Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Phục dựng cây đàn bầu cổ

rated by 0 users
This post has 2 Replies | 0 Followers

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
chuthoong Posted: 09-12-2009 1:11
 
Tuy gắn bó với cây đàn bầu đã lâu nhưng lần đầu tiên nhìn thấy hình dáng lạ lẫm của cây đàn bầu cổ trong một bức ảnh được người Pháp chụp vào năm 1906, NSND Xuân Hoạch không khỏi ngạc nhiên. Và hình ảnh về cây đàn bầu cổ đã ám ảnh ông, một cây đàn có hình dáng to lớn khác thường mà có lẽ cách nay nhiều thế kỷ.

Lúc đó trong lòng ông chợt dâng lên một niềm cảm xúc lạ kỳ, nhưng để rồi, mãi đến năm 1978 trong nhạc hội đàn bầu, ý tưởng phục dựng lại cây đàn bầu cổ mới chính thức được ông bắt tay vào thực hiện. Đó là khi NSND Xuân Hoạch chứng kiến hình ảnh một ông xẩm mù vừa chơi đàn bầu vừa gõ nhịp bằng tay khiến cho ông cảm phục về tài năng của người khiếm thị chơi đàn bầu. Ông vừa muốn khôi phục lại cây đàn bầu cổ nhưng lại muốn khám phá thêm một cách chơi xẩm mới. 

“Trường cổ đại thanh”

Càng nghiên cứu sâu về cây đàn bầu cổ, NSND Xuân Hoạch càng thấu hiểu tại sao cây đàn bầu này lại có kích thước lớn hơn rất nhiều so với cây đàn ngày nay. Các cụ xưa đã nói “trường cổ đại thanh” (cổ càng dài thì âm thanh càng vang và lớn) nên cần đàn hay còn gọi là vòi đàn được người xưa làm rất lớn để tạo nên một âm thanh vang vọng.

Vì thế, dây đàn được làm cách mặt đàn một khoảng cách từ 40 đến 50cm, khác hẳn với cây đàn ngày nay chỉ cách mặt đàn chừng 10cm. Nhưng quá trình đi tìm lại hình dáng và trả lại âm thanh nguyên thủy của cây đàn không đơn giản. Khoảng cách lớn giữa dây đàn và mặt đàn đã khiến cho khâu giải quyết âm thanh phải thật chuẩn xác, và tinh tế, nếu không sẽ làm biến dạng, méo mó âm thanh của cây đàn.


Bức ảnh người Pháp chụp năm 1906

NSND Xuân Hoạch cũng phải thú nhận, muốn làm được đàn, trước hết mình phải là người am hiểu về cây đàn, hiểu nó như hiểu chính bản thân mình. Có người làm đàn xong, đem ra đánh thì là một cây đàn “câm”.

Hơn nữa, âm thanh của cây đàn bầu dường như còn mang một yếu tố tâm linh trong đó, âm thanh được phát ra không phải từ bên ngoài mà là từ bên trong dội ra, nên phải là người có tâm với cây đàn mới thực sự hiểu được ý nghĩa của “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” rồi từ đó điều chỉnh cung độ sao cho âm thanh được phát ra thật sự tròn vành rõ tiếng. Và cũng phải là người đau đáu lắm với cây đàn, phải mất ăn mất ngủ với nó thì ông mới có thể phục dựng thành công cây đàn bầu.

Người nghệ sĩ cũng phải có sự tỉ mẩn, cầu kỳ trong chi tiết, biết được âm thanh sẽ truyền đến đâu, đặt tay  ở vị trí nào trên dây đàn thì âm thanh tốt nhất, đẹp nhất, làm thế nào để không bị mất âm, phải hãm nó lại để giữ âm, để vang lên âm thanh ngọt ngào của cây đàn bầu.

Không cần dùng bộ kích âm thanh

Cây đàn bầu tre đã được hoàn thành, âm thanh của nó thật tuyệt vời, và giống y nguyên mẫu. Điều mà ông tâm đắc nhất khi phục dựng thành công là cây đàn không cần dùng bất kỳ dụng cụ kích âm nào.

Nhưng ông vẫn chưa thực sự hài lòng mà lại chuyển sang để phục dựng một cây đàn bầu bằng gỗ. Nếu như để hoàn thành được cây đàn bầu tre mất tới gần 20 năm thì cây đàn bầu gỗ chỉ mất có 2 tháng.


Cây đàn bầu được phục dựng

Cây đàn bầu này dường như được sinh ra cho những người hát xẩm, bởi cây đàn thấp, nghệ sĩ ngồi dưới chiếu cũng có thể chơi đàn. Mà theo cách nói của NSND Xuân Hoạch “chơi xẩm rất cao đạo, tôi nhìn trời nhưng không nhìn đất, tôi ngồi chiếu manh nhưng rất ung dung”.

Vậy là, người hát xẩm sẽ chơi đàn bầu bằng cảm nhận từ những rung động nhỏ nhất từ dây đàn, bầu đàn và vòi đàn. Tất cả tạo nên một dáng ngồi của người hát xẩm thật chững chạc.

Một phần vì kỹ thuật chơi của cây đàn bầu cổ được phục dựng có nhiều nét mới cùng với yêu cầu về sự phối hợp của chân và tay nên cây đàn này giờ đây cũng chỉ có một mình NSND Xuân Hoạch chơi được. Và đó cũng là điều mà ông buồn nhất.

Ông mong muốn cây đàn bầu được phục dựng lại để phục vụ cho đời sống nghệ thuật nước nhà đặc biệt là cho nghệ thuật hát xẩm. Vậy là, giờ đây cây đàn bầu cổ vẫn đang phải chờ những người nối tiếp NSND Xuân Hoạch để lại được ngân nga những giai điệu đẹp nhất, say đắm lòng người nhất.

Nguồn: An Ninh thủ đô

rockfan22003@yahoo.com
Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1

Ai cũng nghĩ đàn bầu, báu vật vô giá của dân tộc, vẫn còn sống rất mãnh liệt khắp chốn nhân gian. Vậy mà, cây đàn bầu mộc đã gần như vắng bóng, và bị thay thế bởi đàn bầu điện. Nhưng mới đây, giữa Hà thành nghìn năm tuổi, du khách có thể thưởng thức tiếng đàn bầu cổ truyền qua tài đàn của NSND Xuân Hoạch tại một nơi hết sức dân dã: chiếu Xẩm Hà thành ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân vào mỗi tối thứ Bảy. Ông cũng chính là người từng mày mò phục chế cây đàn bầu mộc từ trong những tư liệu ảnh của người Pháp...

Long đong phận đàn bầu

Cây đàn bầu vốn chiếm thế độc tôn trong lòng mỗi người con đất Việt nhiều thế kỷ, nhưng tới nửa cuối thế kỷ 20 khi các nhạc cụ điện ngày càng phổ biến thì phong trào cải tiến đàn bầu để âm thanh lớn bắt đầu phát triển và nở rộ. Đó cũng là thời điểm báo hiệu những thăng trầm của đàn bầu.
 
Đàn bầu mộc ở Hà Nội đầu thế kỷ 20
 
Vào những năm 1950 đàn bầu điện bắt đầu xuất hiện trong các đoàn văn công. GS.TS Phạm Minh Khang - nguyên Chủ nhiệm khoa Lý luận Sáng tác Chỉ huy - Học viện Âm nhạc Quốc gia VN (HV ANQGVN) cho rằng: “Sự xuất hiện tiếng đàn điện phù hợp với thời điểm ấy, khi các đoàn phải tập trung biểu diễn phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Để phục vụ đông đảo công chúng một cách hiệu quả cần phải có âm thanh lớn, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra việc lắp thêm ô-ri-ông-tông khuếch đại âm thanh”. Sáng tạo này rất độc đáo vì nó vẫn giữ được hồn cốt của tiếng đàn bầu, từ nhấn nhá đến rung, kể cả những tiếng phát ra từ sự tác động giữa que gảy với dây đàn rất đặc trưng của đàn bầu. Vài thập niên sau, thêm một làn sóng cải tiến nhạc cụ, nhiều nghệ sĩ đã lắp thêm mô-bin kèm theo cái loa như loa nén cỡ nhỏ. Cũng từ thời điểm ấy đàn bầu điện có thể rung, nhấn nhá thêm nhiều cung bậc nhưng nó đã khác xa với cây đàn bầu cổ truyền và rất dễ lẫn với âm thanh của nhiều nhạc cụ điện du nhập khác như guitar điện, guitar Hawai...
 
Theo các chuyên gia, lần cuối cùng đàn bầu mộc đến với đông đảo công chúng cách đây đã 30 năm. Năm 1978, Nhạc hội Đàn bầu lần đầu được tổ chức từ sáng kiến của cố GS, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nguyên là Viện trưởng Viện Âm nhạc. Nhạc sĩ Thao Giang, lúc ấy là Phó trưởng Khoa Nhạc cụ Truyền thống của Trường Âm nhạc VN (nay là HV ANQGVN) đã được sự chỉ đạo của GĐ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương về việc đặt những cây đàn bầu này để khai thác, áp dụng trong giảng dạy tại trường: “Cụ Phước muốn tổ chức Nhạc hội vì cụ muốn cây đàn bầu cổ truyền trở về với vị trí vốn có của nó, đồng thời cũng là dịp nhìn nhận để tiếp tục phát triển cây đàn cải tiến. Không thể quên được lần ấy tiếng đàn bầu mộc độc đáo được các nghệ nhân Thân Đức Chinh (Bắc Giang), Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Thư, Nguyễn Văn Quang (Hải Phòng)…”.
 
NSND Xuân Hoạch và cây đàn bầu mộc do ông chế tác

Không ai biết thời điểm chính xác cây đàn xuất hiện, song nhà nghiên cứu Hoàng Kiều dẫn lời cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên: Đàn bầu tương truyền chính là báu vật mà Bụt ban cho thái tử Trần Quốc Đĩnh trong lúc bị người em ruột hãm hại bơ vơ giữa nơi rừng sâu. Cũng từ đấy hát xẩm ra đời gắn với đàn bầu. Có lẽ cũng do gắn với hát xẩm và những nghệ nhân mù lòa cơ cực nên đàn bầu cũng cùng chung số phận hẩm hiu! Rồi mãi đến năm 1892 đàn bầu mới được những người hát xẩm Bắc kỳ đưa vào Huế và khoảng đầu thế kỷ 20 người ta mới thấy một số nhạc sĩ tài tử dùng đàn bầu để hòa tấu trong dàn nhạc...

Và mối duyên nợ với “tiếng hồn dân tộc”

NSND Xuân Hoạch được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2007 do những đóng góp cho cây đàn nguyệt. Song, ông lại luôn bị tiếng đàn bầu ám ảnh. Quê ông ở Thái Bình, từ nhỏ đã ngấm tiếng bầu cùng những làn điệu chèo. Được học đàn nguyệt chính quy tại Trường Âm nhạc VN nhưng ông vẫn học lỏm đàn bầu ở lớp của thầy Bá Sách. NSND Xuân Hoạch kể: “Đàn bầu với tôi như một món nợ. Chừng nào chưa trả lại được cho nhân dân tiếng đàn bầu dân tộc thì chừng đó gánh nợ vẫn còn đeo đẳng bên tôi”.

NSND Xuân Hoạch cho biết: Cây đàn bầu mộc có nhiều đặc điểm khác biệt với đàn bầu hiện nay. Hộp cộng to, cần đàn cứng cáp, và que đàn thì rất dài, có khi dài bằng cái đũa con. Khi đánh, sự tác động giữa que đàn lên dây đàn sẽ tạo một tiếng phụ nghe rất hay, rất đặc trưng của tiếng đàn bầu mộc, vì thế nó mới được ví như tiếng kêu “tích tịch tình tình tang”. Đàn bầu ngày nay đã hoàn toàn mất đi âm sắc này. Tư thế chơi đàn cũng rất đẹp chứ không phải cúi gầm mặt như đàn bầu điện hiện nay.

Quá trình chế tác đàn bầu mộc của NSND Xuân Hoạch không hề đơn giản. Có quá nhiều khâu phải thực hiện. Đầu tiên phải nhớ lại cây đàn ngày xưa mà nghệ sĩ từng được tận mắt thưởng thức kết hợp với những tấm ảnh đàn bầu do người Pháp chụp đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, sau đó vẽ ra để định dạng kích thước. Việc chọn chất liệu phục chế cũng không đơn giản. Xưa các cụ dùng gỗ hoặc tre to để làm hộp đàn, sau khi suy nghĩ và tham khảo, ông quyết định chọn chất liệu tre làm bầu đàn. Bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian rong ruổi khắp các điểm bán tre nứa mới có thể tìm cho ra một cây ưng ý. Ngay như quả bầu nậm, dù chỉ có tác dụng giúp cho cây đàn thêm duyên dáng nhưng ông cũng phải nhờ anh em họ hàng ở tận Quảng Trị gửi ra. Vì thời điểm ấy không thể tìm được bầu nậm khô ở Hà Nội. Có đầy đủ nguyên liệu làm đàn rồi mới đến khâu quan trọng nhất là chế tác. Phải chú ý từng chi tiết nhỏ để làm sao khi cây đàn thành hình có thể phát ra được âm thanh tốt nhất. Mãi tới năm 1990, ông mới phục chế xong cây đàn bầu mộc đầu tiên. Rồi đàn thử, thu băng và đem “khoe” những người bạn thân thiết.
 
Tiếng đàn bầu mộc hôm đó của NSND Xuân Hoạch đã trở thành cảm hứng ra đời tác phẩm Du thuyền trên sông Hương đậm chất âm nhạc Huế lại pha chút âm nhạc Hát Văn của nhạc sĩ Thao Giang. Đó là một bản nhạc với sự góp mặt của 4 nhạc cụ, trong đó ngoài đàn bầu còn có 3 nhạc khí gõ là mõ, thanh la và trống. Trao tặng NSND Xuân Hoạch tổng phổ bản nhạc, nhạc sĩ Thao Giang động viên: “Đây là tác phẩm viết cho đàn bầu mộc sẽ thể hiện được tính năng cây đàn và tài nghệ của người nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng phải tập để làm sao chỉ một mình có thể đảm đương tất cả các nhạc cụ này. Các cụ nghệ nhân đàn bầu xưa vẫn làm được điều này”. Quả là một điều không đơn giản trong khi tay đàn, hai chân phân 3 loại nhạc cụ mà mỗi chân lại phải đảm đương hai kiểu tiết tấu khác nhau (một chân nhịp thuận và một chân là tiết tấu đảo). Các cụ nghệ nhân thời xưa không phải lúc nào cũng sử dụng “chiêu độc” này nhưng cụ nào cũng thạo việc tay vừa gảy đàn vừa đánh trống, chân giậm nhịp rất điệu nghệ...
 
Hiện đang thuộc “quân số” của Nhà hát Ca múa nhạc VN nhưng muốn gặp NSND Xuân Hoạch phải tìm tới Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN (Trung tâm) tại đình Hào Nam. Vì cứ rảnh ông lại tới đây truyền dạy cho các bạn yêu nghệ thuật truyền thống về đàn nguyệt, đàn bầu, đàn đáy, hát văn và hát xẩm... Học sinh của ông đủ lứa tuổi, có cụ bà hơn 80 đến học lại những câu hát ru, có cháu bé chỉ hơn 10 tuổi. Nhưng điều ông trăn trở là cho đến nay, vẫn chưa tìm được một học trò cưng để giao lại những bí quyết phục chế đàn bầu nguyên gốc. Ông bảo để có thể thể hiện đàn bầu theo đúng lối truyền thống dân tộc để đạt được yêu cầu đơn giản nhất chí ít cũng phải mất 3 năm dồn toàn tâm toàn lực, còn đạt độ nhuần nhuyễn thì phải mất cả cuộc đời. Mà bây giờ, tìm được một người trẻ yêu và dám hy sinh tất cả cho cây đàn bầu thật như đáy bể mò kim…
 
 
http://nhacvietplus.vietnamnet.vn/vn/tinnhacviet/20247/index.aspx
rockfan22003@yahoo.com
Top 75 Contributor
cầm sư cấp 2

trông cái đàn phục dựng cồng kềnh nhỉ?

không biết âm của nó ra sao?

Page 1 of 1 (3 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems