Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Hồ Nga và chiếc đàn tam thập lục thế hệ mới

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Star [*] Posted: 07-29-2008 2:05

 

Nghệ sĩ Hồ Nga biểu diễn đàn tam thập lục với pedal dùng chân 

TT - Nghệ sĩ Cao Hồ Nga chỉ đôi pedal nối vào bên dưới chiếc đàn tam thập lục, giải thích: việc sử dụng chân cho pedal thể hiện cảm xúc của người nghệ sĩ trong diễn tấu, hơn nữa, đây là giải pháp ngắt tiếng cho đàn tam thập lục - một nhược điểm khiến nhiều thế hệ chơi đàn tam phải ưu tư nhưng chưa ai khắc phục thành công.

Quan trọng hơn, Hồ Nga đã sáng tạo một cách thể hiện kỹ thuật pizicato (*) cho chiếc đàn không dùng cách chặn tay như truyền thống. "Việc đánh những đoạn nhạc viết toàn pizicato luôn là thách thức với chiếc đàn tam thập lục, vì người nghệ sĩ xưa nay chỉ có cách dùng tay chặn trên dây đàn để tạo hiệu ứng pizicato. Chặn tay có hạn chế là không nhanh được, nếu với những bản nhạc viết toàn pizicato thì đàn tam thập lục rất khó thể hiện" - Hồ Nga nói về nhược điểm truyền thống của chiếc đàn.

Thương chiếc đàn bị... ép

Người chỉnh âm thanh trên các sàn trình diễn nhạc dân tộc điều chỉnh âm thanh chiếc đàn tam thập lục luôn thấp hơn các nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Lý do vì một "cố tật" của chiếc đàn là âm thanh vang quá nhiều không ngắt hết được, chỉnh cao sẽ bị rè, át các tiếng đàn khác. Và kết quả là âm lượng của chiếc đàn luôn bị chỉnh ép cho thấp xuống. Thành ra, từ vị trí quan trọng là giữ phần hòa âm, tạo âm lượng đầy đặn cho cả dàn nhạc dân tộc, chiếc đàn này trở nên mờ nhạt trong những lần diễn "sống" trên sân khấu. Điều này khiến nghệ sĩ Cao Hồ Nga - ngón đàn tam thập lục của nhóm nhạc Mặt Trời Đỏ - nung nấu ý định cải tiến chiếc đàn tam thập lục truyền thống.

"Thoạt đầu tôi chỉ muốn làm sao có một chiếc đàn tam thật tốt, thích hợp để sử dụng cho chương trình của cả nhóm nhạc - Hồ Nga tâm sự - đến khoảng năm 2005, khi cùng nhóm Mặt Trời Đỏ diễn nhiều và thu âm nhiều, tôi càng thấy thương chiếc đàn tam vì trên sân khấu thì luôn bị chỉnh ép, vào phòng thu thì tiếng đàn tam bị um, thường bị than phiền...".

Gắn bó với chiếc đàn tam thập lục từ những ngày lên bảy lên tám, rồi suốt những năm ở Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Nhạc viện TP.HCM, Hồ Nga hiểu rõ những khiếm khuyết của nhạc cụ này. Hồ Nga nhớ lại vào khoảng năm 2000, trong một lần sang Nhật Bản giao lưu, gặp một nữ nghệ sĩ đàn tam thập lục người Trung Quốc sang Nhật Bản du học, có sử dụng chiếc đàn tam cải tiến. "Cô này dùng pedal để ngắt tiếng, nhưng chỉ mới ngắt tiếng hoàn toàn chứ không chơi pizicato được" - Hồ Nga cho biết.

Tam thập lục thế hệ mới

Ý tưởng của Hồ Nga về việc cải tiến chiếc đàn tam thập lục để khắc phục các khuyết điểm cố hữu được ủng hộ và chia sẻ từ... ông xã - nghệ sĩ Kim Quang, cũng là một người đam mê chế tác. Hồ Nga kể: "Anh Quang là người đầu tiên nghe tôi đánh thử nghiệm bằng chiếc đàn cải tiến. Vừa là người nhà, vừa là đồng nghiệp, anh Quang đã nhiệt tình góp ý và thẩm định cho tôi".

Trung tâm Văn hóa TP.HCM cũng đánh giá cao ý tưởng của Hồ Nga đã nhận đứng ra chủ trì công trình cải tiến chiếc đàn tam thập lục truyền thống, với hai cố vấn chính thức là nghệ sĩ Thế Viên và Kim Quang.

"Bắt tay vào mới thấy gian lao - Hồ Nga tặc lưỡi - Tôi phải bay ra bay vào giữa Hà Nội và TP.HCM thường xuyên, vì người đóng đàn cho tôi là anh Khải - nghệ nhân của Nhạc viện Hà Nội. Anh Khải đã rất vất vả khi phải chỉnh đi sửa lại nhiều lần. Tạo hiệu ứng pizicato không đơn giản, lúc đầu tôi nghĩ ra cách thiết kế một mặt dạ kiểu như đàn piano nhưng không thành công vì chất liệu dạ cứng quá. Lại phải thử đi thử lại trên nhiều chất liệu, cuối cùng chọn được một loại mút có thể sử dụng tốt. Phần còn lại là thiết kế mặt mút tiếp xúc với dây đàn, hiệu chỉnh độ đàn hồi của pedal, rồi tập cách sử dụng pedal bằng chân cho thuần thục... Quá trình này cũng khiến anh Thế Viên phải bay ra Hà Nội để góp ý trực tiếp với nghệ nhân đóng đàn".

Sau khi "phá hỏng" hai chiếc đàn tam thập lục trong ba năm, đến chiếc đàn thứ ba Hồ Nga mới cảm thấy tự tin. Và niềm vui của chuỗi ngày chế tác kham khổ trào dâng trên đôi tay như múa của Hồ Nga trong buổi biểu diễn nghiệm thu. Nhạc sĩ Ca Lê Thuần chăm chú lắng nghe hiệu ứng pizicato từ kỹ thuật sử dụng pedal hoàn toàn mới, ông yêu cầu Hồ Nga đánh đi đánh lại những đoạn pizicato và công nhận khả năng chơi pizicato của chiếc đàn mới này.

Hội đồng chuyên môn nghiệm thu đã đánh giá công trình cải tiến chiếc đàn tam thập lục của Hồ Nga là thành công xuất sắc (Tuổi Trẻ  17-7). Và câu chuyện về người VN cải tiến chiếc đàn tam thập lục của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu. Hồ Nga cho biết cô sẽ tiến hành đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho chiếc đàn tam thập lục kiểu mới.

LAM ĐIỀN

www.tuoitre.com.vn

(*) Pizicato: kỹ thuật chặn tiếng vang của dây đàn nhưng vẫn còn giữ độ ngân vừa đúng với nốt nhạc. Với đàn tam thập lục, cách tạo hiệu ứng pizicato truyền thống là người nghệ sĩ một tay đánh và một tay chặn nhấn trên dây đàn.

 

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3

Tranh cãi quanh việc cải tiến đàn tam thập lục

Nghệ sĩ Hồ Nga biểu diễn trên cây đàn tam thập lục cải tiến. Ảnh: C.T.V
Nhạc sĩ - NSND Trần Quý cho rằng nếu bảo không có ai cải tiến như Hồ Nga đang làm... là không đúng. Nghệ sĩ Hồ Nga nói: “Công trình cải tiến của tôi không hề bắt nguồn từ Trung Quốc”

Thông tin nghệ sĩ Hồ Nga (trưởng nhóm Mặt Trời Đỏ) bảo vệ thành công công trình “Cải tiến cây đàn tam thập lục” tại Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vào ngày 16-7 vừa qua và được hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao khiến những người quan tâm đến loại nhạc cụ này chú ý. Ngay sau đó, một cuộc tranh cãi đã nổ ra trong giới âm nhạc mà mở đầu là lá thư của nhạc sĩ- NSND Trần Quý gửi chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu công trình “Cải tiến đàn tam thập lục”, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Một cải tiến đã có từ lâu ở các nước?

Hồ Nga được xem là người VN đầu tiên có công trình cải tiến một nhạc cụ dân tộc có hiệu quả thực tiễn cao (đàn tam thập lục), góp phần thiết thực vào việc nâng cao khả năng biểu diễn của nhạc cụ này. Theo báo cáo của Hồ Nga, đàn tam thập lục (đàn 36 dây) từ nước ngoài du nhập vào VN. Cây đàn này tạo thêm sự đầy đặn về âm lượng trong phần hòa âm của một dàn nhạc dân tộc. Tuy nhiên, đàn cũng có những nhược điểm như âm thanh dễ bị nhiễu, nhiều tạp âm và nhất là khi muốn ngắt tiếng vang, người chơi đàn phải một tay đánh, một tay chặn trên dây đàn. Đặc biệt, nghệ sĩ không thể thi triển kỹ thuật pozicato (búng, ngắt tiếng trên dây đàn). Để khắc phục nhược điểm này, Hồ Nga đã nghĩ đến việc lắp đặt hệ thống chặn dây bằng nỉ với 2 pedal (bàn đạp). Một bàn đạp để ngắt âm thanh và một bàn đạp để tạo ra âm thanh pizzicato (kỹ thuật chặn tiếng vang của dây đàn nhưng vẫn còn giữ độ ngân vừa đúng với nốt nhạc).

Trung Quốc đã trở lại cây đàn gốc

 

NSƯT Tuyết Mai, một trong những nghệ sĩ ít ỏi chơi nhạc cụ tam thập lục tại TPHCM, cho biết: Trung Quốc đã tiến hành cải tiến cây đàn với hệ thống pedal từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, sau này, nhận thấy pedal không đem lại nhiều ý nghĩa thực tiễn như mong muốn và hạn chế của đàn cũng không đáng kể nên nghệ sĩ Trung Quốc quyết định bỏ hệ thống cải tiến và sử dụng lại cây đàn gốc như xưa.

Nội dung thư của nhạc sĩ- NSND Trần Quý viết: Có lẽ nghệ sĩ Hồ Nga còn quá trẻ nên không biết rằng cách đây 50 năm, Trung Quốc đã cải tiến thành công cây đàn tam thập lục có hệ thống bàn đạp để chặn, ngắt tiếng cùng với các kỹ thuật diễn tấu khác như pizzicato, staccato... Họ còn sản xuất thành nhiều loại: tiểu, trung và đại. Năm 1962, sau khi Bộ Văn hóa quyết định thành lập Đoàn Ca nhạc Dân tộc Trung ương, đoàn được Trung Quốc tặng cây đàn tam thập lục đại (to gần gấp 3 cây đàn hiện nay ta đang dùng)... Nhạc sĩ- NSND Trần Quý cho rằng Hồ Nga phát biểu trên báo với nội dung: “Ngay các nước có sử dụng đàn tam thập lục như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... cũng không có ai cải tiến như cô đang làm...” là không đúng.

GS-TS-NSND Quang Hải (người từng chỉ huy dàn nhạc dân tộc đoàn Ca nhạc Dân tộc Trung ương những năm 60 của thế kỷ trước, thời gian đoàn này được sở hữu món quà tặng của Trung Quốc), cho biết: “Trong tổ nhạc cụ màu sắc của Đoàn Ca nhạc Dân tộc Trung ương lúc đó đã có cây đàn tam thập lục cải tiến do Trung Quốc tặng (năm 1962), NSND Nguyễn Văn Thương mang về. Hộp đàn màu gụ có hình thanh, to khoảng gấp 3 lần đàn tam thập lục sử dụng bây giờ, có 2 chân là 2 miếng gỗ dẹp, khi cần di chuyển có thể xếp gọn xuống thùng đàn, phía trên có nắp đậy, khi mở ra là giá nhạc. Đàn này đã cải tiến, có 2 pedal (một để ngắt tiếng, một để làm cho tiếng êm hơn- giống như pedal của đàn piano). Hệ thống mắc dây lúc đầu theo kiểu Trung Quốc (3 cầu). Về sau, cô Xuân Nhung, anh Hữu Xuân và Vũ Ngọc đã cải tiến, chuyển đổi theo bình quân luật (4 cầu). Đàn này có vị trí như đàn piano của nhạc mới, dùng để đệm cho các nhạc khí độc tấu và đơn ca. Khi hòa tấu, nó giữ vai trò màu sắc như đàn harp của dàn nhạc giao hưởng”. Tuy nhiên, NSND Quang Hải từ chối không bình luận gì về công trình của Hồ Nga, bởi ông không là thành viên của hội đồng thẩm định nên chưa được mắt thấy tai nghe.

Hồ Nga: “Cải tiến của tôi khác họ”

Khi tiếp nhận những thông tin này, nghệ sĩ Hồ Nga cho biết: “Tôi rất tự tin và khẳng định rằng công trình cải tiến đàn tam thập lục của tôi hoàn toàn mới. Ở VN hiện nay chưa có một cá nhân hoặc đơn vị nào có cải tiến đàn tam thập lục. Hơn nữa, nếu cho rằng công trình cải tiến của tôi bắt nguồn từ Trung Quốc thì điều đó không đúng. Bởi, tôi từng chứng kiến một nghệ sĩ Trung Quốc chơi đàn tam thập lục có cải tiến nhưng chỉ với một pedal ngắt tiếng. Cách vận hành của pedal ở Trung Quốc và cây đàn mà tôi cải tiến cũng hoàn toàn khác nhau. Pedal ngắt tiếng của đàn tam thập lục ở Trung Quốc khi không giậm thì ngắt tiếng, còn khi giậm thì trở lại bình thường. Trong khi đó, hệ thống pedal của tôi có chức năng ngược lại. Hơn thế, trong quá trình nghiên cứu và ngay khi công bố công trình của mình, tôi đã nhờ sự hỗ trợ của hệ thống thông tin Internet nhưng không thấy ai lên tiếng về việc này cả. Đó chính là cơ sở để tôi tin rằng tôi là người VN đầu tiên cải tiến thành công đàn tam thập lục và nó hoàn toàn khác với sự cải tiến của nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc).

Nhạc sĩ Thế Viên (người đã hỗ trợ nghệ sĩ Hồ Nga rất nhiều trong công trình cải tiến đàn tam thập lục) khẳng định: “Dù sự cải tiến có giống nhau thì cái của người ta và cái của mình hoàn toàn khác nhau. Họ làm xuôi, mình làm ngược đã là sự khác nhau rồi. Và vì vậy, công trình này được xem là công trình cải tiến của Hồ Nga”.

Thùy Trang

www.nld.com.vn

Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems