Mình chưa biết làm cái đó. Một cái khác nữa là tới giờ ăn thì họ cho nghe nhạc, ăn uống vậy thì nghe còn biết gì. Muốn cho du khách nghe thì phải tổ chức riêng vào một giờ nào đó, lựa chọn giờ sau ăn tối và trước khi ngủ chẳng hạn. Mình mời họ nghe nhạc và diễn tấu theo đúng phong cách. Khi mình giải thích cho họ thì họ nghe sẽ hiểu hơn. * Nhưng nhiều người rất e ngại mình làm theo những cái lạ thì sợ sẽ trở nên… lạc lõng? - Tất nhiên, sao không lạc lõng được, vì mình là thiểu số chứ đâu phải đa số nhưng mình phải có bản lĩnh để biết mình đang làm theo cái đúng để dần dần thu hút nhiều người hơn. Ví dụ sáng ra mà cho người ta nghe các loại nhạc ầm ĩ thì sao chịu nổi, nếu mình cho họ nghe đàn tranh hay sao nhẹ nhàng thì họ sẽ thích. Đã làm thì phải nghiên cứu xem loại nhạc nào người ta sẽ thích vào thời điểm nào đẻ cho sự giới thiệu đúng cách. Hơn nữa mình không giới thiệu về âm nhạc mình đang chơi thì sao người ta hiểu được mà thích. Tôi từng đã giới thiệu hát bội ở Mỹ ở Pháp và đều được người ta rất hoan nghênh. Được như vậy bởi mình giảng cho người ta hiểu trước khi cho người ta nghe. "Tôi thưởng thức Tết" * Ông đón Tết tại Việt Nam khác với những năm đón Tết ở nước ngoài như thế nào? - Khác nhiều chứ! Bên kia Tết mình vào tháng 2 tuyết giá lạnh không khí không có chút gì Tết. Đó cũng là ngày làm việc nếu có tết cũng chỉ là trong lòng mình và trong nhà mình thôi. Bên đó mùa ấy cây trụi lá, trời lạnh người ta co ro làm sao mà tìm được những ánh nắng chan hào hay những bông hoa trên đồng nội, về đây mình mới có những thứ đó. Hơn nữa là tình người, mình có 100.000 người bên Pháp sống lạc lõng lắm chứ. Ngày tết đâu có gặp được nhau vì còn phải đi làm. * Giờ về Việt Nam rồi, giáo sư đón tết như thế nào? - Tôi không phải là người ăn tết mà là người thưởng thức tết. Ngày mùng 1 tôi sẽ ở nhà không đi làm sáng ra khai bút và gọi điện thoại thăm hỏi thầy giáo, họ hàng bà con. Ngày mùng 2 thì đi bạn bè. Ngày mùng 3 là học trò tới. Tết ở Việt Nam vui hơn nhiều, có con cháu, chắt tới chúc thọ đông lắm, đến 20 - 30 người, chứ không một mình như hồi bên Pháp.
"Cách tiếp thị âm nhạc Việt Nam tới người dân cũng như tới du khách không khó"
- Cảm ơn giáo sư Trần Văn Khê! Kính chúc ông năm mới mạnh khỏe, tinh anh để tiếp cống hiến cho văn hóa truyến thống Việt Nam.
Bùi Dũng.
vnn.vn