Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

câu chuyện của Trúc

rated by 0 users
This post has 7 Replies | 1 Follower

Top 25 Contributor
cầm sư cấp 3
saonhua Posted: 01-09-2008 11:19


Để mở đầu thiên Trúc mà xứ ta gọi là Tre, xin được lấy hai câu thơ của Tô Đông Pha, một thi sĩ đời xưa ra, gọi là chứng minh lòng yêu tre của thi nhân:

Cư gia bất khả vô Trúc
Vô trúc sử nhân đọa tục

Có nghĩa là sống trong nhà không thể không có cây trúc, vì thiếu cây trúc sẽ làm cho con người rơi xuống chỗ phàm tục. Nói thế vì người xưa cho trúc là một thứ cây tượng trưng cho bậc chính nhân quân tử.

Các chuyên gia về cỏ cây định nghĩa Trúc là một thứ "Phi Thảo, phi mộc, bất cương bất nhu, tiểu dị không thực, đại đồng tiết mục. Có nghĩa là không phải cỏ mà cũng chẳng phải cây gỗ, không cứng chẳng mềm, điểm khác nhau là có thứ rỗng có thứ chắc ruột, và điểm giống nhau lớn nhất là cây trúc nào cũng có đốt, có mắt."

Lá trúc có gân đối nhau, hoa trúc nhỏ, sắc trắng, cách mỗi một hơn nửa thế kỷ từ 60 đến 80 năm mới trổ một lần hoa, rất hiếm khi kết thành quả. Mỗi lần trổ xong một lứa hoa là cây tre phải chết, phải đến 4 năm sau mới hồi sinh. Măng mọc vào mỗi cuối đông, vì vậy Tre còn được mang tên là Đông Sinh Thảo, nhờ mọc măng vào mùa đông nên lá xanh tươi trong lúc các thứ cây khác đều trơ trụi. Lá tre rụng lại có lá khác mọc lên không để cho cây trụi lá, thi nhân và triết nhân đều yêu trúc, đồng ý rằng trúc mang phong cách thoát tục. Được tôn làm đệ nhất quân tử trong tứ quân tử Mai, Lan, Cúc, Trúc.

Trúc được chia ra nhiều loại, có thể gọi Trúc là một món quà quý báu của thiên nhiên dành cho con người, và con người cũng đã không phụ lòng thiên nhiên mà đã biết tận dụng.

Từ những vật thanh cao, như làm bút, làm đàn, làm sáo, từ vật bé như cây tăm, đến to như làm cột nhà, cột buồm, làm thuyền bè, làm cầu, làm cung tên. Tuy rằng trúc là thứ cung xấu nhất, gỗ tốt nhất để làm cung phải là gỗ dâu. Nhưng tên thì lại toàn làm bằng tre. Ngoài ra tre còn dùng để đan thúng rổ gầu, lạc buộc, làm bàn ghế,...

Cây trúc làm tất cả mọi sự ích lợi cho một số người (hẳn phải là số người nghèo có các vùng Đông Nam Á) và làm một số ích lợi cho tất cả mọi người (kể cả nhà giàu cũng cần cây tăm xỉa răng).
Với cái định nghĩa nầy, chúng ta mỗi người tự nhìn và tìm thấy xem cây trúc đã làm gì cho mình, ta đã nhờ cây trúc những gì đây, thử tính xem?

Ngay cả thời buổi văn minh nầy, khoa học đã tìm ra bao nhiêu thứ qua dầu hỏa và các khoáng chất khác, người ta vẫn thấy khi cất những tòa cao ốc, thì các giàn tre để thợ trèo lên vẫn hay hơn giàn bằng gỗ hay bằng sắt. Sự chắc vững không kém gì các thứ kia mà lại hơn ở điểm dẽo và dai, gió có thể đong đưa nhưng không gãy.

Lá trúc là một thứ thuốc uống để chửa chứng đau tim và ruột, trừ táo bón, riêng về phương diện thuốc thì rễ cây tre còn giải được chứng nhiệt, khát, nhưng khi dùng phải sắc lấy nước cốt mà uống. Các bà bị chứng lồi dạ con sau khi sinh xong, thường phải dùng rễ tre và lá tre nấu để rửa. Rễ tre còn làm tiêu đàm, giải chứng mê man.

Măng tre là món ăn mỗi ngày của nhà nghèo, lợi tiểu tiện, ích khí, nhưng người ta khuyên nên kiên hái măng vào những lúc trời nắng và gió to. Bẻ măng vào lúc gió lớn thì măng sẽ cứng, kỵ nhất là ăn măng sống, và kỵ nữa là ăn chung măng nấu với gan dê, có thể làm mờ mắt.

Đông y còn một thứ thuốc mang tên Trúc Lịch,lấy nước cốt của cây tre, chữa được bệnh trúng phong, méo miệng, trợn mắt. Cách làm hơi phiền phức.

Trúc không phải chỉ làm có những thứ vừa kể trên, trúc còn làm giấy, người xưa viết ngay trên những thanh trúc, hoặc khắc lên thân trúc, do đó mới có chữ đao bút và sử xanh. Đao bút vì lấy đao khắc thế bút và sử xanh vì tre mầu xanh, chỉ cần chặt vể chẻ ra từng mãnh mang phơi khô, viết lên rồi dùi lỗ lấy giây da buộc vào nhau thành những quyển sách. Khi Khổng Tử đọc Kinh Dịch đến tam tuyệt (ba lần đứt giây) tức là ông cũng đã phải dùng loại sách bằng tre nầy chăng.

Ngày nay khoa học còn biết nấu tre để lấy diesel, fuel mà chạy máy, chuẩn bị cho sự cạn khô trong lòng đất một ngày nào đó, hoặc là khi các ông vua Ả Rập trở chứng.

Có một giống chim chỉ ăn tre để sống mà không phải bất cứ giống tre nào cũng ăn được, phải là thứ tre chặc ruột, loại Hàn Trúc, sẽ đề cập đến, chim nầy mang tên là Trúc Phượng, cũng như có giống gấu Panda hiện chỉ còn lối 1000 con, các chính phủ đang tìm đủ cách để giữ giống, kể cả sự đợi mùa rồi lấy tinh trùng của con đực bỏ vào tử cung của con cái, hệt như đang làm với loài người để mong giữ lại cái giống gấu dễ thương và hiền lành nầy. Giống gấu nầy sản sinh ở Trung Hoa vùng Tứ Xuyên là nơi mọc giống tre Tản Trúc hay Tuyên Trúc, thức ăn duy nhất của loài gấu nầy. Cứ mỗi bảy tám chục năm, tre ra hoa rồi chết mất mấy năm, gấu không có thức ăn cũng phải chết theo với tre. Chẳng biết bây giờ các vị khoa học gia đã tìm ra thứ gì hoặc đóng tre vào hộp, hay đông lạnh để dành cho gấu.

Người xưa khi nói đến trúc là nói đến tình bạn thân thiết, vì trúc rất có tình với nhau, luôn luôn tụ họp. Các cung nhân, khi muốn được quân vương tìm đến mình, thì thường lấy tre rãi xuống lối đi, mang nước muối vẫy lên, lũ dê kéo xe cho vua, vốn ưa thích ăn thứ tre có mùi nước muối ấy nên cứ theo con đường đó mà dẫn xe tới, nhà vua ngồi trên xe đâu có biết gì, tưởng là dê đã chọn thay mình. Vì cung phi quá nhiều, nhà vua không thể tự chọn nên để sự kiện tình cờ nầy, hay là để cho dê chọn hộ mình.

Hơn 2000 năm trước, Sái Luân đã biết nấu tre, lấy bã trãi ra đặt vào khung, cán thật mỏng rồi mang phơi ra nắng, làm giấy, thủy tổ của giấy viết là từ đó.

Người Trung Hoa đã giữ bí mật cái kỹ nghệ làm giấy nầy, không để ra cho ai biết, nhưng gặp mấy ông Ả Rập xứ Ba Tư cũng chẳng kém, họ đã bắt cóc luôn mấy người thợ làm giấy, từ đó dân Ả Rập cũng biết làm giấy và mới bắt đầu truyền sang Âu Châu.

Giấy hạng nhất được mang tên là Diêu Hoàng, hạng nhì là Học Sĩ và hạng ba là Thiệu Công.

Không những Trúc được gọi là đệ nhất quân tử trong tứ quân tử Mai, Lan, Cúc, Trúc đã nói ở trên, mà còn được liệt vào hạng năm người bạn, ngũ hữu đó là Sen, Mai, Lan, Cúc và Trúc. Trong năm người bạn, dùng chữ người vì chúng tôi xem thảo mộc cũng như người, cũng có tình cảm cũng biết vui buồn, mà hơn người ở chỗ không ác và không nhiều chuyện. Trong số ngũ hữu nầy riêng mình Trúc là không nở hoa, nhưng lá cũng đủ thay hoa, Trúc còn được xem như người bạn quý vì không đòi hỏi chăm bón như những thứ cây khác mà vừa có thể nhìn lại nghe được cả âm thanh: Phong vũ lục minh, thanh văn u viễn, câu nầy để nói lên rằng khi mưa gió thì giọng trúc được vang rất ra.

Sau đây xin đưa một số tên và giống trúc xếp theo thứ tự, để chúng ta dễ nhớ và dễ nhận mỗi khi có hoàn cảnh gặp.

ÁM TRÚC: không phải là một loại trúc nhưng để chỉ tất cả nhưng bụi trúc mọc chen chúc không lối đi cũng như chữ Ám Duẫn để chỉ những măng còn nằm ẩn dưới đất.

BẠC TRÚC: còn được gọi là tre Bương, thân to, dày thịt, mọc thành từng ôm, rắn chắc, ít mọt, có thể dùng làm cột nhà tranh và sườn nhà, giàn cây.

BAN TRÚC: Thứ tre có nhiều vân, mầu nâu đỏ, cây nào vân đỏ thẫm được gọi là Phượng Nhãn Trúc, vì người xưa nhìn cho là giống mắt chim Phượng, cây nào chỉ lác đác từng chấm như nét tuyết sa, được gọi là Giáng Tuyết Ban Trúc.

BÁI TRÚC: Giống trúc mọc ở phương Nam, thường chỉ chọn những đám đất hoang dài cả trăm trượng, tròn 3 trượng, bề dày 8, 9 thốn, có thể dùng một thân tre mà làm thành chiếc thuyền con. Sách Sơn Hải Kinh có ghi về thứ trúc nầy, nhưng ngày nay không còn thấy nên bị người đời cho là huyễn thoại. Sơn Hải Kinh một loại cổ thư còn được gọi là Hoang Kinh, tác giả không biết rõ là ai, có người cho là vua Vũ đã sáng tác ra, nhưng có thuyết không tin như thế.

BÍCH NGỌC Trúc, mang tên Bích Ngọc, đáng lẽ phải là một thứ ngọc xanh, tức mầu trúc phải xanh, nhưng đây lại là một thứ trúc mầu vàng. Xin đừng lầm với Hoàng Trúc mà chúng ta sẽ đề cập đến ở những trang sau.

CAN TRÚC: Trúc mầu da trắng, chắc thịt, cứng mà đốt tre ngắn. Lớn có thể làm thuyền, nhỏ có thể làm nhạc khí, ống tiêu, ống địch đều tốt. Làm thuyền tức rà chẻ ra mà đan giống như từ trước đến nay mọi người vẫn làm.

CÔ TRÚC: Một thứ tre đặc biệt chỉ mọc ở Giới Sơn, 3 năm mới mọc ra măng và khi măng lớn thì tre chết, do đó mà người đời đặt cho cái tên Cô Trúc, một thứ tre cô đơn, không có gia đình.

ĐAN TRÚC: Lá trúc thưa mà mắt lớn, cách xa nhau đến năm, sáu xích mỗi mắt,người ta vẫn dùng để đan các thứ rổ rá, nong tầm, bồ phơi lúa.

ĐÊ TRÚC: Giống trúc nầy nghe như đã tuyệt giống cũng như một số cây cỏ khác, nhưng sách vẫn ghi lại rằng thân trúc to, cứng như loại Bái Trúc kể trên, có thể chẻ đôi khi đúng tuổi để làm thành một chiếc thuyền con.

ĐÀO SINH TRÚC: thân tre có đốt dài, da nhuyễn, cạo vỏ xanh ra bỏ đi thì có thể đan làm chiếu, một thứ chiếu đặc biệt là ngủ sẽ không bị nóng, không bắt ra mồ hôi như các thứ chăn đệm khác. Các xứ nóng rất chuộng.

ĐÀO TY TRÚC: Còn được gọi ngắn là Đào Trúc, mọc nhiều ở đất Giao Chỉ và Lưỡng Quảng, tức là vùng Quảng Đông và Quảng Tây mà ngày xưa thuộc về Việt Nam ta nên vua Quang Trung mới cho Sứ sang đòi.

ĐIỂM TRÚC: Một giống trúc lớn, mỏng thịt, dài một trượng, hơi giống cây Tùng.

Xin ngừng ở đây để nói về bức tranh Mặc Trúc số 1, tranh nầy là của họa sĩ Vương Phất, còn tên là Mãnh là Hữu Thạch Sinh (bạn của đá). Là một họa gia rất nổi tiếng về lối vẽ trúc độc đáo, ông còn tên là Cữu Long Sinh vì có một thời sống ở núi Cữu Long.

Vương Phất hay chữ, hay thơ, biệt tài về sơn thủy họa và Trúc họa. Là học trò của Nghê Tãn, nhưng ông đã biết tự tạo lấy riêng cho mình một tác phong độc đáo. Phẩm cách cao ngạo, nếu ai không phải là tao nhân, nhã sĩ thì ông không thèm biết tới.

Sau đây một nét độc đáo của ông mà sử sách vẫn còn nhắc. Chuyện một đêm đi dạo ngoài đường, nghe tiếng tiêu thổi rất hay, quá hay đến nỗi đã gợi hứng bắt ông phải về nhà, mang bút mực ra vẽ ngay một bức Mặc Trúc, đến ngày mai ông tự thân mang lại nhà người thổi tiêu để tặng, tỏ lòng tri ân người nghệ sĩ. Người thổi tiêu mừng quá, lập tức hô vợ lấy mau ra mấy xích lụa đưa cho Vương Phất để ông nầy về nhà vẽ thêm cho mình một vài bức trúc khác nữa.

Vương Phất lặng người lắc đầu nói: "Ta nghe ông thổi tiêu, tưởng ông là người cao nhã nên mới về n hà vẽ ngay bức mặc trúc nầy trong cơn hứng thú để biếu ông, ai ngờ, ông cũng chỉ là một thứ Tục Vật... thật đáng tiếc", nói xong mang bức tranh xé nát vứt đi rồi buồn rầu bỏ ra về. Từ đó chữ tục vật để dành khi gọi những người nào mình tưởng là cao quý, là tốt đẹp mà sự thật chỉ là một thứ giá áo túi cơm. Tục Vật mà thôi.

GIANG NAM TRÚC: Thân cao từ 2 tới 3 trượng trở lên, lá nhọn, mỗi mắt tre có một vòng tròn, đây là một trong những giống trúc cao. Có những cành nhỏ rỗng ruột, mọc thẳng từ dưới đất, tức là từ rễ bên dưới trồi lên chứ không mọc từ mắt ra như lệ thường. Tương truyền giống trúc nầy thời Xuân Thu đã được chọn làm sáo cho Lộng Ngọc.

Hẳn mọi người yêu thơ mấy ai quên hai câu của Ngô thi sĩ trong thời tiền chiến:

Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang
Cưỡi hạc một đêm bay lên trời

Lộng Ngọc là con gái của Tần Mục Công, một trong số Chư Hầu của nhà Chu được mang tước Bá. Ngày cô bé vừa sinh thì có người dân trong xứ mang đến dâng một phiến đá nhỏ rất quý, đập đá ra thấy có một mẫu bích ngọc, đưa thợ chuốt thành hình tròn, rất đỗi quý giá. Cô gái vừa được một tuổi, trong cung chẳng thiếu món gì để chơi, nhưng cô bé chỉ chơi với viên ngọc mà không làm rơi vỡ. Do đó được mang tên là Lộng, chữ lộng có nghĩa là đùa chơi và lộng ngọc là đùa chơi với ngọc, không thèm đùa với ngói như lệ thường người xưa sinh con gái cứ bảo đưa mãnh ngói cho mà chơi,chỉ con trai mới được chơi với ngọc Chương.

Lớn lên Lộng Ngọc vừa thông minh lại vừa xinh đẹp tuyệt trần, chẳng học với ai bao giờ mà tự dưng cũng biết thổi sáo. Tần Mục Công sai người chuốt cho con gái một chiếc sáo ngọc, ngoài những chiếc sáo trúc Giang Nam mà chúng ta vừa nói đến.

Một đêm cô gái đang ngồi ngắm trăng ở Phượng Đài, cao hứng cô gái mang tiêu ra thổi, bỗng có tiếng tiêu họa lại, rồi nàng nhìn thấy một người con trai xinh đẹp hiện đến nói chuyện nhân duyên tiền định. Nàng giật mình tỉnh lại tuy rằng ban nãy không ngủ, tiếng tiêu nghe còn vang bên tai. Đưa câu chuyện ra thưa với cha, Tần Mục Công ngạc nhiên không tin hẳn, nhưng biết rằng con gái không hề biết nói dối, bèn cho người tìm đến Thái Hoa Sơn, để theo lời người trong mộng của con gái.

Vị quan được lệnh sai đi tìm bèn thẳng đường lên núi, hỏi thăm người trong thôn xóm, đến ngay chổ ở của Tiêu Sứ, mời ông về gặp Tần Mục Công. Ban đầu Tiêu Sứ nhất quyết không nhận, bảo rằng mình là người dân tầm thường không biết lễ nghi cung cách. Vị quan phải nài nỉ mãi ông mới chịu theo về.

Tần Mục Công vừa nhìn thấy Tiêu Sứ đã biết ngay đây là một người phi phàm, Tiêu Sứ đã bị chất vấn và ông đã trả lời về ống tiêu. Xứ ta còn gọi chung là sáo. Tiêu Sứ giảng kỹ cho Tần Mục Công và người đời sau biết rằng bà Nữ Oa là người chế ra ống Sinh, Sinh là một thứ nhạc khí do 13 ống trúc được kết lại. Phục Hy chế ra ống tiêu, ống tiêu nầy được chia ra Nhã Tiêu và Tụng Tiêu. Tiêu cần phải có 23 ống trúc kết lại, dài 1 xích, 4 thốn, gọi là Nhã Tiêu, Tụng Tiêu chỉ cần 16 ống trúc mà thôi, bề dài 1 xich 2 thốn, gọi chung một tiếng là tiêu quãn, không có đáy dưới thì được gọi là Động Tiêu, tất cả đều mang hình cánh phượng, lúc thổi lên nghe hệt như tiếng phượng ca. Đến thời Hoàng Đế, sai Linh Luân chặt tre ở Côn Khê để chế ra ống địch (đã nói qua ở bài sưu tầm cổ nhạc). Địch có 7 lỗ, lúc thổi lên nghe cũng chẳng khác gì tiếng phượng ca mà lại đơn giản hơn, từ đó người ta bỏ dần không dùng Tiêu, chỉ dùng Địch. Ống Địch dài gọi là Tiêu, ngắn gọi là Quản.

Sau khi Lộng Ngọc và Tiêu Sứ làm lễ cưới vào đêm Trung Thu ấy rồi, Tiêu Sứ dạy cho vợ thổi tiêu để cùng hòa tấu, lần nào cũng có chim Phượng chim Hoàng đến múa theo, thật là đẹp mắt, không có vị hầu, bá nào được cái may mắn của Tần Mục Công.

Một đêm khuya bỗng có Rồng và Phượng đỗ cánh xuống đón hai vợ chồng Tiêu Sứ về trời. Rước đi không một lời từ giả cha mẹ, mặc dầu Lộng Ngọc đã xin phép nhưng Tiêu Sứ gạt đi bảo rằng những sự bịn rịn nhớ nhung ấy là vô nghĩa đối với người tiên.

GIẢI TRÚC: Tre Càng Cua, mọc dễ dàng và rất nhiều, đất nào cũng có thể mọc, không cần chăn sóc như một vài loại tre khác. Đốt tre khẳng khiu có thể dùng làm gậy cho các bô lão.

GIÁC TRÚC: Thân tre dưới to trên nhỏ, trông tựa như cái sừng trâu, càng ngày càng hiếm.

HÀN TRÚC: Giống tre nầy chỉ cao độ 5,6 xích , lá to gần như lá gừng, lá mọc đứng thẳng chứ không nằm dài, nằm ngang, hoặc rũ xuống như những lá tre khác, mắt tre ngắn, nhỏ, có thể dùng làm trượng.

HÂN TRÚC: Mọc nhiều ở Vĩnh Xương có thể dùng làm đồ chứa, lớn thì mỗi mắt chứa được một đấu, bé thì chỉ chứa được một thăng hoặc vài thăng (các thứ đo lường).

HẠC TẤT TRÚC: Chỉ mọc ở Linh An Sơn, núi còn tên là Linh Uyển Sơn, hay là Tiên Cư Sơn, nơi cư trú của các bậc tiên, người trần tục không được bén mãng tới. Đốt tre gần nhau, mỏng gỗ, còn một tên nữa là Dương Công Trúc, vì hình mỗi mắt tựa như đầu gối con chim Hạc nên mang tên là Hạc Tất.

HUÂN TRÚC: Một thứ trúc của chiến tranh, gỗ chắc cứng, người xưa dùng để làm tên bắn, chỉ cần nhúng đầu mũi tên vào thuốc độc, không bao giờ mất chất thuốc.

HOÀN BỘI TRÚC: Đây là một giống tre quý, thể rất nhẹ, da láng như được phủ một lớp sơn, mỗi khi được gió đến lay động cả cành, thân uyển chuyển lã lướt, trong rất đẹp mắt. Thời Hán Thành Đế cho trồng giống trúc nầy ở trong vườn cung Đại Hành quanh ven hồ làm nơi thưởng ngoạn. Một hôm nhà vua gặp được nàng Triệu Phi Yến. Trông thấy nàng ca, vũ, vì nàng được học từ tấm bé, là con gái của một vị đại thần Thành Dương Hầu. Nhà vua đẹp ý, đẹp lòng, nhất định đòi đưa vào cung, phế bà Hứa Hoàng Hậu, nhờ có múa dẽo, ca hay nên nhà vua hay ví nàng với thứ trúc Hoàn Bội nầy và luôn dặn nàng phải mãi mãi giữ gìn tấm thân cho được mềm dẽo giống cành trúc. Suốt 10 năm vui chơi, nhưng cũng vì sự vui chơi quá độ, nhà vua phát bệnh và chết. Được con trai phong làm Hoàng Thái Hậu, nhưng đến đời Hán Bình Đế, nàng bị đuổi ra làm thứ dân. Bà phải tự tử chết cho đỡ nhục.

HỒ LÔ TRÚC: Thứ Trúc khác hẳn loại anh em, mỗi mắt tre giống hình quả bầu, cũng trên nhỏ dưới to, ở giữa thắt lại, đặc biệt hơn nữa là mùa xuân nở hoa vàng như loại dã cúc, có quả chua, còn tên là Thập Tuế Trúc.

HỒ MA TRÚC: Có nhiều ở phương Đông Trung Hoa, da Tre mang sắc nâu nhạt, có những chấm nâu đậm như hạt mè. Được chọn để làm các đồ vật trang trí, thịt cứng chắc hơn các thứ tre khác. Người ta cũng dùng làm trượng.

HOÀNG TRÚC: Ta gọi là tre tầu, sắc vàng, có đường vân dọc, gỗ nhuyễn, không bền, măng đắng hơn các thứ tre khác chỉ trồng làm cảnh cho lạ mắt, muốn ăn măng tre nầy phải nấu rồi đổ hai ba lần nước, tốn củi nên nhà nghèo không ưa, trái lại thi nhân lại yêu vô cùng. Bạch Cư Dị nhà thơ Đường, có hai câu nói đến Hoàng Trúc:

Yếm lục tài Hoàng Trúc
Hiềm hồng, chủng Bạch Liên

Có nghĩa là thi nhân đã chán mầu xanh nên trồng thứ tre vàng và ghét mầu đỏ nên trồng sen trắng.

Lý Thường Ẩn cũng có hai câu khác nói đến thứ tre vàng nầy:

Hảo vi Ma Cô đáo Đông Hải
Khuyến tải Hoàng Trúc mạc tải Tang.

Có nghĩa là khuyên vì Ma Cô đến Đông Hải thì chỉ nên chở giống Hoàng Trúc chứ đừng chở cây Tang về.

HÓA LONG TRÚC: Cho tre mang tên nầy vì thấy rễ tre bò dài ngầm dưới đất đi khắp nơi, đào lên gặp từng khúc uốn và có vảy giống như thân con rồng lượn, rễ lan rất xa, không ai ngờ tới. Lệ thường rễ trúc đã đi xa mà rễ thứ Hóa Long nầy còn xa hơn. Trúc được mọc thành bụi, gỗ trúc cứng, chắc, người Việt ở phương Bắc dùng để làm ống điếu, cho các người hút thuốc trà, có thứ được mang tên là Điếu Cân Trúc, cũng chỉ dùng để làm ống điếu như thứ Hóa Long nầy.

HỒ TRÚC: Cao gần 100 trượng, ít người biết tới, chỉ có đặc điểm là cao hơn những thứ tre khác, ngoài ra gỗ cũng không chắc để làm những gì ích lợi như cột nhà, cột buồm, giàn trồng hoa trồng bầu bí,...

Xem hình II chúng ta có bức tranh của Trịnh Bản Kiều, ông nầy xuất thân rất nghèo, mồ côi từ năm lên 4 tuổi, nhờ người vú nuôi mà học đỗ đến Tiến Sĩ (ngày nay có còn được những tấm lòng như thế nầy không?). Tính người ông liêm khiết, ghét xu nịnh, đến đây phải nghiêng mình phục người đàn bà vú đã nuôi ông ấy, vì học mà không có hạnh cũng vô ích.

Từ thuở bé đã rất thông minh, giỏi thơ phú, có chí muốn kinh quốc, tế dân, nhưng với cái tính khí khái ấy nên chẳng bao giờ được lòng quan trên, nên đành phải từ bỏ mộng lớn. ( Hẳn đời nào cũng chẳng có gì khác, bây giờ và ngay trong xứ ta đang thấy). Ông đã gửi hết tâm tình vào thi phú và hội họa.

Ông thường phổ biến cái tư tưởng của mình rằng một nghệ sĩ, họa sĩ, viết chữ đẹp, hội họa giỏi cũng là kẻ thanh đó, mà tục đó. Vì đã sinh làm trai, đại trượng phu mà không có thể "Lập Công Thiên Địa" giúp nước giúp dân, lại chỉ có ngồi một chỗ để vẽ, để viết. Ngày xưa, người ta cần đến những người viết chữ đẹp để làm trướng liễn đi tặng, phúng hoặc trang trí nhà cửa, đó là một lối chơi rất tao nhã dành cho những tao nhân mặc khách hiểu biết, có khi cũng là những người trưởng giả học làm sang. Theo ông thì sự mua vui cho thiên hạ chỉ là một điều "không phải là Tục đó sao?".

Ông có một lối vẽ trúc rất độc đáo, là đợi ánh trăng hoặc ánh nắng mặt trời đến mang giá vẽ đặt trước cành trúc hoặc sau cành trúc, canh làm sao cho bóng trúc in lên khung rồi dò theo để lấy cái giáng cho thật linh động, sau đó mới tô điểm thêm do phần sáng tác của mình. Trịnh Bản Kiều ghét học hệt theo phái cổ, mà chỉ làm cái gì mình muốn và phải có sự sáng tạo của cá nhân.

KHUẨN TRÚC: Còn tên là Khuẩn Lô Trúc, là một thứ tre không có mắt, dùng làm tên bắn rất tốt. Thời Chiến Quốc, tất cả những trận chiến chỉ dùng cung nỏ để đánh nhau chứ chưa dùng tới các thứ súng đạn khác, giống Khuẩn Trúc nầy vì thế đã rất được chuộng. Chẳng thế mà trong Chiến Quốc Sách có ghi câu: "Khuẩn Lô chi kinh, bất năng quá", có nghĩa là sức mạnh của những mũi tên Khuẩn Lô không thể vượt qua được.

KHỔ TRÚC: Giống trúc có rễ rất to, mọc lan dưới đất, thân cao 5, 6 trượng (mỗi trượng là 141 phân Anh), mỗi mắt tre có hai vòng tròn, măng mọc vào đầu mùa hạ, đầu măng có những vằn đen, thường không mấy khi trổ hoa, nhưng lúc trổ hoa thì kéo dài hằng 6, 7 tháng. Hoa nhỏ mà dày, giống nầy mọc rất nhiều nơi.

Theo Bản Thảo Trúc thì trúc nầy có nhiều giống mà chỉ có 3 giống được đưa vào làm thuốc, là Can Trúc, Thiển Trúc và Khổ Trúc. Can Trúc như đã nói ở trên, là một thứ tre tròn thân, gỗ cứng, da trắng như sương, nếu mang chuốt nhọn có thể đâm thủng thuyền cần dùng trong những trận thủy chiến như trận Bạch Đằng của tổ tiên ta. Thiển Trúc, sẽ được nói đến ở những trang sau, riêng Khổ Trúc được chia hai thứ, trắng và tím, ngoài ra lại còn được chia thêm một lần nữa là Khổ Trúc Thô, măng rất đắng, và một thứ lá dài, gỗ dày, chắc, măng ít đắng hơn, gọi là Điềm Khổ Trúc. Lại còn có Thiển Khổ, Hoàng Khổ, Bạch Khổ, Cao Khổ, cùng một giống với nhau.

KHÁNH TRÚC: Không phải là tên của một giống Trúc nhưng đặc biệt xin đưa ra để cho những ai đã đọc bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi nên biết rõ hơn khi thấy ông viết câu: "Khánh Nam Sơn chi Trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác" (chặt hết tre của núi Nam cũng không đủ để ghi tội ác của quân nhà Minh). Chữ Khánh đây có nghĩa là khánh tận, là hết cả, chứ không phải chữ khánh ở bộ tâm là khánh chúc. Câu nầy Nguyễn Trãi lấy ở 4 chữ Khánh Trúc Nan Thư của Lý Mật, khi Lý Mật viết: Khánh Nam Sơn chi Trúc, thư tội vô cùng. Quyết Đông Hải chi ba, lưu ô nan tận". Hai câu của Nguyễn Trãi hay hơn gấp mấy.

LONG TRÚC: Cao 7 xích, mỗi mắt dài 2 thốn, lá hình như lá chuối, mọc nhiều ở La Phù Sơn là một ngọn núi do cát bể bồi lên cao thành núi. Có sách ghi La Phù Sơn là một ngọn núi từ phương khác được đẩy đến nên trên núi còn có những giống cây và giống thú hoàn toàn không phải sinh trưởng thổ sản của địa phương.

LẶC TRÚC: Trúc thật to, da sần sùi, có những cành nhỏ cũng làm được dao cắt dưa. Người xưa vẫn tin rằng cắt bằng dao tre bao giờ mùi vị cũng ngon hơn dao sắt, thức ăn ngọt ngào hơn, nhất là hoa quả.

LAO TRÚC: Còn tên là Tư Lao Trúc, giống tre nầy mỏng gỗ, rỗng ruột, cây thấp da cũng sần sùi mà cứng chắc hơn cả sắt. Đâm thủng được cả giáp khi ra trận, làm tên bắn trúng ai thì người ấy sẽ bị thương và chết ngay vì trong gỗ tre đã mang sẵn chất độc, khỏi phải tẩm thuốc độc thêm như các thứ tên khác. Quả là một thứ cây trời làm để cho người đi đánh nhau.

LAN CAN TRÚC: Trúc nầy đặc biệt vì nó là của tiên, chỉ mọc ở Côn Lôn Sơn, quanh vườn của bà Tây Vương Mẫu. Theo Thủy Kinh thì Côn Lôn Sơn có suối rượu lễ, ngọt ngào và ngát thơm. Núi có nhiều cẩm thạch ngọc, đá quý. Núi được chia ra 3 tầng, thấp nhất gọi là Phàn Đồng, có nghĩa là cái lồng bàng bằng thứ gỗ Đồng, tầng thứ hai là Huyên Phố, vườn có đầy kỳ hoa dị thảo và tầng thứ ba là Thiên Đình, Lan Can Trúc và Chung Long Trúc mọc rất nhiều ở đây.

LŨNG TRÚC: Một giống trúc rất tầm thường dễ mọc, dễ trồng, mỗi mắt tre chỉ cách xa nhau lối 8, 9 thốn, người ta dùng để làm lạc buộc, đan các thứ rổ rá. Nhà thơ Đỗ Phũ có câu: "Lũng trúc hoa yên trích lộ sao" có nghĩa là Lũng trúc, hoa trong khói từng giọt sương từ trên ngọn tre rơi xuống...

LY TRÚC: Trúc có gai, thân cây bé nhỏ, người xưa dùng chữ Ly để nói đến sự Phân ly xa cách, và khi nói đến cái hàng rào ngăn cách cũng dùng chữ Ly, mà vì hàng rào bao giờ cũng được làm bằng tre nên cho chữ Ly của hàng rào mang bộ trúc. Không biết trong hai chữ Ly chữ nào được ra đời trước.

LÂN TRÚC: Trúc nầy rất hiếm, không còn mấy ai được trông thấy, gỗ cứng, chắc, đường kính 5, 6 thốn, to như cái kích, chặc ruột. Một giống với Phiêu Trúc, cứng và mạnh, sử chép người dân Giao Chỉ mỗi khi ra trận hay sử dụng thứ trúc nầy, chuốt thành mâu, đâm vào các xa, giáp rất sắc bén và rất đáng sợ.

MAO TRÚC: Trúc mọc nhiều nhất ở núi Vũ Di, một ngọn núi nổi tiếng nhờ giống trà ngon thượng hạng, trúc mọc bên trong động, nhờ lá trà rụng xuống đất, bón cho cây cỏ nên hoa quả rau dậu ở vùng nầy đều thơm và ngon. Tại Nam Linh cũng có giống tre nầy.

MÃ TIÊN TRÚC: Tre ngắn đốt, không có cành, chặt xuống là có thể dùng làm roi nhất là roi đánh ngựa, lừa, rất tốt vì không có gai.

MẶC TRÚC: Lá lục, cành thanh, gầy, mầu thân ngã nâu, càng về già mầu da trúc càng thẫm hơn nên được đặt tên là Mặc Trúc, vì ban đêm tối không đèn, đi sẽ không thể trông thấy. Người xưa cho là đen như mực nên đặt tên.

MÃNH TÔNG TRÚC: Giống tre lớn, đường kính hơn một xích, măng tre rất được chuộng vì ngon hơn các thứ măng khác. Có sách còn gọi là Giang Nam Trúc, thứ trúc được chọn làm sáo cho Lộng Ngọc, nhưng hình như chỉ trùng tên, vì người Nhật đã viết sách cãi lại.

Đời Tam Quốc có người tên Mãnh Tông, chăm học có bà mẹ rất hiền, ngày ông còn đi học xa, vì ở gần không có trường, cũng như bây giờ, ở một vài địa phương. Mẹ ông may cho con trai một cái bao đệm, để chui vào ngủ, bà cố ý may thật rộng. Người ta hỏi lý do tại sao mà may rộng, bà mẹ trả lời con trai tôi nghèo, chẳng có gì để giúp đỡ mọi người mà đa số học trò cũng nghèo. Nếu nó có gặp ai không có chăn thì cùng nằm chung để lấy hơi mà ủ nhau tiếp sức cho nhau.

Sau lớn Mãnh Tông làm quan ở một vùng có cá ngon và đặc biệt hơn mọi nơi, một hôm ông cho người mang đến dâng mẹ, bà trả lại, bảo rằng con không sợ mang tiếng hay sao. Bà chỉ thích ăn măng, gặp mùa đông, măng chưa trổ lên mặt đất. Mãnh Tông thương mẹ, vào rừng than với gốc tre, bỗng tự nhiên có một nụ mặng trồi từ dưới đất lên. Ông vui mừng, cắt lấy mang về nấu cho mẹ. Người trong vùng đều cho rằng nhờ lòng chí hiếu của ông đã làm cảm động cả cây trúc và cây trúc đã trồi măng lên để làm vui lòng ông.

MÃ ĐỀ TRÚC: Mỗi mắt tre có những hình giống như móng ngựa, mầu xanh đậm.

NGƯU GIÁC TRÚC: Mắt tre giống sừng trâu, dưới to trên nhỏ, một loại với Giác Trúc đã kể trên nhưng hẳn vì được gọi ngắn lại, tùy nơi.

NHÂN DIỆN TRÚC: Thân cao hơn trượng, rễ trồi lên mặt, mỗi mắt tre nhìn quanh bốn phía đều có chỗ lồi lõm như mặt người với đủ mắt, mũi, miệng. Chẳng thiếu gì thường được trồng ở các đình, miếu cho đẹp mắt khách đến viếng, thân tre dùng làm cán, gậy, cần câu, đều rất tốt. Tre mọc nhiều ở Viêm Sơn.

NAM THIÊN TRÚC: Tuy mang tên trúc vì có mắt, có đốt nhưng mỗi mùa hạ lại có hoa và quả sau đó, nên có thể gọi là một giống Phi Trúc, chỉ bà con xa mà thôi.

NGUYỆT NGUYÊN TRÚC: Giống tre nầy mỗi tháng sinh một lần măng, mỗi năm 12 lần trổ măng. Cứ đến ngày Sóc, tức ngày mùng một âm lịch thì măng trổ, đến ngày Hối tức ngày ba mươi cuối tháng thì măng thành tre, có đủ cành lá, người nhà nông cứ theo đó mà biết ngày tháng, khỏi cần xem lịch.

NGÂN MINH TRÚC hay là NGÂN TRÚC, bên ngoài mầu da xanh nhạt, bên trong, khi tre già lại mang mầu bạc rất đẹp mắt. Do đó mới được mang tên. Mỗi lần trời mưa lớn, cũng được người xưa gọi là Ngân Trúc, nhìn những giòng mưa đan qua dệt lại trong không gian, tưởng chừng như đó là một thứ trúc bằng bạc. Nhà thơ Lý Bạch có hai câu:

Bạch Vũ ánh hàn sơn
Sâm sâm tự ngân trúc.

Hai câu nầy lấy hứng ở một hôm trời mưa.

NHƯỢC TRÚC: Giống trúc chỉ cao lối bốn, năm xích, mắt cách quãng khá xa, lá tre rộng và dài, quanh lá viền trắng, hơi giống lá lau sậy, măng có thể ăn được Người phương Nam dùng lá nầy để gói trà, bánh, xôi, lót rổ rá, có rất nhiều thứ bánh được gói bằng lá Nhược Trúc nầy, trúc mọc nhiều ở huyện Vũ Ninh.

Ô TRÚC: Giống Thiển Trúc mà lá mỏng hơn, cao hai trượng, chu vi bốn năm thốn mỗi ống trúc, sau vài năm sẽ trở thành mầu tím đen, có một loại khác lại còn điểm thêm những chấm nâu đậm, gọi là Hồ Ma Trúc, tre hạt mè có thể làm được nhiều thứ đồ dùng trang trí nhất là kệ, gác sách và những chiếc ghe nhỏ.

PHẤN TRÚC: Tre nầy có nhiều phấn, sờ vào tay là bị dính bụi phấn. Sách của Lý Thời Trân, cho rằng Phấn Trúc là Thiên Trúc mà mỏng thịt hơn, thứ phấn nầy còn được dừng vào ngành thuốc, rất tốt.

PHƯỢNG TRÚC: Cao lối hai trượng, lá dài bốn, năm thốn, chắc gỗ, mầu xanh lục đậm, ít rỗng ruột, có hai giống, một giống mắt tre dài, lá mềm, thứ nầy chắc ruột hơn thứ kia, và mỗi mắt không cách nhau xa lắm.

PHẬT DIỆN TRÚC: Mỗi mắt tre đều giống như hình mặt đức Phật nên được mang tên, thân cao một hai trượng, hơi thô, không phải là Nhân Diện Trúc như đã kể ở trên, vì Phật Diện Trúc hơi thô hơn, có đủ mắt, mũi, miệng, dùng làm trượng rất tốt, được gọi là Đinh Quang Phật Trượng.

PHÙ TRÚC: Giống trúc nầy đặc biệt khác với các thứ trúc khác là lá trúc có những đường nét ngoằn ngoèo, hệt như những đạo bùa của các thầy vẫn cho tín đồ, mỗi lá hình vẽ đều khác hẳn nhau, làm hình tượng như có triện, có lá chỉ đơn sơ vài nét nhưng cũng có nhiều là rối ren, phức tạp. Dầu lá đến lúc già khô mà vân sắc vẫn không thay đổi. Đường vằn mầu trắng nổi bật trên nền lá, thân cây không cao lớn như những thứ tre khác chỉ độ một vài xích mà thôi.

PHƯỢNG VỸ TRÚC: Đừng lẫn với Yến Vỹ, vì Phượng Vỹ cao hơn, lá to hơn, lá hệt như đuôi chim, mùa hạ trổ măng, ăn được.

LA PHÙ TRÚC: Có nơi gọi là Phù Trúc, nhưng không phải thứ Trúc bùa đã kể ở trên. Còn tên là Long Ông Trúc, chim Loan và chim Phượng rất thích đậu ở đây, lá to như lá chuối, còn một tên nữa là Long Phượng lâu, xem cây trúc như lâu đài của long và phượng.

QUÂN TRÚC: Da xanh, chắc gỗ và nhuận sắc.

QUẾ TRÚC: Sinh sản ở đất Quế Dương, theo Sơn Hải Kinh một thứ sách được gọi là Hoang Thư mà chúng ta đã có dịp nhắc ở trên, sách nầy ghi Văn Sơn không có thảo mộc gì khác mà chỉ có thứ Quế Trúc nầy thôi, một thứ tre rất độc, ai động đến là chết, thân cao bốn, năm trượng.

QUAN ÂM TRÚC: Tức Phượng Hoàng Trúc, một trong năm thứ trân quý của Nhạn Sơn, thân hình nhỏ nhắn, lá dài , mầu xanh lục, thường mọc chen chúc với đá trông rất đẹp mắt, họa sĩ ưa đi tìm để vẽ, mùa đông không có một chiếc lá vàng.

SA MA TRÚC: mầu lục rất đẹp, mắt tre to, rễ uốn éo, một năm trổ ba lần măng, ngay ở mắt tre cũng trổ măng. Muốn trồng chỉ cần chặt một vài mắt chôn ngang dưới đất là măng trồi lên. Ba năm sau có thể cao tới hai ba trượng, còn được gọi là tre đuôi ngựa.

TƯ TRÚC: Một giống tre chỉ để làm sáo là tốt nhất.

TÚ QUÝ TRÚC: Còn một tên nữa là Tứ Thời, cao hơn trượng, mầu lục nhạt, lá nhỏ dài và nhọn, bao măng mầu tím, không có vằn, bé nhỏ có thể chiếc ra trồng ở chậu, dùng làm sáo cũng rất được chuộng.

TƯ MÃ TRÚC: Gần như Sa Ma Trúc có thể dùng làm cung nỏ, được gọi là Khê Tư nỏ, thân nhỏ, gỗ dày, măng cũng hay mọc ở mắt tre như Sa Ma nên có người lầm. Sang xuân thì trở thành tre, rồi lại bắt đầu sinh măng.

TƯƠNG TƯ TRÚC: Còn một tên nữa là Nhị Ban Trúc, cành chia ra giống hệt cái nĩa, lại còn một tên khác nữa là Liên Lý Trúc. Hình như ngày nay cũng đã bị mất giống như một số trúc đã kể trên. Có sách ghi rằng Trúc mang tên Tương Tư mọc nhiều ở một sườn đồi mang tên Tương Tư. Trai gái trong vùng nhớ nhau thường tìm đến đấy, hái lá, chặt cành mà gửi tặng nhau. Giống tre dần dần bị tuyệt chủng vì không được ngăn cấm và không ai nghĩ đến sự bồi bổ hoặc mang trồng thêm ở những nơi khác.

THỦY TRÚC: Tre có nhiều nước trong mắt, uống vào thấy ngọt ngào, theo Trúc Thảo bản thì Thủy Trúc là một giòng với Thiển Trúc, có hai thứ, một thứ mọc dưới nước, to và cứng để người ta có thể dùng làm chèo, nước sông và thời gian không làm mục nát.

THÍCH TRÚC: Tre gai, trồng quanh nhà để làm hàng rào chống trộm rất tốt, mọc dày không cần chăm sóc vẫn biết giữ lề lối.

TƯƠNG TRÚC: còn tên là Tương Phi Trúc, Lệ Trúc, Ban Trúc, tương truyền vua Nghiêu, khi nghe tiếng vua Thuấn là người hiền, ngày ấy ông Thuấn chưa làm vua, đang chỉ là một người thường, vua Nghiêu bèn mời đến, gã hai con gái để điều tra bên trong và cho 9 con trai đến hầu hạ làm việc để xem sự đối xử bên ngoài.

Sau khi các con về báo cáo, biết Thuấn là một người hiền quả như lời đồn, ở trong nhà thì tề gia khéo, hai bà rất thuận thảo không có một sự chênh lệch bất công, ra với xã hội bên ngoài thì đối xử trên dưới rất lễ độ, nghiêm túc. Một người đã tề gia được thì có thể trị quốc được nên vua Nghiêu mới nhường ngôi gọi là Thiền Nhượng. Sau khi lên làm vua nhiều năm, một hôm nhà vua mở cuộc Nam chinh đi đánh rợ Tam Miêu, thất bại, vua chết trên đường về hai bà đi theo, khi nhà vua chết hai bà đã ngồi khóc cạnh gốc tre, nước mắt hai bà vấy vào thân tre, từ đó tre có từng ngấn mà người xưa tin là vì thế. Sau một lần khóc cuối, khi đã an táng vua xong, cả hai chị em Nga Hoàng và Nữ Anh tức là vợ của vua Thuấn đã cùng nhảy xuống sông để được chết theo chồng. Giòng Sông Tương từ đó được đi vào lịch sử cũng như giống Tương Trúc nầy vậy. Bạch Cư Dị có hai câu thơ để nhớ hai bà:

Đỗ Quyên thanh tự khốc
Tương Trúc ban như huyết

Có nghĩa là tiếng hót của chim Đỗ Quyên mà nhà Phật gọi là Vô Thường điểu, nghe như khóc, và những nét ngấn của Tương Trúc nhìn như những giọt máu.

THỪA TƯỚNG TRÚC: Còn tên là Chúc Trúc, Tri Trúc, mọc nhiều ở Quan Sơn, da có vân, dùng làm sáo cũng rất tốt.

THẠCH TRÚC: Thân cây bé nhỏ, mọc thành bụi, lá nhỏ và nhọn, tuy mang họ trúc vì nó có từng đốt nhưng cũng lại thuộc vào một loại Phi Trúc, mùa hạ ra hoa, có nhị đực và nhị cái, hoa mầu hồng và tím.

THỰC TÂM TRÚC: Trái với Thông Tâm, đây là thứ trúc chắc ruột, trong khi Thông Tâm thì lại rỗng ruột, Thông Tâm được dùng làm máng xối để chờ nước mưa mỗi khi cần, Thực Tâm để làm cột buồm.

THIỂN TRÚC: Cao hơn Ô Trúc, rỗng ruột, mỗi mắt tre có một vòng tròn, hơi giống khổ trúc nhưng bao và măng không có lông. Tre già cũng chắc, có thể dùng để cất nhà, gỗ chưa già lắm có thể đan các thứ dụng cụ như rổ rá, nơm cá, giỏ cá,... măng không đắng. Người ta cho rằng tre có thứ măng được chọn làm thuốc là Thiển Trúc.

THƯƠNG TRÚC: mầu xanh đậm, được thi nhân rất chuộng, gần như loại Thanh Bì Trúc là thứ tre cũng có mầu da rất xanh mà không có gai như Thanh Bì Trúc.

THẬP NHỊ THỜI TRÚC: Đây là một loại tre rất lạ, sách chép có người tên Chu Tuân Thức, nhận thấy một giống Trúc có 12 chữ chỉ giờ bèn mang về trồng nơi mình sinh sống. Mấy năm liền không lên lá, khi ra măng thì gầy guộc tiều tụy. Phải 10 năm sau mới bắt đầu trổ 3 cành, mỗi mắt sinh vòng quanh 12 chữ đọc rõ như chữ tý, sửu, dần, mão, thìn,... Người ta tin rằng không phải vì đất đai mà vì phong khí, nhất là đối với giống trúc, có thể ở vùng nầy mọc, vùng khác không mọc, nhưng nếu là người có đức độ, phong chất cao thâm thì sẽ ảnh hưởng đến Trúc. Phân bón cũng như đất đai, lắm khi giống nhau và ai cũng có thể tìm ra, nhưng cái phong chất của mỗi người thì khác hẳn.

TIỄN TRÚC: Cao gần một trượng, mỗi tiết cách nhau đến 3 xích, gỗ có thể dùng làm qua, làm mũi tên, đao, vì gỗ của Tiễn Trúc rất cứng, chắc. Còn một tên nữa là Mâu Trúc.

TƯỢNG NHA TRÚC, mỗi đốt như ngà voi, mầu trắng bạc. Ngày xưa, người ta dùng làm cái hốt cho các quan cầm, hay đúng hơn là đầu tiên để dành cho nhà vua cầm để ghi chú những gì cần phải ban chiếu lúc ra triều. Về sau, các quan cũng phải cầm để ghi những gì cần phải tâu với nhà vua lúc vào triều. Dần dần người ta không cần đến vì có giấy bút để ghi, nhưng cái hốt vẫn được giữ và chia ra cấp bực. Nhà vua cầm hốt bằng châu ngọc, chư hầu bằng ngà voi thứ thật. Các đại phu bằng Trúc, và cố nhiên là đi tìm cho được thứ Tượng Nha trúc nầy mà có lẽ ban đầu là vì bắt chước mầu trắng ngà của trúc nên mới dùng ngà voi.

TƯ TRÚC: Trúc nầy chỉ dùng làm ống địch vì thân bé nhỏ, không thể dùng làm gì khác.

TỪ MẪU TRÚC: Còn một tên khác là Hiếu Trúc, sách Thuật Dị Ký ghi rằng ở vùng Nam Trung có một thứ tre mang tên Từ Mẫu, giống tre quý, sinh từng bụi, cành lớn mọc ở giữa để các cành bé chi chít mọc chung quanh, cành to như bảo vệ thân cành nhỏ, chỉ hướng về phía mặt trời mới xanh tốt, thích mọc ở những nơi cao. Loại tre rỗng ruột. Nhìn bụi tre, cho người cảm tưởng một người mẹ đang có thế đứng để bảo vệ các con.

Thời Hán Chương Đế, tre nầy không ai trồng mà bỗng dưng mọc ở Bạch Hổ Điện, một cung điện trong Vị Ương cung. Tre nầy vì không trồng mà mọc, mọi người đều cho là điềm lạ. Nhà vua bắt phải giữ gìn săn sóc, không cho bứng đi nơi khác.

TỪ HIẾU TRÚC: Còn tên là Nghĩa Trúc, loại tre chỉ tụ lại mới sống.Cây mẹ cây con nương tựa vào nhau, mọc nhiều ở miệt Triết Giang. Cao độ 2 trượng mỗi bụi có cả trăm thân. Rễ tre quanh tròn dưới gốc không lan ra các nơi như những thứ tre khác. 4 mùa đều sinh măng từ đầu năm đã bắt đầu mọc măng, quấn quýt lấy nhau.

TRỨ TRÚC: Dài mỗi đốt hơn một xích, trong lòng trắng như xương, người ta hay dùng để làm đũa rất tốt, loại tre nầy thích mọc ở những vùng có nhiều cát nên còn một tên nữa là Sa Trứ Trúc. Muốn chặt tre cần phải đi thật nhẹ, đừng cho tre nghe bước chân động, nếu nghe có tiếng động mà không phải là tiếng gió mưa, tre sẽ trốn, trụt chui xuống dưới cát, không còn biết đâu mà tìm.

VÂN TRÚC: Cành nhỏ, lá nhọn chỉ mọc trên miệt núi, vùng Cao Bình có ngọn núi mọc nhiều trúc nầy, nên được gọi là Vân Trúc Sơn. Giữa núi có cái giường bằng đá, chung quanh tre mọc bao vây, mỗi lần gió thổi tre uốn lượn quanh giường có người cho đó là giường của tiên, mỗi khi xuống trần chơi, đến đó ngủ tạm.

VIỆT VƯƠNG TRÚC: Tre rắn vô cùng, lì, khó chặt khó chẻ, rễ có thể chui qua đá, thích những chỗ cằn cội đá, khắc khổ như người Việt, con cháu của Câu Tiễn.

VÔ TIẾT TRÚC: Đó là Thông Tâm Trúc mà vì không có mắt nên được mang thêm một tên. Các bà không dám trồng sợ bị người ta hiểu lầm. Vì chữ Tiết còn có nghĩa là Tiết Tháo. Ngay nhà các bậc sĩ phu cũng không ai trồng trước nhà.

YẾN LAI TRÚC: Một giống trúc lá nhỏ, mỗi năm chờ chim yến bay về mới mọc măng, măng của trúc nầy rất ngọt, ăn ngon mà dễ mọc, có nơi mọc thành rừng. Dân trong vùng thấy chim yến bay về là đợi vài hôm sau đi hái măng, đưa ra chợ.

Trúc còn dài nhưng cũng phải có một lúc cần chấm dứt để sang chuyện khác, có giống trúc mang tên Thanh Ty mà thân cây lại mầu vàng, cũng như có thứ mang tên Hoàng Kim lại xanh mướt, có thứ lá to như lá chuối, có thứ lá như lá liễu hay bé hơn...

Người xưa có câu:

Vô nhục lệnh nhân sậu
Vô trúc sử nhân tục
Nhân sậu thượng khả phi
Nhân tục bất khả y

Có nghĩa là không ăn thịt làm cho con người gầy, không có cây tre làm cho con người trở nên tục. Gầy còn có thể làm cho béo ra nhưng tục thì không làm sao mà trị được, thầy thuốc nào cũng xin chịu.

Hơn 2000 năm trước có ông Hán Vũ Đế, vua nhà Hán, đã biết dựng ngay một cái Trúc Cung ở điện Can Tuyền, chỉ chọn toàn các giống tre quý để làm vật liệu. Ông vua nầy rất nhiều chuyện, ông là người mê Lý Phu Nhân vì bà vừa đẹp vừa ca vũ giỏi. Lý Phu Nhân là em gái của Lý Diên Niên, nhờ có bà chị của nhà vua là Bình Dương Công Chúa giới thiệu nên nhà vua yêu ngay. Suốt ngày đêm vui chơi ở Trúc Cung, về sau bà bị rận cắn chết. Nhà vua buồn, nhớ bắt vẽ hình bà treo ở điện Can Tuyền để ngồi nhìn mà khóc. May nhờ có Đông Phương Sóc tặng cho một cành cỏ, Hoài Mộng Thảo ôm thứ cỏ nầy vào thì tha hồ gặp người mình yêu, đó là thứ cỏ chỉ mọc ở núi lửa, ban ngày lặn trốn, ban đêm mới trồi lên mặt đất, ôm lá ấy vào lòng thì có thể biết được việc lành dữ sẽ xảy ra. Hoài Mộng Thảo giống như cỏ Bồ mầu hồng. Hán Vũ Đế còn có nhiều chuyện khác nhưng trong khuôn khổ Trúc chỉ biết rằng ông là người rất kính trọng cây trúc.

Trúc đi vào đời người từ thuở còn bé thơ làm cái nôi đong đưa giấc ngủ cho đến lên bảy tám chơi cởi ngựa tre là trò chơi đã được đi vào ca dao thi phú. Chữ Thanh Mai Trúc Mã dùng để nói đến cái tình giữa trẻ em gái và trai khi tuổi mới lên bảy lên tám.

Lý Bạch có hai câu trong Trường Ca Hành:

Lang kỵ Trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng Thanh Mai

(chàng cưỡi ngựa tre đến, vòng quanh giường của em, nghịch với cành mai xanh).

Suốt đời người hỏi mấy ai không mang ơn cây tre, nhất là đối với người Á Đông.

Để chấm dứt câu chuyện về trúc, chúng ta cũng nên biết rằng Trúc sinh vào mùa Đông. Theo Dịch Kinh là quẻ Phục, nhất Dương sơ phục, đó là quẻ hạ Chấn thượng Khôn. Đây là quãng thời gian mà Hỏa ẩn tàng ở dưới đất, sấm động. Nhờ có hỏa ẩn tàng ở dưới, nên Trúc được ấm áp, và bắt đầu trổ măng, nhưng vì măng gặp hỏa nên đắng. Người xưa còn gọi măng là long nha tức là răng rồng.

Trúc có Thư, có Hùng, Thư là cái mà Hùng là Đực, nhìn kỹ cây trúc nào lên mà ngay từ dưới gốc đã mọc thành là trúc cái. Trúc đực to hơn và bao giờ cũng đến đốt thứ 9 kể từ dưới, có khi dưới cả mặt đất, đốt thứ 9 mới bắt đầu trổ cành, tức là măng đực để sinh cây tre đực. Trúc cái có nhiều măng hơn, còn được gọi là duẫn dựng (thai măng). Măng là sơ khí của trúc, lớn rất nhanh, người ta có thể ngồi nhìn măng lớn dần. Ăn măng, theo đông y thì sẽ được bổ khí, mà cần phải chọn thứ măng ngọt mới quý.

Măng trổ trong năm không tốt bằng măng đầu mùa Đông, là thứ măng còn giữ được cái nguyên khí chưa bị mưa gió sấm sét phá hại.

Chúng ta còn gọi tre với trúc để phân biệt giống nhỏ và giống lớn. Việt Nam chúng ta còn có tre Mai mà hẳn ai cũng chưa quên hai câu trong bài học thuộc lòng:

Miệng ăn măng Trúc măng Mai
Những Giang cùng Nứa lấy ai bạn cùng

Mai là tre Bương, hay tre Bè, ngoài ra chúng ta còn nghe nói đến những tên như tre Càng Cua, tre Làng Ngà, tre Cán Giáo,...

Đến đây chấm dứt câu chuyện Trúc. 

tiêu trúc: nguồn đam mê bất tận
Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Bài này hay quá, nhưng tui thấy Trúc còn dùng để đặt tên. Ví dụ sáo trúc. Cảm ơn SaoNhua đã post bài này.
Top 25 Contributor
cầm sư cấp 3

he he he, sáo trúc thì người ta đặt tên lâu gòi, anh chĩa bản quyền thì có...hì hì hì

đọc kĩ cái bài này thấy thu thập được một mớ kiến thức mà trước giờ em cũng ù ù cạc cạc...phải nói là người viết cái bài này tinh thông dễ sợ quá!Yes 

tiêu trúc: nguồn đam mê bất tận
Top 200 Contributor
đại cầm thủ

Quá hay.đọc xong bài này thấy kiến thức mình còn quá ít.còn bài làm sáo,recoder của sáo nhựa ko bít có đại hiệp nào dịch dùm anh em với.tỉu đệ mù tịt về ngoại ngữ nên đọc ko hỉu gi cả.

to Kirinhn:pac có thể dịch dùm tỉu đệ đươc ko a?

aaa
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2

Híc híc, nói thật với bác, ngay cả với cái chủ đề tiếng Việt "câu chuyện của Trúc" này em còn chưa đọc nữa là, vào đây thấy dài quá nên chui ra ngoài luôn, thỉnh thoảng mới vào ngó xem các bác bình luận gì thôi. Ấy vậy mà bác bảo em dịch nguyên một đống tiếng Anh dài thế kia chắc em chết mất. Mà em đọc thì hiểu được thôi, chứ khả năng dịch ra tiếng Việt thì  ............. Sad

-------------------------------

Xin lỗi bác saonhua nhé Embarrassed

 

 

Top 200 Contributor
đại cầm thủ
Tỉu đệ nghĩ bác ko đọc bài câu chuyện về trúc là sai lầm lớn đó.bác hỉu tới đâu cứ dịch tới đó.thà hỉu được chút chút còn hơn ko hỉu được chữ nào.
aaa
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2
Hehe, tại em lười quá, bác đã nói vậy thì em sẽ đọc. Em cũng sẽ dịch cho bác 1 bài trong các bài về sáo và recorder của bác saonhua, chứ dịch hết thì em chịu. Có ai khác có thời gian thì dịch cùng em, mỗi người dịch một bài chắc cũng hết được.
Top 200 Contributor
đại cầm thủ
thanks.khi nào dịch xong thì bác post lên liền cho anh em tham khảo nha.
aaa
Page 1 of 1 (8 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems