Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đạo thầy trò trong xã hội xưa

rated by 0 users
This post has 3 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Star [*] Posted: 11-20-2008 1:56
Ngày xưa kẻ sĩ muốn ra làm quan phải qua học hành thi cử, thi Hương (ở tỉnh), thi Hội, thi Đình (ở triều đình). Ở trong các làng xã thường có những lớp học do thầy đồ mở ra hoặc do làng mến mộ danh tiếng của thầy mà mời thầy về làng nuôi để thầy dạy chữ cho con em trong làng để đi thi. Những gia đình quyền quý và những gia đình giàu có thì mời thầy về ở trong nhà để dạy cho con cái (kể cả con gái).
 
Thầy đồ và học trò xưa (Nguồn: Sưu tầm)

Thầy đồ là những thầy khóa hoặc đã trượt kỳ thi hương hoặc đang chờ khoa thi kế tiếp, hoặc là những người đỗ đạt. Có những thầy đồ là những vị túc nho từng hiển danh khoa bảng nhưng không ra làm quan lui về quê ở vui thú điền viên và chuyên tâm vào việc dạy học. Học trò đến xin học (gọi là nhập môn) không phải lễ lớn, chỉ cần chai rượu, cơi trầu quả cau, vài hào mua giấy bút, làm lễ bái sư là được nhận vào học. Khổng Tử được người đời phong là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) thu nhận học trò không kể sang hèn, chỉ có một bó nem thôi cũng đủ.

Học trò đến học không phải đóng học phí, chỉ có hàng năm đến những ngày tết hoặc những ngày nhà thầy có kỵ giỗ, cha mẹ học trò đem đến biếu thầy hoặc thúng gạo nếp, hoặc con gà, hoặc chai rượu, hoặc cơi trầu... tùy thuộc vào gia cảnh. Lễ quan trọng nhất của tình thầy trò xưa trong một năm là ngày lễ mồng 5 tháng năm (tết Đoan ngọ), ngày tết Nguyên Đán, tết Thanh Minh. Đó là những ngày xum vầy của các thế hệ học trò để tỏ lòng tri ấn đối với thầy giáo của mình.
 
Thầy giáo làng (Sưu tầm)

Các thế hệ môn sinh của một thầy thường tổ chức nhau lại bất luận tuổi tác, trình độ, địa vị xã hội thế nào trong một tổ chức gọi là Hội đồng môn. Hội có trưởng tràng, giám tràng và một số cán tràng giúp việc cho trưởng tràng. Hội đồng môn vận động các gia đình môn sinh đóng góp tiền của để tạo ruộng, tạo trâu phân nhau cày cấy, đến mùa gặt tự gánh về gia đình thầy để nhà thầy chi dùng. Khi thầy mất thì dùng ruộng đó lo tang ma cho thầy và giỗ tết, tế tự hàng năm. Lúc thầy mất, trưởng tràng có nhiệm vụ thông báo cho toàn thể anh em đồng môn về thu tang thầy. Học trò để tang thầy cũng ba năm như để tang cha mẹ nhưng không mặc tang phục, gọi là tâm tang tức là để tang trong lòng.

Trong lịch sử nước ta không thiếu những câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Ai cũng biết câu chuyện Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát làm quan đến nhất phẩm trong triều nhưng khi trở về thăm thầy vẫn xuống ngựa từ rất xa đi bộ vào, khép nép đứng nghe lời giảng dụ của thầy. Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi dâng sớ xin giết mười tám kẻ gian thần mà vua không nghe đã từ quan về dạy học ở am Bạch Vân. Học trò của ông có nhiều người văn võ toàn tài như Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh... Khi Lương Hữu Khánh bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa phò vua Lê vẫn gửi quế Thanh ra biếu thầy mình. Dưới thời Tây Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ biết được Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) là thầy giáo của nhiều triều thần Lê - Trịnh đương thời đã nhiều lần viết thư mời ra làm quân sư để thu phục nhân sĩ Bắc Hà.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh”. Cái “nguyên khí” ấy của quốc gia là do người thầy tạo dựng, vun trồng. Tình thầy trò qua những trang sử của dân tộc là những hình ảnh đẹp. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nhắc lại câu chuyện về đạo thầy trò xưa cũng là để bày tỏ mong ước về nền giáo dục ngày hôm nay.
Trần Văn Quyến
( Bộ môn Hán Nôm Khoa Ngữ
Văn Trường ĐH Khoa Học Huế)
www.thethaovanhoa.vn
Top 10 Contributor
cầm sư cấp 4
dương quá:

ngày xưa học trò viết phải quỳ sát dưới đất sao không ai kêu la, không ai cận thị, không ai khinh thầy....không thu học phí, thầy giáo thanh đạm...

ngày nay có internet ,có mọi thứ thì tình hình đảo ngược hết. trò đâm chém thầy cô giáo..dạy chữ nhưng không dạy làm người! buồn thay!!!

tại học trò ngày nay kém thông minh hơn học trò ngày xưa đó bạn . Bước vô trường tiểu học là có mấy cái bảng to đùng " TIÊN HỌC LỄ , HẬU HỌC VĂN " các câu ca dao , các câu tục ngữ đều dạy làm người cả , nhưng ngặt cái là họ không muốn làm . Thầy cô lúc nào cũng dạy các bạn nhỏ ra đường gặp người khác là phải lịch sự lễ phép , kính trên nhường dưới , nhưng cứ mở miệng ra là đòi đấm đòi đá người ta , mở miệng ra là thấy bất kính với người già ... Mấy cái đó là lỗi tại ai chứ không có liên quan gì đến thầy cô đâu bạn .

Đào Hoa Ảnh Lạc Mai Thần Kiếm Bích Hải Triều Sinh Táng Ngọc Tiêu

Top 200 Contributor
đại cầm thủ

theo tui thì lỗi cả hai, cộng thêm của gia đình nữa

mà lỗi lớn nhất là của giáo viên, và gia đình. Trẻ con là tờ giấy trắng, dạy kiểu gì mà ra nong nổi kiểu đó.  Xã hội thay đổi, nhưng nhật thức người lớn tuổi chưa thay đổi, chưa rộng mở. 

Con người khi bị gò bó thì sẽ làm loạn. 

Page 1 of 1 (4 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems