Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Tiếng đờn đắng ngọt như đời

rated by 0 users
This post has 3 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Cool [H] Posted: 05-28-2010 0:02

Nhạc sư Vĩnh Bảo

Tiếng đờn đắng ngọt như đời

Nhả chút tơ tằm lên phím nhạc
Gởi vào cung bậc ít tâm tư
Nắn dây, giọng oán từng hơi thở
Gởi với đường tơ muôn mảnh lòng 
                                                          (thơ Vĩnh Bảo)

Ông ở trong một căn nhà rất nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, nằm lẩn khuất sau nhiều ngã rẽ. Ngôi nhà 30m2 chứa đến sáu nhân khẩu: ông bà, gia đình con trai và cháu nội. Phía trên có một cái gác, và chính cái gác nhỏ có bancông chìa ra mặt tiền hẻm đón chút nắng gió này là nơi ông sống với ký ức và những giấc mơ âm nhạc.

Đó là nơi cây đại thụ của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc, cũng là người gần như duy nhất đang gìn giữ bí quyết làm ra những cây đàn hay nhất cho âm nhạc truyền thống Việt Nam, ở tuổi 92, vật lộn từng ngày với cái nóng và sự thiếu thốn, chật chội để một lòng nghĩ đến việc truyền bá âm nhạc dân tộc cho các học trò trên khắp thế giới.

Thưa nhạc sư, ông có sinh sống được bằng nghề dạy và chơi đàn, nhất là trong thời buổi mà nhạc dân tộc cổ truyền đang “thất thế”?

Tôi giờ vừa dạy nhạc trên internet, vừa làm nhiều thứ, kể cả dịch văn bản, tài liệu tiếng Pháp cho bạn bè, bà con cô bác cần nhờ… Giờ tôi sống đơn giản, học trò thương gửi tiền nuôi. Học trò của tôi có cả nước ngoài và trong nước, đa số là học trên mạng. Còn những ai đến đây phải là thân lắm hay học trò cũ ngày xưa, tôi mới nhận lời dạy. Vì tôi có những tâm tư riêng, về người Việt mình bây giờ không phải như ngày xưa.

Tôi chơi với ai cũng thiệt tình nên không thích gặp những người gian dối. Vì sao bây giờ tôi không nhận học trò nữa ư? Ai thích học thì tôi dạy, không phân biệt, không giấu nghề… nhưng có một học trò giỏi khó lắm. Học nhạc giống như đi tu, không phải đi đúng đường hay trật đường. Là do cái tâm mình. Chẳng hạn như cô học văn trong trường với cô giáo, nhưng khi cô ra trường có thể viết hay hơn cô giáo, đó là do tâm hồn cô đẹp, văn cô đẹp làm cho ngôn ngữ của cô đẹp, đi vào lòng người êm ái.

Giống như tiếng đờn, gần nhiều người xấu, tâm xấu, tiếng đờn xấu xa… Tất nhiên, tài năng họ có, nhưng còn kinh nghiệm với đời thì có thể không bằng tôi, với gần cả đời trải qua, tuy không thể truyền kinh nghiệm nhưng có thể khuyên bảo họ… Chịu khó nghe người đi trước, tiếp thu được là cũng có tiếng đờn đắng ngọt như đời.

Điều gì khiến ông không bao giờ từ bỏ nhạc dân tộc dù có phải trả giá bằng cả cuộc đời nhọc nhằn?

Từ lúc xa gia đình, tha hương khắp chốn, lang thang ở Sài Gòn, tôi chưa bao giờ có nhà. Lấy vợ, có nhiều bạn thương tình cho ở đậu vài ba năm… mãi đến năm 2000, hơn 80 tuổi, mới mua được căn nhà này, mấy chục cây vàng đó. Ngày trước, có thời gian tôi dạy trường nhạc, lãnh lương hàng tháng, không phải lo lắng gì, chỉ chuyên tâm vào âm nhạc. Sau đó tôi có đoạn đời thèm được sống cái kiếp cơ cực của người ta. Tại tính tôi thích lăn xả vô cuộc đời, mà chơi với thượng lưu trí thức làm sao biết giới khác họ sống thế nào. Gia đình tôi rất giàu có, nhưng tôi vẫn nghèo. Vợ tôi vô nhà bảo sanh, phải đóng 20 đồng, tôi chạy đi kiếm tiền, mượn bạn, bạn đưa luôn 25 đồng…

Hồi đó bạn bè thương mình lắm. Tôi không muốn lợi dụng ai, nên sống nghèo. Rồi tôi bỏ trường nhạc ra lái taxi, mục đích là được gia nhập thế giới của những số phận bạc phước, hẩm hiu. Trên những chuyến xe đó, tôi gặp được ngàn ngàn mảnh đời, không ai giống ai, nhưng ai cũng có ước mơ được sống yên ổn, không chiến tranh. Đó cũng là một trong những thứ người nhất, nhân văn nhất của dân tộc mình. Những mảnh đời đó đi vào âm nhạc của tôi, như những lời tự tình. Vì thế, dù cơ khổ, tôi cũng vẫn chỉ thấy mình thật sự sống với tiếng đờn, mỗi ngày.

Tôi là nhạc sĩ, sống với nội tâm nhiều hơn ngoại cảnh. Đối với tôi không có chuyện lớn, chuyện nhỏ, không có kỳ quan, chỉ có tình thương. Những huân chương với tôi chỉ là hão huyền, mộng, giả… nhưng trong đời không có khen chê, thưởng phạt thì không tiến bộ. Và chỉ có âm nhạc mới làm dịu lòng người. Những nhạc sĩ được gọi đúng với tên gọi có nhiệm vụ hâm nóng lại, làm thăng hoa cho cuộc sống của chính mình và những người chung quanh. Có khi âm thầm lau nước mắt trong lúc mọi người cười. Cũng có lúc chỉ mình mình thưởng thức được vẻ lộng lẫy của thế gian.

Tôi có khả năng nghe tiếng đờn biết tính tình người, biết cả họ sẽ có cuộc đời thế nào. Nhạc ảnh hưởng đến cuộc sống rất mạnh, nhất là sức khoẻ. Bản nhạc nghe êm dịu, trái tim ta đập đều, nhưng nếu nhịp điệu mạnh thì chân tay muốn giựt rồi. Nhạc dân tộc đưa tôi gần với thiền. Được ở trong trạng thái thiền nghĩa là thắng được chính mình, bằng lòng với cái tối thiểu mình đang có, không đòi hỏi. Vì tôi hiểu, cuộc sống chỉ đãi ngộ những người ít đòi hỏi, biết phục tùng, ngoan ngoãn, còn hồi trẻ tôi toàn làm ngược lại nên khổ.

 

Những người nhạc sĩ được gọi đúng với tên gọi có nhiệm vụ hâm nóng lại, làm thăng hoa cho cuộc sống của chính mình và những người chung quanh. Có khi âm thầm lau nước mắt trong lúc mọi người cười. Cũng có lúc chỉ mình mình thưởng thức được vẻ lộng lẫy của thế gian.

Ngày nay, có phải do chúng ta đã bớt đau khổ vì thảm hoạ chiến tranh, nên những Tứ đại oán, Nam ai… không còn làm nhức nhối tâm thức người Việt?

Đừng đổ thừa chiến tranh mà nhạc dân tộc bị mai một. Đâu riêng gì mình, Nhật Bổn bị chiến tranh, nhưng sau chiến tranh họ vẫn phục hồi được. Tôi nhìn thời thế bây giờ, nghĩ quẩn: một dân tộc vọng ngoại, thích nhạc Mỹ, nhạc Âu… rồi bỏ nhạc mình là tự giết chết cội rễ. Nước họ nuôi dưỡng nhân tài, tìm nhân tài, còn mình thì sợ nhân tài… Mất lần hồi là tại mình, mình chê mình, mình cho mình là dở rồi lấy của người ta đem về cho là hay. Nhạc dân tộc ngày xưa gần như là độc tôn. Hồi đó, nghe nhạc Tây như vịt nghe sấm, bà con mê nhạc dân tộc, nghe thấm thía lắm. Lần lần tụi trẻ lớn lên rồi chê, thích nhạc Tây vì nghĩ nếu biết nó thì thấy mình sang trọng, có oai… Nhỏ đã cho ăn cơm Tây, lớn biểu nó ăn cơm mắm kho, ăn sao được…

Tinh thần vọng ngoại lớn quá mà. Nhạc dân tộc dần bị lai căng, mất gốc. Những người biết chuyện muốn nói thì không ai mời họ nói, còn những người nói tầm bậy tầm bạ thì được mời lung tung, thành ra cái giả lộng hành. Thời điểm huy hoàng của nhạc dân tộc là từ năm 1930 đến 1970. Tất cả đều là tự phát, người này dạy người kia, học lẫn nhau.

Năm 1956, tôi đi dạy, cũng chỉ một nhóm người, cho nên vấn đề giáo dục âm nhạc khác nhau. Nhưng việc học nhạc dân tộc ngày xưa là truyền khẩu, truyền nối, không thành văn. Ông thầy nói, người học ghi nhớ trong đầu, rồi nhiều người nói với nhiều ngả khác nhau. Thậm chí nhiều bản nhạc cũng không nhớ do ai sáng tác. Vậy tìm hệ thống thế nào được. Có người học sao đờn vậy. Có người cũng sáng tạo… không ai phục ai, ai cũng chơi theo cách của mình, không bằng cấp… Giờ dạy kiểu đó đâu có được, phải có giáo trình, muốn vậy phải có trình độ mới soạn được. Do vậy khi tôi dạy, tôi mới sáng chế ra ký âm, nhưng một con én không thể làm nên mùa xuân, cũng vì vậy mình không có trường chính quy… Lần hồi, mai một đi thôi.

Người Việt cần có niềm tin nào vào những bí ẩn của thanh âm tự tình dân tộc? Để duy trì nó cho các thế hệ con cháu, chúng ta phải làm gì đây?

 

– Ông tên đầy đủ là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh,
tỉnh Sa Đéc.
– Từ năm 12 tuổi, ông được may mắn gặp những nhạc sư nổi tiếng và đã học đờn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa
(Trà Ôn)… tính ra với gần 200 “thầy” ở khắp ba miền Nam – Trung – Bắc. Ngoài đàn tranh là
sở trường, ông còn sử dụng thành thạo đàn kìm, đàn cò, đàn gáo.
– Năm 1935, ông sáng chế ra dây tỳ và dây xề liêu.
– Năm 1947, ông dạy tiếng Pháp ở trường
tư thục Ngô Quang Vinh.
– Năm 1955, trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn được thành lập. Ông được trường mời dạy môn đàn tranh, cùng với các nhạc sư, nhạc sĩ Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ), Hai Biểu, Chín Trích, Hai Khuê, Bảy Hàm. Sau đó, ông được trường cử làm trưởng ban cổ nhạc miền Nam.
Trong thời gian dạy tại đây, ông Vĩnh Bảo có sáng chế phương pháp ký âm bài bản nhạc truyền thống.
– Ông là người đầu tiên cải tiến đàn tranh
từ 16 dây ra loại có kích thước lớn với 17, 19 và 21 dây.
– Ông được trao giải thưởng Đào Tấn năm 2005, năm 2008 nhận giải Văn học nghệ thuật của bộ Văn hoá Pháp.

(theo Nhạc sư Vĩnh Bảo với 65 năm đàn tranh, Trần Quang Hải)

Tiếng nhạc là sản phẩm của xã hội, là tiếng nói của xã hội đó, cô có ở trong cộng đồng đó, nghe mới thấy thấm thía. Nhạc dân tộc hồi đó thuần khiết. Đến khi tiếp xúc với các loại nhạc khác của thế giới, tôi biết vẫn có thể giữ nó thuần khiết, nhưng vì xu hướng thời thượng, muốn nhạc dân tộc vẫn từ từ lậm vào người nghe qua những giai điệu mới theo sự phát triển của xã hội đang ào ạt, tôi muốn làm cái gì mới hơn một chút, nhưng nghe qua, vẫn biết đó là nhạc dân tộc vì nó thật sự được viết trên nền nhạc dân tộc.

Có cách giữ không ư? Những người giữ đã chết hoặc sắp chết. Tôi đã ở đây ba mươi mấy năm, tôi cũng chẳng làm gì được cho nước nhà hết vì đâu có ai dùng mình… giờ thì hết hơi rồi. Nhưng mấy năm gần đây được bầu bạn cùng ông Trần Văn Khê hoà nhịp đờn cũng thú. Hay ngồi nhìn mấy cháu Hải, Phượng… tay nhịp nhàng, lòng êm ái, thấy cũng có tương lai. Chỉ mong các cháu ấy tiếp tục đào tạo thêm học trò, và mong bà con thuyết phục con cháu mình chịu nghe đờn tranh, tiếng sáo, các bà các cô chịu ru con bằng điệu hò, rủ nhau đi coi vọng cổ. Cứ từ từ vậy, biết đâu…

Ông đã tiếp nhận không gian âm nhạc từ môi trường gia đình, trong đó, vẻ như chính người cha – một thầy thuốc đông y mê nhạc dân tộc đã ảnh hưởng đến đam mê và sự lựa chọn của ông từ thuở thiếu thời?

Gia đình tôi có bốn anh em trai, ba gái. Ông cụ nhà tôi là địa chủ, có đất, học chữ nho, làm thơ, thuốc đông y, học võ, nuôi gà, cây kiểng và đờn rất hay: kìm, tranh, cò và hát bội mà kép hát cũng phục. Ảnh hưởng của cha nên tôi cũng mê, và mò mẫm học. Có thầy đến dạy, ông già không bằng lòng vì sợ con cái bỏ học mê đờn. Mẹ tôi thì khuyến khích. Mẹ tôi là một người đàn bà tuyệt diệu, tôi chưa thấy người mẹ nào thương con, hiền đức, ăn ở nhân hậu, rộng rãi đến vậy. Mẹ tôi còn khuyến khích, phê bình tiếng đờn của tôi. Lúc tôi lên sáu, thấy tôi ôm cây đờn dài quá với không tới, bà lẳng lặng đi tìm mua cho tôi cây đờn nhỏ, tôi mê lắm. Kể ra thì cuối cùng anh em tôi cũng bỏ, không ai làm nghề này vì không sống nổi, chỉ nghĩ đó là thú chơi. Chỉ riêng mình tôi sống vì nghề này.

Trong khi tôi đờn, tôi nghĩ nhiều chuyện lắm. Nào là chiến tranh, nhân tình thế thái, người thương, người ghét, những buồn vui đi ngang qua tiếng đờn… nhưng đờn mà cái tâm không yên thì đờn không hay được… Phải như người đứng bên dòng sông, thấy dòng đời trôi mà nhận ra phận người. Người đờn giỏi, nghĩ sao đờn vậy, càng đờn càng hưng phấn, não hoạt động, tim đập, máu chảy lưu loát như tiếng đàn… Cái gì mình biết thật sâu thì mình nói như không.

thực hiện: Ngân Hà
tranh minh hoạ: Hoàng Tường

 

Giáo sư Hoàng Chương:

Cách đây năm năm, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong có trao cho tôi hồ sơ tài năng âm nhạc đề tên nhạc sư Vĩnh Bảo để giúp tôi tìm được người xứng đáng được trao giải Đào Tấn, tôi đọc một mạch. Giải thưởng được trao cho ông, tôi có dịp trò chuyện, nhận thấy ông không chỉ là một nhạc sư uyên bác, khiêm nhường mà còn có ngón đàn thần sầu.

Mỗi lần nghe ông chơi, tôi như được sống với thế giới thiêng liêng của mình. Tôi chỉ thật sự được ông tin tưởng khi vừa cách đây vài tháng, cũng chính giáo sư Phong gọi điện báo ông cụ bị xuất huyết não, đang nằm bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng gia đình không đủ tiền để mổ. Ngay lập tức tôi gọi điện thoại khắp nơi và cuối cùng ông cụ được cứu sống nhờ bác sĩ Tuyết Nga, giám đốc bệnh viện Vũ Anh nhận lời chạy chữa cho cụ hoàn toàn miễn phí. Giờ thì mỗi lần nghĩ đến cụ, tôi lại thấy cụ như người thầy thân thương, người cha đáng kính của mình.

Nghệ sĩ Hải Phượng:

Tôi được diễn với thầy nhiều lần, mỗi lần như vậy là một lần được sống với âm nhạc dân tộc lên đến mức tuyệt đỉnh. Vì thầy là người có khả năng đi vào tiếng đàn của người khác, nương nhẹ và nâng người chơi cùng mình lên đến mức thăng hoa. Đối với người chơi đàn tài tử, đó là bản lĩnh của tài năng.

Ngoài đời thầy là người dí dỏm, thông minh. Có nhiều hôm nói chuyện với thầy mà quên cả tuổi tác của thầy. Những câu chuyện của thầy phần lớn đều mang ý nghĩa sâu sắc mà được thầy kể rất hài hước. Còn điều này nữa: thầy còn là một nghệ nhân đóng đàn tuyệt vời. Bất kỳ một người chơi nhạc dân tộc nào cũng cố gắng có cây đàn “made by Vĩnh Bảo”. Cây đàn do thầy làm ra được xem như một trong những chuẩn mực đóng dấu cho sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ chơi đàn dân tộc.

sgtt.com.vn

Not Ranked
tiểu cầm thủ
yêu âm nhạc yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Top 150 Contributor
cầm sư cấp 1

Thử hỏi còn có bao nhiêu người như nhạc sư Vĩnh Bảo, bao nhiêu người như nghệ nhân Hà Thị Cầu? Haizzzz..........

Hải hồ không phiêu lãng Tráng tâm thành đại cuồng.
Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2

Đọc bài viết mà thấy người nhẹ hẳn lại. hi

cảm ơn bác traudat nhiều

Page 1 of 1 (4 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems