Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Cây tỳ bà cổ và ngón đàn “độc nhất vô nhị”

rated by 0 users
This post has 3 Replies | 1 Follower

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Wink [;)] Posted: 04-27-2009 4:20

Giadinh.net - Ôm cây đàn tỳ bà, những ngón tay tài tình lướt, những thế tay xen kẽ tiếng đục - tiếng trong, giai điệu mang tính đặc trưng của cây đàn đã được nghệ sĩ trăm tuổi Châu Đình Khoá mang đến cho người nghe cảm giác mới lạ, lôi cuốn lạ thường.
Đó là cây đàn tỳ bà cổ sau nhiều năm lưu lạc,  đến năm Gia Long thứ nhất (1802) mới xuất hiện tại kinh thành Huế trong gia tư của quan Ngự sử Lưu Đức Xứng. Sau những năm chiến tranh loạn lạc, cuối cùng cây đàn cổ mới hợp nhất với lão nghệ sĩ Châu Đình Khoá. Ông là người cuối cùng truyền được ngón đàn xưa của ông Trợ Tồn – cây đờn ca tài tử nổi danh đất Huế.
 
Lão nghệ sĩ lướt tay soạn ngón tài tình tạo nên giai điệu đặc trưng của đàn tỳ bà cổ.
 
Tha hương  đời đàn

Tỳ bà Huế có 4 dây và 10 phím. Những dây đàn chạy dài từ 4 trục gác qua “yên ngựa” trên cổ đàn, qua tất cả 10 phím đàn, thẳng xuống “bài thơ”, tận cùng nơi buộc dây. Do đó, mỗi phím đàn đều có 4 âm khác nhau. Nhiều vị khách nước ngoài sau khi nghe lão nghệ sĩ Châu Đình Khoá chơi đàn tỳ bà đã rất ngạc nhiên vì một nhạc cụ dân tộc lại có thể sử dụng cách chơi phức âm của các nước trong nền âm nhạc châu Âu.

Một ngày mùa xuân năm Nhâm Ngọ 1882, tại dinh thự của quan Ngự sử Lưu Đức Xứng có một buổi uống trà nghe đờn ca để tiếp đón quan Thượng thư Bộ Lễ Châu Đình Kế. Trong lúc cao hứng, quan Ngự sử liền giới thiệu với vị quan đồng triều một vật báu. Đó là cây đàn tỳ bà cổ, sau nhiều năm lưu lạc đã xuất hiện ở kinh thành Huế vào năm 1802. Cũng từ đó, cây đàn trở thành báu vật của gia đình quan Ngự sử Lưu Đức Xứng.
 
Sau khi quan Ngự sử qua đời, cây đàn được rước lên bàn thờ trong phủ. Những năm ấy, dường như người Huế không mấy ai lại không biết đến danh tiếng của cây đờn ca tài tử Trợ Tồn là người gốc gác lâu đời của mảnh đất nhạc cung đình. Ông Trợ Tồn  tên thật là Nguyễn Quang Tồn vốn là giám thị trường Quốc học Huế. Nghe tiếng cây đàn cổ, ông Trợ Tồn liền sắp lễ xin được mang cây đàn trổ lên những nốt nhạc lưu truyền cho hậu thế. Cảm động trước tấm chân tình của ông Tồn, gia đình quan Ngự sử liền xin quẻ âm dương và trao đàn cho thầy Trợ.

Được báu vật, ông Tồn ngày đêm miệt mài sáng tạo nên phương pháp ký xướng âm riêng cho cây tỳ bà khi đờn tài tử các khúc dân ca miền Trung. Sau đó, ông bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế vì tham gia vào phong trào yêu nước, đến nỗi phải lưu lạc về làng Phú Thọ, tổng Thượng Phong ở tận Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Ông phải vất vả mưu sinh, người vợ thì buôn bán vặt kiếm sống qua ngày. Trong những ngày khốn khó ấy, ông vẫn sáng tác nên những vở kịch thấm đẫm tinh thần yêu nước, như “Ông Tây An Nam và thằng ngốc”. Bọn mật thám đành xếp ông vào dạy cấp I trường làng để dễ bề quản lý.
 
Trong đám học trò ngày ấy, ông Tồn đặc biệt chú ý đến Châu Đình Khoá vì cậu học trò này có niềm đam mê nhạc tài tử đến kỳ lạ. Châu Đình Khoá lại chính là cháu nội của quan Thượng thư Bộ Lễ Châu Đình Kế, bạn đối ẩm của chủ nhân cây đàn cổ trước đây. Dường như cảm nhận cái “duyên tiền định” mà người xưa sắp đặt, thầy Trợ Tồn liền dốc hết tâm sức mang ngón nghề mà ông mất bao năm dày công sáng tác truyền lại cho trò Khoá.
 

Đến năm 1939 khi phong trào dân chủ bị đàn áp, ông Trợ Tồn tiếp tục bị đẩy ra Thanh Hoá,  còn Châu Đình Khoá  phiêu bạt tứ xứ. Năm 1941, thầy Tồn mất tại Huế khi mới 38 tuổi, ông trăng trối lời cuối cho vợ:  Phải trao cây tỳ bà cho Châu Đình Khoá. Hai năm sau, Châu Đình Khoá lại trở về Phú Thọ - Lệ Thuỷ hoạt động, rồi đột nhiên ông nhận được bức thư của bà Trợ nhắn ông vào Huế...

Đàn cổ thành... thớt!

Nhận được cây đàn như được báu vật, cộng với nỗi tiếc thương người thầy quá cố, tiếng đàn của Châu Đình Khoá ngày ấy khi thì du dương, khi lại sầu bi não nề. Nhưng sau năm 1945, cả nước lao vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chẳng mấy  ai còn tâm trạng để ý đến tiếng đàn tài tử nữa. Ông đành phải gửi lại cây đàn, nhờ bà con ở cơ sở kháng chiến giữ hộ để ra chiến trường. Nhưng lúc ấy, các gia đình đều trong cảnh loạn ly, chạy giặc, người ta còn mải lo mang theo gạo, gà, lợn... chẳng còn ai có sức mà ôm theo cây đàn, nên đành giấu vào trong bụi cây rậm rạp đợi ngày quay về.
 
Trong lúc chạy giặc, bà con chợt phát hiện cây đàn được làm bằng gỗ tốt, óng mượt, không lên mùn liền đem ra lật úp xuống làm thớt thái rau... Bị băm thái quá nhiều nên mặt đàn cũng bị vẹt đi nhiều. Từ chiến trường trở về, tận mắt chứng kiến cảnh tang thương của cây đàn quý, ông Khoá rưng rưng khóc, xót xa không cất nổi thành lời... Từ ấy, ông nhất quyết không xa rời cây đàn nữa. Dù ở chiến tuyến máu lửa hay những buổi đi diễn văn nghệ phục vụ bộ đội, ông đều ôm cây đàn bên mình.

Năm nay, tròn 101 tuổi, tóc của nghệ sĩ Châu Đình Khoá đã bạc trắng mà ngón tay của ông dường như không chịu khuất phục trước thời gian; Ngón đàn điêu luyện vẫn vang lên với Dạ khúc, Tương tư, Cổ bản, Mười thương...
 
Ông nhớ lại: những năm 1936 – 1939, chiếc đàn cổ đã cùng đội văn nghệ nghiệp dư tự lập đi biểu diễn vận động cho ông Hoàng Chính Đống vào Viện dân biểu Trung kỳ, ông Nguyễn Trung Thầm và Hoàng Bá Liên vào hội đồng dân biểu hàng tỉnh. Những năm tháng khốc liệt chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước sau này, tiếng đàn tỳ bà trầm bổng của ông và tiếng hát của cô ca sỹ Năm Kỷ trong đoàn văn công Quảng Bình đã làm dịu đi sức nóng của bom đạn, làm ấm lòng những chiến sĩ xa quê.
 
Cây đàn tỳ bà cổ hàng trăm năm tuổi.

Nguy cơ thất truyền ngón đàn “độc nhất vô nhị”

Qua diễn tấu của lão nghệ sĩ Châu Đình Khoá, những người am hiểu về âm nhạc sẽ dễ dàng nhận thấy các bài bản được biên soạn rất công phu và chỉ dành riêng cho đàn tỳ bà, nên cấu trúc âm nhạc khác biệt hẳn so với các bản cùng loại của các nhạc cụ khác. Sự khác biệt này ít thấy trong âm nhạc cổ truyền. Đó chính là sự sáng tạo độc đáo mà Châu Đình Khoá đã tiếp thu được qua cuốn sách “Tự học đàn tỳ bà” của cố nghệ sĩ Nguyễn Quang Tồn.
 

Tuỳ từng tính chất âm nhạc của các bài bản, tiếng đàn của ông, lúc lên bổng xuống trầm, khi tao nhã vui tươi, có khi êm dịu mùi mẫn, thi thoảng lại đan xen “ngón phi” cả 4 dây rộn rã, ngân lên một âm thanh kỳ diệu, tạo nên phần sôi động cho bản độc tấu. Âm sắc dồi dào, sắc thái phong phú các làn điệu đượm chất trữ tình của Lệ Thuỷ, Bến Hải, Hương Giang… được nghệ sỹ Châu Đình Khoá thể hiện trong tiếng đàn cổ xao xuyến tình người.

Nếu ai đã từng nghe Châu Đình Khoá gẩy đàn theo phong cách thính phòng Huế, hẳn sẽ không hết ngạc nhiên trước cách soạn ngón tài tình của những thế tay xen kẽ tiếng đục và tiếng trong. Tuyến giai điệu mang tính đặc trưng của tỳ bà với những điểm nhấn đã tạo ra những cảm giác mới lạ hấp dẫn. Nếu người hoà đàn không vững bài bản mà chỉ hoà đàn theo phong cách truyền thống ngẫu hứng tại chỗ thì rất dễ bị “trượt vỏ chuối”. Vẫn là chữ Xê nhưng khi nghe ông Khoá gẩy tiếng Xê ở phím Kiệt, vừa đục vừa đoản ngắt, tạo nên cảm giác mới lạ riêng biệt đối Tỷ với tiếng Trong của chữ Liu.

Lão nghệ sĩ tâm sự: “Những bài tỳ bà có âm hưởng riêng ấy là do thầy Trợ Tồn truyền cho tôi trong thập kỷ 30 – 40 của thế kỷ trước”. Cả cuộc đời ôm đàn trèo đèo lội suối, lão nghệ sĩ này đã cố công truyền lại những ngón đàn của thầy Trợ và giao luôn cả sách của thầy Trợ cho 4 học trò yêu. Nhưng tiếc thay cả 4 truyền nhân này đều ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Châu Đình Khoá lại trở thành vị truyền nhân xuất sắc cuối cùng của những ngón đàn độc đáo do thầy Trợ sáng tạo nên.
 
Những lúc rảnh rỗi, cụ vẫn tranh thủ đàn cho lũ trẻ trong nhà.

Bước sang tuổi 101 và dường như cảm nhận được sâu sắc cái ngày gần đất xa trời của mình, lại day dứt mãi khôn nguôi vì chưa tìm được truyền nhân đích thực, nên ngày ngày ông vẫn cố truyền từng ngón đàn cho hậu sinh yêu thích đờn ca tài tử Huế. Nhưng ông bảo, ông vẫn chưa tin họ đàn Rặt Nòi theo lối đờn tài tử điệu Huế như ông đã dạy cho họ. Và nếu quả thực, không có hậu sinh nào kế thừa trọn vẹn nổi thì e rằng tiếng đờn cổ có một không hai của thầy Trợ Tồn truyền lại cho Châu Đình Khoá sẽ vĩnh viễn không còn. Có chăng chỉ là vài nét “mót” lại mà thôi.
 
Bảo Vân
www.giadinh.net.vn
Top 10 Contributor
cầm sư cấp 4
ủa, em thấy người chơi tỳ bà thường để dựng thẳng đàn lên cơ mà? đâu phải để ngang kiểu guitar như người nghệ sỹ này?

Kéo nhị, thổi sáo để thêm yêu đất nước Việt Nam, để thêm mến Đamsan.net!!!

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Thật ra để nằm ngang như vậy mới là cái gốc của tì bà. Cái tên tì bà này cũng từ cái cách nằm ngang này mà ra. Người TQ sau này đã cải tiến cách đánh tì bà. Họ vừa dùng năm móng tay và dựng đứng cây đàn lên (chưa nói đến kỹ thuật chơi, họ đã có thêm nhiều kỹ thuật nhất là về ngón). tỳ bà có nguồn từ người Ba Tư và truyền vào TQ qua con đường tơ lụa. Người Ba Tư thường ngồi trên lưng lạc đà vừa đàn vừa hát, chở những chuyến hàng hóa trên con đường dài. Họ để nằm ngang và dùng một miếng gảy để đàn. Pì Pà (có thể tui phiên âm không chính xác lắm) có nghĩa là lên xuống. Đàn để nằm ngang và dùng miếng gảy thì mới đánh lên xuống được thì mới gọi là Pì Pà tức Lên Xuống. Đa phần đánh đàn này là nam giới, hiện nay tại TQ cũng co nhiều bậc thầy đàn tỳ bà là nam. khi đàn dựng đứng lên thì nữ ôm đàn thì ta thấy rất đẹp. Vào Việt Nam ta tui cũng không biết tại sao nó gọi là Tỳ Bà.
Top 75 Contributor
cầm sư cấp 2
coi bộ cây đàn kì bà này giống đàn guita ghê nháSad
Page 1 of 1 (4 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems