Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

NHẠC VÀ NHỮNG ĐIỀU KỴ

rated by 0 users
This post has 5 Replies | 0 Followers

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3
Nguyen Tan Posted: 08-27-2008 1:30

Nhạc

Nhạc là một cái gì đó nhiệm màu thiêng liêng, và người xưa cho rằng chỉ những thiên tài mới sáng tác được ca nhạc, và do đó phương Ðông chúng ta lại quan niệm rằng, nhạc là sự điều hoà giữa trời đất. Nhạc lại có thể cảm lòng người và thay đổi được phong tục. Lễ nghi không có nhạc thiếu vẻ trang nghiêm, và để giữ gìn mỹ tục, để bảo tồn lễ nghi, người xưa dùng nhạc trong các buổi tế lễ .


Ngoài các buổi tế lễ, người ta còn dùng nhạc để tiêu khiển mua vui cùng nhau . Năm ba bạn bạn trẻ, có khi do một người nhiều tuổi đứng đầu họp thành một ban nhạc, để cùng nhau luyện các bản nhạc và hoà tấu với nhau những khi gió sớm, lúc trăng chiều . Cũng có những người với một nhạc cụ, một cây đàn nhị hoặc đàn bầu, vừa đàn vừa hát những bản nhạc mà mình ưa thích . Những lúc thư nhàn, hoặc đêm khuya thanh vắng, buồn bã một mình, thì mượn tiếng đàn giải sầu, giải muộn. Hoặc đàn nguyệt, đàn thập lục dạo một vài câu lưu thủy, hoặc gảy chơi một câu tứ đại, nam ai... Tiếng đàn thánh tha thánh thót, tỉ tê như dế kêu sầu, cũng đủ diển tả tấm lòng mà vơi bớt niềm ngao ngán.

Ðem tâm tư gởi vào khúc nhạc, dùng nhạc để quên nỗi u buồn, dùng nhạc để nói lên niềm vui, nhạc thật là một thú tiêu khiển thanh cao tao nhã . 
Ngày xưa, các bản nhạc được giới nhạc công nhận là có giá trị, thì chia ra thành hai loại: bản Bắc và bản
Nam, tức là là những khúc nhạc cung Bắc và cung Nam .

NHẠC CUNG BẮC:
Ðây là những bản nhạc linh họat, một phần phóng tác theo nhạc Trung Hoa, nhưng xoang điệu mang sắc thái Việt Nam . Thực ra cũng có những bản gốc Trung hoa, cũng có bản gốc Việt, ngày nay lẫn lộn, khó mà phân biệt, gồm một số bản sau :

1. Cổ bản:
Một bản nhạc cổ rất nhiều xoang điệu. Nhạc nghe êm tai, nhưng nội dung không rõ là gì . Cổ bản còn được gọi là bản ca Bắc hoạc ca Lý, xuất xứ không rõ ở đâu nhưng người Huế hay ca cùng với các điệu ca khác.

2. Lưu thủy:
Lưu thủy là nước chảy . Bản nhạc gây cho thính giả một cảm giác êm ái, điệu nhạc như trầm lặng nhưng nhanh nhanh buồn buồn .

3. Hành vân:
Hành vân là mây bay . Qua hai chữ hành vân ta hình dung đám mây trôi xa xa giữa bàu trời xanh ngắt. Nghe bản nhạc hành vân, ta cảm thấy nhè nhẹ, êm êm, thanh thản

4. Kim tiền:
Bản nhạc gọi theo tên nhạc khí, kim tiền tức là sinh tiền dùng để đập nhịp. Nội dung và xoang điệ.u bản nhạc đi rất mạnh. Nghe bản nhạc thính giả cảm thấy cái gì hăng hái, say sưa, mạnh mẽ . Trái hẳn với xoang điệu thanh thản của các bản lưu thủy, hành vân, xoang điệu bản kim tiền đi nhanh, dồn dập, réo rắt và hùng mạnh.

5. Bình bán:
Bản này dung hợp cái chậm rãi và cái dồn dập của hai bản lưu thủy và kim tiền, xoang điệu vừa mau vừa chậm, vừa trầm vừa hùng. Nội dung bản này có thể là đoạn đầu lưu thủy và đoạn sau là kim tiền.

6. Tẩu mã:
Bản này diễn tả nhịp ngựa phi, do đó vừa dồn dập, vừa nhanh, vừa mạnh. Ðiệu tẩu mã thường được sử dụng trong các vở tuồng với những vai anh hùng, tráng sĩ. Ðiệu này nguyên trước đây là một điệu của người Trung Quốc cho nên cũng gọi là ca khách, và bản nhạc gọi là nhạc khách.

7. Tứ đại cảnh:
Tứ đại cảnh là cảnh của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông trong một năm. Nội dung bản nhạc diễn tả cảnh sắc của bốn mùa . Bản nhạc này tuy được xếp vào các bản nhạc cung Bắc, nhưng nhiều người cho rằng tác giả bản nhạc này là cuả vua Tự Ðức, vì bản nhạc này được phổ biến nhất ở Huế và vua Tự Ðức là một nhạc sĩ có tài, lại có tâm hồn nghệ sĩ, đàn giỏi, thơ haỵ.

NHẠC CUNG NAM
Ðây là những bản nhạc sản xuất ở miền Nam từ thời chúa Nguyễn, chịu ảnh hưởng rất nhiều các nhạc khúc Chiêm Thành. Từ nhạc thường buồn ai oán sầu bi nhưng rất có giá trị .

1. Nam ai:

Nam ai là thương Nam, xót Nam. Ðây là bản nhạc buồn nhất, ai oán nhất trong các bài nhạc cung Nam.
Với bản nhạc
Nam ai, rất nhiều nhạc sĩ, thi sĩ đặt lời ca, tuỳ theo hoàn cảnh cảm xúc và ý nghĩa của từng người . Thường bản ca Nam ai có 3 vần, tạo thành ba khổ .

2. Nam Thương:
Nam thương nghĩa là buồn nam, mến nam. Ðây là một bản nhạc cổ điệu buồn nhưng không buồn bằng Nam ai . Bản nhạc cũng chịu ảnh hưởng nhạc Chiêm Thành, xoang điệu đi chậm nhưng một vài chỗ âm thanh có vẻ réo rắt, hàm ý thương tiếc nhớ nhung, đau khổ buồn buồn.

3. Nam xuân:
Ðây là một bản nhạc ít buồn và có đượm cái vui, tuy cái vui vẫn như thể bị cái  buồn nối tiếp. Phải chăng đây là cái buồn truyền kiếp của một quốc gia đã bị diệt vong mà ảnh hưởng ăn vào âm nhạc của Việt Nam. Xoang điệu bản nhạc tuy buồn, nhưng có nhiều nét thướt tha duyên dáng, cái thướt tha duyên dáng của hình bóng cô gái Chàm đi lả lướt trên bóng chiều.

4. Nam bình:
Ðây là một bản nhạc không buồn không vui, âm thanh đi đều đều . Có thể nói đây là một bản nhạc nam cung, được hoà hợp bởi ba bản Nam ai, Nam thương và Nam xuân cho nên nội dung pha lẫn buồn vui, nhưng cái buồn vẫn nhiều hơn.


Bốn bản nhạc trên, tuy nhạc chỉ có một bản, nhưng mỗi bản lại được phổ thành nhiều ca khúc bởi nhiều tác giả, mỗi ca khúc nội dung khác nhau tùy cảm hứng của từng tác giả.

NHỮNG ĐIỀU KỴ

Người xưa chơi nhạc có sáu điều kỵ gọi là lục kỵ, những điều kỵ này đều về thời tiết . Các nhạc cụ là những đồ lúc làm cần tỉ mỉ để giữ cho cung điệu được đúng, sai một chút là lạc âm thanh . Kỹ thuật chế taọ nhạc cụ của ta xưa dù sao cũng chưa hòan toàn tinh vi, nhất là thân nhiều nhạc cụ đều bằng gỗ hoặc tre, rất dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết .
1. Kỵ đại hàn: trời lạnh thường làm mọi vật se lại, co lại, và trong lúc đó khí trời cũng khô lạnh . Gặp kỳ đại hàn, nước còn đông lại, đàn không thể hay được .
2. Kỵ đại thử: trái với lạnh, gặp nóng vật gì cũng nở ra, và trong lúc đó khí trời như bốc lửa . Đàn gảy lên không phản ảnh đúng được cung bậc của bản đàn, đàn không hay .
3. Kỵ đại phong: gió lớn làm rung bầu không khí, những âm thanh phát ra cũng bị rung động theo, đàn trong cơn đại phong cũng không lột hết được ý đàn .
4. Kỵ đại vũ: mưa to, nước đổ như trút, tiếng nước đổ át tiếng đàn, đàn không hay . Đây là chưa kể không khí có nước làm âm thanh có thể sai lạc và dây đàn cũng chịu ảnh hưởng sự ẩm thấp của khí trời .
5. Kỵ sấm sét: khi sâm sét vang trời, đàn không hay
6. Kỵ đại tuyết: khi tuyết phủ đầy đường, đàn không hay . Nước ta không có tuyết, nếu có cũng rất hữu hạn và cũng có chỉ có ở các tỉh biên giới miền Bắc nơi có núi cao .

Sáu điều kỵ trên của các tài tử phương Đông thời xưa, các cụ ta vẫn hằng theo . Xét cho kỹ, những điều kỵ đó cũng đúng, nhất là đối với các nhạc khí của người mình chế tạo, tuy có tinh vi nhưng cũng không hoàn toàn thoát khỏi được ảnh hưởng của thời tiết.
Ngày nay với những nhạc khí Tây phương của nền tân nhạc, chế tạo bởi nhưng nguyên liệu chọn lọc qua một kỹ thuật tân kỳ, không hiểu lục kỵ trên có còn chăng? và các nhạc sĩ cổ điển ngày nay có còn giữ những điều kỵ của người xưa ?

NHỮNG TRƯỜNG HƠP KHÔNG ĐÀN
Gặp những khi thời tiết kỵ với những tiếng đàn, người ta không đàn, nhưng ngoài những trường hợp đại kỵ nêu trên, cũng còn những trường hợp khác người tao nhã không đàn . Có baỷ  trường hợp, và người xưa gọi là Thất bất đàn. Bảy trường hợp này hoặc nằm trong khuôn phép xử thế của người lịch sự, thanh cao, người chơi đàn thường cố giữ gìn để tránh chê trách của bậc tri thức thượng lưu, hoặc vì tôn trọng ngón chơi, nâng cao nghệ thuật.

Thất bất đàn là:

1. Tang tóc không đàn .

2. Khi nhạc có chuông trống ồn ào không đàn .

3. Khi tâm trạng bối rối không đàn .

4. Khăn áo không chỉnh tề không đàn .

5. Không xông trầm không đàn .

6. Trong mình không sạch sẽ không đàn .

7. Không gặp tri âm không đàn .

Tang tóc không đàn, vì sự buồn rầu; chơi đàn là để giải trí, giải trí trong lúc có tang không hợp với đạo đức của phương Đông . Các cụ còn nói nghe tang không đàn, tang đây có thể là tang của người khác, như được một tin buồn của người khác, người lịch sự không có quyền vui với đàn địch, trong khi người khác đau xót.
Khi nhạc có chuông, có trống, cũng không đàn, vì tiếng chuông tiếng trống sẽ át hẳn tiếng dàn, đàn dù có hay mấy cũng không ai biết thưởng thức và chính mình cùng không tự thưởng thức được tài nghệ của mình. Lại nưã, khi tâm trạng bối rối, đàn làm sao mà hay được.
Khăn áo không chỉnh tề, trong người không sạch sẽ, không xông hương, xông trầm không đàn, chính là vì lý do nâng cao nghệ thuật.
Không gặp tri âm cũng không đàn, vì đàn lên ai là người nghe, ai là người thấu được tâm trạng của mình qua tiếng đàn. 
Thiết nghĩ hầu hết tất cả các bạn nơi đây đều đã đọc qua sự tích Bá Nha, Tử Kỳ, nhưng vẫn nhắc lại để chứng tỏ đàn mà có tri âm, người chơi đàn mới thật là mãn nguyện.

(Theo vanhoaphuongdong.com)

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3

BÁT TUYỆT

Đàn hay, khách chơi đàn cần phải có tri âm và khi đã đạt tới mức của Bá Nha, ngón đàn phải là tuyệt diệu .

Theo người xưa, cái tuyệt trong đàn có tám điều gọi là Bát Tuyệt, và tám điều này, để đạt được, thực ra rất hiếm người .
 

Bát tuyệt là:

Thanh: đàn hay, người chơi đàn khiến được tiếng đàn . Gặp cây đàn tiếng đục, lúc chơi tiếng đàn cũng hóa trong.
Kỳ: đàn hay thật là kỳ ảo, biến hóa vô cùng, trong đục rõ rệt, và nghĩ tới đâu, tiếng đàn như theo tới đó, như khi Bá Nha đàn cho Tử Kỳ nghe, lúc lên non cao, lúc theo giòng nước.
U: Tâm hồn người chơi đàn nằm trong tiếng đàn, nếu có chuyện gì u trầm, trong tiếng đàn có thể hiện ra .
Sách xưa ghi lại truyện Đức Khổng Tử đánh đàn. Lúc Ngài đang đàn, có thầy Tăng Tử cùng thầy Tử Cống đứng bên cửa nghe . Khi Ngài đàn xong, thầy Tăng Tử nói rằng: "Trong tiếng đàn dường như có sát khí, sao mà bất nhân thế!"
Thầy Tử Cống nhắc lại lời thầy Tăng Tử với đức Khổng Tử . Ngài bảo rằng:
-Sâm ( tên húy của thầy Tăng Tử ) thật là người hiền trong thiên hạ, đã quen thẩm âm rồi . Khi ta đang đàn có một con chuột chạy ra, con mèo thấy, mắt lăm le, chân nhẹ nhẹ rình bắt con chuột, ta muốn cho bắt được, điều muốn của ta đã hiện trong tiếng đàn .


Nhã: tiếng đàn vui vẻ mà hòa nhã, không hấp tấp, lụp chụp .
Bi: Trong tâm có điều gì bất như ý, tiếng đàn nghe sầu não ai oán .
Tráng: gặp chuyện đắc ý, tiếng đàn nghe mạnh mẽ hùng tráng .
Du: Ý người đánh đàn ở non cao hay vực thẳm, tiếng đàn biểu hiện được nơi đó hoặc cao xa hoặc thăm thẳm .
Trường: Ý người đánh đàn tại chỗ sâu xa, tiếng đàn nghe dài dặc, cuồn cuộn như giòng nước .

Chơi đàn đạt được bát tuyệt, ngón đàn thật là tinh vi, và người sành đàn, được thưởng thức tài nghệ thuật này cũng lấy làm thú vị .

(theo vanhoaphuongdong.com)

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3

SỰ TÍCH BÁ NHA-TỬ KỲ 

"Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ "

Cầm đài: cái đài để Tư Mã Tương Như ngồi gảy đàn. Tri âm: hiểu biết nhau qua tiếng nhạc; từ chuyện Tử Kỳ tri âm Bá Nha thời Chiến Quốc, tri âm đã là nghĩa chung của một tình bạn thiết thân, thông hiểu được ý nhau.

Theo sách Lã thị xuân thu: "Bá Nha cổ cầm, Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết tính chi viết: nguy nguy hồ như thái sơn, dương dương hồ như lưu thủy" (Bá Nha gảy đàn, Chung Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm, khen rằng: ngun ngút như núi Thái Sơn, cuồn cuộn như dòng nước chảy).

Vào lúc Tấn, Sở đang giao hảo nhau. Bá Nha là người nước Sở, nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời; ngày liền đêm, Bá Nha không bao giờ rời cây Dao cầm thiết thân của mình.

Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương vào một đêm trăng thanh gió mát. Bá Nha cho đồng tử đốt lư trầm trước thuyền, rồi lấy Dao cầm ra so phím thử dâỵ Dưới ánh trăng trong, tiếng đàn quyện lấy hương trầm đang cất vút lên cao giữa đêm thu thanh vắng, bỗng một tiếng "bựt" khô khan, dây tơ đồng đứt ngang. Bá Nha nghĩ dây đàn đứt ắt có quân tử nào nghe lén đây, bèn sang sảng cất tiếng :

- Có cao nhân nào trên bờ lắng nghe tiếng đàn của tại hạ, xin vui lòng ra mặt.

Từ trên vách núị có tiếng vọng xuống:

- Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành.

Bá Nha cười lớn:

- Tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đàn với ta?

Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:

- Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: "Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín" (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến...

Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, ông tiến sát đến mũi thuyền nói lớn:

- Nếu thật là người trên bờ biết nghe đàn, thì xin cho biết lúc nãy tại hạ đã đàn khúc gì?.

Giọng trên bờ bình thản vọng xuống:

- Đó là Khổng Vọng Vi, Đức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi. Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu chót.

Nghe xong, Bá Nha thấy lòng phơi phới lạ, vội sai tùy tùng lên bờ rước người tiều phu xuống thuyền. Bá Nha trân trọng đón tiếp:

- Quý hữu biết nghe đàn, vậy chắc cũng rõ được xuất xứ của cây Dao cầm?

Tiều phu không ngập ngừng:

- Nghe nói, thuở xưa vua Phục Hy tình cờ trông thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng và chim phượng hoàng đến đó đậụ Vua biêt cây ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trơi đất, có thể dùng để làm nhạc khí được, liền cho người hạ cây, cắt làm ba đoạn. Đoạn ngọn, tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoa,n giữa tiếng vừa trong vừa đục. có thể dùng được. Nhà vua cho ngâm đoạn giữa thân cây giữa dòng nươc, đúng bảy mươi hai ngày đêm, vớt lên phơi trong mát cho thật khô rồi gọi người thợ giỏi Lưu Tử Kỳ đẻo thành cây Dao cầm. Dao cầm dài ba thước sáu tấc, một phần án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc, án theo tám tiết, mặt sau rộng bốn tấc án theo bốn mùa, bề dày hai tấc án theo lưỡng nghi.  Đàn gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm, lại có thêm một phím phụ tượng trưng cho tháng nhuận. Đàn có năm dây án theo ngũ hành tượng trưng cho năm âm: cung, thương, giốc, thủy, vũ. Xưa, vua Thuấn gảy đàn Ngũ huyền, thiên hạ thái bình. Khi vua Văn Vương bị ngồi tù nơi Dũ Lý, Bá Âp Khảo thêm một dây oán, gọi là văn huyền (dây văn). Về sau, khi Vũ Vương đánh nước Trụ, thêm môt dây nữa gia tăng kích động gọi là vũ huyền (dây vũ). Do đó, Dao cầm lúc đầu có năm dây, sau có bảy dây. Dao cầm có bốn điều kỵ là : rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là : không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm.

Bá Nha nghe nói, biết tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính thương :

- Hiền hữu quả là người tinh thông nhạc lý. Xưa kia, Khổng Tử đang gảy đàn, thầy Nhan Hồi bước vào, nghe thanh âm sao mà u trầm, biết là trong tâm Khổng Tử đang giao động . Hỏi ra, mới hay là trong khi Khổng Tử đàn, thấy con mèo đang bắt chuột, nên tâm tư đã chùng tiếng tơ đồng. Trước kia, Nhan Hồi nghe tiếng đàn mà biết được lòng học trò, còn ngày nay, nghe tiếng đàn Bá Nha này, hiền hữu có biết lòng ta đang tư lự gì không?

- Xin đại nhân cho nghe một vài khúc nhạc nữa

Bá Nha thay dây đàn, gảy khúc Ý tại non cao.

Tiều phu ngẩng mặt mỉm cười:

- Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao.

Bá Nha giật mình ngưng đàn. Một lúc sau gảy thêm khúc Ý tại lưu thủy.

Tiều phu khua tay xuống dòng nước:

- Trời nước bao lạ. Ý tại lưu thủy.

Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của minh như vậỵ Ông sai nguời hầu dẹp trà, bày tiệc rưọụ Xong, ông đứng lên trước mặt người tiều phu, kính cẩn hỏi :

- Dám hỏi tiên sinh quý danh và quê quán?

Tiều phu vội đứng lên, chắp tay thi lễ :

- Tiện dân họ Chung, tên Tử Kỳ, người thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên nàỵ Còn đại nhân, chẳng hay cao danh quý tánh là gì, hiện đi trấn nhậm nơi đâu mà ghé thuyền lại đây vãng cảnh.
- Tại hạ họ Du tên Thụy, là Đại phu nuớc Tấn, nhân đi sứ nước Sở về, thấy cảnh Hàm Dương trăng thanh gió mát, nên ghé thuyền thưởng lãm. Tại hạ chỉ là một kể tài hèn đức bạc mà thôị.  Còn như tiên sinh đây học thức uyên bác cớ sao không xuất thân lập công danh, phò vua giúp nước, mà lại sống ẩn dật chốn núi non hẻo lánh này.
- Tôi còn cha mẹ già, không có anh em, phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, dẫu cho công hầu khanh tướng cũng không thể đổi được một ngày báo hiếu của tại hạ .

Biết Tử Kỳ hai mươi bảy tuổị, Bá Nha trân trọng nói:

- Tiện chức hơn tiên sinh những mười tuổị Nếu tiên sinh không chê tôi đức mọn tài hèn thì xin kết làm anh em để khỏi phụ duyên tri âm.

Chung Tử Kỳ khiêm nhượng đáp:

- Đại nhân là bậc công khanh nơi triều đình, tại hạ là kẻ áo vải chốn sơn lâm thì làm sao kết bạn với nhau được, xin đại nhân miễn cho.
- Giá trị con người đâu ở chỗ giàu sang phú quý, mà ở đức hạnh tài năng. Nay nếu tiện sinh chịu nhận làm anh em thì thật là vạn hạnh cho tiện chức.

Bá Nha đã có thành tâm, Tử Kỳ không từ chối nữa.. Bá Nhà sai người hầu đốt lò hương mới, lập hương án trước thuyền, cùng Tử Kỳ lạy trời đất tám lạy, nhận nhau làm anh em khác họ. Rồi hai bạn cùng đối ẩm chuyện trò với nhau rất chi là tương đắc.

Đến lúc ánh trăng nhạt nhòa, tiếng gà eo óc gọi ánh nắng mai, đôi bạn đành phải chia taỵ  Bá Nhà giọng run run, nhìn Tử Kỳ:

- Lòng huynh quá cảm mộ, chưa nỡ rời hiền đệ. Hiền đệ có thể cùng huynh đi thêm một đoạn đường để thêm đước một khúc chuyện trò cho thỏa mối tâm tình.

Chung Tử Kỳ cũng không dấu được xúc động :

- Theo lễ, tiểu đệ phải tiễn hiền huynh vài dặm đường mới phải, ngặt vì song thân của tiểu đệ đang trông ngóng ở nhà, xin hiền huynh thứ lỗi.
- Vậy thì hiền đệ về nhà xin với song đường qua nước Tấn thăm chơi, chắc là sẽ được nhận lời.

"Phụ mẫu tồn, bất khả viễn du", làm sao Tử Kỳ có thể rời cha mẹ để vui chơi cùng bạn được. Cuối cùng, Bá Nha nắm tay Tử kỳ, giọng khẩn thiết:

- Sang năm, cũng vào giờ này, xin hẹn hiền đệ tại đây.

Rồi lấy ra hai nén vàng, hai tay dâng cao lên trước mặt :

- Đây là món lễ vật mọn của ngu huynh làm quà cho bá phụ, bá mẫu, đã xem nhau là cốt nhục xin hiền đệ chớ từ chối.

Cảm tình tri ngộ, Tử Kỳ không từ chối. Lưu luyến chia tay, đôi bạn bịn rịn không thốt lên nỗi lời tạm biệt.

Thấm thoắt một năm qua, ngọn gió heo may từ phương Bắc về đem mùa thu đến. Bá Nha vào triều kiến vua Tấn xin được phép về Sở thăm quê nhà. Thuyền đến bến Hàm Dương, Bá Nha cho dừng lại dưới núi Mã Yên. Lòng bồn chồn trông ngóng. Vừng kim ô đã ngả bóng xuống lòng sông, khói sóng dâng lên nghi ngút, sao mãi vẫn không thấy bạn tri âm. Bá Nha cho đồng tử đốt lò hương, rồi lấy Dao cầm đàn một khúc. Trong cơn gió nhẹ đầu thu, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn của mình sao mà ai oán, não nùng. Bá Nha thất kinh, ngừng tay đàn, tâm thần rối bời ; cung thương bỗng nghe sầu thảm như thế này thì chắc là Chung Tử Kỳ gặp nạn lớn rồị Cả đêm, Bá Nha trăn trở, nhớ thương và âu lo cho bạn. Trời chưa sáng, Bá Nha đã khoác cây Dao cầm lên lưng, bỏ vào túi mười nén vàng ròng rồi cùng vài tên hầu tìm đến chân núi Mã Yên . Dọc đường. gặp một ông lão, tay xách giỏ mây, tay cầm gậy trúc. Bá Nha lễ phép thưa:

- Xin lão trượng chỉ đường đi đến Tập Hiền thôn.
- Có Tập Hiền thôn thượng và Tập Hiền thôn hạ. Tiên sinh cần đến thôn nào?
- Thưa lão trượng, người Tử Kỳ họ Chung ở thôn nào?

Vừa nghe nhắc đến tên Chung Tử Kỳ, lão ông sa sầm nét mặt, đôi mắt trũng sâu chảy dài hai hàng lệ. Lão ông sụt sùi, giọng ngắt đoạn:

- Chung Tử Kỳ là con lão. Năm ngoái cũng vào ngày này, nó đi củi về, gặp một vị quan nước Tấn tên là Bá Nha và kết nghĩa huynh đệ vì chỗ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lúc chia tay, vị quan có tặng cho vợ chồng lão hai nén vàng. Ở nơi núi non heo hút thế này, vợ chồng lão chưa cần đến số vàng đó, nên con lão đã dùng đổi lấy sách, đọc bất kể ngày đêm, giờ giấc, ngoài việc đốn củi mưu sinh. Có thể vì quá lao nhọc, con lão đã lâm bệnh mà qua đời...

Chưa kịp nghe hết lời, Bá Nha đã bật òa khóc, ôm chầm lấy ông lão, hậu sinh này chính là người bạn kết giao của Chung Tử Kỳ đây. Ông lão thảng thốt, trời ơi :

- Mang ơn đại nhân không chê trách cảnh bần cùng, đã cùng con lão kết nghĩa tâm giao. Lúc lâm chung, con lão đã trối trăn lại: " Sống không trọn đạo làm con, chết xin được chôn dưới chân núi Mã Yên để trọn đạo nghĩa với bạn, nằm bên triền dốc chờ đúng lời hẹn mùa thu này". Con đường mà đại nhân vừa đi quạ phía bên phải có nấm đất nhỏ, là ngôi mộ của Tử Kỳ. Hôm nay đúng một trăm ngày mất, lão vừa đi viếng mộ con về thì gặp đại nhân.

Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc "Thiên thu trường hận". Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở màu tối sẩm và tiếng tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:

- Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này :

Ức tính khi niên xuân
Giang thượng tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri ân nhân
Đản kiến nhất phân thổ
An nhiên thương ngã tâm
Bất giác lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang ban khởi sầu vân.
Tử Ky, Tử kỳ hề !
Nhĩ, ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phụ đàn
Tam xích Dao cầm vị quân tử

Từ nhớ đến muà thu năm trước
Bến trường giang gặp bạn cố nhân
Năm nay lại đến Giang Tân
Giòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi
Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi
Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng
Ôi thương tâm, ôi thương tâm
Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi
Mây sầu thấp thoáng chân trời
Đêm vui đổi lấy một đời khổ đaụ
Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi
Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can
Thôi từ nay, thôi phím đàn
Ngàn thu thôi hết mơ màng cố nhân...

Lời thơ vừa dứt, Bá Nha nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tung từng mãnh, trụ ngọc, phím đồng rơi lả tả. Lão ông hoảng kinh, sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí. Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:

Thốt đoái Dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại, hướng thùy đàn?
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu
Dục mịch tri âm, nan thượng nan .

Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai
Gió xuân bốn phía bao bè bạn
Khó thay tìm được bạn tri âm


...

                                                                                                                                                                   (theo Vanhoaphuongdong)

Top 25 Contributor
cầm sư cấp 3

Cám ơn huynh NguyenTan đã cung cấp tài liệu hay cho ace.

Nhớ chuyện "thất bất đàn" hồi mình chơi với ace hòa tấu, lâu lâu có chị em ko biết vì lẽ gì mà hôm đó đàn ko hay, thì mình chọc là phạm phải "thất bất đàn" tức là ngụ ý nói cái bất thứ 6 vậy ! 

Đạt được tuyệt đỉnh công phu: thổi sáo ko cần sáo!

[URL=http://www.facebook.com/karmalaw.net[/url]

Top 10 Contributor
cầm sư cấp 4
Yes quá hay! Cám ơn chú Tân.
Not Ranked
tiểu cầm thủ
xin cảm ơn về những điều này
Sống không có tự do là đã chết.!!!
Page 1 of 1 (6 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems